Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

Khi ngọn lửa mới nhen (Thép Mới)


KHI NGỌN LỬA MỚI NHEN [1]
Nhà báo Thép Mới[2]
Trong buổi đầu của giai đoạn mới, ta hãy hồi tưởng lại một mùa xuân khi ngọn lửa mới nhen!

Ở đồn điền cao su Phú Riềng, Nam Bộ, hàng năm vào ngày mùng một Tết, thường có tục múa lân. Đám lân từ các làng công nhân kéo đến trước sở, thi nhau, ganh nhau giật giải của chủ. Tết năm Canh Ngọ (1930) đã có một cái gì hơi khác. Những đám lân ăn mặc cũng khác mọi năm. Thanh niên quần xanh, áo đỏ, mũ đỏ. Họ từ mọi ngả đường kéo đến trước sở, múa lân tung cầu, diễu vũ dương uy. Bọn chủ mắt đỏ gay giữa hai hớp rượu mạnh, ra đứng trước lầu, phễnh bụng đứng nhìn một cách đắc ý và ném tiền xuống thưởng. Lạ! Những đầu lân năm nay dường như không có mắt. Những đồng năm xu kền trắng, hào con, hào đôi, cả một đôi đồng bạc trắng rớt xuống nền xi măng, bật lên lẻng xẻng. Bọn chủ Tây chờ đợi lân như mọi năm, phục xuống đất, liếm tiền vào mõm giầy rồi quay lên hiên, chỗ chúng đứng, quỳ xuống bái lạy đủ năm lần. Lân năm nay chỉ vươn lên vờn lấy quả cầu, rướn nhảy lên, đá song phi cả vào hào đôi, bạc trắng và khi leo đến tận đỉnh cây thang cao chót vót, lân ghếch hàm râu cước lên trời, như ra oai, như thách thức thì tất cả mọi người reo cười khoái trá, trừ mấy tên chủ Tây ngơ ngác mà thôi.



-Các quan lớn tốt, các quan nhỏ thưởng tiền, sao anh em năm nay không lấy? - Giọng người thông ngôn lè nhè quay xuống hỏi.

-Ngày Tết, anh em chỉ múa lân cho vui thôi.

Và tiếng trống lại nổi lên giòn giã hơn nữa, dồn dập hơn nữa rước lân về với anh em, bà con ở các làng khuất sau những khu rừng cao su thẳng tắp.

Đám thanh niên công nhân cao su đã mượn đầu lân năm mới nói lên ý thức mới của mình. Những người nô lệ cực khổ nhất, nạn nhân của nghèo đói và áp bức từ khắp đất nước, bán đời mình cho chủ đất đỏ, Tết này đã bắt đầu nhìn thấy kiếp mình không thể nào là kiếp khổ sai mãi nữa.

Ta đều biết từ sau đại chiến lần thứ nhất, tư bản thực dân đổ xô vào mở mang những đồn điền cao su béo bở. Năm 1922, tổng số diện tích trồng cao su ở Đông Dương là 30.000 mẫu Tây[3]. Năm 1929, 120.000 mẫu Tây. Người ta thường nói: "Mỗi cây cao su mọc lên là có một người công nhân Việt Nam ngã xuống". Câu nói ấy thật không ngoa.


Tôi đã được gặp người công nhân cao su đeo số 310 của đồn điền Thuận Lợi (tức Phú Riềng) thuộc hãng Mi-sơ-lanh mà nhiều đồng bào ta còn nhớ. Người công nhân ấy là đồng chí Nguyễn Mạnh Hồng, nay là một ủy viên của Ban liên lạc Nông dân toàn quốc. Cũng như hàng nghìn, hàng vạn thanh niên nông dân Bắc Kỳ và Bắc Trung kỳ, vào những năm 1925–1926, không còn một lối nào khác trên mảnh đất quê hương, Nguyễn Mạnh Hồng đã dấn thân đến đồn điền cao su Phú Riềng từ khi mới có làng công nhân số 1. Hãy nghe đồng chí kể lại đời công nhân cao su thuộc những thế hệ đầu tiên ấy:

