SỐNG LẠI NHỮNG GIỜ PHÚT LỊCH SỬ
Thiếu tướng Trần Tử Bình kể
Trần Hà ghi
Trần Hà ghi
Sau đêm mồng 9 tháng 3 năm 1945, lợi dụng những sơ hở của tụi Nhật ở nhà pha Hỏa Lò, chúng tôi, hàng trăm chiến sĩ cách mạng đã trốn khỏi nơi này.
Chúng tôi trở về được với Đảng đã làm tăng thêm đội ngũ của Đảng. Tất cả tỏa đi khắp bốn phương, kịp thời tham gia một giai đoạn đấu tranh mới của cách mạng lúc đó đang dâng lên như nước thủy triều.
Ngay tối hôm 12 tháng 3, sau lúc chui lên khỏi cống ngầm, trước vườn hoa Mê Linh bây giờ, tôi với các đồng chí Vân, Hòa và Cử đi thẳng về Vạn Phúc, một làng cách thị xã Hà Đông không xa, để tìm mối liên lạc với Xứ ủy và Trung ương. Tôi đến nhà đồng chí Tục, nơi trước đây thường hay lui tới và là một trong nhưng cơ sở liên lạc rất tin cậy của Xứ.
Đêm đó, chúng tôi thức trắng.
Sớm hôm sau, đồng chí Tục vội vã đi báo cáo với các đồng chí Thường vụ Xứ ủy về việc chúng tôi vượt ngục. Khi trở về, đồng chí cho biết Thường vụ đề nghị tôi nghỉ ngơi vài ngày để hồi sức và chờ chỉ thị của Trung ương nhận định về sự biến Nhật đảo chính Pháp.
Đồng chí Tục nói thêm là một số đồng chí Thường vụ Xứ ủy mới đi họp hội nghị Thường vụ Trung ương nên không có nhà. Tôi càng nóng lòng chờ đợi.
Ba ngày sau, tức ngày 15 tháng 3, khi tôi đang nằm đọc báo, đồng chí Tục hớn hở từ ngoài vào, nói:
- Anh Núi[[1] Bí danh của đồng chí Trần Tử Bình.1]! Anh Núi! Các đồng chí Thường vụ Xứ ủy còn bận công tác chưa về, song chỉ thị có đây rồi.
Đồng chí Tục rút vội trong chiếc cặp da đã cũ một tập tài liệu đánh máy và một lá thư mới nguyên đưa cho tôi. Tôi vội nhổm dậy, bóc xem. Mới thoáng qua, tôi đã mừng quýnh lên. Tôi đọc đi đọc lại hai ba lần đầu đề bản chỉ chị mới của Trung ương để đồng chí Tục cùng nghe. Đồng chí Tục nghe xong cũng sung sướng lắp lại: "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Sau đó, chúng tôi cùng nhau nghiên cứu nghiêm túc bản chỉ thị lịch sử này. Bản chỉ thị phân tích rõ tình hình sau khi Nhật đảo chính Pháp và đề ra những nhiệm vụ cụ thể cho cách mạng trong thời gian tới. Có thể nói, lúc đó chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" ngày 12 tháng 3 năm 1945 của Trung ương đến với chúng tôi chẳng khác nào ngọn hải đăng soi đường cho tàu cặp bến. Vì vậy mà sau này, đối với mọi công tác trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, tôi luôn luôn có được những phương hướng đúng đắn chỉ đạo và do đó đề ra được những quyết sách chính xác.
Ngày 20 tháng 3, theo phân công của Xứ ủy, tôi lên đường đi các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình để cùng các đồng chí lãnh đạo địa phương xây dựng khu căn cứ của ba tỉnh, chuẩn bị vũ tranh giành chính quyền.
Trên đường đi, khi qua Hà Nội, tôi có ý ở lại một hôm để nắm thêm tình hình. Gặp mấy đồng chí ở Thành ủy thì biết được là bản chỉ thị ngày 12 tháng 3 của Thường vụ Trung ương cũng đã tới Hà Nội từ mấy hôm trước. Các đồng chí cho biết, Hà Nội ngay đêm hôm Nhật đảo chính Pháp, một số anh em tự vệ đã mò đến những nơi đánh nhau để lấy súng của những tên lính Pháp bị giết. Số súng lấy được tới mười khẩu. Quan trọng hơn là có cuộc nổi dậy của quần chúng phá kho thóc của Nhật ở ngoại thành. Các hình thức đấu tranh mới chĩa mũi nhọn vào phát xít Nhật đang phát triển rầm rộ và rất sinh động. Đặc biệt tổ chức tự vệ chiến đấu phát triển khá nhanh chóng, nhiều hội viên công nhân cứu quốc, thanh niên cứu quốc gia nhập tự vệ chiến đấu, khí thế cách mạng đang lên cao.
Sau một thời gian ngắn tham gia xây dựng chiến khu Hòa-Ninh-Thanh thì tôi chuyển về Thường vụ Xứ uỷ, đồng chí Văn Tiến Dũng về thay. Cấp trên phân công tôi đặc trách khu tam giác gồm các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Móng Cái v.v...
Thời gian này trong toàn quốc, cao trào cách mạng cũng đang tiến tới; các hình thức đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị phát triển mau lẹ chưa từng thấy.
Riêng ở Bắc Kỳ, nhiều cuộc biểu tình thị uy của quần chúng, nhiều trận tập kích quân đội Nhật ngay trên các trục giao thông đã diễn ra quyết liệt. Ở Hưng Yên, tính chưa đầy một tháng, từ ngày 9 tháng 5 đến ngày 8 tháng 6 năm 1945, nhân dân liên tục phá kho thóc của giặc Nhật, thu được hàng ngàn tấn chia cho dân nghèo. Cũng ở Hưng Yên, du kích còn tấn công đồn Bần, thu 24 súng và một hòm đạn.
