Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Trần Tử Bình - một tấm gương sáng



TRẦN TỬ BÌNH – MỘT TẤM GƯƠNG SÁNG!
Vũ Thơ[1]



Trong vụ khủng bố trắng năm 1939, đồng chí Đinh Tất Miễn, bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình, bị bắt và hy sinh trong nhà tù. Đảng bộ Ninh Bình bị mất liên lạc với Xứ uỷ Bắc Kỳ, nhưng một số đảng viên vẫn duy trì phong trào và tìm cách nối lại liên lạc với Xứ ủy. Sau lần đồng chí Phan Long về nhà máy Dệt Nam Định không bắt được liên lạc, đồng chí Phan Lang lại mạo hiểm đến trại giam Vụ Bản (Hòa Bình), nơi mật thám Pháp đang an trí đồng chí Đông Sơn, để tìm đường chắp nối. Phan Lang lấy cớ đến xin thầy lang đơn thuốc vì bấy lâu nay, gia đình đã quen dùng thuốc của ông.




Sau khi chắp lại được liên lạc, Xứ uỷ cử ngay đồng chí Trần Tử Bình về phụ trách phong trào. Lúc đó, đồng chí lấy bí danh là Số. Có một lần, khi cùng nằm ổ rơm ở nhà cụ Chánh Thành (ở thôn Sải), tôi hỏi vì sao anh lấy tên là Số mà không chọn tên khác? (Vì trong số cán bộ ở Ninh Bình thì Phan Lang lấy tên là Phi Vân, Phan Văn Thiện là Phan Long, Phan Văn Vạc là Lý, còn tôi là Kỳ Châu. Các tên này nghe kêu và hay hay!). Anh đã cười và nói: “Bọn Pháp đang khủng bố gay gắt, phong trào liên tục bị vỡ, anh em mình không biết có tránh được không nên mình không chọn tên đẹp. Với lại các cụ xưa đã dạy sống chết là do số, “Số hồ thiên mệnh”[2]mà. Nên chả sợ gì, cứ tích cực lặn lội với phong trào.” Mấy anh em nghe anh nói đều cười vui. Anh tỏ ra là một cán bộ cách mạng đầy kinh nghiệm, chúng tôi tin là anh hoạt động có phương pháp, tôn trọng nguyên tắc hoạt động bí mật nên mật thám Pháp khó mà bắt được anh. (Thực ra, anh không tin vào số phận mà tự tin vào chính tài năng của mình nên nói vậy cho vui).



