Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Tấm ảnh chụp tại Đại hội 2

CHUYỆN VỀ TẤM ẢNH KỶ NIỆM CHỤP TẠI
ĐẠI HỘI ĐẢNG TOÀN QUỐC LẦN THỨ II[1]

           Kháng Chiến – Kiến Quốc



Trong một dịp trở ra Hà Nội, chúng tôi được Bùi Việt Sơn (con trai lão đồng chí Bùi Lâm) tặng một tấm ảnh quý với chú thích phía sau: “Tặng anh tấm ảnh của các cụ nhà mình gặp lại nhau trong Đại hội II, tại Chiêm Hoá (Tuyên Quang) đầu năm 1951”. Chúng tôi bồi hồi tưởng nhớ tới từng người trong bức ảnh...

Từ bên trái qua, người mặc áo trắng, đầu đội mũ nồi, đứng đầu là cha chúng tôi – ông Trần Tử Bình. Trong Đại hội này, ông là đại biểu quân đội. Đứng cạnh ông là đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, quê ở Nam Lợi, huyện Nam Trực, Nam Định. Những năm kháng chiến chống Pháp, đồng chí từng là Chính uỷ Khu 8. Trong Đại hội, đồng chí là đại biểu Nam Bộ, sau này là trung tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thống nhất Trung ương.


Người đứng giữa tay cầm thuốc lá là đồng chí Phan Trọng Tuệ, quê ở Sơn Tây nhưng sinh năm 1917, tại Viêng Chăn (Lào). Đồng chí vào Đảng năm 1934. Đến năm 1943, khi là Xứ uỷ viên Bắc Kỳ thì bị bắt và bị đày ra Côn Đảo. Đến tháng 8 năm 1945, đồng chí được đón về, tham gia lãnh đạo kháng chiến chống Pháp ở miền Tây Nam Bộ. Đồng chí ra dự Đại hội với tư cách đại biểu  Nam Bộ.

Người đứng ngoài cùng bên phải khoác áo dạ đen là đồng chí Bùi Lâm, sinh năm 1906 tại Nam Định, từng là thuỷ thủ tầu viễn dương. Năm 1920, đồng chí gặp Nguyễn Ai Quốc tại Pháp rồi  cùng tham gia xuất bản tờ báo Le Paria (Người Cùng Khổ). Những năm 1927-1929, đồng chí theo học trường Đại học Phương Đông (Matxcơva, Liên Xô), sau đó về Việt Nam tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Năm 1930, gia nhập Đảng. Đồng chí bị thực dân Pháp bắt, giam cầm ở Sơn La, Côn Đảo. Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí đảm nhiệm Chánh án Toà án quân sự Liên khu 3.

Người ngồi trước cha chúng tôi là đồng chí Đinh Đức Thiện, sinh năm 1913, quê Nam Định. Đồng chí gia nhập Đảng năm 1939 và hoạt động ở Vĩnh Yên, Bắc Giang đến năm 1945. Đã hai lần bị thực dân Pháp bắt. Tháng 8 năm 1945, đồng chí tham gia lãnh đạo khởi nghĩa ở Vĩnh Yên và năm 1950 thì chuyển vào quân đội làm Cục trưởng Cục Vận tải (Tổng cục Cung cấp). Tại Đại hội II, đồng chí là đại biểu quân đội.

Người ngồi giữa là cụ Nguyễn Lương Bằng, sinh năm 1904 và là đảng viên thời kì dựng Đảng. Cụ được các đồng chí trong Đảng tin yêu, kính trọng gọi là “Anh Cả”. Ngồi cạnh cụ là đồng chí Hoàng Tùng, quê ở Hà Nam (đồng hương với cha tôi), đại biểu các cơ quan Trung ương; sau này làm Tổng biên tập Báo Nhân dân.

Họ là những bạn tù Sơn La, Côn Đảo, những đồng chí từ những ngày hoạt động bí mật. Có những người phải chục năm mới gặp lại nhau, tuy tuổi tác chênh lệch nhưng cư xử rất chân tình.