Ở Bắc Giang, ta phá đồn Trị Cụ thu nhiều vũ khí. Tháng 5 năm 1945, tự vệ Văn Lâm phá huyện lỵ, thu 31 súng. Riêng hai tỉnh Sơn Tây và Hà Đông, trong hai tháng 5 và 6 đã có trên mười cuộc diễn thuyết ở các chợ như chợ Gốm, chợ Trúc (huyện Mỹ Đức), chợ Trôi (huyện Đan Phượng).
Ở Cao Bằng, lực lượng vũ trang đã triển khai chia ra làm nhiều ngả: ngả tiến về Tuyên Quang, Hà Giang, ngả đánh sang Thất Khê, Bình Gia, Đình Cả và đội chủ lực tiến theo hướng Ngân Sơn, chợ Rã, chợ Chu về Thái Nguyên. Giải phóng quân đi tới đâu là chính quyền địch ở đó bị tan rã, chính quyền cách mạng mọc lên. Về phía Tuyên-Thái, Cứu quốc quân cũng đã từ trung tâm Bắc Sơn, Vũ Nhai đánh tỏa lên phía Bình Gia, Văn Mịch, đánh chiếm Đại Từ, Định Hóa (Thái Nguyên), Sơn Dương, Yên Bình (Tuyên Quang).
Cùng với những thắng lợi quân sự, nhiều chiến khu mới ra đời. Ở Hưng Yên có chiến khu Bãi Sậy, ở Kiến An có chiến khu Kim Sơn; ở Hà Nam có căn cứ Chi Nê, Kim Bảng; ở Thái Bình có căn cứ Quỳnh Côi; ở Hà Đông có an toàn khu Trầm Lộng, Vạn Phúc, Bình Đà; ở Bắc Ninh có cơ sở Trung Mầu, Đình Bảng v.v...
Ở Hà Nội, cao trào kháng Nhật cứu nước cũng được phát động mạnh. Nhiều cuộc rải truyền đơn diễn thuyết xung phong, phá kho thóc, phá mít tinh của địch, trừ khử bọn Việt gian đầu sỏ... liên tiếp diễn ra, được đông đảo quần chúng ủng hộ và tham gia nhiệt liệt.
Cao trào chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa vũ trang trong toàn quốc như thế đã chín muồi, chỉ còn chờ dịp thuận lợi sẽ bùng nổ.
Ngày 10 tháng 8 năm 1945, tôi đang trên đường đi công tác ở một xã gần Hà Đông thì được tin Liên Xô chính thức tuyên chiến với Nhật. Người tôi bồn chồn, tinh thần phấn khởi hẳn lên. Tôi lập tức trở lại Vạn Phúc tìm gặp các đồng chí Thường vụ để nhận định tình hình. Chúng tôi nhận định việc Liên Xô tham chiến đánh Nhật sẽ là đòn quyết định đẩy phát xít Nhật mau tới chỗ bị tiêu diệt, đó sẽ là cơ hội tốt nhất để cách mạng Việt Nam giành thắng lợi. Từ nhận định đó, Thường vụ Xứ ủy liền quyết định triệu tập gấp một cuộc họp để cùng thống nhất nhận định và bàn bạc kế hoạch hành động. Sau ngày đó, tôi rất chăm chú theo dõi diễn biến trong nước và thế giới đồng thời chuẩn bị mọi mặt cho cuộc họp Xứ ủy. Ngày 11 tháng 8, nhiều báo ở Hà Nội loan báo tin khoảng 0 giờ 10 ngày 9 tháng 8, sau khi Liên Xô tuyên chiến với Nhật, quân đội Liên Xô chia làm bốn mặt vượt qua biên giới Liên Xô tấn công vào quân chủ lực của Nhật đóng ở khu đông bắc Trung Quốc. Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô cũng đã đổ quân lên miền bắc Triều Tiên, miền nam đảo Xa-kha-lin, v.v... Hơn một triệu quân Nhật đang bị dồn vào cái túi rộng trên bốn nghìn kilômét vuông và đang tan rã từng mảng lớn. Nhờ chiếc ra-đi-ô đã cũ của Xứ ủy, tôi được biết thêm là hồi 18 giờ 30 phút ngày 10 tháng 8, chính phủ Nhật chính thức nhờ chính phủ Thụy Điển chuyển bản thông điệp ưng thuận các điều khoản trong bản thông cáo của hội nghị Pốt-sđam, xin đầu hàng không điều kiện. Qua ngày 12, các đồng chí ở Hà Nội báo cho biết là bọn Nhật ở Đông Dương hiện chia làm hai phái: phái hăng máu quyết đánh đến cùng và phái muốn nghe theo lệnh của Nhật hoàng. Bọn này đã mở hai cuộc hội nghị tại Bộ Tham mưu và Việt Nam Học xá, cuối cùng đã phải giải tán bằng những tiếng súng bắn lẫn nhau, vì không phái nào chịu nghe theo phái nào. Như thế là tình hình phát triển ngày càng thuận lợi.
