NẮNG HƯNG YEÊN
Nguyễn Thị Hưng kể
Nhà sử học Hà Ân ghi
MỘT
Về đến Hưng Yên, tôi lấy bí danh mới là Hưng. Hưng là chữ đầu tên đất nơi tôi hoạt động. Tên này tôi dùng cho tới mãi bây giờ. Lúc ấy anh Lê Liêm thay mặt Xứ ủy phụ trách Hưng Yên. Trong ban cán sự tỉnh có các anh Lương Hiền[1], bí thư Ban cán sự tỉnh và anh Kim[2], anh Huỳnh[3]... Các đồng chí vui vẻ thân mật đón tôi. Khi biết tôi mới lấy chồng, các đồng chí đùa:
-Cô là một trường hợp đặc biệt đấy nhé.
-Đặc biệt cái gì hở các anh? - Tôi hỏi lại.
Các đồng chí cùng cười:
-Thông thường người ta lấy nhau thì ở với nhau. Còn cô vừa lấy chồng đã xa chồng ngay. Có ở với nhau được đủ tuần không?
-Biết làm thế nào hở anh?
Tôi vừa cười vừa trả lời rồi cầm chổi sà xuống quét căn phòng chúng tôi đang ở. Tính tôi vẫn thế, ở đâu tôi cũng hay kiếm việc ra mà làm, ít khi chịu ngơi tay, thành thử các đồng chí cũng thôi không hỏi tôi nữa.
Đêm ấy, Ban cán sự tỉnh họp. Tổ chức phân công tôi về phụ trách huyện Kim Động. Anh Lương Hiền bảo tôi:
-Kim Động đang cần đẩy mạnh cao trào cách mạng để sẵn sàng cướp chính quyền bằng bạo lực. Đồng chí về đấy, quần chúng rất hăng hái. Nếu gặp khó khăn gì thì bàn bạc với mọi người. Nếu khó khăn quá thì xin ý kiến của Ban cán sự tỉnh. Bây giờ phong trào đang cần cán bộ, đồng chí nên đi ngay.
Thế rồi sau một bữa cơm rau đặc biệt tiễn chân, tôi về Kim Động.
Hưng Yên vốn là một nơi có truyền thống đấu tranh. Trước đây vùng này đã là địa bàn hoạt động của nghĩa quân Bãi Sậy. Anh hưởng của Mặt trận Việt Minh đã ăn sâu bén rễ trong quần chúng, nhất là sau những trận hạ đồn Bần Yên Nhân hồi tháng trước. Kim Động là một huyện có phong trào cao trong tỉnh. Quần chúng tự động đấu tranh với bọn Nhật thu đay, với bọn lính lệ trên huyện. Nhưng phong trào Kim Động chưa được chỉ đạo chặt chẽ vì thiếu cán bộ. Chính vì vậy Ban cán sự tỉnh rất chú ý đến Kim Động.
Tới làng Theo, tôi được đồng chí Doanh[4], một đảng viên người địa phương, dẫn tới cơ sở đặt trong một gia đình quần chúng tốt. Anh cho tôi biết tình hình chung của Kim Động: Tinh thần quần chúng rất cao; lực lượng tự vệ thường xuyên được học tập và đã tự kiếm được một số vũ khí như dao, kiếm và có cả đôi ba khẩu súng trận nữa.
Anh nói:
-Khổ nhiều quá rồi. Không thể chịu như thế này mãi được. Bà con nông dân chỉ chờ dịp vùng lên, không tiếc gì với cách mạng cả. Chị xem có cách nào tập họp đông đảo đồng bào một cách nhanh chóng không?
Tôi lặng lẽ suy nghĩ. Tôi nhớ đến anh Bình, chồng tôi, đến những ngày hoạt động bên anh ở Ninh Bình. Đã có một lần anh Bình tổ chức một buổi diễn thuyết ngay giữa hội chùa Bái Dinh. Lần ấy, tôi đứng lẫn trong quần chúng. Những lời ngắn gọn nhưng đanh thép của anh rất dễ hiểu. Sau buổi diễn thuyết táo bạo đó tiếng đồn về Mặt trận Việt Minh lan đi rất nhanh từ vùng này sang vùng khác. Các tổ chức cứu quốc phát triển nhanh vô cùng... Tôi tự nhủ: "Có lẽ kinh nghiệm ấy dùng ở đây cũng tốt". Để chắc chắn thành công, từ hôm sau tôi đi xuống các xã, tìm hiểu tình hình. Tôi cẩn thận điều tra về bọn tổng lý từng vùng... Sau một thời gian, tôi thấy phong trào Kim Động khá mạnh nhưng chưa thật chắc. Ở nhiều làng, bọn cường hào còn nhiều tên ngoan cố tiếp tục ôm chân phát xít Nhật. Chúng tìm mọi cách ngăn cản ảnh hưởng của Mặt trận đối với quần chúng. Phải làm thế nào trấn áp bọn cường hào để chúng không dám liều lĩnh chống phá cách mạng nữa? Mặt khác lại phải làm cho đông đảo bà con hiểu được làm cách mạng là sự nghiệp của mình. Tôi suy nghĩ nhiều đến những điều đó. Và tôi cũng bàn với các đồng chí phụ trách huyện Kim Động như đồng chí Doanh. Sau khi cân nhắc kỹ, tôi đề nghị Ban cán sự tỉnh cho chúng tôi công khai tổ chức những cuộc mít tinh, diễn thuyết ở những nơi đông người và trong các phiên chợ v.v...
Được sự đồng ý của tổ chức, tôi đi khắp các xã, cung cấp tài liệu, tình hình thời sự trong nước và thế giới cho những anh em nòng cốt. Tôi chủ tâm bồi dưỡng để anh em biết một số vấn đề có thể diễn thuyết được trước đám đông. Có ngày tôi phải đi tới 30, 40 cây số từ Theo về Đồng Lý rồi sang Phận đến Tân Cầu, Phán Thủy để báo một tin quan trọng do tổ chức đưa về: Hồng quân Trung Quốc thắng lớn ở Hoa Bắc, hoặc quân Nhật đang rất hoảng sợ trước lực lượng vĩ đại của Hồng quân Liên Xô đang tập trung dọc biên giới Mãn Châu, Liên Xô. Lúc ấy những tin tức từ nước Nga đưa tới làm mọi người rất nức lòng.
Các đồng chí được chọn làm nhiệm vụ xung phong tuyên truyền bắt tôi kể chuyện Liên Xô, kể những gương tiền bối. Họ hỏi tôi về đồng chí Nguyễn Ai Quốc, về chiến khu Cao-Bắc-Lạng, về tình hình phong trào bên Pháp... Trước đây, tôi đã được nghe giảng tại một lớp chính trị, tôi lại được các anh Hoàng Quốc Việt, anh Trần Tử Bình, anh Lê Liêm giải thích cho những khi công tác thư thả. Bây giờ nhớ được bao nhiêu tôi nói lại với anh em từng ấy. Được cái tôi không nói văn vẻ thành thử anh em dễ hiểu. Tôi chỉ ân hận một điều rằng mình ít học quá, sách báo đọc chẳng được bao nhiêu, có khi chỉ một cột báo Cờ Giải phóng - cơ quan ngôn luận của Đảng ta lúc đó - tôi phải đọc hàng giờ đồng hồ mà cũng chỉ hiểu lỗ mỗ. Thêm nữa, trong hoàn cảnh đấu tranh bấy giờ, kinh nghiệm hoạt động bí mật không cho phép tôi ghi chép, mọi điều dù dài ngắn, dù đơn giản hay phức tạp đều phải dùng lối học thuộc lòng. Lý ra tôi còn có thể giúp đỡ anh em cơ sở được nhiều hơn. Trong lúc ấy dù chỉ là một sự hiểu biết rất nhỏ của mình, một tin tức thế giới từ những nước xa xăm cũng là điều bổ ích cho quần chúng. Có một lần, ngồi nói chuyện với một gia đình bà con nông dân sau khi cơm nước xong, tôi nói về đời sống của nông dân Nga trước khi cách mạng thành công và đời sống của họ bây giờ. Trong số người nghe có một bà cụ góa ở độ tuổi 68 mà vẫn phải đi chăn bò cho nhà giàu trong làng. Bà sang nghe tôi kể chuyện một cách lén lút. Nghe chuyện đàn bà nước Nga xong, bà sụt sịt khóc. Bà bảo tôi:
-Chị ơi ! Hóa ra cũng có cách sống trở lại làm người nhỉ? Cái kiếp tôi đòi của chúng tôi may ra cơ hội này cũng thoát được đấy.
Bà nói như vậy nhưng rồi cám cảnh kiếp người của mình, bà bỏ ra về và khóc to hơn. Tôi hỏi thêm mới biết bà bị chủ nhà bắt ăn cơm với chó. Mùa hè cũng như mùa đông, chỗ ở của bà là cửa chuồng bò. Nghe đâu đã mấy lần bà tự tử nhưng không chết được.
Chỉ trong một thời gian ngắn, bà con nông dân trong vùng đã coi tôi như người nhà. Tôi được bà con quý mến, người già coi tôi như con, hễ gặp việc lại bảo tôi làm; người trẻ coi tôi như chị cả, có gì vướng mắc lại hỏi để tôi bảo ban cho. Tôi còn nhớ một hôm đi chợ. Trên đường đi gặp một người đàn bà không hề quen biết. Chị dúi vào tay tôi mấy cái bánh tẻ, bắt tôi ăn và nói:
-Chị không biết tôi nhưng tôi biết chị. Tôi cứ liều hỏi chị: Đến bao giờ cách mạng nổ ra ở nước ta, hở chị?
