SỐNG GIỮA LÒNG DÂN NINH BÌNH
[Trích “Truyền thống vẻ vang và những tấm gương phụ nữ Ninh Bình” – Hội LHPN Ninh Bình, 1995]
Bà Nguyễn Thị Hưng (1920-1993) kể
Vân Giang ghi
Vân Giang ghi
Quê tôi ở Thái Bình. Được Đảng giác ngộ, tôi xa nhà đi hoạt động từ lúc còn ít tuổi. Tôi trưởng thành từng bước nhờ có sự dìu dắt, giáo dục của Đảng và sự nuôi nấng, ấp ủ của nhân dân. Ninh Bình là một địa phương tôi đã từng hoạt động. Suốt đời tôi không thể nào quên những ngày sống trong lòng dân Ninh Bình, đấu tranh sống mái với quân thù.
Đầu năm 1941, Xứ ủy Bắc Kỳ điều tôi từ Hà Nam về Ninh Bình. Tới đường 12, tôi hỏi thăm vào làng Sưa. Sau khi bắt được liên lạc với cán bộ địa phương, anh em bố trí cho tôi ở nhà anh Kiền, một gia đình nghèo, bố mẹ mất sớm, năm anh em sống nuôi nhau. Anh Kiền là con cả mới 20 tuổi. Nhà thì nửa tre, nửa gỗ, trống tuềnh trống toàng, hễ mưa là dột, không có lấy một gian khô ráo. Vậy mà anh em anh Kiền vẫn dốc lòng theo cách mạng, bảo vệ, nuôi nấng cán bộ. Ban ngày tôi ẩn trên gác chuồng bò, đọc tài liệu, chuẩn bị kế hoạch công tác; tối đến đi vận động quần chúng hoặc khai hội. Mỗi lần tôi đi, anh Kiền hoặc các em lại đưa đến tận nơi. Các anh coi tôi như người chị cả trong nhà. Mọi việc từ thu xếp nhà cửa đến việc đồng áng, việc đoàn thể, chúng tôi đều bàn bạc tỉ mỉ với nhau. Xa nhà, lại được sống trong một gia đình mồ côi cha mẹ, tình cảm của tôi với các em, nhất là hai em gái nhỏ, có một sự thân thương khôn xiết. Những lúc rảnh rỗi, tôi khâu vá quần áo cho các em. Những ngày đi công tác xa về muộn, xâm xẩm tối là các em lại ra cổng đón tôi.
Để đề phong sự theo dõi của bọn mật thám, tôi chuyển sang ở nhà bà cố Điền. Bà sống một mình, nghèo lắm, chỉ có ba gian nhà tre đã dột nát cùng một cái chõng tre nhọ nhem như cháy dở. Chúng tôi trải lá chuối khô xuống đất nằm cho đỡ rét. Tôi coi bà như mẹ đẻ, bà quý tôi như con gái. Có hôm đi công tác về khuya, bà để phần cơm có bát canh rau tập tàng với mấy con cua đồng rang trụi, gạo đỏ khô lăn mà sao tôi ăn thấy mát ruột, ấm lòng. Sáng nào tôi cũng dậy sớm quét dọn sân nhà, gánh nước, nhổ cỏ. Những lúc rỗi, tôi đi cấy đỡ cho bà hoặc đi bắt cua, mò ốc để tự túc món ăn. Nhìn bà cô quạnh, tôi lại nhớ đến mẹ đẻ ở nhà mà ứa nước mắt. Chỉ nóng lòng mong chóng đuổi hết Nhật, Tây để các mẹ mau thoát khỏi cảnh cơ cực, lầm than…
Ở Sưa nhưng tôi vẫn hay lui tới Lũ Phong, thôn Hội để vận động quần chúng. Có hôm tối trời, phải đi tắt đồi để giữ bí mật. Anh Dương dẫn tôi đi. Không may vấp ngã, cây nhọn xọc vào ống chân trái bị thương. Tôi ngã vật ra. Anh Dương đưa tôi về nhà. Các cụ chăm sóc, rửa vết thương và đắp lá thuốc cho tôi. Tôi thầm hỏi, các cụ nghèo lắm mà sao lại thương cán bộ cách mạng đến thế? Thế mới biết, dân ta lầm than cực khổ nhưng đều một lòng, một dạ hướng về cách mạng. Nghĩ như vậy, tôi thấy phấn chấn hẳn lên. Tuy vết thương vẫn còn đau, chân sưng tấy nhưng tôi cố gượng dậy để đi Yên Mô vì công việc rất quan trọng và khẩn cấp. Các cụ thương, níu giữ mãi nhưng tôi không thể ở lại. Nửa đêm, các cụ dậy thay miếng thuốc lá khác đắp cho tôi rồi nấu cơm nắm để tôi đi ăn đường. Tạm biệt hai cụ mà không sao cầm được nước mắt.
Đến Yên Mô, tôi về thôn Phương Nại, nghỉ ở nhà anh Hải. Nhà anh cũng quá nghèo, ngôi nhà chỉ một gian hai chái. Thấy tôi bị thương, bà cụ mẹ anh đi nấu nước rửa vết thương, ngâm chân và xoa bóp cho tôi. Cụ chăm sóc tôi như chăm sóc con mình đẻ ra. Nhà không có lấy một hạt thóc, phải đi ăn đong từng bữa, nhiều bữa gia đình phải ăn cháo nhưng vẫn nuôi dưỡng cán bộ cách mạng như nuôi con cháu mình.
Một thời gian sau tôi được điều đi công tác tỉnh khác. Xa Ninh Bình từ dạo đó.
Sống giữa lòng dân Ninh Bình trong những năm tháng gian khổ, sôi động ấy, tôi được nuôi nấng, ấp ủ, che chở. Lòng tôi ấm áp và tự hào vô cùng. Những ngày hoạt động gian khổ cùng với những tấm lòng vàng của các mẹ, các chị, các anh vùng quê Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô đã in sâu vào trí óc, máu thịt của tôi. Chính lòng dân đã tiếp sức, bổ sung để duy trì mãi ngọn lửa nhiệt tình cách mạng mà Đảng đã nhen nhóm trong tôi. Đảng và nhân dân đã cho tôi một lẽ sống và một niềm tin bất diệt!
Sau này, có dịp là tôi và anh Trần Tử Bình lại về thăm Ninh Bình.
V.G ghi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.