Tối 14 tháng 8, Xứ ủy bắt đầu họp. Các anh Văn Tiến Dũng, Nguyễn Khang, Lê Liêm, Nguyễn Văn Lộc, Đặng Kim Giang... đều có mặt. Hội nghị làm việc cả ngày và đêm 15, đến sáng ngày 16 tháng 8 mới xong. Hội nghị căn cứ vào chỉ thị "Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" của Trung ương và nhân danh Kỳ bộ Việt Minh ra thông báo khẩn cấp. Bản thông báo căn cứ vào tình hình Nhật sắp đầu hàng đến nơi, quần chúng đang sục sôi cách mạng, nên đã quyết định: ở các tỉnh thuộc quyền Xứ ủy phụ trách thì khởi nghĩa chiếm các phủ huyện trước, sau đó chiếm các tỉnh lỵ. Các nơi tập trung quân lực của Nhật, khi tiến hành khởi nghĩa thì phải thỉnh thị Thường vụ Xứ ủy, có chuẩn y mới được khởi nghĩa.
Sáng 16 tháng 8, cán bộ tỏa về các địa phương để kịp thời lãnh đạo phong trào. Anh Nguyễn Khang được Xứ ủy ủy nhiệm từ hôm trước, cũng lên đường ra Hà Nội triệu tập Uỷ ban quân sự cách mạng và gặp Khâm sai Bắc Kỳ để thăm dò thái độ của chính quyền bù nhìn, vì ông này trước đó có ngỏ ý muốn gặp đại biểu ta. Cơ quan Xứ ủy ở Hà Đông lúc đó chỉ còn tôi và hai đồng chí Xuân Thủy, Đặng Kim Giang. Hà Nội tuy đã có anh Khang trực tiếp phụ trách, song vì đây là trung tâm cách mạng của cả nước, mọi thế lực phản cách mạng tập trung ở đó đang tìm cách ngăn chặn, phá hoại phong trào cách mạng từng ngày, từng giờ; cách mạng phát triển tốt hoặc xấu đều ảnh hưởng tới các địa phương. Vì thế, ngày nào tôi cũng chú ý theo dõi diễn biễn tình hình của Hà Nội. Anh Nguyễn Khang thì mỗi khi Hà Nội có tình hình gì đặc biệt đều về Hà Đông gặp tôi trao đổi. Ngay hôm 16, anh Khang cho biết là chính quyền bù nhìn chỉ đặt vấn đề mời ta tham gia chính quyền của họ và đề nghị ta không nên bạo động, chứ không nói tới vấn đề chịu giao chính quyền cho ta. Qua trao đổi, tôi và anh Khang nhận định là chính quyền bù nhìn hiện rất lung lay, bọn phản động cũng sẽ lợi dụng tình hình ấy mà ép họ chuyển giao chính quyền cho chúng.
Buổi tối, tôi nhận được tin chính thức Nhật đã xin đầu hàng vô điều kiện. Các đài phát thanh Đồng minh loan báo là không bao lâu nữa quân Đồng minh sẽ vào Đông Dương tước khí giới quân đội Nhật. Tình hình trở nên hết sức khẩn trương.
Nhận tin xong, tôi lập tức ra Hà Nội. Một cán bộ lãnh đạo của Hà Nội cho biết là bọn Nhật vừa mới trao trả cho bọn bù nhìn một số cơ quan hành chính, trường học như Trại Bảo an binh , Ty Liêm phóng, Nha học chính và Trường đại học Việt Nam nhằm tô vẽ thêm "danh nghĩa độc lập" cho bọn tay sai và đánh lạc hướng phong trào cách mạng.
Bọn thân Nhật được Nhật mớm sức càng hoạt động ráo riết. Ngoài các bản "hiệu triệu" lạc điệu của phủ khâm sai kêu gọi toàn thể quốc dân, thanh niên, công chức... gắng sức ủng hộ nền "độc lập" của chính phủ và dự vào "công cuộc kiến thiết quốc gia" nhằm mê hoặc quần chúng, còn thấy xuất hiện một tổ chức tự nhận là "Uỷ ban cứu quốc" cũng đang ra sức hoạt động để tranh thủ quần chúng.
Bọn này đã ra lời kêu gọi nhân dân "Hãy mau mau tham dự vào mọi công việc của Uỷ ban cứu quốc, ai còn lưỡng lự, ngần ngại là người có tội với đất nước". Nghe xong tôi nói: "Nhật là chủ đã đổ gục thì lũ tay sai dù có múa may quay cuồng đến đâu cũng nhất định sẽ bị cách mạng nhấn chìm".
Sau đó tôi trở lại Hà Đông.
Tảng sáng ngày 17 tháng 8, tôi chưa kịp rửa mặt đã nhận được báo cáo: ngoài Hà Nội tình hình lục đục lắm. Tôi nghĩ: đó là dấu hiệu để cách mạng tiến tới giành thắng lợi quyết định.
Cũng sáng hôm ấy, anh Khang từ Hà Nội vào tìm tôi. Anh nói:
- Bọn Nhật lại giở trò chính trị mới, cho một tên lãnh tụ của bọn Đại Việt đứng ra thành lập "Chính phủ liên hiệp". Bọn này mời ta cử đại biểu tham gia chính phủ đó.
Tôi nói:
- Chúng ta cần phải tẩy chay cái "Chính phủ liên hiệp" bịp bợm đó nhằm cô lập triệt để bọn Đại Việt.
Sau đó tôi và anh Khang bàn sẽ trả lời chúng, đại ý nói: Đa số quần chúng hiện đang ngả về Việt Minh, vì vậy, Chính phủ liên hiệp phải do Việt Minh đứng ra tổ chức và lãnh đạo. Một số người trong các đảng phái thân Nhật có thể tham gia chính phủ này, nhưng chỉ với tư cách cá nhân chứ không được mang danh nghĩa đại diện cho tổ chức chính trị của họ. Với nội dung như thế, tất nhiên là bọn chúng sẽ phản đối. Anh Khang ngay ngày hôm đó cũng đã đến gặp bọn chúng.