Gặp anh, tiếp xúc với anh, anh đã gieo vào chúng tôi một tình cảm thương yêu và kính trọng. Có một lần, tôi đến gia đình cụ Chánh Thành, tìm gặp anh Vân. Tôi đến rất sớm, vừa vào cổng đã gặp ngay một người đang quét sân bằng cái chổi lá cọ, mỗi nhát chổi đưa đi đều nghe tiếng soàn soạt. Tôi hỏi thăm xem anh Vân có nhà hay không thì anh ngẩng đầu lên. Tôi nhận ra anh. Quét xong chỗ rác, anh dựng chổi vào góc nhà, rồi anh em tay bắt mặt mừng. Anh kéo tôi cùng ngồi xuống hè rồi hỏi có việc gì mà đến sớm? Tôi nói vì đã hẹn với anh Vân, đến trả lại cuốn sách “Phép biện chứng”, tôi vừa chép xong. Thế rồi, anh hỏi ngay tình hình phong trào trong đồn điền[3]. Dạo này trời trở lạnh, anh em công nhân (lúc đó gọi là phu) đi sớm về tối có bị rét không, anh em có kêu ca gì không? Tôi báo cáo với anh đời sống của anh em công nhân rất cơ cực. Sáng phải dậy sớm vì sống cách đồn điền gần 3 cây số, phải làm việc quần quật tới khi trời tối mịt, không rõ mặt người mới được nghỉ, lại mò mẫm trong đêm tối trở về nhà. Buổi trưa, phải ngồi giữa hai luống mía tranh thủ ăn trưa, ăn xong dốc thuồng uống nước (thuồng là một ống cây bương đựng nước). Uống xong là vào làm việc ngay vì dịp này đang mùa chặt mía, kéo mật. Tôi trình bày với anh ý định tổ chức cuộc đấu tranh, đòi chủ cho công nhân bã mía để làm đuốc soi đường về nhà. Anh nghe rất chăm chú, rồi khêu gợi trình bày và rất ủng hộ chủ trương đấu tranh. Anh hỏi tiếp về những cốt cán của phong trào, ý định, khẩu hiệu và phương pháp lãnh đạo đấu tranh. Tôi liền báo cáo một mạch về tình hình chủ đồn điền, quản lí và các cai cùng số đoàn viên trong đồn điền - nòng cốt của đấu tranh. Tôi trình bày bức xúc của công nhân và phương pháp lãnh đạo đấu tranh là dựa vào các đầu phu lập ra ban đấu tranh để vận động, tuyên truyền trong công nhân. Anh em nòng cốt cùng đi, cùng về với công nhân, tranh thủ những lúc rét mướt, tối trời, thậm chí khi có người bị ngã vì trơn trượt mà gợi ý cho anh em. Hàng ngày, anh em nòng cốt phản ánh với tôi tình hình dư luận trong công nhân. Cũng có tâm lí sợ chủ cúp lương, đuổi việc mà không dám đấu tranh, tôi đã gặp gỡ, trao đổi giải đáp thắc mắc. Cho đến khi đa số công nhân tự giải quyết được những băn khoăn và quyết tâm đấu tranh, chờ đúng lúc thời tiết mưa phùn, gió bấc sẽ cho nổ ra cuộc đấu tranh. Mặt khác, vì là thư kí, tôi sẽ làm nội ứng, thuyết phục chủ và tay quản lí để giải quyết yêu cầu của công nhân, với lí do: lúc này, việc thu hoạch mía đường cũng đã vào thời vụ, mà việc làm ruộng nhà của công nhân cũng rất cần. Nếu đuổi công nhân thì ắt họ sẽ về làm ruộng nhà, mà đuổi công nhân thì không còn ai thu hoạch mía trong thời vụ cao điểm. Đây chính là điều kiện để ép chủ phải nhượng bộ, để giữ được thợ thì chủ phải chấp nhận yêu cầu của họ, cho họ bã mía làm đuốc đi đêm. Nghe xong, anh gọi ngay anh Vân ra cùng bàn. Cả ba nhất trí với phương án đã trình bày và đồng ý cho nổ ra cuộc đấu tranh.



Sau khi kiểm tra lại một lần nữa quyết tâm đấu tranh trong công nhân, đúng vào dịp thời tiết xấu, mưa bụi, gió may kéo dài; chiều hôm đó, đợi cho trời tối mịt, tất cả phu đồn điền tập trung, kéo lên sân chủ. Một đại diện xin phép gặp chủ đặt vấn đề: “Dạo này, trời mưa dầm, rét buốt, đường chúng tôi đi về lại là đường rừng, đường đồi, trơn trượt, đi làm về muộn, trời tối om, không biết lối nào mà đi. Từ hôm trời đổ mưa, nhiều người bị ngã, bẩn hết quần áo, thậm chí rách cả quần. Thật khổ sở! Vậy xin chủ cho chúng tôi mỗi người một nắm bã mía, làm đuốc soi đường.” Yêu cầu này thật có tình, có lí nhưng thoạt nghe, quản lí đã không đồng ý. Ông ta cho rằng “được đằng chân sẽ lân đằng đầu”, vì xin được lần này, lần sau công nhân lại lấn tới. Như những lần trước đòi tăng lương, mỗi lần chỉ tăng thêm có hai, ba xu mà lương đang từ tám xu đã tăng lên hai mươi tám xu một ngày. Mặt khác, bã mía cũng là nhiên liệu để nấu đường, nếu cho bã mía thì khi thiếu chất đốt lại phải mua củi bổ sung.