- Chúng tôi đến cao su vào thời kỳ hãy còn còn phải phá rừng trồng cây. Làm rừng, thật là thí mạng mình cho cây đổ. Anh em công nhân mình cứ 50 người vào một kíp. Kíp chặt cây to, kíp chặt cây nhỡ, kíp chặt cây nhỏ. Chặt gỗ lớn phải khỏe và nhanh. Không nhanh tay chặt cho đều hàng thì cây đè chết, lại chết lây sang cả kíp chặt cây con nữa. Cứ luôn tay chặt xuống 12 tiếng đồng hồ liền. Tây và cai lởn vởn đứng đằng sau, lẩn vào đám bụi cây. Hễ ngơi tay là ăn roi lên lưng lên đầu. Càng về tối, người mệt lử lại càng phải tỉnh vì cuối buổi làm cây đổ lù lù, hết cây nọ đến cây kia, hàng trăm, hàng nghìn cây đổ, cả một khu rừng liền sập xuống thành đất phẳng. Tai nạn luôn luôn. Có hôm ba bốn người chết, cây đè nát thịt, tan xương vỡ đầu. Có anh bị cành con quật cũng chết. Bị què chân, gẫy tay cũng lắm. Nghĩ lại mà khủng khiếp. Hôm nào vào kíp chặt cây con thưa, còn rảnh tay đôi chút. Chặt cây con dậm, đi chậm cũng có khi bị cây lớn đổ chết lây.


…Cả buổi làm 12 tiếng đồng hồ - Vẫn lời đồng chí Nguyễn Mạnh Hồng -chỉ được nghỉ 15 phút ăn cơm trưa, uống nước rồi đi làm ngay. Từ chỗ ở đến chỗ làm từ ba đến chín cây số. Càng chặt rộng, càng đi xa. Về đến nhà thì tối đã lâu, hôm nào cũng nhọ mặt người mới được nghỉ. Gọi là làng công nhân nhưng nào có ra làng. Hàng dãy nhà tôn thấp lè tè, đóng sàn như sàn tủ, bốn người nằm vừa khít là một khoang, chỗ đặt được chân thì là bếp luôn. Đất đỏ cao su rửa chân xà phòng ba lần mới sạch, thế mà hôm nào về cũng không kịp rửa chân, rửa mặt. Về đến nhà là vác ống bương nứa ngộ ra khe lấy nước, kiếm mấy cây củi nỏ thổi cơm. Cơm vần chín thì nướng mấy con cá khô hoặc khô cổ quá thì luộc lá bứa, lá văn khôi, đủ thứ lá nhăng nhít ngoài rừng lấy nước chan cơm cho qua bữa. Cơm xong là vừa trống cấm. Ngủ đến hai giờ rưỡi sáng đã phải dậy, đổ nửa ống nước còn lại thổi cơm, nắm vào khăn mặt đen thui, áp với con cá khô nướng, buộc vào sau lưng rồi đi mài búa, mài dao, lật bật ra rừng, lại chặt suốt từ sáng đến tối.


Làm quần quật suốt ngày, lại còn bị đòn, bị đánh. Bọn Tây đốc công rất ác. Nhiều anh em mình chết rất thương tâm. Tôi nhớ nhất một lần chính mắt tôi trông thấy có anh Chánh, người Hải Dương, đến phiên đi cắm mốc đào lỗ trồng cao su, chỉ cắm lệch có một tí mà bị thằng đốc công Va-lăng-tanh thoi cho một quả, ngã ra như con gà rù rồi chôn ngay ở đầu rừng. Không chết vì cây đè, không chết vì đòn Tây thì lại chết về bệnh. Cái giống rừng đất đỏ, hễ vấp trầy da là sâu quảng ngay. Có người sâu quảng nặng không đi được, lê đến giữa rừng rồi nằm liệt đấy, xỉu ngất đi, bị mối có càng, hàng triệu, hàng vạn con bậu đến cắn vào thịt, ăn mất mắt. Khổ quá, có người treo cổ lên cây, có người đâm đầu xuống suối. Có lần bảy anh em rủ nhau đi trốn, bị lính Mọi[4]bắt trói dẫn về. Chủ bắt lính dận giày săng-đá lên người, xương kêu rau ráu, rồi bỏ vào xà-lim cùm chặt. Tên lính giữ chìa khóa xà-lim quên mất, một tuần sau mới nhớ ra, mở xà-lim thì cả bảy người đã chết cứng cả rồi.