Khoảng 8 giờ sáng, tôi ra Hà Nội gặp anh Nguyễn Quyết. Anh Quyết nói: "Chính quyền bù nhìn hiện triệu tập họp cấp tốc "Hội đồng tư vấn" ở nhà Khai trí Tiến Đức (nay là Câu lạc bộ Thống Nhất) để bàn cách chống lại cách mạng và ngăn chặn ảnh hưởng của ta. Chiều nay tại Nhà hát Lớn, Tổng hội viên chức của bọn bù nhìn sẽ tổ chức mít tinh để ủng hộ nền độc lập quốc gia giả hiệu của bọn chúng. Uỷ ban quân sự cách mạng Hà Nội đã có kế hoạch phá cuộc mít tinh này". Anh kể thêm: “Tối qua, tại ba rạp hát trong thành phố là Hiệp Thành, Quảng Lạc, Tố Như, trước khi nhà hát mở màn, anh em tuyên truyền xung phong của ta đã nhảy lên sân khấu hô hào đồng bào tham gia khởi nghĩa. Những người có mặt nhiệt liệt hưởng ứng”. Anh Quyết còn đưa tôi xem một tờ báo mới phát hành trong đó có đăng lời hiệu triệu của tên Thị trưởng thành phố: "Quốc dân nên bình tĩnh, cương quyết và có kỷ luật để công việc của các nhà lãnh đạo toàn quốc được dễ dàng". Tờ báo còn đăng lời kêu gọi của Tổng hội viên chức hô hào nhân dân tham dự cuộc mít tinh do chúng tổ chức.
Chiều hôm đó, tôi ra Nhà hát Lớn, đứng ở một góc cuối phố Tràng Tiền quan sát cuộc mít tinh.
14 giờ, cuộc mít tinh bắt đầu. Sau lễ chào cờ, diễn giả của bọn bù nhìn còn đang ba hoa, khoác lác... thì từ phía đường bên trái lễ đài, một tự vệ của ta rẽ đám đông, giương cao lá cờ đỏ sao vàng tiến lên. Nhiều tiếng reo to sung sướng: "Cờ Việt Minh ! Hoan hô cờ Việt Minh !". Tiếng reo chưa dứt thì ở khắp mọi nơi, hàng trăm lá cờ đỏ sao vàng khác xuất hiện. Trật tự cuộc mít tinh hoàn toàn tan vỡ. Lính bảo an cầm súng trong tay nhưng không dám hành động. Cảnh sát ngơ ngác nhìn nhau rồi lủi dần vào các đám đông. Trên diễn đàn, một số đội viên tuyên truyền xung phong cầm súng dồn ban tổ chức cuộc mít tinh của bọn phản động vào một góc và chiếm lấy diễn đàn. Lá cờ quẻ li của bọn bù nhìn bị giật xuống. Một lá cờ đỏ sao vàng rộng lớn được buông từ trên tầng gác xuống. Một đồng chí, rồi tiếp theo một nữ đồng chí khác đến trước máy phóng thanh hô hào quần chúng ủng hộ Việt Minh. Lúc ấy, người tôi mát rượi, tràn ngập một niềm sung sướng đặc biệt... Tôi bước lên ít bước để quan sát cho kỹ hơn. Vừa lúc đó thấy anh Khang từ phía dưới bước lên đến bên ống phóng thanh. Anh giải thích thêm chính sách của Việt Minh và hô hào nhân dân ủng hộ cách mạng. Giọng anh vang lên mạnh mẽ, say sưa và đầy khí thế. Tôi nghe mà tim rộn lên như trống trận. Lúc đó, trật tự đã trở lại, nhân dân chăm chú theo dõi lời kêu gọi của đại biểu Việt Minh.
Cuộc mít tinh sau đó đã biến thành cuộc tuần hành thị uy của quần chúng do Việt Minh điều khiển. Đoàn người từ Nhà hát lớn cuồn cuộn đổ ra phố Tràng Tiền, rẽ ra Bờ Hồ. Nhiều lính bảo an cũng khoác súng đi theo.
Một trận mưa thình lình đổ xuống nhưng đoàn biểu tình vẫn rầm rập tiến bước kéo lên Hàng Đào, Hàng Ngang, qua chợ Đồng Xuân, rẽ lên cửa Bắc, vừa đi vừa hô vang các khẩu hiệu "Ủng hộ Việt Minh!", "Đả đảo chính quyền bù nhìn!".
Như thế là tình hình diễn ra ngược hẳn với ý đồ và mong muốn của các thế lực phản động, làm cho chúng đã hoang mang càng hoang mang đến cực điểm. Chúng tựa hồ như đám bọt bể đang tan rã và sắp bị chìm ngập dưới làn sóng cách mạng. Điều kiện khởi nghĩa ở Hà Nội đã chín muồi! Tôi trở lại Hà Đông. Tối hôm đó (17 tháng 8), Thường vụ Xứ ủy họp nghe báo cáo về cuộc mít tinh tuần hành vừa qua ở Hà Nội cũng như về tình hình khởi nghĩa giành chính quyền ở các phủ, huyện thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Lúc này, Xứ ủy thấy rõ bọn phát xít Nhật đã hoang mang cực điểm, bọn chính quyền bù nhìn bất lực tan rã, các giai cấp trung gian tuyệt đại đa số đã ngả về phía cách mạng. Xứ ủy quyết định xúc tiến khởi nghĩa ở Hà Nội và Hà Đông, đồng thời phải thăm dò thêm thái độ của quân đội Nhật.