Tối hôm sau, anh em công nhân lại kéo lên sân chủ. Anh em tuyên bố, nếu chủ không giải quyết, thì nhân trời mưa rét, tối tăm thế này, xin chủ cho nghỉ vài ngày, chờ trời tạnh hẵng hay. Tối hôm đó, bà chủ vội họp với các cai để bàn. Họ nhất trí không cho công nhân bã mía. Vậy là phát lệnh bãi công trong anh em. (Thực ra ngày đó chưa dùng từ “bãi công”mà chỉ dùng từ “nghỉ việc”). Sáng hôm sau, cũng vẫn mưa bụi, gió may, anh em công nhân các làng đều không đi làm, nhưng ai cũng tranh thủ ra làm ruộng nhà. Thấy căng, chủ đồn điền kêu quản lí và các cai lại bàn bạc. Là thư kí nên tôi cũng dự họp. Trước đó, tôi đã gặp riêng quản lí trao đổi: “Xin ông nghĩ kĩ, quả thật, anh em đi làm trong điều kiện thời tiết này là khốn khổ lắm. Đừng để vì một nhúm bã mía, chẳng đáng giá là bao mà để lỡ vụ mía. Mía cành trổ cờ, lượng đường trong mía càng giảm. Nếu đem so sánh thì rõ ràng là ta thiệt hơn. Việc này không lớn, tôi nghĩ ông nên dùng quyền của mình mà quyết. Vả lại bã mía là của chủ chứ có của ông đâu mà ông giữ? Ông mà giải quyết được yêu cầu của công nhân, thì họ sẽ biết ơn ông đấy!” Tayquản lí ngần ngừ suy nghĩ thêm. Hai ngày sau, (tức là ngày đình công thứ ba), quản lí mới trình ý kiến đó cho chủ đồn điền và được chấp nhận. Quản lí yêu cầu các cai cho gọi phu đi làm. Thế là yêu cầu của cuộc đấu tranh đã đạt được, ban bãi công ra lệnh cho anh em đi làm.



Khi tôi báo cáo lại tình hình, cả ba anh em đều vui mừng với thắng lợi và trao đổi rút kinh nghiệm cho cuộc đấu tranh sau. Rõ ràng là, muốn nổ ra đấu tranh phải nắm vững dư luận và biết rõ nhu cầu bức thiết của công nhân. Ban bãi công phải cùng đi, cùng về với công nhân, lợi dụng mọi cơ hội để giải thích, động viên anh em quyết tâm đấu tranh; lãnh đạo phải theo sát, động viên kịp thời. Mặt khác, cũng phải xem xét yêu cầu mình đặt ra trong tình thế có thuận lợi không, có khả năng buộc chủ giải quyết được hay không, nếu nghỉ việc thì thu xếp công ăn việc làm như thế nào cho công nhân; những yêu cầu của mình có cao quá hay thấp quá, có đúng lúc không; đặc biệt phải chọn thời cơ nổ ra thích hợp. Kì này, ngoài việc được chủ cho bã mía làm đuốc đi đường thì anh chị em còn sử dụng tiết kiệm, giải quyết được chất đốt cho gia đình. Ai cũng phấn khởi!



(Sau này, vì hay trò chuyện tâm tình mà tôi được biết, những năm 1926-1930, anh từng lăn lộn trong phong trào công nhân cao su Nam Bộ và là bí thư chi bộ lãnh đạo cuộc đấu tranh của 5000 phu cao su thắng lợi, làm nên một “Phú Riềng Đỏ” được ghi vào sử sách của phong trào công nhân Việt Nam. Chính vì vậy mà anh rất say sưa nghe tôi báo cáo về tình hình đồn điền, tổ chức đấu tranh và đưa ra những kinh nghiệm đấu tranh rất sát).



