TRƯỜNG LỤC QUÂN VIỆT NAM VỚI CHÍNH UỶ TRẦN TỬ BÌNH
Trung tướng Đỗ Trình[1]
Chú Đỗ Trình đọc tham luận. |
Tôi
cùng sống và công tác với anh Trần Tử Bình trong khoảng 5 năm, từ năm 1950 đến
1955, ở Trường Lục quân Việt Nam, từ khóa 5 đến khóa 9. Lúc đó, anh Trần Tử
Bình là Chính uỷ, bí thư Đảng uỷ, còn tôi là đảng uỷ viên, Chủ nhiệm Huấn luyện
nhà trường.
Trong
công tác và sinh hoạt, anh Trần Tử Bình có nhiều phẩm chất nổi bật. Trước hết,
đó là tinh thần đoàn kết, hợp tác: đoàn kết trong nội bộ Đảng uỷ, đoàn kết giữa
lãnh đạo và cán bộ cấp dưới, đặc biệt là đoàn kết giữa các đồng chí Việt Nam
với các cố vấn Trung Quốc. Thời gian đó, Trường Lục quân Việt Nam đóng quân ở
Trung Quốc, lúc đầu ở Côn Minh (Vân Nam), sau về Quế Lâm (Quảng Tây). Trong
trường, ở cơ quan Hiệu bộ và các tiểu đoàn học viên đều có cố vấn Trung Quốc.
Chính sự chăm lo, tăng cường đoàn kết của đồng chí chính uỷ và của Đảng uỷ với
các đồng chí cố vấn đã động viên họ tích cực, hết lòng truyền đạt kinh nghiệm
và kiến thức cho các đồng chí Việt Nam.
Tinh
thần đoàn kết hợp tác vì công việc chung giữa đồng chí chính uỷ và đồng chí
hiệu trưởng Lê Thiết Hùng rất chặt chẽ, làm gương cho mối quan hệ giữa thủ
trưởng chính trị và quân sự ở các cấp trong nhà trường.
Một
nét đặc sắc trong cách xử sự của anh Trần Tử Bình là tinh thần thẳng thắn phê
bình và tự phê bình. Trong anh em đồng chí, ai có ưu điểm, khuyết điểm gì là
anh chỉ ra một cách thân ái và thẳng thắn. Nhờ đó các đảng viên hết lòng gắn bó
với đồng chí chính uỷ và với Đảng uỷ nhà trường.
Một
ưu điểm nổi bật nữa là, anh luôn lắng nghe các ý kiến đóng góp với lãnh đạo,
cho dù đó là ý kiến của cố vấn, của phái viên cấp trên hay là của cán bộ, học
viên trong trường. Nhờ đó đã kịp thời khắc phục được một số khuyết điểm, vấp
váp trong công tác. Có lần, nhà trường phạm sai lầm, quy oan cho một số cán bộ,
học viên trong lúc tiến hành “phản tỉnh”. Nhờ chịu khó lắng nghe người bị quy
oan, lại lắng nghe ý kiến phái viên của Bộ, lắng nghe cố vấn mà nhà trường đã
phát hiện ra sai lầm và kịp thời khắc phục.
Chuyện
thế này, hồi đó, có nhiều anh em học viên “tự nhận” là Việt gian, gián điệp. Ở
một đại đội có học viên nhận đã chỉ điểm cho máy bay Pháp oanh tạc vào cơ quan
Chính phủ và nơi đóng quân của ta. Nghe tin, đồng chí Trần Tử Bình triệu tập
họp Đảng uỷ. Đồng chí “gián điệp” được mời dự đã tự nhận: “Tôi đúng là Việt
gian, đúng là người đã chỉ điểm cho máy bay địch oanh tạc. Tôi có tội với Tổ
quốc và không có gì để nói thêm cả.” Khi anh ta ra về, trong Đảng uỷ đã trao
đổi và một đảng uỷ viên khẳng định: “Như vậy đã rõ, ở tiểu đội khai là Việt
gian, lên gặp Đảng uỷ cũng khai là Việt gian… Thế thì còn gì phải bàn? Thử hỏi
trong Đảng uỷ chúng ta có ai dám đứng ra tự nhiên xưng là Việt gian?”. Khi đó
đồng chí bí thư đã kết luận: “Nghe vậy, biết vậy và cần phải tiếp tục điều
tra!”.