Tôi đi với người đàn bà không quen biết này một độ đường và được biết chị ở mãi Ân Thi, cách vùng tôi hoạt động hàng chục cây số. Thì ra những câu chuyện tôi nói với bà con nông dân đã được bí mật truyền đi. Bà con tin tưởng vào cách mạng và chờ dịp theo.
Sau đó chúng tôi tổ chức những cuộc nói chuyện nhỏ ở các cơ sở. Cách làm ấy thu được nhiều kết quả tốt. Sau mỗi lần nói chuyện, anh Doanh gặp tôi rất vui vẻ. Anh hỏi:
-Có thêm tin tức gì khác bữa trước không hả chị?
Tin tức lúc bấy giờ cũng cần như súng đạn vậy. Tin tức lan đi làm bọn cường hào trong vùng phải co lại không dám liều lĩnh như trước nữa. Nhưng tôi vẫn phải đề phòng.
Thấy anh Doanh thường phải xông pha, tôi đưa cho anh khẩu súng lục nhỏ của tôi, kỷ niệm của chiến khu Hòa-Ninh-Thanh. Có súng để tự vệ cũng tốt.
Dạo ấy gần đến ngày hội đền Đậu An. Ngày hội là mồng tám tháng tư âm lịch. Bà con quanh vùng hay bàn tán đến ngày hội sắp tới này. Tôi hỏi đồng chí Doanh. Anh cho biết hội đền Đậu An năm nào cũng rất đông. Thường thường dân các huyện Kim Động, Tiên Lữ, Phủ Cừ và Ân Thi kéo về trước hàng mấy ngày để dự hội. Khách thập phương nơi xa, tận Hà Nội, Hải Dương cũng có người tìm đến. Tôi nghĩ ngay đến hội đền Bái Dinh năm nọ. Tôi bàn với anh Doanh và sau đó báo cáo xin chủ trương của Ban cán sự tỉnh. Anh Lương Hiền trả lời tôi rất nhanh chóng: Tỉnh đồng ý với chủ trương của huyện Kim Động nhưng cần đặc biệt chú ý đến bảo toàn lực lượng. Nhiệm vụ bảo vệ sẽ giao cho các đồng chí Kim Động, còn các huyện khác sẽ huy động thêm lực lượng đến thật đông.
Được chủ trương trên, chúng tôi lăn lưng đi đặt mối liên lạc và thảo luận với các đồng chí mấy huyện lân cận. Sau đó, tôi đến Đậu An trước để nghiên cứu địa hình địa vật và đường đi lối lại. Một kế hoạch hành động được đặt ra, trong đó chúng tôi chú ý đến cả những khả năng xấu nhất có thể xảy ra để đề phòng những bất trắc. Theo ý kiến chung của anh em, tôi quyết định cần phải gấp rút tập luyện cho các đơn vị tự vệ. Đặc biệt những đồng chí làm nhiệm vụ bảo vệ cho diễn giả, đều chọn từ những người có hành động nhanh nhẹn, dũng cảm, đủ khả năng đối phó với tình thế khó khăn.
Nhận được chỉ thị của huyện, các xã cử về những người nòng cốt, những đơn vị tự vệ đã được tập luyện lâu nay. Công tác huấn luyện giao cho tôi đảm nhiệm vì trước đây tôi đã được đào tạo qua một lớp quân sự đầu năm 1942, trong khu rừng Đồng Bảng, Ninh Bình. Lớp này tôi cùng dự với một số đồng chí trong có bốn nữ là tôi, chị S., chị Tâm, và chị Hồng (tức chị Hà Thị Quế). Qua lớp đó, tôi đã biết được một số động tác cơ bản, biết dàn đội hình trung đội, biết sử dụng súng trường và hiểu qua thế nào là lợi dụng địa hình, địa vật, hiểu qua chiến thuật du kích - chiến thuật hiện đang nổi tiếng với những thắng lợi của Hồng quân Trung Quốc. Kể ra vốn liếng quân sự của tôi chỉ có vậy nhưng với các đồng chí ở Kim Động bấy giờ thì đã là quý. Vì vậy, trước nhu cầu cấp bách tôi phải tiến hành ngay công tác huấn luyện.
Ở Theo và Đồng Lý có nhiều bãi đất rộng. Tôi lấy đấy làm bãi tập. Tối tối, những người được chọn từ nhiều ngả kéo về nhộn nhịp. Mỗi người mang theo một thứ vũ khí, thông thường là dao, mác hoặc một cây gậy giả làm súng. Chúng tôi không dám hô to khẩu lệnh vì sợ lộ bí mật, nhưng ai cũng muốn hô dõng dạc, cứng cáp... Trong số những người đi tập có các đồng chí Doanh, đồng chí Hà[5]ở Theo, đồng chí Ân[6]ở Đồng Lý, đồng chí Sinh[7]ở Phận v.v... Luyện tập quân sự mang lại nhiều cảm giác thích thú. Ai cũng thấy rằng sắp đến lúc đánh địch thực sự rồi. Cho nên, chỉ trừ lúc ốm nặng mới có người chịu vắng mặt. Sau một thời gian luyện tập, đội tự vệ đã sẵn sàng chờ lệnh, đồng thời mọi công tác chuẩn bị khác cho cuộc diễn thuyết xung phong đã xong và ngày hội cũng sắp tới...
* *
HAI
Đêm mồng bảy tháng tư âm lịch, chờ khi trăng đã lặn, tôi một mình mò đến đền Đậu An để thăm dò tình hình một lần nữa trước khi hành động.
Ngôi đền lúc ban ngày trông đã âm u, đêm đến lại càng vắng vẻ, cổ kính. Những hàng cây cổ thụ rườm rà cành lá, những mái ngói chót cong vút với hai con rồng chầu mặt nguyệt chỉ lờ mờ như những nét vẽ, ẩn hiện. Mai đã là ngày hội, cho nên bây giờ chong đèn và nghe thấy tiếng khách thập phương từ xa đến sớm rì rào nói chuyện. Thỉnh thoảng, tiếng chuông lanh lảnh vọng đi rõ xa...
Sáng hôm sau, mùng tám, khi trời mới rạng, người người đông nghịt từ nhiều ngả kéo về Đậu An. Các cơ sở ở mấy huyện vận động khá đông quần chúng đi lẫn vào khách thập phương. Đội tự vệ cũng bí mật mang vũ khí giắt gọn trong mình. Họ chia nhau thành từng tổ nhỏ tản ra cài chung quanh nơi được chọn làm diễn đàn. Hôm nay, anh Lương Phần[8], cán bộ huyện Phủ Cừ, sẽ cùng chúng tôi nói chuyện với đồng bào. Việc bảo vệ cho cán bộ rất được chú ý. Khoảng tám giờ, người đông kín quanh đền. Tiếng trống, tiếng chuông khua rầm rĩ... Thình lình hiệu lệnh bí mật ban ra.
Một lá cờ đỏ sao vàng trương lên ngay chỗ diễn đàn. Tôi thấy anh Lương Phần vụt xuất hiện từ trong đám đông. Anh giơ tay cao lên, cất tiếng nói thật to:
"Thưa các giới đồng bào!
Chúng tôi là người của Mặt trận Việt Minh. Đồng bào hãy cùng chúng tôi vùng lên đánh đổ phát xít Nhật, đánh đổ chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim. Bọn phát xít Đức, Ý đã bị đánh quỵ. Bọn phát xít Nhật đang dẫy chết. Chúng ta không thể cam tâm sống mãi kiếp ngựa trâu như thế này được. Hãy vùng lên, ai có dao dùng dao ai có súng dùng súng, giành lấy hạnh phúc tự do!".
Đó là những câu nói ngắn nhưng đầy đủ mà chúng tôi, những người cán bộ họat động trong thời kỳ bí mật, thường dùng tại những buổi xung phong tuyên truyền. Lúc đó, những anh em tự vệ thực ra cũng không phải hoạt động gì mấy bởi vì quần chúng hết sức ủng hộ lời anh Lương Phần. Sau khi nói xong anh đã lẩn vào đám đông. Còn chúng tôi ở chung quanh thay nhau hô khẩu hiệu:
"Việt Nam độc lập!".
"Đả đảo phát xít Nhật!".
"Ra sức tiễu trừ bọn Việt gian bán nước!".
Nhân dân hô theo ầm ầm. Những cánh tay vung mạnh mẽ, những ánh mắt sáng ngời. Không khí đấu tranh trong buổi diễn thuyết làm chúng tôi rất mừng. Lệnh từ ban chỉ đạo bí mật truyền đi: "Phải biến cuộc mít tinh thành cuộc tuần hành vũ trang thị uy". Quần chúng trong các tổ chức cứu quốc nêu gương trước. Ai nấy giơ lên những chiếc gậy, những con dao mang theo. Những người khác tự động kiếm cho mình một thứ vũ khí. Đoàn người rùng rùng tràn đi trong tiếng reo vang, tiếng hô khẩu hiệu... Những bước chân rầm rập kéo dài. Đội tự vệ chiến đấu của tôi chia nhau đi dẫn đầu và bảo vệ hai bên sườn. Chúng tôi kéo về chợ Dĩ Chế, biết rằng hôm ấy là ngày chợ phiên. Lúc đoàn tuần hành lượn theo con đê cong, tôi nhìn thấy đội ngũ trùng trùng điệp điệp kéo dài tưởng không đứt...