Ac nhất có tên đốc công Đờ Mông-tây, một tay đã giết không biết bao nhiêu anh em mình. Bên làng số 2, 120 anh em mới vào đã bị nó đánh phủ đầu cho suốt lượt. Trong số đó có anh Nguyễn Đình Tư, người Hà Đông, đứng lên hô hào anh em: Đằng nào cũng chết, chết rửa được nhục là hơn! Anh em, nhân ngày chủ nhật vào rừng, lập bàn thờ, đốt hương cắt ngón tay lấy máu ăn thề kể tội thằng Đờ Mông-tây, bàn cách trả thù. Thế là ngay đêm hôm ấy, khi tên đốc công hung ác rúc còi gọi công nhân dậy đi làm thì Nguyễn Đình Tư hô lên: "Anh em ơi, chém chết nó đi!". Đờ Mông-tây chạy bán sống bán chết về lầu, chưa bước chân được lên thang gác đã bị chém chín nhát búa chết tươi. Anh em xông vào lầu giết chết thêm năm tên nữa. Bọn Tây, bọn lính vác súng nã vào anh em. Anh em bỏ chạy vào rừng. Chúng vây rừng, bắn xả vào, bắt về bốn, năm chục người, còn bắn chết hết trong rừng. Có người nấp được, chưa chết sau cũng bị lính Mọi chặt đầu đem về. Những người bị bắt đem về Sài Gòn xử tù chung thân, riêng anh Nguyễn Đình Tư bị kết án xử tử.


Đồng chí Nguyễn Mạnh Hồng nói tiếp:

- Sau vụ đấu tranh của anh em bên làng 2, tôi cũng như nhiều anh em thanh niên làm cao su lúc bấy giờ thấy cuộc đời mình thật là bế tắc. Nghĩ đời như thế này chỉ còn có cách làm cách mạng mới sống được mà thôi. Nhưng tinh thần chỉ biết giữ trong lòng, không có khả năng gì vun trồng được. Anh em biết nghĩ thì cứ trông đợi một cái gì và an ủi nhau: Trời đất không phải như thế này mãi được, ta chờ cho con tạo xoay vần...


*


* *


Cuộc đấu tranh do anh Nguyễn Đình Tư khởi xướng, dù sao, cũng gây một tiếng vang trong dư luận lúc bấy giờ. Những người Cộng sản đầu tiên bắt đầu chú ý đến phong trào công nhân cao su Phú Riềng. Đồng chí Ngô Gia Tự vào Namtừ năm trước, gây những cơ sở đầu tiên của cách mạng, cử đồng chí Nguyễn Xuân Cừ (tức Vĩnh) lên cao su.


Một trong những người công nhân cao su được Đảng bắt rễ là đồng chí Trần Tử Bình.

Cuộc đời của đồng chí bắt đầu như cuộc đời của Pa-ven trong Thép đã tôi thế đấy. Vốn con một gia đình nông dân đạo gốc vùng Nam Định, Hà Nam, đồng chí vào học ở Chủng viện Hoàng Nguyên gần cầu Guột. Phong trào yêu nước chung quanh đám tang của cụ Phan Chu Trinh ảnh hưởng cả đến lớp thanh niên công giáo. Hơn nữa, trong Giáo hội Việt Nam, từ năm 1919 đã có một phong trào chống những linh mục nước ngoài, đòi bình đẳng với các cố Tây. Giám đốc Chủng viện Hoàng Nguyên là cố Quý, người Ca-na-đa, khi giảng đạo, cũng như trong cư xử hàng ngày, thường tỏ ra khinh miệt và phỉ báng người Việt Nam rất thậm tệ. Không những các học sinh, cả đến những cha Việt Nam như cha Khiêm - cũng rất lấy làm phẫn uất. Có một lần cố Quý giảng rằng:

- Giống An-nam là giống người hay ăn cắp và hay nói dối.

Trần Tử Bình đứng lên:

- Bẩm cha bề trên, cha không nên nói thế! Tất cả mọi người đều là con của Chúa.

Lẽ tất nhiên cha bề trên đuổi thẳng Trần Tử Bình ra khỏi Chủng viện. Thất nghiệp, không thể trở về quê cũ, trong lúc bế tắc anh đã gặp Tống Văn Trân. Qua vài lần tiếp xúc, đồng chí Tống Văn Trân đã giác ngộ Trần Tử Bình và khuyên anh nên vào Nam Bộ “vô sản hóa”. Đồng chí Trần Tử Bình nhớ lại:

- Lần đầu gặp anh trên bờ đê sông Vĩnh Trị. Anh kể chuyện Liên bang Xô-viết, anh kể chuyện Trung Quốc cách mệnh. Lúc bấy giờ ta chưa nói chữ “đoàn kết”. Anh dặn đi dặn lại : "Anh em phải đồng tâm đấu tranh mới bênh vực được quyền lợi của mình! Anh em cứ đồng tâm đấu tranh. Chúng tôi sẽ tìm đến".