Sáng ngày 18 tháng 8, Uỷ ban khởi nghĩa Hà Nội chuyển trụ sở làm việc về số nhà 101 Gambetta[[2] Nay là Viện khoa học Giáo dục, 101 Trần Hưng Đạo.2]. Người ra kẻ vào tấp nập với một không khí sôi sục, khẩn trương báo hiệu một thời khắc lịch sử sắp đến.
Sớm ngày 18, ở Hà Đông, ta tổ chức cho quần chúng tuần hành thị uy. Khi quần chúng kéo vào thị xã thì Nhật cho lính ra cản đường, nhưng không dám đàn áp. Một viên sỹ quan Nhật, kiếm đeo bên hông tiến lên, đề nghị được gặp đại biểu cấp trên của Việt Minh. Sự việc trở nên phức tạp. Lúc đó tôi cũng có mặt. Tính sao đây? Suy nghĩ một lúc, tôi thấy cần nhân dịp này thăm dò thái độ của bọn Nhật. Vả lại việc Nhật đề nghị gặp ta mà không dám đàn áp cuộc biểu tình chứng tỏ sự suy yếu của bọn chúng. Tôi nhân danh đại diện của Tổng bộ Việt Minh tới gặp viên sỹ quan Nhật. Hai bên trao đổi rồi cùng hẹn đến 10 giờ sẽ gặp gỡ chính thức đại diện cấp cao của hai phía tại doanh trại Nhật.
Để làm hậu thuẫn cho cuộc gặp gỡ với bọn Nhật, tôi bàn với các đồng chí huy động thêm quần chúng ở quanh thị xã, lúc hội nghị bắt đầu thì kéo vào tuần hành quanh trại lính Nhật.
Bọn Nhật cũng chuẩn bị, chúng định chơi đòn phủ đầu uy hiếp tinh thần đại biểu ta: quân lính của chúng được lệnh dàn cả ra hai phía cổng, gươm súng tuốt trần.
Đúng 10 giờ, tôi mặc áo the, đi giầy Gia Định, đội khăn xếp, cùng hai đồng chí nữa tiến vào cổng trại. Thấy chúng tôi đi một cách đàng hoàng - trang trọng như kiểu ta đi duyệt bộ đội danh dự ngày nay - viên sỹ quan Nhật và lũ tay chân đứng gần đó hết sức ngạc nhiên. Viên quan năm Nhật chỉ huy trại, mặc võ phục chỉnh tề, đành phải đứng ra hô lính chào. Nghe lệnh, bọn lính đứng nghiêm bồng súng. Tôi cũng giơ tay chào lại theo phép xã giao. Giữa lúc đó, quần chúng từ các ngả ào ào kéo tới, vừa đi vừa hô khẩu hiệu "Ủng hộ Việt Minh!". Khí thế rất hùng mạnh.
Khoảng 10 giờ 30, cuộc họp bắt đầu. Phía ta có ba đại biểu. Phía Nhật ngoài viên quan năm chỉ huy ở Hà Đông ra, còn có tỉnh trưởng bù nhìn và Quản Dưỡng - phụ trách Trại bảo an binh, một viên thông ngôn và mấy viên sỹ quan cấp dưới.
Mở đầu cuộc họp, viên quan năm Nhật yêu cầu Việt Minh không được làm hại đến tính mạng lính Nhật.
Thế là rõ ràng: bọn phát xít Nhật chỉ muốn yên thân trở về nước. Từ trước, chúng tôi băn khoăn không biết thái độ của bọn chúng đối với Việt Minh như thế nào. Thấy hắn nói vậy, tôi trả lời ngay:
- Quân đội Nhật thua rồi, đâu đóng nguyên ở đó và phải giữ trật tự cho tốt, chờ ngày quân Đồng minh tới. Trong khi chờ đợi, không được có hành động gì hại đến công việc của Việt Minh. Ngoài ra, khi nhân dân biểu tình thì quân đội Nhật không được ra khỏi doanh trại, có như vậy thì quân đội Nhật mới thực sự được đảm bảo tính mạng.
Nói xong, tôi thấy trong người rất sảng khoái, sung sướng.
Nghe tôi nói vậy, viên quan năm Nhật đồng ý là sẽ không can thiệp vào công việc của Việt Minh, nhưng còn vấn đề quân lính Nhật không được ra khỏi doanh trại thì hắn đề nghị là sau khi hỏi ý kiến viên quan sáu Nhật ở Hà Nội, sẽ trả lời.
Tôi nhân danh Uỷ ban quân sự cách mạng và đại diện Tổng bộ Việt Minh tuyên bố sẽ đảm bảo tính mạng cho người Nhật nếu quân đội Nhật không can thiệp vào công cuộc cách mạng của Việt Nam. Tôi giới thiệu đồng chí Đặng Kim Giang sẽ chịu trách nhiệm về chính quyền cách mạng ở Hà Đông. Sau đó, bọn quân Nhật rút. Quần chúng treo cờ đỏ sao vàng tại Trại Bảo an binh. Nhưng lúc này ta vẫn chưa thực sự giành chính quyền ở tỉnh lỵ Hà Đông, vẫn còn tỉnh trưởng bù nhìn, Trại Bảo an binh vẫn do Quản Dưỡng nắm.
