Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

Trần Tử Bình - một người đồng chí



TRẦN TỬ BÌNH – MỘT NGƯỜI ĐỒNG CHÍ
Nguyễn Văn Trân[1]


Tôi viết bài này muốn nhắc đến một Uỷ viên thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ trong thời gian tôi làm Bí thư, đó là anh Trần Tử Bình, người đã cùng đồng chí Nguyễn Khang - Uỷ viên thường vụ Xứ - thay mặt Xứ uỷ lãnh đạo thành công Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội, ngày 19 tháng 8 năm 1945.
Cuối tháng 7 năm 1945, tôi cùng anh Trần Quốc Hoàn, Uỷ viên thường vụ Xứ, được Trung ương triệu tập lên chiến khu Việt Bắc dự Hội nghị toàn Đảng và Quốc dân đại hội để thống nhất kế hoạch Tổng khởi nghĩa trên phạm vi toàn quốc. Công việc của Xứ uỷ được bàn giao lại cho hai đồng chí Nguyễn Khang và Trần Tử Bình. Anh Khang trực tiếp phụ trách Hà Nội, còn anh Bình phụ trách phong trào các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Trước khi đi, chúng tôi trao đổi rất kĩ với nhau: vì điều kiện liên lạc với Việt Bắc rất hạn chế, khó có thể xin chỉ thị trực tiếp từ Trung ương; nhất là thực tế cách mạng diễn biến rất phức tạp, sẽ bất ngờ xuất hiện những khả năng ngoài dự kiến; cho nên từng đồng chí phải quán triệt chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” và phải vận dụng thật khéo léo, hễ thời cơ đến là phải chớp lấy giành chính quyền về tay.
Đúng như dự kiến, sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, khí thế cách mạng ở Hà Nội đã lên đến đỉnh điểm. Thời cơ dường như đã chín muồi. Các lực lượng chính trị phản động cũng toan tính giành lấy chính quyền. Chớp thời cơ có một không hai này, nhân danh Xứ uỷ Bắc Kỳ, đồng chí Trần Tử Bình và Nguyễn Khang, kịp thời phát lệnh Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội. Sáng ngày 19 tháng 8, sau cuộc mít-tinh khổng lồ tại quảng trường Nhà hát Lớn, hai đồng chí đã cùng lực lượng cách mạng tiến vào chiếm Phủ Khâm sai -cơ quan đầu não của chính quyền bù nhìn. Tối 19 tháng 8, Xứ uỷ quyết định thành lập Chính quyền cách mạng lâm thời Bắc Bộ, do đồng chí Nguyễn Khang làm Chủ tịch.

Mấy ngày sau khi giành được chính quyền, tôi và anh Trần Quốc Hoàn mới từ Thái Nguyên về đến Hà Nội. Khắp các phố phường tràn ngập màu cờ đỏ. Nét mặt ai cũng rạng rỡ, hồ hởi. Chúng tôi về ngay Bắc Bộ phủ tìm gặp hai anh. Gặp nhau trong vòng tay, chúng tôi ôm lấy anh Bình, anh Khang mà giàn giụa nước mắt. Thật không thể kể hết nỗi mừng! Cũng chẳng kịp hàn huyên, anh Bình vội bàn giao công việc để đi nhận nhiệm vụ mới - tiếp nhận Trường quân chính kháng Nhật, gấp rút đào tạo cán bộ cho chính quyền cách mạng non trẻ.

Những ngày kháng chiến chống Pháp, chúng tôi cùng sống trên chiến khu Việt Bắc. Tôi công tác bên Chính phủ, anh bên quân đội.

Hoà bình lập lại, nhất là khi anh làm Đại sứ ở Trung Quốc, mỗi lần trong đoàn Chính phủ sang Bắc Kinh công tác hay mỗi chuyến đi Đông Âu trở về, tôi và anh lại có dịp gặp nhau. Chúng tôi tâm đắc nhắc lại kỷ niệm những năm tháng hoạt động ở Xứ uỷ Bắc Kỳ và những ngày Tháng Tám sôi động… Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9 năm 1960), anh được tín nhiệm bầu vào Trung ương.

Đầu năm 1967, khi cách mạng đang rất cần đến anh thì anh đột ngột ra đi. Sự ra đi của anh đã để lại nỗi niềm tiếc thương trong đồng chí, bạn bè.

Đồng chí Trần Tử Bình - một chiến sĩ cách mạng kiên cường, đã công tác trong quân đội, trong ngành ngoại giao và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Tuy xa chúng ta đã 40 năm nhưng nhân cách, đạo đức của Trần Tử Bình vẫn sống mãi trong trái tim của đồng chí, bạn bè.

Tên tuổi Trần Tử Bình xứng đáng được tôn vinh!
Hà Nội, 15 tháng 1 năm 2006





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.