Vậy là con đường đi phu Nam Kỳ được lựa chọn.


Sở mộ phu của tên mại bản buôn người Phan Tất Tạo, trong những năm ấy, có chi nhánh ở khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Ở tỉnh Nam Định, nhà chứa người đi phu đợi ngày ra Phòng[5]ở gần nhà Vạn Bảo và Chợ Rồng.


Vào phu, mỗi đầu người được mười đồng bạc, bọn cai ăn chặn bốn đồng. Cánh phu Hà Nam, Nam Định, Thái Bình đấu tranh: "Chúng tôi bán mạng mình để có mười đồng. Các anh không trả đủ không đi". Bọn cai phải hoàn lại số tiền ăn chặn. Ra đến Hạ Lý, chủ không phát quần áo. Anh em đòi thi hành đúng hợp đồng, phát hai bộ quần áo. Phan Tất Tạo phải nhượng bộ. Bọn người cùng cảnh ngộ bắt đầu cảm thấy: chỉ có đồng lòng nhau là được.


Đồng Tâm! Cuộc đời làm Trần Tử Bình mỗi ngày một thấy hai chữ đồng tâm mầu nhiệm.


Ngày 24 tháng 2 năm 1927, tàu Đô-ri-ê đưa hàng nghìn phu vào Sài Gòn. Đi đường mỗi ngày được năm hào, bị ăn chặn hai hào rưỡi. Lại đấu tranh với thằng quan tư, đòi lại tiền, đòi ăn cho ngon, đổi chỗ tốt. Tên quan tư đem nhốt anh em dưới sàn tàu như chó. Anh em mạch-lô[6]quăng bánh mì xuống ủng hộ anh em phu đấu tranh. Cập bến Sài Gòn, vừa lên xóm chiều Tân Đáo, bọn lính ma tà đã quây lấy chửi đánh tàn tệ. Anh em nhịn ăn một bữa phản đối đánh đập, cò phải đến dàn xếp. Đám anh em phu Nam Định, Thái Bình, Hà Nam bị bọn chủ chia nhau đem đi các đồn điền Sa-cáp, Sa-can, Mi-sơ-lanh, Quảng Lợi, Đất Đỏ. Chia tay, đám thanh niên hăng hái nhất còn dặn dò nhau: "Anh em mình phải đồng tâm mới đùm bọc lấy nhau được".


Gần hai trăm người bị đưa lên đồn điền Phú Riềng. Chỉ thấy rừng với rừng, càng nghĩ: chỉ có dựa vào nhau mới sống được. Làm đã khổ, đòn lại ác, cuối tháng 8 anh em vận động đình công phản đối đánh đập. Lính da đen đến đàn áp, bắn xả vào mái tôn, anh em phải vác cuốc chạy trốn vào rừng. Không nhụt trí đấu tranh, tháng sau có vụ Tây đá chết người, chỉ một đêm vận động, sáng hôm sau, hàng trăm người xếp hàng biểu tình ra Biên Hòa kiện tên hung thủ. Lính cản đường giải tán và tòa án Biên Hòa sau đó xử hòa vụ kiện kẻ giết người đó. Anh em càng thêm căm tức: "Pháp luật chó gì cái pháp luật của thằng Tây. Pháp luật nó có bênh mình đâu".


Theo chỉ thị của đồng chí Ngô Gia Tự, đầu năm 1928, Nguyễn Xuân Cừ và Trần Tử Bình đi vào tổ chức quần chúng. Cừ tổ chức anh em phu bên lương, lập hội “Xuân Thu nhị kỳ”, mỗi tháng đóng một hào, một năm hai lần cúng tế thần, mổ lợn, mổ bò đánh chén, ngoài ra khi có người ốm đau, trông nom thuốc thang, có người chết đưa tang. Bình tổ chức anh em phu bên giáo, lập hội ông thánh Giu-se, ai chết xin lễ quan thầy cho và làm lễ cầu hồn. Lương cũng như giáo, đồng lòng với nhau, đấu tranh giành những quyền lợi nhỏ trong sinh họat hàng ngày. Đến giữa năm 1928, Nghiệp đoàn cao su ra đời, bao gồm một phần ba tổng số những người lao động ở Phú Riềng, đấu tranh với chủ đòi giảm bớt đánh đập, chống cúp lương vô lý, đòi cải thiện sinh họat. Mỗi cuộc đấu tranh thành công lại thêm đà phát triển rộng về tổ chức. Dần dần, chế độ làm việc đúng giờ rồi chế độ làm khoán được thực hiện. Chủ phải để anh em lập hội đá bóng, lập hội hát chèo. Nghiệp đoàn ra tờ Nghiệp đoàn cao su in thạch. Tờ báo cổ động, tuyên truyền trong công nhân cao su xuất bản tất cả được hơn 20 số.