Sự
việc “phản tỉnh” được báo cáo về Bộ, Quân uỷ phái ngay đồng chí Ngô Minh Loan
(Cục phó Cục Bảo vệ) sang giúp nhà trường điều tra. Đồng chí Loan sang truyền
đạt tinh thần của Tổng Quân uỷ là: Bộ đội ta, cán bộ ta cơ bản là tốt và những
người đơn vị cử về học ở Lục quân đều được chọn lọc cẩn thận. Hiện tượng Việt
gian tràn lan trong trường cần được thẩm tra một cách kĩ càng! Quán triệt tinh
thần này, đồng chí Trần Tử Bình yêu cầu Đảng uỷ tiếp tục xem xét và bàn với
đồng chí Ngô Minh Loan phái người về trong nước tới địa phương và đơn vị cũ của
đồng chí đó để xác minh. Đảng uỷ cử người xuống bám đại đội học viên thẩm tra
lại. Khi thăm hỏi thì anh em dần dần mới thổ lộ rằng, anh này trong một đêm ra
bờ tường đi tiểu đã lấy khăn mùi xoa…
lau chim. Nghe kể lại, anh em trong
đơn vị rất phẫn nộ, cho rằng đây là tác phong của giai cấp tư sản, địa chủ chứ
không phải là tác phong công nông chúng ta…
Mà đã là tư sản, địa chủ thì thường làm tay sai cho Pháp… Vậy rất có khả năng anh ta là gián điệp(!).
Sau khi đơn vị đấu tố một hồi, anh ta dần nhận mình là tay sai… sau đó nhận là đã chỉ điểm ném bom. Mà đã
“nhận đầy đủ” thì anh em cho yên và lại còn được tiếng là “thành khẩn”(!). Sự
việc đã rõ. Còn từ trong nước có báo cáo sang: đồng chí này rất tốt, không hề
chỉ điểm cho giặc ném bom. Sau khi kiểm tra kĩ lưỡng đã xác định nhiều anh em
bị quy oan và nhà trường đã chính thức minh oan. Đồng chí Trần Tử Bình tổ chức
họp Đảng uỷ, cho mời cả đồng chí đó. Trong cuộc họp, bí thư đã nêu câu hỏi:
- Tổ chức đã minh oan cho đồng chí. Đồng chí vô tội nhưng tại
sao lúc ấy lại tự khai là Việt gian, ngay cả khi lên gặp Đảng uỷ?
- Tôi chỉ được ngồi với Đảng uỷ có một giờ đồng hồ, còn tôi
sống với tiểu đội cả ngày, cả tuần, cả tháng… Nếu bấy giờ tôi khai là không
phải, khi về nhà sẽ bị tiểu đội đấu là “đã phản cung”, tôi không chịu được. -
Đồng chí giơ hai bàn tay đầy những vết
sẹo hằn ngang, cả trên và dưới, nói tiếp - Lúc anh em đấu, tôi phải kéo giát
giường lên, nhét bàn tay xuống dưới rồi ngồi đè lên trên, cho thật đau. Chảy cả
máu. Lúc ấy tai tôi mới có thể “chấp nhận” được ý kiến của anh em. Ai muốn nói
gì thì nói, tôi nhận hết...
Tóm lại, một chuyện không có thật
nhưng qua quá trình đấu tố (theo kinh nghiệm của bạn) đã quy oan cho một số
đồng chí. Chính nhờ tác phong tỉ mỉ, cẩn thận của đồng chí Trần Tử Bình mà minh
oan được cho đồng chí, đồng đội.
Tác
phong sinh hoạt của đồng chí Trần Tử Bình giản dị, lành mạnh, dễ thông cảm và
hòa đồng với các cán bộ, đảng viên, gần gũi với các chiến sĩ. Do đó đã tạo ra
trong nhà trường một không khí đoàn kết, thân ái.
Anh
Trần Tử Bình đã qua đời cách đây 37 năm, nhưng mọi bạn bè, đồng chí, đồng đội
đều giữ những tình cảm và kỉ niệm đẹp đẽ, không thể phai mờ theo thời gian!
Hà Nội, 10-6-2004
Đ.T
[1]
Nguyên Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng, Uỷ
viên Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư
ngành Khoa học quân sự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.