Thình lình có tin báo từ hàng đầu xuống: "Có lính huyện !". Thì ra tên quan huyện Phủ Cừ đi công cán. Nó ngồi trên chiếc xe tay, đầu ngật ngà ngật ngưỡng. Hai bên có mấy thằng lính lệ vác súng tay theo hầu. Đằng sau lại có một lính lệ đẩy. Thấy đoàn biểu tình vẫn tiến đến, tên tri huyện đã run nhưng vẫn ngồi trên xe. Bọn lính hạ súng xuôi tay, không biết xoay xở thế nào trước khí thế của đoàn tuần hành.
Đoàn người gậy gộc lởm chởm vẫn cứ lừng lững tiến đến. Trong đám đông có tiếng thét: "Đập tan cái xe của nó ra!", "Hất mẹ nó xuống ruộng!". Nhiều anh em ta đòi đập chết tên tri huyện. Nhưng ban chỉ đạo giải thích rằng chưa cần thiết, hàng ngàn con người tuần hành như thế này có những mục đích lớn hơn thế nhiều. Tuyệt đối tránh những đổ máu không cần thiết. Quần chúng nghe ra, đoàn người cứ thế rầm rập tiến lên, miệng hô lớn những khẩu hiệu đấu tranh. Lúc ấy tôi cũng đã lên hàng đầu.
Anh Doanh đang hô lớn: "Người Việt Nam không bao giờ bắn người Việt Nam!". Tôi cũng hô: "Anh em binh lính hãy tham gia vào đoàn biểu tình với nhân dân!". Xung quanh tôi, tiếng quần chúng hô như sấm chuyển:
"Đả đảo phát xít Nhật!".
"Đả đảo chính quyền bù nhìn!".
"Diệt trừ Việt gian bán nước!".
Tên tri huyện Phủ Cừ ngày thường vốn hống hách lúc này lại biết sợ. Y xuống xe, lấm lét đứng né sang một bên đường. Lúc đoàn tuần hành ào ạt tới, y tránh hẳn xuống bờ ruộng. Đoàn tuần hành cứ thế tràn qua, anh em lính lệ lúc này tuy chưa dám bước hẳn về hàng ngũ nhân dân nhưng mũi súng của họ đã chúc xuống đất.
Con đường đê tung bụi mù mịt dưới hàng vạn gót chân người. Chúng tôi tiến tới Dĩ Chế. Chợ Dĩ Chế vốn đông. Hôm nay cũng vậy, người mua kẻ bán tấp nập. Đoàn tuần hành chúng tôi tràn vào chợ, vừa đi vừa hô khẩu hiệu, khí thế như vũ bão. Tôi lấy khăn vuông bịt đầu, đeo một cặp kính đen lên để cải trang. Chọn một mô đất cao, tôi cất tiếng:
"Thưa đồng bào!...”.
Anh em tự vệ chia nhau quây lấy chung quanh tôi. Quần chúng cũng quây lấy tôi.
"Hiện nay, giờ chết của phát xít Nhật đã đến rồi. Mặt trận Việt Minh tha thiết kêu gọi các giới đồng bào sẵn sàng chờ lệnh Tổng khởi nghĩa. Đồng bào lao khổ hãy sẵn sàng vũ khí xông lên cướp chính quyền!".
Đoàn tuần hành và đồng bào đi chợ, đứng im phăng phắc. Từ trên mô đất cao nhìn xuống tôi chỉ thấy hàng nghìn chấm mắt đen lấp lánh chiếu vào tôi. Tôi vung mạnh tay nói tiếp, nhưng thấy trong bụng đau nhói. Mắt hoa lên, chân run run. Tôi cắn môi, kéo vạt áo trước xuống che vụng. Cái thai trong bụng tôi đang cựa quậy! Nhưng rồi tôi cố sức nói tiếp những điều cần nói lúc này:
"Hỡi đồng bào, chúng ta cương quyết không nộp một xu tiền thuế, không nộp một hạt thóc cho giặc, chúng ta cương quyết không đi phu. Đồng bào đang đói rét. Chỉ có một cách là đoàn kết lại thành một khối, vùng lên cướp lấy chính quyền theo lệnh của Tổng bộ Việt Minh!".
Lúc ấy, tôi vã mồ hôi, người lao đao. Tôi ngừng lại. Anh Lương Hiền biết tôi bị động thai, đứng từ xa ra hiệu cho tôi rút. Tôi bước khỏi mô đất, lẩn vào đám đông, tháo kính, tháo khăn. Anh em tự vệ đổi chỗ nhốn nháo để tráo hẳn tôi vào đám đông quần chúng. Bụng tôi lại nhói đau. Nhưng một cảm giác mừng vui xen lẫn với mối lo âu chớm nở trong lòng. Tôi lấy chiếc nón kín đáo che lên bụng. Chung quanh tôi, tiếng bàn tán về tôi vẫn tiếp tục:
-Mới đây mà đã biến đâu mất rồi. Tài thật !
-Trông người còn trẻ gớm, mà hình như có chửa.
-Chửa đâu mà chửa. Họ giắt súng đấy. Việt Minh bây giờ ai mà chẳng có súng.
Một chị có tuổi quả quyết:
-Đúng là súng đấy. Tôi đứng gần ngay chị ta, thấy rõ mồn một. Tôi thấy chị ta ngừng nói chuyện để kéo lại dây đeo cơ mà.
Tới gần trưa, đoàn tuần hành mới giải tán theo nhiều đường khác nhau. Chúng tôi, những cán bộ có trách nhiệm, họp ngay tối hôm ấy để rút kinh nghiệm. Người nào cũng phấn khởi trước thái độ đồng bào và tăng thêm lòng tin tưởng của mình vào sức mạnh của quần chúng.
Cuộc mít tinh biến thành tuần hành thị uy võ trang bắt đầu từ Đậu An, đã thành công. Tiếng đồn lan đi khắp Hưng Yên. Sau này tôi mới được các đồng chí trên tỉnh cho biết báo chí của địch cũng phải đưa tin và có những lời bình luận tỏ vẻ "Lo ngại trước những vụ dân cày gây rối loạn ở Kim Động".
* *
BA
Vài ngày sau hội đền Đậu An, tôi trở về cơ sở. Tiện có người quen đi Ninh Bình, tôi viết thư cho anh Bình. Nhưng thư viết chưa xong tôi đã nhận được thư của anh trước. Bức thư viết vội vã và rất ngắn trên một giấy xé tay lề lởm chởm răng cưa. Thư anh hẹn tôi về Chương Xá (một phố trên đường cái Hưng Yên - Hà Nội) để gặp anh.
Tôi báo cáo với Ban cán sự tỉnh và được trên đồng ý. Lúc bấy giờ bụng tôi đã thấy rõ. Trên có chủ trương cho tôi rút khỏi cương vị bí thư. Tôi bàn giao nhiệm vụ bí thư cán sự huyện lại cho đồng chí Doanh và chỉ làm nhiệm vụ trong Ban cán sự tỉnh, trực tiếp ở Kim Động.
Đến ngày hẹn về Chương Xá, tôi đến nơi hẹn trước, phải ngồi chờ anh Bình mất hơn hai giờ đồng hồ. Mãi mới thấy một người mặc bộ quần áo cánh nâu, đầu chụp khăn xếp, nách cắp ô nom như ông lái lợn. Tôi nhìn kỹ, đúng là anh Bình đã cải trang như vậy. Anh vội vã đi lại. Nhận ra anh, tôi vừa mừng vừa buồn cười nhưng không dám cười. Tôi nhìn thấy ánh mắt của anh Bình lướt trên bụng tôi. Anh mỉm cười:
-Sao em không báo tin cho anh biết?
Tôi ngập ngừng một lát:
-Em vừa định gửi thư cho anh, thì được tin anh hẹn gặp.
-Anh đã gặp các đồng chí trong Ban cán sự tỉnh nên cũng đã biết tin rồi. Hôm nay anh định dẫn em về thăm nhà.
Từ ngày lấy nhau chúng tôi xa nhau ngay, chưa có dịp về thăm gia đình nhau. Tôi chỉ được biết gia đình anh Bình qua những câu chuyện anh kể lại. Anh rất thương bố mẹ và các em. Anh bảo nhà anh nghèo lắm. Quê anh vốn ở Hà Nam, nhưng mới đây đã dọn về làng Phúc Tá, huyện Ân Thi. Hôm ấy, hai chúng tôi về thăm gia đình lần đầu.
Tìm đến đúng địa chỉ, tôi thấy một túp nhà tranh tiều tụy một gian hai chái. Đó chính là căn nhà của Nhà Chung cho, bé ti như một cái lều nằm ngay phía sau Nhà thờ Phúc Tá.
Vừa bước chân vào tới ngưỡng cửa, tôi thấy một ông lão cởi trần, đóng khố, niềm nở ra đón:
-Con đã về!
Ông cụ chớp chớp mắt và đứng né ra một bên để anh Bình cúi đầu bước vào nhà. Anh Bình nói khẽ với tôi:
-Bố đấy.