Chi bộ cao su Phú Riềng thành lập giữa năm 1929 gồm năm đồng chí. Có cả đồng chí làm lái xe giữ mối giao thông liên lạc giữa các làng công nhân. Đấu tranh chung đi vào có chỉ đạo. Không mấy ngày là không có đấu tranh. Có đồng chí mới giác ngộ, đấu tranh thường dễ tả. Đồng chí Cảo, người Hà Nam, tính vốn nóng, khi mới giác ngộ càng thêm nóng nảy. Đồng chí đang dẫy cỏ, còn mấy đám chưa dẫy kịp. Sếp Tây đến hạch. Đồng chí trừng mắt lên. Nó giằng lấy cuốc, nện đồng chí vào đầu. Thế là bãi công. Hàng trăm người kéo lên sở đòi đổi tên sếp đi nơi khác và đền đồng chí Cảo cho đến khi khỏi mảng đầu. Có những người cai mới được tuyên truyền giác ngộ, cãi lại Tây luôn, bị chúng đem bỏ tù. Lại đấu tranh đòi thả cai ra. Mỗi đám ma biến thành một cuộc biểu tình. Trước huyệt người cùng giai cấp, anh em đọc điếu văn vì sao mà bạn chết và kêu gọi đồng lòng với nhau, lúc sống cũng như lúc chết, để bênh vực lẫn nhau.


Đồng chí Nguyễn Xuân Cừ bị lộ, bị trục xuất về Bắc. Đồng chí Trần Tử Bình lên thay làm bí thư và được tổ chức bố trí cho làm y tá của sở. Lúc ấy là lúc trên báo Giải phóng đã tuyên truyền những nét lớn về cương lĩnh của Đảng. Đồng chí Trần Tử Bình rất thắc mắc một điểm: "Tịch thu nhà máy, hầm mỏ, đồn điền về cho thợ thuyền, tịch thu ruộng đất về cho dân cày. Nhưng tại sao lại lấy cả đạo điền (danh từ lúc bấy giờ chỉ ruộng đất của nhà chung) mà chia cho dân cày? Đạo điền là của Chúa".


Một ngày cuối năm 1929, lần đầu tiên đồng chí Trần Tử Bình gặp đồng chí Ngô Gia Tự ở một căn phòng rất nhỏ ở phố La-gơ-răng-đi-e Sài Gòn. Một căn phòng chỉ có một chiếc ghế bố và sách. Ngô Gia Tự vừa làm công nhân nhà máy may Chợ Lớn, vừa chỉ đạo phong trào chung. Bằng lối nói rất cụ thể, anh đã giải thích cặn kẽ cho người học trò cũ của Chủng viện Hoàng Nguyên hiểu: ruộng đất cũng như mọi thứ của cải trên đời ở đâu mà ra và từ đấy người công nhân Trần Tử Bình nhìn cuộc đời bằng con mắt mới.


Trước Tết năm ấy, tờ Giải Phóng (cơ quan Trung ương của Đảng) báo tin Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Tờ báo truyền đến những người công nhân cách mạng ở đồn điền Phú Riềng một nguồn phấn khởi không bờ bến. Có thể anh em lúc bấy giờ chưa thấy hết được chiều lớn của sự kiện lịch sử đó, nhưng ai nấy đều cảm thấy chắc chắn: Đảng là sức mạnh của mình. Trong đảng viên và trong quần chúng cảm tình, người ta truyền khẩu dạy cho nhau bài hát phỏng theo "Quốc tế ca" đăng trên báo.


Tết công nhân nghỉ ba ngày, chi bộ chủ trương tổ chức một "Cuộc gặp mặt để mà hiểu nhau". Nghĩa là Tết tăng cường đoàn kết, Tết biểu dương lực lượng. Anh em diễn tuồng, anh em diễn kịch, anh em múa lân. Anh em làm một bữa cơm ăn chung. Và tối mồng một, làng nào cũng tổ chức diễn thuyết: "Đời chúng ta vì sao mà khổ cực? Chúng ta phải đấu tranh thế nào để sống?". Trước phong trào quần chúng lên mạnh, anh em ta đã treo lên lá cờ búa liềm.