Như thế là trước lực lượng quần chúng to lớn do Việt Minh lãnh đạo, bọn Nhật đã buộc phải nhượng bộ. Cách mạng tiến thêm một bước. Bọn tay sai Nhật bị cô lập càng thêm hoang mang. Uy tín của Việt Minh ở Hà Đông càng vang dội trong quần chúng.
Trưa hôm đó, anh Nguyễn Khang ở Hà Nội vào cho biết là ở Hà Nội không khí cách mạng sôi sục lắm. Tối qua, Khâm sai chính quyền bù nhìn đã rút lui để lại chính quyền cho một bọn ở trong cái gọi là Uỷ ban chính trị toàn quyền hành động. Ta cần có chủ trương khởi nghĩa gấp. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, tôi và anh Khang nhất trí đồng ý cho Hà Nội khởi nghĩa vào 10 giờ sáng ngày hôm sau - 19 tháng 8 - để làm chỗ dựa cho các tỉnh lỵ khác giành chính quyền. Tôi nói thêm: Xứ ủy sẽ chỉ thị gấp cho các tỉnh quanh Hà Nội như Hà Đông, Hưng Yên, Bắc Ninh... huy động quần chúng kéo về hỗ trợ cho Hà Nội.
Chiều tối, tôi liên tiếp nhận được báo cáo ở một số phủ, huyện của Hà Đông đã giành được chính quyền tương đối dễ dàng. Lòng tôi càng rộn lên niềm sung sướng.
Đêm đó, tôi không ngủ, cùng các đồng chí nghiên cứu báo cáo về tình hình chuẩn bị khởi nghĩa ở các nơi gửi về và chờ sáng để ra Hà Nội theo dõi diễn biến khởi nghĩa ở đây.
Sớm ngày 19, lúc trời còn tờ mờ sáng, tôi đã lên đường đi Hà Nội.
Ra đến thị xã Hà Đông đã thấy từng đoàn người tấp nập đi về hướng Hà Nội, vừa đi họ vừa hát vang bài "Tiến quân ca" và hô khẩu hiệu. Tới Ngã Tư Sở lại thấy thêm nhiều đoàn khác đang từ các làng ở ngoại thành Hà Nội như Khương Thượng, Láng v.v... đổ ra rất đông.
Đến Bờ Hồ thì rõ ràng là một biển người. Người trùng trùng điệp điệp như sóng đại dương.
Cờ đỏ và biểu ngữ la liệt. Tất cả các khối người tiêu biểu cho các tầng lớp nhân dân nội ngoại thành: công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên, viên chức... và các lực lượng tự vệ đang từ từ tiến về lễ trường tại Nhà hát Lớn. Khoảng 10 giờ, đội ngũ quần chúng chỉnh đốn xong. Mọi người hướng cả về lễ đài chờ đợi. Cờ đỏ và biểu ngữ được giương cao. Tôi xem lại một số khẩu hiệu dán ở các biểu ngữ, thấy nổi lên các hàng chữ:
- Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim!
- Thành lập Chính phủ dân chủ cộng hòa Việt Nam!
- Bài trừ giặc Pháp và chống các cuộc xâm lăng!
- Việt Nam hoàn toàn độc lập!
- Cách mạng giải phóng Việt Nam muôn năm!
- Anh em binh lính hãy quay súng gia nhập hàng ngũ chiến đấu bên cạnh Việt Minh!
Lúc này ở lễ đài, nhiều tự vệ chiến đấu và thanh niên xung phong bồng súng, cầm gươm, đứng gác nghiêm chỉnh.
Gần 11 giờ, cuộc mít tinh khai mạc. Tất cả mặc niệm một phút để tưởng nhớ các chiến sỹ cách mạng đã hy sinh vì Tổ quốc. Sau đó, ba phát súng nổ vang, lễ chào cờ bắt đầu. Nhạc "Tiến quân ca" hùng tráng nổi lên. Lá cờ đỏ sao vàng to lớn được từ từ kéo lên cột cờ dựng trước Nhà hát Lớn. Mọi người, tay nắm chắc giơ cao, hướng về lá cờ, nét mặt nghiêm trang tin tưởng. Từ tầng cao Nhà hát Lớn, một loạt truyền đơn bay xuống tản ra như bươm bướm. Tiếng vỗ tay hoan hô của quần chúng nổi lên như sấm.
Giữa lúc đó, đồng chí Trần Quang Huy tiến đến bên ống phóng thanh đọc bản hiệu triệu của Ủy ban khởi nghĩa gửi toàn thể nhân dân Hà Nội:
"... Chính phủ nhân dân cách mạng Việt Nam ấy sẽ ban bố những quyền tự do cho toàn thể quân dân, sẽ cải thiện sinh hoạt vật chất và tinh thần cho dân chúng và đồng thời động viên lực lượng toàn quốc để bảo vệ và củng cố nền độc lập chân chính của nước nhà. Chỉ có chính phủ nhân dân cách mạng mới đủ uy tín và năng lực để lãnh đạo dân tộc ta đến một tương lai rực rỡ, xứng đáng với quá khứ oanh liệt còn ghi chép trong quốc sử...".
Sau khi đồng chí Huy đọc xong bản hiệu triệu, quần chúng hưởng ứng hô vang các khẩu hiệu.
Tiếp theo đó, quần chúng chia làm hai ngả: một ngả tiến đi chiếm Phủ Khâm sai, Tòa thị chính, Kho bạc, Sở cảnh sát Hàng Trống; một ngả đi chiếm Trại Bảo an binh và Ty Liêm phóng...