Cả nhà quây quanh chúng tôi. Tôi để ý thấy mặt ai cũng hốc hác và đen xạm. Đến bữa ăn hôm ấy, cả nhà cố ý nhường cho chúng tôi chỗ cháo đặc với ít khoai độn. Xem ra ai cũng thầm kín chăm sóc chúng tôi. Đêm ấy, ông cụ ngăn cho chúng tôi một chỗ ở chái nhà, còn cả nhà im lặng để cho chúng tôi dễ ngủ. Nhưng chính chúng tôi lại cố thức để trò chuyện với nhau. Chúng tôi cần nói với nhau nhiều về chuyện riêng, chuyện chung.
-Em có mang, hoạt động sẽ vất vả nhiều. Anh thương em nhưng cũng chẳng làm thế nào được. Chỉ trông ở sự che chở đùm bọc của quần chúng và các đồng chí bên Hưng Yên. Em nên cố gắng giữ gìn đến khi sinh nở cho mẹ tròn con vuông. Phần anh, anh sẽ cố lo liệu.
Tôi không khóc, nhưng nước mắt tràn ra ướt má. Tôi khẽ đáp:
-Anh đừng lo cho em nhiều quá. Tự em, em sẽ giải quyết được.
- Chỉ thương con. Nó phải vất vả từ trong bụng mẹ.
-Em hiểu điều đó. Chính vì vậy mà chúng ta phải làm cách mạng. Quần chúng Kim Động rất tốt. Em tin ở sự giúp đỡ của đồng bào. Em chỉ lo sau này phải làm việc như thế nào để đền bù lại tấm lòng chắt chiu chăm sóc của đồng bào.
Tôi nói rõ tình hình Kim Động với anh Bình. Lần này không phải "bày vẽ" cho tôi như những lần trước, anh chỉ nói:
-Em đã nắm vững tình hình rồi, em lại là người có kinh nghiệm công tác quần chúng. Anh chỉ nhắc em nên áp dụng thế nào cho thật khéo những bài học trước đây về chiến thuật du kích. Em phải nhớ bất cứ làm việc gì cũng phải đem lại quyền lợi cụ thể cho đồng bào. Nếu chỉ nói hay, diễn thuyết giỏi mà chẳng đem lại điều gì thiết thực thì người ta sẽ bảo Việt Minh là những người "vẽ voi". Tất cả mọi công tác đều phải hướng vào mục đích: Tổng khởi nghĩa. Bây giờ khắp nơi phong trào sôi sục. Phải làm cho muôn người như một, chờ đúng thời cơ là bật dậy...
Có tiếng mưa rơi bên ngoài. Đêm đã về khuya. Chúng tôi vẫn thức, nói chuyện nhà, chuyện hoạt động và thỉnh thoảng lại nhắc những kỷ niệm trong đời hoạt động của chúng tôi ở Hà Nam, Ninh Bình. Những kỷ niệm riêng chung chen lẫn... Có lần cơ sở bị lộ, tôi và anh Bình phải ở tịt trong một chái nhà tối om. Tôi vá áo cho anh, còn anh lại dạy tôi học chữ quốc ngữ. Có lần bị địch truy riết, tôi chỉ kịp đưa cho anh cái bánh tẻ. Cái bánh ấy anh Bình cũng không được ăn vì sau ba ngày mải đối phó với địch đến khi nhớ đến bánh thì bánh đã nhão, chua như mẻ.
Anh nói nho nhỏ:
-Gia đình anh đang bị đói. Đồng bào huyện này cũng như nhiều tỉnh khác ở Bắc Kỳ đang bị đói. Hồi ở xã Quỳnh Lưu, Ninh Bình, em đã được tham gia trong những vụ phá kho thóc. Phải tổ chức cướp thóc em ạ. Đầu năm nay đã có tới hai triệu đồng bào ta chết đói. Có cướp được thóc mới thoát được nạn đói giáp hạt hiện đang hoành hành rộng khắp cả nước, mà chính cũng là bồi bổ thiết thực cho lực lượng cách mạng. Quần chúng chỉ tin những người nào đem lại bát cơm manh áo cho họ và họ không tin những người chỉ biết nói mà việc làm trái hẳn lại.
Phải giải quyết nạn đói! Đúng! Nạn đói lan tràn khắp những vùng tôi đã đi qua. Nạn đói đã đến ngay căn nhà chúng tôi đang ở. Tôi sực nhớ đến ông cụ bố anh Bình đóng một chiếc khố rách, mặt hốc hác. Tôi sực nhớ đến bữa cháo khoai để nguyên cả vỏ. Những miếng vỏ khoai mầu tím dính cả trên mép người ăn. Tôi nghẹn lời:
-Anh nói đúng, gia đình nào bây giờ cũng thế thôi. Anh xem bố chỉ vận độc cái khố rách.
Anh Bình thở dài:
-Chính vì vậy mà mục đích của cách mạng là giải thoát cho những người nghèo. Bố cả đời chỉ có một cái khố. Còn bà con xóm làng cũng chẳng lành lặn gì hơn.
Lúc ấy trăng soi qua kẽ liếp, trăng chiếu đúng vào đôi vai gầy gò của anh Bình. Qua lần vải nâu bạc phếch tôi mường tượng thấy xương vai anh nhô lên, nhọn và có góc...
Sau đêm gặp nhau ở Phúc Tá, tâm trí tôi lúc nào cũng luẩn quẩn nghĩ đến cướp thóc. Trở về Kim Động ngay khi còn tờ mờ sáng. Trên đường về tôi gặp những xe bò chở đầy xác chết, như cảnh hồi đầu năm nay. Những ống chân gày lòng thòng bên thành xe nom dài nghêu, lúc lắc đung đưa theo nhịp xóc.
Tới cánh đồng làng Theo, tôi thấy đói. Nhớ khi ra đi cô em gái anh Bình có dúi cho hai củ khoai ăn đường, tôi lấy ra, cầm ở tay.
Cánh đồng làng Theo lúc bấy giờ lúa mới ngậm đòng. Nhưng cả cánh đồng, lúa xác xơ. Ai đã tuốt hết mầm non chỉ để trơ lại những cuộng rũ héo. Cảnh vật tiêu điều âm u...
Thình lình một bóng xám hiện ra trước mắt, tiến lại phía tôi. Giữa ban ngày mà tôi cứ ngờ mình gặp ma. Tôi lùi lại, cái bóng xám ấy cứ tiến lên, tóc xù lởm chởm, quấn chiếu tả tơi. Tôi sững sờ đứng dừng lại, quát khẽ:
-Ai !
Mặc dù không mê tín chút nào nhưng người tôi vẫn sởn gai ốc và tôi cảm thấy lạnh toát da thịt. Trước mặt tôi, hai con mắt sâu hoắm chằm chằm nhìn tôi. Tôi định thần... Đúng là một con người mà không phải là một con người, rách rưới lấm ướt, tóc tai xơ xác dựng lên, hai con mắt trũng sâu đen ngòm chiếu vào tôi. Cái bóng cứ bổ thẳng về phía tôi. Mặc dù tôi cứ lùi, cái bóng vẫn lầm lũi tiến sát vào tôi. Tôi cố gắng nhìn thật kỹ. Trong phút chốc hoàn hồn, tôi nhận ra đó là một em bé gái chừng 13 tuổi. Hai mắt em đang chằm chằm nhìn vào hai củ khoai tôi cầm trong tay. Anh mắt của em vừa có vẻ nạt nộ, vừa có vẻ van xin, nom đáng sợ, đáng thương. Tôi chìa cho em một củ khoai. Em bé nhìn trộm tôi một cái. Em ngần ngừ một lúc rồi thình lình giằng lấy củ khoai đưa lên miệng ngoạm lấy ngoạm để. Thế rồi như sợ tôi đòi lại, em khẽ xoay lưng lại phía tôi. Cơn đói trong dạ như tiêu tan đâu mất, tôi đưa nốt cho em củ còn lại. Lạ thay, lần này em cầm lấy khoai mà không ăn. Em đi xuống ruộng lúa lớn. Tôi ngăn lại, dịu dàng hỏi:
-No rồi à? Sao em không ăn nốt đi?
Em bé nấc lên, chỉ tay xuống ruộng:
-Kìa, mẹ em nằm kia.
Tôi sửng sốt đi theo em. Dưới ruộng lúa võng vãnh nước, tôi thấy một người đàn bà nằm co quắp, mặt ngửa lên, lầm bùn. Bốn chung quanh, những cụm lúa héo bị nhầu nát, bật rễ. Hình như trước đó người đàn bà đó cố dẫy dụa. Em bé ngồi thụp xuống cố ấn củ khoai vào miệng mẹ. Nhưng... mẹ em không ăn được nữa rồi! Tôi vực người đàn bà dậy, đưa chị lên bờ khô và chưa tin rằng chị đã chết. Tôi để tay lên ngực trái, tim chị hoàn toàn im lặng. Taytôi đụng vào vú chị, chỉ thấy như cái túi da nhẽo nhợt lạnh ngắt. Em bé lại cố ấn củ khoai vào miệng mẹ. Vỏ khoai mầu tím dính cả quanh miệng. Tôi ôm lấy em bé, vuốt lại tóc cho em. Dặn em ngồi coi mẹ, tôi chạy đi tìm người chôn cất cho người đàn bà xấu số. Nhưng trên dọc cánh đồng đó biết bao nhiêu xác chết khác nằm ngổn ngang vạ vật trong nội cỏ bụi cây. Cái nằm sấp, cái nằm ngửa. Nông dân chết la liệt trên bờ thửa ruộng họ hằng cấy hái. Thấy cảnh tượng ấy, tôi hoa mắt, nôn nao trong người.