*

*  *

… Sau ngày hoà bình, từ Việt Bắc trở về Hà Nội, cha chúng tôi vẫn giữ quan hệ thân thiết với bạn bè thời kì bí mật. Ngoài quan hệ công tác, ông cùng các chú, các bác có thú vui thể thao dã ngoại - săn chim, săn thú (mà thời đó chưa cấm săn bắn như bây giờ). Hội săn của các tướng lĩnh được thành lập. Bộ tư lệnh Công an vũ trang có các chú Phạm Kiệt, Phan Trọng Tuệ; Bộ Quốc phòng có chú Nguyễn Văn Vịnh, Đinh Đức Thiện, Chu Văn Tấn… Cha tôi có hai khẩu: một nòng và hai nòng bắn đạn “ca-líp đui”. Ông có hẳn một bộ đóng đạn ria thủ công. Được tặng mảnh dù rằn ri chiến lợi phẩm ở mặt trận Điện Biên Phủ, cha tôi cho cắt may thành áo ngụy trang đi săn.

Những sáng chủ nhật rảnh rỗi, các tướng lĩnh hẹn nhau đi từ sớm. Khi thì về các đầm, hồ ở mạn Hà Nam, lúc đến vùng rừng núi Tam Điệp Ninh Bình sắn sơn dương, bữa lại về bắn ngỗng trời bên kia sông thị xã Hưng Yên, hay lên bắn thú ở rừng núi Thái Nguyên. Bọn trẻ con chúng tôi thì ở nhà chờ “chiến lợi phẩm”. Chiều về, thấy phụ huynh chân lấm tay bùn nhưng hể hả xách những le le, mòng két, những ngỗng giời, vịt giời... Tất cả được chia đều cho mọi nhà. Bọn trẻ con hò reo, giơ cao “chiến lợi phẩm”, mang đi khoe khắp xóm. Chính nhờ quan hệ này mà con cái thế hệ chúng tôi cũng thân thiết với nhau.

Cha tôi rất quý bác Cả. Mỗi lần từ Trung Quốc về, ông đều sắp xếp thời gian xuống thăm bác. Buổi tối, ông lững thững đi bộ từ Trần Hưng Đạo, dọc theo Yết Kiêu xuống nhà hai bác ở phố Thiền Quang. Cha tôi thường kể cho nghe: “Với cha, bác Cả là một tấm gương sáng. Bác cũng là bạn tù Hỏa Lò và bị giam tại đây hai lần - lần đầu vào năm 1931, lần thứ hai kéo dài 10 năm (từ năm 1933 đến 1943) chờ kết án rồi bị đày đi Sơn La. Tháng 10 năm 1943, bác cùng anh em tù chính trị vượt ngục Sơn La, trở về với phong trào. Sau đó, bác được bổ sung vào Thường vụ Trung ương, phụ trách Tài chính. Trong những ngày khó khăn nhất, với trọng trách của mình bác giữ gìn cẩn thận từng cắc bạc, hạt muối, không hề tư lợi. Bác được anh em kính trọng. Cương nghị, thẳng thắn, liêm khiết là những đức tính của bác mà các con phải học tập!... Ngày mẹ các con ốm nặng ở Việt Bắc phải nhờ có thuốc của bác cho mới khỏi. Đừng bao giờ quên ơn ấy!”.

*

*  *

Sau hơn nửa thế kỷ, sáu đồng chí trong bức ảnh đã đi xa. Nhân dịp Xuân Giáp Thân sắp đến, xin thắp những nén nhang để tưởng nhớ những đồng chí đã đóng góp sức lực, trí tuệ và xương máu cho Tổ quốc; đồng thời xin chúc đồng chí Hoàng Tùng mạnh khỏe, sống lâu!

K.C-K.Q





[1] Bài đăng trên Báo Sài Gòn Giải phóng, ngày 28-1-2004.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.