Cũng dịp Tết Quý Mùi (1943), anh Bình họp anh em lại phân tích tình hình. Anh nêu lên, đã có tự vệ thì phải có cán bộ quân sự để huấn luyện cho anh em. Văn phải ôn, võ phải luyện, không luyện tập thì không thể thành đội tự vệ được. Chúng tôi bàn bạc và nhất trí mở lớp huấn luyện vào đúng dịp Tết, nhân lúc bà con nghỉ việc đồng áng. Chúng tôi sử dụng trại khai hoang ở thôn Lũ Phong để luyện tập, dùng nhà ông cố Đoang, ông quỹ Tậu làm nơi ăn nghỉ. Anh em tập trung ngay hôm 30 Tết và tổ chức thành ba tiểu đội. Lớp huấn luyện gồm cán bộ cả bốn tỉnh thuộc liên tỉnh, nay tôi nhớ không hết tên anh chị em, nhưng ở Ninh Bình có các anh Phan Lang, Phan Long, Anh Lý (Vũ Nhất), Lương Văn Lập, Lương Văn Vộc, Vũ Văn Luận, Nguyễn Văn Nghị, các chị Nguyễn Thị Sửu, Nguyễn Thị Hạnh. Ở Hà Nam có hai đồng chí về học, trong đó có chị Tân (tức chị Đề, sau này là người vợ yêu quý của anh Trần Tử Bình. Anh chị sinh được hai cháu gái và sáu cháu trai). Ở Nam Định có hai đồng chí, còn Thái Bình có đồng chí Hà Thị Quế và Lương Văn Đài (Hiến Cửu)… Lớp tập trung sinh hoạt theo lối quân sự, ra vào phải báo cáo, ai có việc rời khỏi trại phải được trực nhật cho phép. Các tiểu đội đều dưới sự chỉ huy và hướng dẫn luyện tập của anh Bình. Ban ngày ra bãi tập những động tác cơ bản như lăn lê, bò toài, đi đều, hành quân, tập cắm trại, học các chiến thuật đánh tập kích, phục kích, đánh cướp trại… Ban đêm thì tập trung cả vào một nhà để sinh hoạt chính trị, học lý thuyết du kích chiến tranh, du kích chiến, vận động chiến và“Mười chính sách của Việt Minh”. Khi tập đi đều thì tập hát luôn bài“Cùng nhau đi Hồng binh”; còn sau giờ sinh hoat chính trị, ai biết bài nào thì lên hát góp vui, có chị hát cả những điệu hát cô đầu. Chị Tân, được anh Bình dùng miệng đánh trống chầu, đã hát bài “Nơi ải biên cương, Phi Khanh dặn Nguyễn Trãi” hay “Trưng Trắc khuyên Trưng Nhị”. Tôi còn nhớ lời một bài ca của Đỗ Nhuận mà anh đã dạy cho lớp: ”Bớ công nông, phất cờ lên!/ Bớ công nông, phất cờ lên!/ Đồng tâm góp sức giết loài sài lang/ Theo ngọn cờ Mác-Lê nin/ Anh em nào quyết ra tay!”. Sinh hoạt văn nghệ suốt đêm, làm vui nhộn cả một góc rừng. Sau ba ngày tết, lớp học giải tán vì đã có người đi làm ruộng, làm nương.



Ngày mùng 6 Tết, nhân ngày hội chùa Bái Đính, nhân dân trong vùng đi hội khá đông. Anh Phan Lang có sáng kiến đề nghị tổ chức một buổi diễn thuyết công khai và anh Bình làm diễn giả. Toàn thể đội tự vệ và khá đông hội viên Việt Minh được huy động, mỗi người chuẩn bị sẵn một gói cát trộn ớt bột, thủ sẵn trong túi, nếu kẻ địch vây bắt thì sẽ ném vào mặt chúng để diễn giả rút lui an toàn. Sáng hôm đó, đứng trên một tảng đá lớn, ngay giữa lối lên núi, anh Bình dõng dạc vạch trần sự bóc lột tàn ác của đế quốc, phong kiến, chỉ ra nỗi khổ cực của nông dân và kêu gọi: “Chúng ta là con cháu Đinh Tiên Hoàng, con cháu Lê Đại Hành, hãy phát huy truyền thống yêu nước của tổ tiên, hãy mau mau gia nhập Việt Minh, đồng tâm cứu nước, cứu nhà!”. Cuộc diễn thuyết kết thúc thắng lợi do được bảo vệ chu đáo, lại do yếu tố bí mật, bất ngờ nên bọn tổng lí không làm gì được. Anh em giải tán, trà trộn vào dân đi hội.