Chân tôi bước chậm chạp, tôi lang thang không về nhà. Tôi tìm đến gặp anh Doanh, thấy anh đang mài con dao bảy trong vườn chuối sau nhà. Nhận ra tôi kém vui, anh gặng hỏi:
-Có chuyện gì xảy ra thế? Chị mệt à? Hay là anh ấy...?
Tôi lắc đầu nghẹn ngào:
-Nhiều người chết đói quá!
Im lặng. Doanh đưa tay thử trên lưỡi dao bảy bóng láng, rồi nhìn tôi:
-Đứa con gái bà hàng xóm nhà tôi cũng chết rồi. Con bé mà chị cho cái cặp tóc ấy.
-Sao? Cái Sen?
-Phải. Nó bỏ đi đêm qua. Nó ăn bậy, ngộ độc. Mẹ nó chẳng hiểu đi đâu, đến bây giờ vẫn chưa về?
Tôi chợt nhớ đến những xác chết nằm ngoài đồng. Biết đâu trong đó chẳng có mẹ cái Sen. Tôi như người chợt tỉnh:
-Anh đi với tôi!
Doanh ngạc nhiên ra ý hỏi.
-Đi với tôi ra đồng tìm mẹ cái Sen.
Tôi và anh Doanh trở lại cánh đồng. Tôi hấp tấp lật từng bụi cỏ xem mặt những xác chết. Đến một bờ ruộng có hai xác đàn bà nằm vắt ngang, tôi đứng sững lại. Và chẳng còn nghi ngờ gì nữa: Một trong hai xác nằm kia là mẹ cái Sen. Hai mẹ con đã chết cùng một ngày, không hề trối trăng lại được với nhau câu nào. Có lẽ mẹ chẳng biết con mình đã chết mà con cũng chẳng hay mẹ đã lìa đời. Hình ảnh những bàn tay gày guộc vơ nắm lúa cố nhét vào miệng in sâu vào lòng tôi. Một cảm giác chua xót thấm vào những nơi sâu kín nhất của tâm hồn làm cho tôi phẫn nộ.
Những xác chết được dân làng tập trung vào một nơi chờ đem chôn. Đây đó tiếng khóc chồng, khóc con rầm rĩ khắp thôn xóm. Những cột khói xám bốc cao ở các ngõ. Khói trấu đốt để trừ tử khí của các thôn làng Việt Nam đang ngắc ngoải đói.
Đêm ấy tôi nhớ đến cái Sen. Tôi nhớ đến em bé đã nhận của tôi củ khoai. Tôi nhớ đến những mảnh vỏ khoai mầu tím còn dính trên mép mẹ của em. Tôi cũng chợt nhớ đến những mảnh vỏ khoai dính trên miệng người thân của chúng tôi trong bữa cháo khoai đón nàng dâu về thăm nhà. Trằn trọc mãi không ngủ được chỉ mong sao trời sáng tìm các đồng chi bàn việc cứu đói…
Tôi nhận được chỉ thị của Ban cán sự tỉnh thật đúng lúc:
"Ơ những nơi có điều kiện cần tiến hành phá kho thóc chia cho đồng bào. Như thế vừa giải quyết được nạn đói vừa tập dượt cho quần chúng đấu tranh, vừa nâng cao lòng căm thù đế quốc và chuẩn bị tốt cho ngày Tổng khởi nghĩa sắp tới ".
Những hàng chữ này làm tôi sung sướng quá. Tôi chạy bay đến tìm anh Doanh để trao đổi. Anh Doanh cũng phấn khởi lắm. Anh bàn nên họp một số anh em cơ sở trong huyện ngay ngày mai để tìm cách cướp thóc.
Cuộc họp thật sôi nổi. Mọi người đều nhất trí rằng kho thóc Đống Long là to hơn cả. Cần cướp cho được kho thóc ấy mới mong cứu sống hàng vạn con người. Bọn Nhật đã dùng nhiều xe ca-mi-ông chở về Đống Long biết bao nhiêu thóc chúng vơ vét trong huyện và nơi khác nữa. Nhưng cũng có khó khăn vì cơ sở cách mạng ở Đống Long còn yếu. "Chỉ sợ phá không xong, bọn Nhật thấy động sẽ chuyển thóc đi và di chuyển cả các kho khác nữa". Đôi ba người nghĩ như vậy. Tôi quyết định cử đồng chí Doanh trực tiếp đi điều tra tình hình Đống Long. Mặt khác vẫn gấp rút chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện cho cuộc cướp thóc.
Sau một ngày đêm điều tra, đồng chí Doanh về cho biết:
-Kho thóc to lắm! Nhưng... - Anh Doanh ngập ngừng vẻ lo âu - Bọn tổng lý ở đây ngoan cố, chúng cắt cử người tuần sục suốt đêm.
Anh vẽ qua sơ đồ vùng đó cho tôi xem và kể tiếp:
-Bọn Nhật để thóc trong ngôi chùa làng Đống Long. Chùa rộng năm gian chất kín thóc. Cửa chùa bằng gỗ lim đóng kín, có khóa. Chắc là sư cụ giữ chìa khóa. Tên trương tuần luôn luôn đem tuần đinh lùng suốt đêm. Kể ra cái đó không ngại lắm nhưng Đống Long nằm kề ngay đê sông Hồng.
-Thế còn có đường sang các làng lân cận không?
-Có nhiều.
-Thế thì tốt quá. - Tôi bật nói to lên, sung sướng. Và tôi nói rõ ý kiến của tôi với anh Doanh - Như thế ta có thể tập trung lực lượng đến Đống Long bằng nhiều ngả khác nhau và cũng giải tán khỏi Đống Long bằng nhiều ngả khác nhau. Cơ sở Đống Long còn yếu, đó là thiếu sót của chúng ta từ trước và trở thành khó khăn của chúng ta bây giờ, nhưng chúng ta có một hậu thuẫn rất lớn: quảng đại quần chúng đang đói sẽ quyết tâm đấu tranh. Miễn sao chúng ta tổ chức cho thật khéo, hành động mau lẹ. Khi đến, khi rút cho nhịp nhàng.
Chúng tôi bàn luôn đến việc huy động lực lượng cướp thóc và hết sức chú ý đến việc bảo vệ an toàn cho đồng bào. Công tác huy động lực lượng được tiến hành khẩn trương và bí mật. Kế hoạch phá kho thóc được vạch thật tỉ mỉ và kịp thời phổ biến cho các cơ sở. Các thôn xã Kim Động bí mật thành lập những tổ bảo vệ. Mặt khác Ban cán sự huyện lăn lộn ngày đêm, tổ chức những buổi nói chuyện nhỏ hướng dẫn nhân dân về ý nghĩa của những cuộc cướp thóc. Quần chúng rất tin tưởng. Ai cũng giơ tay, mắm miệng chờ ngày hôm đó.
Tôi suy nghĩ nhiều nên cướp thóc vào giờ nào thuận tiện. Sau khi đi xem xét lại chùa Đống Long, tôi phát hiện thêm rằng gần đấy có chợ Gò, mỗi tháng bốn phiên. Chợ Gò không lớn như chợ huyện nhưng cũng khá đông. Có thể lợi dụng chợ Gò để tập trung lực lượng mà vẫn tránh được tai mắt của bọn Nhật và tổng lý quanh vùng.
Độ ấy đang mùa ngô, có thể cải trang làm những người đi mua ngô, đi bán thân ngô, lá ngô và có thể giả làm những người đi chợ. Địa điểm tập trung cuối cùng là ngã ba, chỗ trên đê rẽ vào chùa.
Đêm, trước khi lên đường, các đồng chí nòng cốt trong huyện tập trung cả ở Theo để họp. Anh em lần lượt báo cáo cụ thể lực lượng ở cơ sở mình và tình hình tư tưởng quần chúng. Số lượng người tham gia thì khác nhau, nhưng tư tưởng quần chúng cơ sở nào cũng phấn khởi như nhau. Khi bàn đến vấn đề tiến và lui, tôi nhớ đến một bài học đã được nghe giảng tại lớp quân sự rừng Đồng Bảng năm xưa: "Không bao giờ nên đi và về cùng một lối khi đánh trận". Đó là kinh nghiệm dùng trong một trận du kích chiến, nhưng tại sao ta không đem dùng trong khi cướp thóc? Đây chẳng phải là một trận chiến đấu hay sao? Ngày mai, chúng tôi sẽ đánh trận đầu, có thể trận này chỉ tốn một viênđạn làm hiệu lệnh mở kho, nhưng có thể cũng phải chạm trán với bọn Nhật và bọn tuần đinh. Nếu chỉ tính sai một chút cũng sẽ thất bại, tốn máu. Và nếu thất bại, quần chúng đói, họ sẽ nghĩ thế nào về Việt Minh, về đoàn thể?