Năm ấy bắt đầu khủng hoảng kinh tế. Lương công nhân đồn điền từ bốn hào rút xuống một hào. Lương cai, lương thầy thợ đều bị rút xuống. Đấu tranh hàng ngày lôi kéo những lớp người ngày càng rộng rãi trong đồn điền.


Rồi tức nước vỡ bờ, ngay những ngày đầu năm mới đã nổ ra cuộc đấu tranh lớn chưa từng có bao giờ. Nguyên nhân: một người cai được giác ngộ, tốt với anh em, bị Tây bắt đem bỏ tù. Thế là kíp công nhân gần đấy vác cuốc bỏ về nhà, nấu cơm ăn, rồi ngay chiều hôm ấy kéo đến bàn giấy chủ nhất đòi phải thả người cai mới bị bắt. Chủ đóng cửa không tiếp. Tất cả nằm ngay ngoài sân, qua đêm đến sáng cũng không chịu về. Trước tình hình đó, công nhân làng số 1, số 2, số 9 cũng bỏ việc kéo cả lên nhà giấy tiếp sức toán biểu tình hôm trước. Tin đấu tranh từ kíp nọ lan sang kíp kia, làng nào cũng kéo nhau đi. Những kíp đang làm ngoài rừng cũng vác luôn cả cuốc, búa, dao sắp thành hàng ngũ kéo đi. Trống đánh đổ hồi, gọi nhau vang từ làng này sang làng khác.


Tây đồn đem lính đến. Đoàn biểu tình với ba trăm phụ nữ đi đầu cứ tiến. Đi đến dốc Đỏ giữa làng số 2 và số 3, bọn lính ngăn lại:

- Tất cả dừng lại nếu không quan sẽ bắn.

Trên 800 công nhân nam nữ cứ tiến. Tên đồn hô:

- Bắn !

Và bọn lính bắn chỉ thiên.

Chị em phụ nữ ào lên, bốc tro ném vào lính, lấy cuốc bổ vào lính. Cứ thế mà xán vào đánh bọn quan với lính. Những chị em hăng hái nhất xông vào cướp súng của lính. Bảy khẩu súng về tay công nhân.

Tên đồn kêu rối rít:

-Thôi, thôi, quan không bắn nữa.

Tất cả bỏ chạy. Tây trắng lên xe hơi, Tây đen lên xe đạp, trốn cả về Sài Gòn.

Tự do! Lần đầu tiên trên một mảnh đất của Tổ quốc rộng hàng vạn mẫu tây, những người lao động giành lại được tự do. Đồng chí Trần Tử Bình sau này thường nói: "Cái ngày hôm ấy thật vui như Cách mạng Tháng Tám. Cái ngày hôm ấy tôi nghĩ đến câu Mác nói: Được là được cả vũ trụ, giang sơn, mất chỉ mất có xiềng xích nô lệ". Say sưa với thắng lợi và chưa hình dung thấy rồi địch sẽ khủng bố như thế nào, cả 5.000 công nhân biểu tình hết làng này đến làng khác. Họ giương cờ búa liềm. Họ vừa đi vừa hát:

Cực quá rồi, các bạn thợ thuyền ơi !

Chúng ta muốn sống phải quyết một phen

Phá khai con đường xích lộ

Ta làm nó hưởng

Chịu sầu bi sống thảm đã lâu....


Cai, ký, xu cũng đổ ra đường, đi theo cuộc biểu tình cách mạng. Mấy nhà buôn gần bàn giấy sở vội vàng đốt pháo chào mừng công nhân. Tiếng hát vẫn vang lên:

...Nỗi bất bình chịu hoài sao được

Thầy có Đảng, bạn có Nông

Hợp sức đồng lòng

Trận này đánh đổ

Cả quyền Tây, triều Nam....


Đi đầu là một số đồng chí lãnh đạo chi bộ và trên ba trăm chị em phụ nữ công nhân. Kíp nọ bảo kíp kia, chạy về làng lấy đầu lân ra vừa đi, vừa múa. Tiếng trống lân xen với tiếng hát cách mạng:

...Làm cho hết sức

Sứ mạng thợ thuyền

Đập đổ cường quyền

Cả năm châu, năm châu

Cuộc đời này phải phá cho mau

Lập ra cuộc xã hội chủ nghĩa

Mới mong bình đẳng tự do....