Tết năm Giáp Thân (1944), cũng nhân ngày hội chùa, cũng tại địa điểm này, chúng tôi lại tổ chức diễn thuyết công khai do chị Đề là diễn giả. Rút kinh nghiệm cuộc diễn thuyết năm trước, việc tập hợp quần chúng và bảo vệ được tổ chức chu đáo hơn. Các tiểu đội tự vệ bao quanh ngay chỗ diễn giả đứng diễn thuyết, vòng ngoài là các hội viên cứu quốc rủ theo những quần chúng cảm tình với cách mạng. Và cuộc diễn thuyết thành công tốt đẹp. Sau đó, các hội viên đi sâu vào nhân dân tuyên truyền về cuộc diễn thuyết để mở rộng phong trào.



Cũng ở Ninh Bình, anh Bình còn thay mặt Xứ uỷ Bắc Kỳ đứng ra tổ chức lớp huấn luyện quân sự ở Đồng Báng (Nho Quan). Giáo viên lên lớp là anh Hoàng Quốc Việt và anh Trần Tử Bình. Học viên về dự có anh Lê Quang Đạo, chị Ba (Minh Châu), chị Tân, anh Vũ Nhất và tôi… Lớp học đóng trại ngay tại nhà bà Đinh Thị Du. Ban ngày, tập quân sự ở vườn Thổ thần, xóm Đồi Xưng, xã Sơn Lai; ban đêm, tập trung học lí thuyết ở nhà bà Du. Bà cụ lo cơm nước cho lớp học, còn đội tự vệ thôn Sưa chịu trách nhiệm bảo vệ. Nay bà cụ đã mất. Huyện uỷ Nho Quan đã đưa hài cốt cụ về an táng và xây mộ trên nền nhà cũ, vừa để ghi ơn cụ, vừa để ghi lại di tích lịch sử này.



Sau lớp huấn luyện quân sự của Xứ uỷ, anh Bình còn tổ chức một lớp huấn luyện về chính trị cho cán bộ lãnh đạo Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình. Lớp học tổ chức tại nhà ông Nguyễn Văn Lục ở thôn Sưa, xã Sơn Lai. Chương trình giảng dạy về chủ nghĩa Mác - Lê nin, Thuyết Duy vật biện chứng và Duy vật lịch sử, những nguyên tắc bảo vệ Đảng. Tâm sự với anh mới biết, những kiến thức này, anh được học tập trong những năm bị giam cầm ở Côn Đảo mà thầy giáo chính là những bạn tù có trình độ. Thế hệ các anh đã “biến nhà tù thành trường học cách mạng”. Những ngày sống nhờ gia đình cơ sở, anh rất gần gũi với gia chủ, hôm nào cũng dậy từ sáng sớm, khi thì giúp chủ nhà quét dọn sân xướng, lúc cho lợn gà ăn…



Với kinh nghiệm hoạt động bí mật, anh truyền lại cho chúng tôi, chính lúc nhá nhem tối và mờ mờ sáng là thời gian bọn mật thám hay lùng bắt cán bộ cách mạng. Vậy nên dậy sớm để nắm tình hình xung quanh và đề phòng địch bao vây bất ngờ. Đêm nào, anh cũng sắp đặt anh em canh gác và chính anh cũng nhận suất gác của mình. Anh còn dạy cho chúng tôi bài học: trong đêm tối, kẻ địch khi mò vào nhà bắt cán bộ hay nghe tiếng ngáy, tiếng thở mà chộp vào ngực; nếu ngủ nằm trở đầu đuôi, hễ thấy động thì anh nằm cạnh dùng chân đá ngay vào mặt nó, giải thoát cho đồng chí của mình và cùng nhau chạy trốn.



Cuối tháng 12 năm 1943, anh bị một tên chỉ điểm[4]báo cho mật thám bắt trên đường đi từ Đồng Châu (Thái Bình) về Đức Cơ. Kẻ dịch hí hửng tưởng bắt được người cầm đầu phong trào liên tỉnh miền nam Bắc Kỳ thì sẽ dẹp được phong trào vùng này. Chúng mua chuộc, dụ dỗ không được liền chuyển sang dọa nạt, rồi tra tấn, đánh đập. Chúng dùng cả đòn tra tấn cho “đi tầu ngầm” nhưng đã thất bại trước ý chí kiên cường, mưu mẹo, đầy kinh nghiệm của những tháng năm bị cầm tù ở Côn Đảo của anh. Chúng không moi được bất cứ bí mật nào.