Tôi đi theo ngả thứ nhất. Khi đoàn biểu tình tiến đến gần Phủ khâm sai, bọn cầm đầu chính quyền bù nhìn đã ra lệnh cho lính bảo an đóng cổng lại. Hơn một trăm lính bảo an có mặt trong đó đã được lệnh sẵn sàng nổ súng. Từ phía trong cổng sắt, nhiều nòng súng chĩa ra đường. Quần chúng không sợ, ào ào tiến tới. Một tiểu đội tự vệ ta xông lên, vượt qua cổng sắt nhảy vào trong. Quần chúng kéo đến sát cổng. Ta kêu gọi thuyết phục. Bọn lính bảo an hoảng sợ xếp súng xin hàng.
Cổng Phủ khâm sai mở ra. Tôi đến thẳng nơi làm việc của tên cầm đầu "Uỷ ban chính trị". Hắn nói năng vô lễ. Tôi liền tát cho hắn hai cái rồi nhân danh Uỷ ban quân sự cách mạng Bắc Kỳ, ra lệnh bắt giam. Hắn lập tức bị tự vệ ta trói lại giải đi.
Thấy gần đấy có chiếc máy nói, tôi quay gọi cho các tên tỉnh trưởng và thị trưởng ở Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh biết là ở Hà Nội, Việt Minh đã khởi nghĩa giành được chính quyền, đồng thời ra lệnh cho bọn chúng phải mau chóng giao chính quyền cho Việt Minh, nếu không sẽ bị xử tử.
Lúc này, phía ngoài, quần chúng đã hạ lá cờ quẻ ly của bọn bù nhìn xuống và trương cao lá cờ đỏ sao vàng năm cánh bay phấp phới ở nơi trung tâm của miền Bắc và của cả nước.
Đoàn biểu tình còn tiếp tục chiếm Tòa thị chính, Kho bạc, Sở cảnh sát Hàng Trống.
Giữa lúc ấy có tin đoàn thứ hai đi chiếm Trại bảo an binh đang gặp khó khăn: Nhật trắng trợn can thiệp đã cho xe tăng bít các ngả đường và chĩa súng máy vào quần chúng. Chúng tôi cử đồng chí Lê Trọng Nghĩa thay mặt Uỷ ban khởi nghĩa tới thương thuyết với bọn Nhật. Chiều hôm đó, công việc ở đây cũng được giải quyết ổn thỏa: quân đội Nhật rút lui, ta thu trên bốn trăm súng của lính bảo an và một kho súng còn nguyên vẹn có đến ngót nghìn khẩu. Việc giành chính quyền ở Hà Nội coi như đã xong về căn bản. Quần chúng tỏa về các đường phố cười nói, vui mừng khôn xiết. Tối đến, các chụp đèn phòng thủ trong thành phố được bỏ ra hết làm cho Hà Nội tràn ngập ánh sáng.
Tôi đang trao đổi với các đồng chí trong Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội về kết quả trong ngày và bàn tính công việc ngày hôm sau, thì một cán bộ ở Hà Đông ra mời tôi về gấp. Tôi vội vã đi ngay.
Tối hôm đó, Tỉnh ủy Hà Đông bàn kế hoạch khởi nghĩa ở thị xã. Tôi trình bày lại tỉ mỉ tình hình Hà Nội cho các đồng chí cùng nghe, sau đó bàn giao một số công tác để hôm sau chúng tôi còn đi Bắc Giang báo cáo Trung ương.
Sớm hôm sau, tôi trở ra Hà Nội. Để chuẩn bị cho tôi đi Bắc Giang báo cáo và đón Trung ương về Hà Nội, các đồng chí Hà Nội đã kiếm đâu về một chiếc xe "Pho" sơn đen bóng nhoáng và một đồng chí tài xế có vẻ thạo nghề. Ở hai đầu xe còn cắm hai lá cờ đỏ sao vàng nhỏ. Đúng 10 giờ xe nổ máy.
Trên đường phố Hà Nội, chỗ nào cũng thấy cờ đỏ sao vàng treo la liệt, mọi người đi lại tấp nập, cười nói hớn hở.
Xe qua cầu Long Biên rẽ về khu phố Gia Lâm. Ở đầu phố, hai tự vệ - một nam, một nữ - tay cầm mã tấu, thấy xe có cắm cờ Việt Minh liền đứng nghiêm chào. Ở trong phố, dáng chừng sắp có mít tinh nên mọi người cầm cờ, biểu ngữ đi lại chen chúc. Xe phải đi chậm lại. Đồng bào vẫy tay hoan hô. Đến cuối phố, lại gặp trạm gác có ba-rie chắn đường. Xe phải dừng lại. Hai tự vệ tay đeo băng đỏ, xách súng ra hỏi giấy, xem xong liền đứng nghiêm, bồng súng chào theo động tác quân sự rồi ra hiệu nâng ba-rie để xe đi.
Khoảng 12 giờ, xe đến thị xã Bắc Ninh. ở đây ta chưa giành chính quyền nhưng không khí cách mạng rất sôi sục. Tôi gặp tên tỉnh trưởng Bắc Ninh, ra lệnh cho hắn là khi quần chúng khởi nghĩa phải giao lại chính quyền ngay tức khắc, như thế tính mạng sẽ được bảo đảm. Tên này cúi gập người, vâng dạ lia lịa.
Rời thị xã Bắc Ninh vào khoảng 13 giờ. Xe bon nhanh về hướng Bắc Giang. Bên đường, những hàng cây xanh thẳm, những cánh đồng bát ngát uốn lượn vùn vụt lùi về sau, gió lộng mát rượi. Đột nhiên một cảm xúc đến với tôi:
... Tôi nghĩ đến ngót hai mươi năm qua, kể từ khi tham gia cách mạng, mỗi lần được gặp các đồng chí Trung ương là phải lén lút, vội vã vì sự theo dõi, khủng bố của quân thù, gặp nhau trong những đêm tối ở rừng sâu hoặc trong ngục thất của bọn đế quốc. Ngày nay, cách mạng thắng lợi rồi, đàng hoàng gặp nhau thế này, mừng vui biết bao nhiêu!