Đến mỗi bãi rộng, lại dừng, lại diễn thuyết. Người nói mê mải. Người nghe không biết chán. Tha hồ hô vang. Tha hồ hát lớn. Đám biểu tình cứ đi mãi cho đến tối mịt. Đuốc bật lên sáng rực cả rừng. Rồi tất cả anh chị em tập trung cả trước bàn giấy sở, mở kho lấy gạo, nhóm lò, bắc chảo thổi cơm ăn chung. An xong, nhóm lên một đống lửa lớn giữa rừng, bao nhiêu công-tơ-ra (hợp đồng) mang ra đốt sạch. Những cuộn giấy cháy vèo, nhìn đống tàn tro bay lên tưởng chừng như tiêu tan hết cả bao nhiêu xiềng xích nô lệ. Có người ném cả biển số phu như số tù vào đống lửa. Năm nghìn công nhân reo mừng khi kéo lên lá cờ búa liềm. Súng bắn chim, súng trường cướp được của Tây thi nhau bắn chỉ thiên. Tiếng vang âm từ những khoảng rừng sâu vọng lại.


Mãi đến tận đêm khuya, làng nào cũng tổ chức diễn kịch, diễn tuồng, diễn chèo. Thật vui hơn ăn Tết lại. Trong khi đó, ở một căn lều nhỏ xa làng, ban lãnh đạo đấu tranh nhóm họp suốt sáng. Địch trở lại khủng bố thì làm thế nào? Có người bàn ngả cây. Có người bàn đào hố cắm chông. Ngay đêm hôm ấy, nhiều anh em thanh niên đã hì hục mài sẵn dao búa, nhiều chị em phụ nữ đã chuẩn bị đầy túi tro trộn với ớt. Phần lớn anh chị em nghĩ: "Mai nó lên thì đánh, sống chết không cần biết thế nào. Cứ đánh! Lấy đầu mấy thằng! Uống máu mấy thằng!".


*


* *


Chi bộ nhận định: "Đảng chưa có chỉ thị cướp chính quyền. Chủ trương đánh nhất định không được. Phải chuyển hướng đấu tranh để tránh khủng bố". Và chi bộ chia nhau đi các làng giải thích, tổ chức và huấn luyện công nhân đi vào đấu tranh hợp pháp.


Chiều hôm sau, quả nhiên, hai chiếc máy bay bà già bay liệng trên cả một khu vực đồn điền Phú Riềng, vừa thị uy, vừa thám thính. Bấy giờ, tiếng súng báo động Yên Bái vừa dứt. Bọn thống trị ngày đầu tiên đối phó rất dè dặt.


Ngày hôm sau, Thống đốc Nam Kỳ Cơ-rô-hây-me, Công sứ Biên Hoà Mác-ti, Chánh mật thám Đông Dương Ac-nu đi xe bọc sắt có trên 20 chiếc ca-mi-ông hộ tống, chở 500 lính vừa khố xanh, vừa khố đỏ cùng 300 lính lê-dương kéo lên đồn điền Phú Riềng. Lính tráng, súng lăm lăm được bố trí đi mở đường. Đoàn xe từ từ tiến vào khu nhà chủ hãng. Ơ đây cả 5.000 công nhân đã sắp hàng, tay không, ngồi thẳng tắp.


Thống đốc NamKỳ Cơ-rô-hây-me bảo thông ngôn phiên dịch:

- Các quan lên đây làm gì, chúng mày có biết không?

Một đại biểu công nhân đáp:

- Chúng tôi không được biết.

- Các quan lên đây vì chúng mày làm loạn.

- Ai nói với các ông là chúng tôi làm loạn?

- Chủ hãng báo với Nhà nước, chúng mày đánh quan đồn, đánh lính, làm giặc.

- Các ông tin chủ hãng hơn chúng tôi: chính chủ hãng, xu-vây-dăng và lính đánh chết chúng tôi nhiều lắm. Chúng tôi kêu Nhà nước bảo chủ hãng không được đánh đập, không được cúp lương. Chúng tôi khổ lắm.

- Thế tại sao chúng mày bỏ việc không đi làm?

- Tại sao đồn bắn chúng tôi. Chúng tôi sợ chết phải bỏ về nhà.

Bọn thực dân bàn nhau một hồi lâu. Rồi tên thông ngôn ra nói với công nhân:

- Các quan lớn bảo ai ở làng nào về làng ấy. Chúng mày ngoan ngoãn, chủ hãng sẽ tốt.