Trong thời gian bị giam giữ, anh luôn tìm cách thoát khỏi tay chúng để về với phong trào. Lần bị giam ở trại giam Hà Nam, thấy sức khỏe anh yếu, chúng cho anh ra chữa chạy ở bệnh viện Phủ Lý[5]. Lợi dụng sơ hở của địch, anh đã bẩy song sắt cửa sổ, trèo tường trốn ra ngoài. Cạnh đó có vườn rau xanh, ông chủ vườn thấy anh tưởng trộm đã hô hoán lên. Thấy động, cảnh binh và tuần phiên truy bắt được anh. Lại những trận đòn chết đi sống lại nhưng anh vẫn kiên cường bảo vệ đến cùng bí mật của Đảng. Anh nói thẳng vào mặt chúng: “Tao biết cơ sở là để làm cách mạng chứ không phải là để khai với chúng mày!”. Và mặc cho chúng treo kẹp, đánh đập vô cùng tàn nhẫn, dùng cả kim châm vào mười đầu ngón tay, hay trói giật cánh khuỷu bằng thanh gỗ, rồi dìm đầu vào chum nước cho ngạt thở… anh vẫn trơ như đá vững như đồng.



Cuối cùng, chúng giải anh về Ninh Bình để toà án Ninh Bình xét xử. Ở trại giam Ninh Bình, anh cùng với các đồng chí Phan Lang, Phan Long, Trương Văn Công, Trương Văn Liên chuẩn bị sẵn các phương án đấu tranh với kẻ địch trước phiên toà. Trước toà án, anh dõng dạc tuyên bố: “Chúng tôi không có tội. Làm Việt Minh để đánh Pháp, đuổi Nhật, cứu nước, thì sao lại là có tội? Chỉ có những tên Việt gian, làm tay sai cho giặc, giết hại người yêu nước, mới chính là kẻ có tội với dân, với nước, với tổ tiên. Hiện nay, ở Pháp, nhiều người dân và cả những bậc thầy của các anh đang đứng lên chống phát xít Đức, bảo vệ thanh danh nước Pháp. Các anh bảo họ có tội gì?” Lũ quan toà, cả Tây lẫn ta đều cứng họng. Khi chúng tuyên án, anh hét to“Đả đảo thực dân Pháp!”, “Việt Minh muôn năm!”, “Việt Namđộc lập muôn năm!” Cả đoàn tù cùng hưởng ứng làm kẻ địch vội vã kết thúc phiên tòa. Khi chúng giải các anh về trại giam, anh cùng anh em hát vang bài “Cùng nhau đi Hồng binh”. Bọn cảnh sát Tây đạp xe quanh đoàn tù hò hét, dọa nạt. Mặc! Các anh cứ hát, càng đi càng hát to. Khi về đến trại giam, một thằng đội sếp Tây tra hỏi: lúc đi đường ai xúi giục cả đoàn tù hát, anh dõng dạc: ”Chúng tôi có miệng thì chúng tôi hát, không cần ai xúi giục cả.” Thằng đội sếp Tây dương thẳng cánh tay tát anh một cái thật mạnh. Anh ngã quay lơ, máu trào ra miệng, rụng hai chiếc răng. Anh đứng dậy, lấy tay chùi máu trên miệng, rồi hô lớn: “Anh em ơi, người Pháp dã man. Đả đảo đánh đập!”. Cả trại hô vang hưởng ứng, tiếng hô vang dội cả ra ngoài phố.