Ban cán sự huyện phổ biến kỹ lưỡng từng công việc, từng bước tiến hành, nhất trí hiệu lệnh chỉ huy cho mọi người. Ai nấy đinh ninh nhớ rằng khi đi sẽ theo đường đê và đường cái. Nhưng khi về, sẽ phân tán thật nhanh theo các đường mòn và băng qua bờ ruộng. Dựa vào địa hình, theo từng thôn xóm, các bộ phận được phân công cụ thể đường rút là đường nào? Nếu gặp trường hợp bất trắc sẽ phải xử lý ra sao? Cuộc họp giải tán trong không khí hào hứng trước một trận đánh lớn...
Sáng hôm sau, ngay từ lúc mặt trời chưa mọc, tôi đã đến chỗ quy định. Đứng trên đê cao, tôi nhìn thấy từng đoàn người từ nhiều ngả kéo đến. Đoàn người mang theo thúng mủng, đòn càn kéo dài. Tôi nhớ đến cuộc mít tinh ở Đậu An, nhớ đến lúc tuần hành thị uy rầm rộ. Hình ảnh tên tri huyện tụt xuống xe, lấm lét tránh sang vệ đường nhường cho quần chúng chảy qua. Tôi liên tưởng đến tên lý trưởng Đống Long và đứa tay chân thân cận nhất của nó là tên trương tuần làng này. Tôi mỉm cười. Chắc giờ này, nó đang líu lưỡi, run rẩy trước mũi súng của anh em tự vệ. Đúng vào giờ này theo kế hoạch đã định, anh em tự vệ xung phong đã đột nhập nhà hai tên này để trấn áp. Bọn chúng nó đứa nào chả như con chó, có cái đuôi ve vẩy, quẫy lộn rồi cụp lại mà thôi.
Đến lúc rõ mặt người thì ngã ba đã đông kín. Người nào cũng mang theo quang gánh, thúng mủng cồng kềnh, nhưng hết sức trật tự. Tôi đưa mắt về phía tỉnh nơi ấy đã có một tổ tự vệ bố trí tận xa. Nếu gặp động, họ sẽ bắn súng làm hiệu lệnh báo cho chúng tôi biết. Tôi lại quay nhìn chùa Đống Long vẫn yên tĩnh phơi mái phủ rêu dưới ánh nắng chói chang của buổi sớm mùa hè.
Giờ hành động bắt đầu. Hiệu lệnh phát ra, tức thì một đồng chí tự vệ vung mạnh một lá cờ đỏ sao vàng lên cao. Màu cờ tươi thắm. Cờ bay tung trên đầu mọi người. Lòng tôi xốn xang muốn reo lên. Đồng chí Doanh và đồng chí Chung xách súng trường tiến đến bên tôi. Tôi cố gào thật to:
"Hôm nay Mặt trận Việt Minh huyện phá kho thóc Đống Long chia cho dân. Chúng ta lam lũ cực nhọc mới làm nên hạt lúa. Thế mà cha mẹ, vợ con và bản thân chúng ta phải chết đói. Đó thật là không công bằng. Chúng ta phá kho thóc là một việc làm cần thiết và đúng đắn. Bây giờ biết bao đồng bào ta đang chết đói ở búi cỏ, ven đường. Bọn phát xít Nhật và chính phủ bù nhìn đã ra tay vơ hết luá do bàn tay chúng ta làm ra. Phải cướp lại cho được bát cơm mà chúng ta có quyền được hưởng. Đó là chủ trương của Mặt trận Việt Minh hiện nay. Đồng bào hãy giữ trật tự, giữ vững hàng ngũ. Thôn nào, xã nào theo sát đội tự vệ của thôn xã đó. Việc hướng dẫn và bảo vệ cho đồng bào đã có chúng tôi. Đồng bào cứ bình tĩnh, lần lượt vào lấy thóc gánh về nhà. Thóc trong kho này có nhiều, đồng bào cứ yên tâm. Nhưng người đói trong huyện ta cũng nhiều. Bởi vậy chúng ta cần có tình thương yêu lẫn nhau, chia sẻ cho nhau miếng cơm khi đói
Bây giờ thì đồng bào từng thôn theo thứ tự tiến vào kho thóc!”.
Lá cờ đỏ sao vàng giương cao dẫn mọi người ào ạt xông lên. Tiếng hò vang dậy. Trước mặt chúng tôi, bọn tuần đinh trở nên yếu ớt vô cùng, ngôi chùa Đống Long lại càng trở nên nhỏ bé. Tiếng hò reo của hàng cửa miệng đói cơm, đói thuốc, tưởng như có thể lay đổ cả những bức tường đầy rêu mốc quanh chùa.
Khi đến nơi, tôi và vài đồng chí tự vệ theo cửa ngách tiến vào chùa tìm sư cụ. Tìm một lúc lâu mới thấy. Thì ra sư cụ hoảng sợ trước khí thế của quần chúng đã chạy trốn ở gầm bàn thờ đức Phật. Lúc chúng tôi mời ra, sư cụ mặt không còn một hột máu.
- Sư cụ cứ bình tĩnh! - Tôi lấy giọng ôn hòa nói với sư cụ - Chúng tôi là người của Mặt trận Việt Minh. Việt Minh đánh giặc cứu nước, làm những điều lành. Bọn phát xít Nhật thu thóc của dân ta để dân ta chết đói đầy đường. Thóc của chúng chứa trong chùa này. Chúng lợi dụng cửa Phật để làm điều ác. Bây giờ chúng sinh đang gặp tai nạn, đói rét lầm than. Chúng tôi đến để phá kho thóc chia cho dân đói. Chúng tôi rất tôn trọng sự tự do tín ngưỡng của mọi người.
Nghe tôi nói, sư cụ dần dần bớt run, mặt cũng lại sắc. Ngần ngừ một lát, sư cụ lại bát hương lấy chìa khóa dấu ở đó đưa cho chúng tôi. Sư cụ nói:
- Việt Minh nói phải.
Sư cụ dẫn chúng tôi đi mở cửa kho thóc. Một phát súng hiệu lệnh nổ vang. Cửa kho mở toang. Tôi nhìn vào. Thóc chứa trong bao tải, thóc chứa trong cót vựa. Thóc chảy từ những lỗ chuột khoét xuống thành từng đống vàng rực. Thóc đầy ắp cả năm gian chùa rộng thênh thang. Quần chúng ào vào. Người nào cũng vốc ngay một nắm thóc cho vào mồm nhai ngấu nghiến. Trước cảnh đó tôi đứng nhìn, nước mắt ướt nhòa.
Tôi thấy lòng nao nao. Tôi cũng là người nông dân, tôi đã biết nỗi cực nhọc hai sương một nắng. Tôi đã biết thế nào là bụng đói cật rét. Tôi hiểu hạt thóc có giá trị như thế nào trước những người dân Kim Động đang chờ chết bên miệng huyệt. Giá trị của thóc hôm nay phải nhân lên gấp mười, gấp trăm.
... Sau một giây lát bàng hoàng, bà con chia nhau xúc thóc khẩn trương. Trong giây lát đã thấy những người đầu tiên xúc xong. Ban chỉ đạo ra lệnh cho họ đem thóc đi ngay. Họ tản khắp các nẻo đường mòn. Trên cánh đồng rộng, bóng họ nhỏ dần...
Anh Doanh bảo tôi:
- Mỗi gánh thóc sống được hàng chục người đấy.
Anh đi lại tay vung như múa, hướng dẫn cho mọi người. Những cán bộ khác cũng hết sức vui mừng. Nhờ kế hoạch chuẩn bị sát sao, nhờ bà con đã hiểu mục đích cuộc cướp thóc, nhờ tình thương yêu giữa những người cùng cảnh cho nên mặc dầu có lúc trật tự hơi bị rối loạn, chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ, kho thóc đã bị lấy đi gần hết. Cũng vào lúc ấy, tổ tự vệ chịu trách nhiệm trấn áp tên trương tuần và tên lý trưởng tới báo cáo:
- Hai đứa đang như gà rù nằm gọn trong chái nhà đằng kia. Chúng không dám ngo ngoe một chút nào.
Ít phút sau, cả kho thóc hơn trăm tấn đã được chuyển hết về các xã an toàn. Chúng tôi trả chìa khóa cho sư cụ, dặn sư cụ cách đối đáp với bọn Nhật rồi theo đường tắt về làng Phán Thủy.
Về đến nơi, ngồi nghỉ được một lúc lâu tôi mới thấy mệt mỏi. Chân tay rã rời, mồ hôi mướt trên trán và thấy khát nước. Nhưng chưa kịp uống nước đã được tin tổ tự vệ bố trí ngầm ở Đống Long báo cho biết bọn Nhật mới cho ba xe ca-mi-ông chở đầy lính xuống Đống Long sục sạo. Biết là không dở được trò gì nữa, chúng chửi bọn tổng lý, chúng ậm ọe dọa sư cụ vài câu rồi lên xe về tỉnh. Mãi sau này tôi điều tra mới biết con trai tên lý trưởng đã lẻn cổng sau đi báo Nhật. Anh em tự vệ tiếc rẻ:
- Biết thế khử béng chúng nó đi.
Đêm xuống tôi đi thăm tình hình nơi ở. Khắp thôn làng, tiếng cối xay ù ù, tiếng chày giã gạo thậm thịch trong xóm. Chúng tôi nhìn thấy nhà nào cũng đỏ lửa, không phải lửa rơm xua tử khí mà là ánh lửa hắt từ các chái bếp thổi cơm. Sự sống dâng lên, rộn rực trong thôn làng...