Anh em vừa giải tán. Bọn chủ hãng và tay sai của chúng chỉ mặt cho lính bắt 45 anh em lên xe ca-mi-ông. Thế là công nhân quay trở lại bám lấy xe, giằng lại người của mình. Tiếng nhao nhao lên: " Các ông bắt đi tù thì chúng tôi đi tù hết. Các ông muốn giết thì giết hết chúng tôi ". Chúng đành phải thả những người bị bắt. Bọn cầm quyền thực dân và phần lớn lính của chúng trở về Sài Gòn nhưng gài lại rất nhiều mật thám. Chúng đã bắt trúng Trần Tử Bình trong khi anh đang tuyên truyền đám binh lính. Chúng tìm thấy cả cơ quan in trong rừng. Ít lâu sau, nhiều đồng chí khác cũng bị bắt.


Chúng giải các đồng chí của ta về Biên Hòa. Anh em dọc đường hô vang khẩu hiệu "Đả đảo đế quốc Pháp!", "Đảng Cộng sản muôn năm!". Qua chợ, qua làng, qua phố, cứ cười, cứ hát bô bô.


Vụ án cao su Phú Riềng là vụ án chính trị đầu tiên của phong trào đấu tranh do Đảng ta lãnh đạo. Phiên tòa xét xử tại Sài Gòn. Đồng bào nô nức đi coi. Nhiều người tò mò xem mặt các ông "pô-li-tích" (nhà làm chính trị) thế nào. Họ rất đỗi ngạc nhiên vì đây là một lớp người làm chính trị kiểu mới.

-Mặc quần sà lỏn, đóng khố thế kia mà làm chính trị được ư?

Viên quan tòa xử phiên ấy là một người Ấn Độ vùng Pông-đi-sê-ry thuộc địa của Pháp. Hắn hỏi:

-Chúng mày là những người theo người ta xúi giục. Chúng mày có kêu oan không?

-Chúng tôi là những người lao động. Chúng tôi phải làm cách mạng. Chúng tôi không có con đường nào khác. Chúng tôi là người Việt Nam. Chúng tôi phải làm cách mạng. Chúng tôi không có con đường nào khác. Chúng tôi không cần phải kêu oan.

-Thế ai xui chúng mày?

-Ai xui? Lịch sử nước Pháp xui chúng tôi.

-Nước Pháp nào xui chúng mày?

-Bà Gian-đa[7]xui chúng tôi. Cách mạng 1789 xui chúng tôi. Tôi xin hỏi lại quan tòa: Quan tòa gốc người Ấn Độ. Là người Ấn Độ, quan tòa có xử tội ông Găng-đi[8]không?

Tiếng trầm trồ nổi lên:

-Cu ly đồn điền mà biết nhiều chuyện dữ vậy?

Tại Khám lớn Sài Gòn, anh em cao su Phú Riềng được gặp bao nhiêu đồng chí. Anh em kể chuyện: Ngày 1 tháng 5, phong trào đâu đâu ở Nam Bộ lúc bấy giờ cũng nêu khẩu hiệu "Noi gương đồn điền cao su Phú Riềng!". Nhiều đồng chí tìm đến bắt tay: "Các đồng chí thật là oanh liệt!", "Phú Riềng đã truyền một lòng tin mới cho những người yêu nước Việt Nam”.Bọn thực dân vừa dìm khởi nghĩa Yên Bái trong máu lửa thì có ngay một sức mạnh mới nổi lên, lôi cuốn những lớp người kiên quyết nhất, như triều dâng, như nước sôi, đánh thẳng vào cơ sở của chúng.


Sau này, các đồng chí Phú Riềng có gặp lại anh Ngô Gia Tự ngoài Côn Đảo. Anh em kiểm điểm phong trào: Trình độ tổ chức của chúng ta còn kém, kinh nghiệm đấu tranh của chúng ta còn non, song tinh thần cách mạng của quần chúng thật chói chang dũng khí đấu tranh giai cấp. Khi đã vùng lên, thật không còn có gì cưỡng nổi.


Đấu tranh của công nhân cao su Phú Riềng có thể nói đã mở ra một thời kỳ cách mạng mới của nước nhà, do giai cấp công nhân Việt Nam trai trẻ và đội tiên phong dày dạn của nó lãnh đạo.


Ngọn lửa mới nhen mà đã bùng lên, đời đời cháy mãi, không sức gì có thể dập tắt được. Từ những tia lửa đấu tranh ở cao su Phú Riềng, đình công khổng lồ ở Máy sợi Nam Định và Xô Viết Nghệ An đã nảy ra ánh mặt trời Cách mạng Tháng Tám và buổi bình minh của chủ nghĩa xã hội hôm nay.


"Từ tia lửa nảy ra ánh sáng"!
Hà Nội, ngày 2-3-1958
T.M




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.