Nếu như đồng chí lái xe không bóp lên hồi còi tránh chiếc xe ca-mi-ông[[3] Camion: xe vận tải.3] đang từ phía trước lao tới, thì ý nghĩ trên còn chưa chấm dứt. Tôi thở nhẹ, cảm thấy khoan khoái lạ.
Khoảng 14 giờ, xe tới thị xã Bắc Giang. Ở đây, ta đã giành chính quyền từ hai hôm trước. Khắp phố, nhà nào cũng treo cờ đỏ sao vàng, mọi người ngược xuôi nom tươi tỉnh khác thường. Tôi nhắc đồng chí lái xe cho xe rẽ vào Dinh tỉnh trưởng, nơi thấy có biển đề "Trụ sở Uỷ ban quân sự cách mạng tỉnh Bắc Giang". Xe vừa dừng, tình cờ tôi gặp một tên đã kết án tôi 20 năm tù hồi ở Hà Nam (tên Việt gian này chưa bị chính quyền cách mạng bắt và trừng trị). Trông thấy tôi, hắn sợ quá, run lên. Tôi bảo: “Cứ đứng yên ! Nếu biết ăn năn hối lỗi, tích cực lập công chuộc tội thì cách mạng sẽ tha thứ!”. Hắn cúi gập người xuống, vái lấy vái để. Sau đó, tôi vào trụ sở gặp các đồng chí của mình, và mãi tới khuya hôm đó mới gặp được anh Lê Thanh Nghị. Lúc gặp anh Nghị, tay bắt mặt mừng, vừa cảm động vừa sung sướng.
Đêm đó, tôi báo cáo toàn bộ công việc với anh Nghị và mời Trung ương về Hà Nội. Anh Nghị nghe xong gật đầu, nắm chặt tay tôi, dặn dò: "Đồng chí cần về gấp để chuẩn bị mọi công việc đón Trung ương và Chính phủ nay mai sẽ về Hà Nội".
Sáng hôm sau cơm nước xong, tôi liền trở về xuôi. Trước khi xe chạy, anh Nghị dặn thêm: “Công việc tới sẽ vất vả đấy! Giữ được chính quyền chẳng phải chuyện dễ đâu. Các đồng chí cần dựa vững vào đường lối cách mạng của Đảng và chính sách của Mặt trận mà thực hiện công việc”.
16 giờ về đến Hà Nội. Tôi tới ngay trụ sở của Uỷ ban nhân dân cách mạng Bắc Bộ để cùng các đồng chí trao đổi.
Công việc lúc này rất bộn bề. Theo các đồng chí Hà Nội báo cáo lại thì sau hai ngày cướp chính quyền, một số việc cần phải giải quyết gấp: việc tổ chức ổn định bộ máy hành chính, các chính sách đối với nhân sỹ trí thức, các đoàn thể, đảng phái đứng trong Mặt trận Việt Minh, thái độ đối với Nhật, việc tiếp tục thanh trừng bọn phản cách mạng v.v...
Khi bàn bạc tới một số chủ trương quan trọng, ai nấy đều cảm thấy rất lúng túng. May sao đúng lúc ấy, hội nghị nhận được tin đồng chí Trường Chinh, đồng chí Võ Nguyên Giáp từ Thái Nguyên đã về tới Hà Nội. Chúng tôi vội cử người đi đón ngay. Tiếp đến là anh Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Trân... lần lượt có mặt. Hồ Chủ tịch về Hà Nội vào ngày 24 tháng 8 năm 1945. Một hai ngày sau thì Pát-ti[[4] Patti.4], nhân danh phái bộ Mỹ, và Xanh-tơ-ni[[5] Sainteny.5], đại diện phái đoàn Pháp, đáp máy bay tới Hà Nội.
Thế là cả một tập thể trí tuệ của giai cấp, của dân tộc đã có mặt. Sự nghiệp cách mạng sẽ được đẩy mạnh và mọi khó khăn phức tạp sẽ lần lượt được giải quyết.
Ngày 26 tháng 8 năm 1945, theo chỉ thị của Trung ương, tôi bàn giao những công việc tồn tại của Xứ ủy và của Uỷ ban nhân dân cách mạng Bắc Bộ cho đồng chí Trần Quốc Hoàn và đồng chí Nguyễn Văn Trân (mới được Trung ương chỉ định làm Chủ tịch Bắc Bộ).
Ngày 31 tháng 8, Giải phóng quân từ chiến khu kéo về Hà Nội. Cũng ngày này, tôi nhận được chỉ thị chuẩn bị xây dựng Trường Quân chính Việt Nam (nay là Trường Sỹ quan lục quân Việt Nam).
Ngày 3 tháng 9, sau một ngày nước ta tuyên bố độc lập và Chính phủ trung ương nhân dân lâm thời làm lễ ra mắt quốc dân, Trường Quân chính Việt Nam khóa 1 cũng chuẩn bị khai giảng.
Một công việc mới khó khăn nhưng rất vẻ vang lại bắt đầu...
T.H ghi
Đúng là "Từ Phú Riềng đỏ đến Mùa thu Hà Nội...", chỉ riêng 2 mốc đó đã quá tự hào vì ông!
Trả lờiXóa