Vụ phá kho thóc Đống Long cùng với hàng chục vụ khác trong toàn tỉnh làm cho Hưng Yên trở thành một trong những nơi có nhiều biến động nhất đối với Nhật. Chúng tăng cường tuần tiễu, nhưng biển người mênh mông chúng khó mà trấn áp nổi.
Báo Cứu Quốc, cơ quan ngôn luận đấu tranh của Mặt trận Việt Minh số ra ngày 5 tháng 7 năm 1945, đưa tin: "Tính từ ngày 9 tháng 5 đến ngày 8 tháng 6 năm 1945 tại tỉnh Tán Thuật, trong các cuộc phá các kho thóc của Nhật tổng cộng thu được 6.000 tạ, trị giá 3 triệu đồng, đã chia hết cho dân".
Tán Thuật là bí danh của Hưng Yên. Tán Thuật cũng là tên của cụ Tham tán tướng quân Nguyễn Thiện Thuật đã từng chống Pháp oanh liệt tại vùng này khi còn là Bãi sậy hoang vu.
Sau những vụ phá kho thóc, sức khỏe của dân hồi lại trông thấy. Sự họat động ở nhiều xã gần như công khai. Một cao trào trấn áp tổng lý, tịch thu đồng triện[9]và cấm bọn cường hào tổng lý thu thuế diễn rộng khắp toàn huyện. Nơi nào thóc đã thu rồi ta bắt trả lại cho dân. Các đội tự vệ tối tối kéo nhau ra tập quân sự giữa cánh đồng. Để đáp ứng được yêu cầu cấp bách chuẩn bị khởi nghĩa, chúng tôi mở liên tiếp nhiều lớp huấn luyện bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở.
Theo chỉ thị của Ban cán sự tỉnh, chúng tôi tiến hành gấp việc thành lập Uỷ ban quân sự cách mạng. Thời kỳ này bụng tôi đã vượt mặt. Anh Doanh đảm nhiệm công tác ủy ban. Các xã trong huyện cũng xúc tiến việc thành lập Uỷ ban giải phóng xã. Tôi phải đi khắp nơi lựa chọn người đưa vào các ủy ban. Lúc bấy giờ đã sang tháng bảy dương lịch, tháng nóng nhất ở miền Bắc nước ta. Đi băng ngang đồng, nắng như châm lửa vào da thịt. Ánh mặt trời chiếu xuống nước rồi hắt lên như có thêm một mặt trời nữa chiếu nắng.
Khó khăn cho tôi là đúng lúc Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Kim Động thành lập vào tháng 7, đang bận rộn nhiều việc thì ngực bên trái lại lên cái nhọt lớn. Đi đâu tôi cũng phải lấy một xấp giấy bản lót dưới lần áo. Chiếc nhọt mỗi lúc một to. Đau quá. Ban ngày bận nhiều việc, đi đây đi đó còn quên được. Nhưng đêm đến, hễ nằm xuống giường, cơn đau trở về tưởng như cộng cả phần ban ngày còn chịu lại. Cũng may lúc này tôi nhận được lá thư anh Bình. Đại ý anh viết: "Em cần làm việc nhiều hơn nữa. Có thể đất nước sẽ được giải phóng trước khi em sinh nở. Con chúng ta mở mắt chào đời sẽ là công dân một nước độc lập". Bức thư ấy làm tôi khuây khỏa rất nhiều. Tôi còn giữ được lá thư ấy đến ngày toàn quốc kháng chiến mới bị thất lạc...
* *
BỐN
Không khí Tiền khởi nghĩa lan tràn khắp tỉnh Hưng Yên. Uỷ ban quân sự cách mạng của huyện đã thành lập. Chúng tôi phân công nhau mỗi người một việc, luôn tay luôn chân. Tỉnh có chỉ thị về: "Chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, cướp chính quyền".
Tôi sung sướng quá, quên cả đau, chạy đi triệu tập cuộc họp để phổ biến gấp chủ trương này. Địa điểm cuộc họp đặt tại nhà anh Tạ[10]ở làng Theo.
Cuộc họp sắp tiến hành. Bao công việc đang chờ mà cái nhọt của tôi càng đau hơn. Đồng chí Doanh thương tôi nên nhận đi báo tin nốt cho các đồng chí khác. Còn tôi thì được anh đưa về nhà cụ Bò, mẹ đồng chí Ân, nghỉ tạm. Cụ Bò thương các đồng chí như con mình. Cụ đỡ tôi vào nằm trong giường.
- Rõ khổ. Bụng mang dạ chửa thế này! Tôi đã bảo đi lại ít thôi mà chị chẳng nghe. Có khi động thai rồi đấy.
Tôi cắn răng lắc đầu. Một lát sau tôi vén vạt áo cho cụ xem ngực. Cái nhọt to bằng cái bát, căng mủ, chân tím bầm. Cụ Bò giật mình kêu lên:
- Ối giời ơi, gan chín mề! Thế này mà chị cứ đi quần quật - Cụ nhìn kỹ cái nhọt rồi tiếp - Chín rồi. Để tôi nặn cho.
Cụ lễ mễ xúc một rế gio rải dưới chân giường rồi vực tôi ngồi dậy. Cụ rất khéo chăm người ốm, vừa nặn nhọt vừa hỏi chuyện gia đình cho tôi quên đau:
- Chị ngoảnh mặt đi.
- Không, cụ cứ nặn. Cháu muốn xem cụ làm thế nào để khi có nhọt cháu tự nặn lấy.
Hai tay đặt trên ngực tôi khe khẽ xoa rồi đột nhiên cụ miết mạnh. Tôi nghiến chặt răng lại, vã mồ hôi. Một đống mủ lẫn máu trào xuống gio rải trên nền nhà. Cụ Bò nựng khéo như người nựng trẻ:
- Đấy... Đấy... Sắp xong rồi! Nhanh lắm, nhẹ thôi!
Người tôi tê đi, bàng hoàng như người mới tỉnh cơn mơ. Tôi tưởng mình vừa trút đi được một gánh nặng... Sau đó, tôi mệt quá thiếp đi. Đến khi choàng tỉnh dậy thì trời đã nhá nhem tối, tôi hốt hoảng vùng đứng lên. Cụ Bò cản lại không muốn cho tôi đi. Tôi phải năn nỉ:
- Cháu ngồi đây thế nào được. Sắp Tổng khởi nghĩa rồi cụ ạ.
Dưới ánh đèn dầu tù mù, tôi nhận thấy nét mặt cụ rạng rỡ hẳn lên. Cụ lắc lư mái đầu, bảo tôi:
- Thế thì tôi chẳng dám giữ chị lại nữa.
Tôi cảm ơn cụ rồi thu xếp ra đi. Cụ Bò gọi giật lại:
- Chị Hưng này! - Cụ dúi vào tay tôi một mo cơm nếp - Mang đi mà ăn đường. Con cháu gái lấy chồng, nó mang cho tôi đấy. Chị cứ đi, khi nào ở cữ về đây tôi trông nom cho.
Tôi cảm động nhận mo cơm nếp mang đến cuộc họp. Có chút ngũ cốc lót dạ cũng tốt. Sau một cuộc họp rất hào hứng, tất cả chúng tôi khẩn trương lao vào công việc.
Kim Động là một huyện đông dân nằm ngay trên đường cái chạy từ Hà Nội xuống Hưng Yên. Kim Động lại là một trong những huyện nằm gần tỉnh lỵ. Đề phòng địch từ các ngả kéo đến bất thần, chúng tôi phân công một số lực lượng canh phòng cẩn thận. Những ngày ấy làng nào cũng thấy may cờ đỏ sao vàng. Các tổ tự vệ vùi đầu tập luyện, mài dáo mài mác...
Những sự kiện thế giới và trong nước diễn ra trong những ngày đầu của Tháng Tám lịch sử dồn dập, chồng chéo lên nhau. Tin Nhật hàng, tin Hồng quân Liên Xô đánh tan đội quân Quan Đông, tin Quân giải phóng Trung Quốc thắng lớn ở Hoa Bắc, tin Quân giải phóng Việt Nam đang vây Nhật ở Thái Nguyên, Tuyên Quang, tin lực lượng vũ trang và đồng bào Hà Nội đã cướp được chính quyền... Gần như cùng đến với chúng tôi trong một lúc. Không kịp phân biệt sự kiện gì trước, sự kiện gì sau, chỉ biết một điều bức thiết là lệnh Tổng khởi nghĩa đã được Tổng bộ Việt Minh ban hành. Chúng tôi bảo nhau:
- Giao thừa rồi! Mai sớm bắt đầu cuộc đời mới.
Suốt một đêm, nông thôn, trị trấn không ngủ. Tiếng loa gọi, tiếng tù và, tiếng người hò hét rộn rịch... Các tổ tự vệ, ngoài những người có nhiệm vụ canh gác, đều ngủ tập trung tại một địa điểm. Các bài ca cách mạng vang lên, vút cao trong đêm khuya, thôi thúc... Chẳng ai ngủ nổi, kể từ già trẻ, trai gái. Hết đứng lại ngồi, hồi hộp, chân tay ngứa ngáy... Ai nấy hiểu rằng có một sự kiện trọng đại trong cuộc đời riêng của mình, và cũng là sự kiện trọng đại của cả nước. Nhưng tầm suy nghĩ, tưởng tượng của mỗi người có hạn nên không thể hình dung nổi sự kiện ấy lớn lao đến mức nào...