Những ngày ở tù, anh tìm cách bắt liên lạc với tôi. Người liên lạc là cụ Chánh Thành vào tiếp tế cho anh. Anh nói rất kĩ tình hình với bà cụ và dặn bà về nói lại với chúng tôi (anh không dám viết thư vì sợ chúng khám người cụ, sẽ tìm ra). Anh dặn chúng tôi phải giữ vững ý chí chiến đấu và phải nắm vững thủ đoạn của bọn mật thám để chủ động đối phó. Bọn mật thám tra tấn nhiều, cũng mệt, chỉ mong sao có được lời khai hợp lí để trình với chủ Tây. Còn các đồng chí ta chẳng may bị bắt thì mỗi người phải chủ động suy nghĩ xem chúng sẽ hỏi gì, mình đã để lộ bí mật những gì mà chuẩn bị lời khai cho có lí. Những ngày đầu phải gắng chịu đòn, đừng khai. Sau hai, ba ngày bị tra tấn, làm ra vẻ do không chịu nổi đòn mà khai và đem lời khai đã chuẩn bị ra khai với chúng. Nhớ là lời khai phải thống nhất, trước sau như một, đừng tạo kẽ hở cho bọn nó truy. Vì, nếu không có chuẩn bị trước, có những đồng chí chống đối quyết liệt, mắng chửi lại nó, nó đánh cho thật đau, lại mất hết tinh thần, lúc đó khai bừa sẽ rất nguy hiểm. Chúng tôi cũng mưu tính phối hợp với phương án vượt ngục nhưng chưa kịp thực hiện thì chúng đã chuyển các anh đi nhà giam Hỏa Lò (Hà Nội).



Tháng 3 năm 1945, sau ngày Nhật đảo chính Pháp, anh cùng anh em tù chính trị ở Hoả Lò đã tổ chức vượt ngục theo đường cống ngầm. Sau đó, anh đi một mạch thâu đêm về đến cơ sở của Xứ uỷ ở làng Vạn Phúc (Hà Đông). Nghỉ ngơi hai ngày, anh được điều động về Chiến khu Hoà-Ninh-Thanh với chúng tôi. Anh em gặp nhau mừng rỡ. Không ai nghĩ sẽ gặp lại anh. Anh nắm ngay tình hình xây dựng và phát triển chiến khu, tham dự hai cuộc họp với ban chỉ đạo chiến khu. Tại kì họp lần thứ ba, chấn chỉnh phong trào chiến khu do anh Văn Tiến Dũng thay mặt Uỷ ban quân sự cách mạng Bắc Kỳ chủ trì, anh em đã tín nhiệm bầu anh Bình làm bí thư chiến khu Quang Trung. Sau đó ít lâu, anh bàn giao công việc lại cho anh Văn Tiến Dũng, về Xứ uỷ nhận nhiệm vụ mới.



Sau ngày hoà bình lập lại, tuy công tác ở xa, nhất là thời gian làm đại sứ ở Trung Quốc, nhưng anh chị Trần Tử Bình vẫn dành tình cảm và sự quan tâm cho phong trào Ninh Bình. Có điều kiện là anh chị lại về thăm Tỉnh uỷ và các cơ sở cách mạng đã che dấu, nuôi dưỡng mình thời kì bí mật. Anh chị vẫn chân thành, gần gũi dân như ngày nào.



Năm 1967, anh mất khi vừa tròn 60 tuổi. Anh em cán bộ Ninh Bình chúng tôi vô cùng thương tiếc!



Anh là một tấm gương tranh đấu, một tấm gương trung dũng, kiên cường. Anh đã cảm hóa chúng tôi, biến chúng tôi (những Phan Lang, Phan Long, Trương Đình Dần, Hà Thị Quế, Mai Văn Tiệm, Hoàng Thu, Vũ Thơ v.v… ) từ những anh nông dân chân chất trở thành những chiến sĩ cộng sản chân chính, kiên trung, bất khuất. Chúng tôi được anh dìu dắt, rồi từ đó trưởng thành và góp phần tạo ra những cơ hội đấu tranh với kẻ thù, góp phần tạo điều kiện hoàn thành cuộc khởi nghĩa vĩ đại ở Hoà-Ninh-Thanh, đập tan chế độ phong kiến, thực dân, lập ra chính quyền cách mạng của nhân dân.



Anh Trần Tử Bình sống mãi trong tâm trí chúng tôi, trong Đảng bộ và nhân dân Liên tỉnh C, chiến khu Quang Trung!



Hà Nội, tháng 5-2004



V.T



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.