Trời hửng sáng. Các đoàn lên đường. Chỉ một đêm qua, màu xanh ngắt của nông thôn đã đổi thành màu đỏ rực. Những lá cờ tươi thắm tung lên, bay phấp phới dẫn đầu từng đoàn người mang theo vũ khí rầm rập tiến về phía huyện.
Các ủy viên trong Uỷ ban quân sự cách mạng phân tán để nắm từng khối quần chúng. Có thể nói hôm nay toàn huyện Kim Động có mặt tại đây. Tiếng hô khẩu hiệu, tiếng hát những bài ca cách mạng chốc chốc lại vang lên làm tăng thêm khí thế và niềm sung sướng của mọi người. Tất cả như những cơn lũ chảy về huyện lỵ, tưởng như nếu gặp trở ngại gì cũng tràn qua, nhận chìm trở ngại đó vào những vũng xoáy. Cứ qua mỗi ngã ba, đoàn người lại đông thêm lên. Những con đường dẫn tới huyện lỵ đông nghịt người. Mỗi ngả, quần chúng biểu tình như một mũi dùi khổng lồ xoáy vào cái huyện lỵ đang sợ hãi rúm lại. Tri phủ Long đã bỏ huyện trốn từ đêm hôm trước. Bọn thừa phái cũng chuồn theo. Chỉ còn lại những người lính khố xanh. Lúc bấy giờ chính phủ bù nhìn gọi họ là Bảo an binh. Họ cũng chỉ là những người nông dân bị ép buộc phải cầm súng. Trong giờ phút trọng đại của lịch sử này, họ đang đau khổ vì đã mặc nhầm áo lính đế quốc. Họ cũng đang run sợ, lo cho số phận mình trước khí thế phẫn nộ của quần chúng. Cần tránh sao cho máu khỏi phải đổ ra vô ích. Tôi vượt lên trước, tiến lại bờ tường huyện lỵ. Anh em lính khố xanh tay vẫn cầm súng nhưng ngập ngừng, lúng túng. Thái độ hống hách thường ngày của họ đã tiêu tan và đối với cách mạng họ không dám chống lại. Tôi hướng về phía họ hô lớn:
- Binh lính người Việt không bắn lại đồng bào. Hôm nay Mặt trận Việt Minh lấy huyện. Ai chống cự lại sẽ bị trừng trị nặng, ai lập công sẽ được thưởng!
Những mũi súng của anh em binh lính ngả nghiêng rồi buông thõng, chỉ xuống đất. Quần chúng ào tới vây chặt lấy huyện. Anh mác lập lòe. Loáng thoáng thấy những đầu nòng súng đen ngòm nhô lên rắn rỏi. Cánh cổng huyện bị đẩy, mở toang. Quần chúng ùa vào huyện. Lính khố xanh ngả theo. Đội tự vệ lại thu súng của họ. Chúng tôi tràn vào công đường. Công đường, nơi khi xưa dữ ác đen tối như Diêm Vương, bây giờ mở toang trống hốc, giấy tờ bay ngổn ngang. Tôi đang dẫn đầu một tổ tự vệ xông vào công đường thì có một tốp người tiến lại trước mặt tôi:
- Ê cái nhà chị kia! Làm cái gì mà sục sạo lộn bậy thế!
Tôi ngẩng nhìn người vừa nói. Đó là một anh chàng thanh niên vận áo ka-ki bảnh bao, đeo kiếm Nhật. Anh ta đang trợn mắt nạt nộ tôi, một cô gái áo nâu khăn mỏ quạ, bụng lại chửa vượt mặt mặc dù đã dùng thắt lưng nịt lại cho gọn bớt. Tôi mỉm cười hỏi:
- Thế anh là ai mà lại nạt nộ đồng bào?
- Ta là đồng chí Xưa, Nguyễn Xưa, sỹ quan thượng cấp Việt Minh về đây cướp huyện.
Tổ tự vệ tôi thấy chuyện kỳ quặc liền sáp đến đứng sau tôi. Lâu la của "đồng chí Nguyễn Xưa" thì đứng tụm lại sau "sỹ quan thượng cấp" của họ. Tôi vẫn cười. Xưa cau mày, vung kiếm:
- Sao chị lại cười?
- Tôi là Hưng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa huyện này. Sao tôi không thấy Tổng bộ, Tỉnh bộ giới thiệu có "sỹ quan thượng cấp” về?
Xưa và lâu la nghe đến tên tôi thì dịu ngay giọng. Tôi nghiêm sắc mặt:
- Việc lớn Quốc gia có trên chỉ huy, có dưới chấp hành. Anh biết điều thì đi chỗ khác!
Tổ tự vệ hướng cao nòng súng lên, Xưa lúng búng mấy câu rồi kéo lâu la lỉnh mất. Tôi tiếp tục lục đống sổ sách trên bàn giấy.
Cướp huyện xong, chúng tôi chuyển về trụ sở Theo để tiện phòng giữ huyện lỵ Kim Động nằm ngay cạnh đường cái lớn. Chúng tôi chỉ để lại một tiểu đội tự vệ canh phòng.
Khắp thôn xóm ở Kim Động như mở hội. Những ngọn cờ đỏ chói vút cao khỏi những rặng tre xanh. Lúc nào cũng nghe tiếng trống, tù và, thanh la khua rầm trời. Thỉnh thoảng lại một tiếng súng nổ. Lại phải cho người đi điều tra xem chuyện gì. Nhưng đó chỉ là những phát súng của anh em tự vệ nổ thử "Xem nó ra sao!”.
Chỉ thị của tỉnh hỏa tốc gửi về: "Huy động lực lượng thật lớn về cướp tỉnh".
Đêm 22 tháng 8, quần chúng những huyện gần tỉnh lỵ đổ về. Sân vận động thị xã rộng là thế mà bây giờ như nêm người. Tôi đã về tỉnh để họp Ban lãnh đạo khởi nghĩa của tỉnh. Anh Lương Hiền và tôi đi kiểm điểm lực lượng. Chúng tôi đi giữa biển người cuồn cuộn nổi sóng.
Trời sáng dần. Lực lượng các huyện xa cũng đang tiến vào tỉnh. Theo đường từ sông vào, từ Hữu Môn tới, từ phố Hiến lên, từ Nguyệt Hồ sang phố Chợ... quần chúng kéo về kìn kìn. Khẩu hiệu rực rỡ, dao kiếm sáng lập lòe. Lại thêm số súng tay cướp được ở các nơi làm tăng vẻ uy nghiêm. Từ trên diễn đàn cao, anh Lương Hiền thay mặt Ban lãnh đạo khởi nghĩa tỉnh nói chuyện với quần chúng:
- Chúng ta đã cướp được chính quyền ở Thủ đô Hà Nội và nhiều nơi khác.
Chúng ta hôm nay thành lập chính quyền cách mạng trong tỉnh. Toàn thể các giới đồng bào theo lệnh của Ban lãnh đạo xuống đường cướp chính quyền.
"Việt Nam độc lập! Ủng hộ Việt Minh!”
Những cánh tay vung lên. Đoàn người tràn đi như những dòng sông. Dòng sông sang Tòa sứ, dòng sông sang Dinh tuần phủ, dòng sông vào Trại Bảo an binh… Ban lãnh đạo đưa quần chúng đi chiếm hết công sở, trại lính trong tỉnh lỵ. Chính quyền về tay cách mạng rồi!
… Những ngày u ám đã qua. Nước Việt Nam đã độc lập!
Tôi đi trong biển người, lòng chuếnh choáng say sưa. Thật biết bao đau khổ, đói rét mới có ngày hôm nay. Tôi nhớ đến những người thân của tôi. Họ bây giờ chắc chắn đang đứng trong hàng ngũ cách mạng. Có thể có nơi phải nổ súng chiến đấu, có thể phải hy sinh. Nhưng để cho nước nhà được độc lập, dân tộc được tự do, hạnh phúc, mọi sự hy sinh đếu có ý nghĩa!
Thế là mình đã trở thành người dân một nước độc lập! Một cảm giác kiêu hãnh tràn ngập trong lòng. Và, đột nhiên thấy bụng tôi nhói mạnh. Đứa con trong bụng đạp khỏe quá. Thế là con sẽ sinh ra và có ngay quyền tự do của người công dân. Được làm công dân nước Việt Nam độc lập sẽ cao quý và tự hào biết bao!
Hà Nội, Thu 1965
[1]
Töùc laø anh Leâ Ñoâng, hieän laø thöù tröôûng
Boä Noäi thöông.
[2]
Töùc laø anh Quang, tuøy vieân quaân söï Ñaïi
söù quaùn Vieät Nam
ôû Lieân Xoâ.
[3]
Ñoàng chí Huyønh ñaõ hy sinh ôû Baàn naêm 1945.
[4]
Hieän nay trong Tænh uûy Höng Yeân.
[5]
Hieän ôû Ban coâng taùc noâng thoân.
[6]
Hieän laø uyû vieân thöôøng vuï Tænh uûy Höng
Yeân.
[7]
Hieän ôû coâng ty xuaát nhaäp khaåu taïp phaåm
Haûi Phoøng.
[9]
Con daáu laøm baèng ñoàng.
[10]
Hieän laø tænh uûy vieân Höng Yeân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.