Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Cội nguồn


CỘI NGUỒN

Trần Kháng Chiến
Hè 1958 khi 12 tuổi, lần đầu tôi được theo cha về thăm quê nội. Cha để xe con bên cầu Sắt trên quốc lộ Phủ Lý – Nam Định, dẫn tôi theo đường đê đi bộ vòng vèo đến chục cây số mới về đến thôn Đồng Chuối, xã Tiêu Động Thượng, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam - nơi cụ tổ họ Phạm nhà tôi từ Thanh Hoá ra lập nghiệp trên mảnh đất đồng chiêm trũng này.


Tôi thấy làng tôi có luỹ tre xanh bao quanh như bao làng xóm của đồng bằng Bắc Bộ. Trong làng toàn nhà tranh vách đất, đường làng toàn đường đất. Cha tôi chỉ một ngôi nhà nhỏ bé vách đất, mái lợp rạ, cửa che bằng liếp, đứng hiu quạnh bên lũy tre và cảm động nói: “Đó là nhà cuả ông bà nội con!”. Tài sản nhỏ nhoi ấy không khác gì một túp lều. Chính tại nơi ấy, vào một ngày của tháng 5 năm 1907, ông bà nội tôi là Phê-rô Phạm Văn Cống và Ma-ria Nguyễn thị Quế đã sinh ra cha tôi là Phê-rô Phạm Văn Phu. Như mọi giáo dân khác trong làng, không phân biệt giầu, nghèo, cha tôi - một con chiên bé nhỏ cuả Chúa - được cha xứ làm lễ rửa tội, được ghi danh vào sổ của Nhà thờ (đến nay vẫn còn lưu). Không có nhiều thời gian để ngắm kỹ ngôi nhà cuả ông bà nội, song hình ảnh mái tranh nhỏ bên lũy tre xanh, nơi cha tôi cất tiếng khóc chào đời cứ theo tôi mãi suốt cuộc đời.


Năm 1993, anh em chúng tôi có dịp về quê. Anh em, họ hàng chỉ cho chúng tôi mảnh đất nhỏ quãng hai chục mét vuông cuả ông bà tôi, được chính quyền địa phương giữ lại cho chúng tôi. Năm đó, cảnh quan làng xóm thay đổi hẳn, đường gạch ngang dọc, lũy tre xanh biến mất, nhà gạch lợp ngói, đổ tấm bê tông san sát.

Gần đây, chính quyền, Đảng ủy xã thu xếp một mảnh đất 300 mét vuông, liền với miếng đất nhà tôi để xây một công trình văn hóa-lịch sử “Nhà tưởng niệm” cho cha tôi - một công dân cuả xã, một chiến sỹ cách mạng kiên cường, một trong các vị tướng đầu tiên cuả Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tiêu Động quê tôi có Phê-rô Nguyễn Văn Hiếu được Toà thánh Va-ti-căng phong Thánh ngày 27 tháng 5 năm 1900, có cha tôi được Cụ Hồ kí sắc lệnh phong Thiếu tướng đầu năm 1948. Đó là niềm tự hào cuả dân quê tôi vì họ nghĩ rằng không mấy làng quê ở Việt Nam “phát cả Thánh lẫn Tướng”!

Lần về thăm quê năm ấy, cha dẫn tôi đến thăm Nhà thờ, nơi để lại nhiều kỷ niệm thời ấu thơ cuả cha tôi… Nhà thờ là một tổng thể công trình kiến trúc bề thế, hài hòa được xây dựng từ năm 1895, theo mẫu từ Toà thánh La Mã gửi sang. Nhà thờ có sân gạch rộng, có tháp chuông cao chót vót, có gian nhà nguyện có thể chứa được ba trăm người khi hành lễ. Trong khu cuả Nhà thờ còn có vườn hoa, ao cá rất rộng, có khu nhà ở xây theo kiểu nhà Tây dành cho cha xứ. Năm đó làng tôi còn rất nghèo, khi nhìn thấy toà Nhà thờ nguy nga giữa những nhà tranh vách đất, tôi đã hỏi cha: “Dân làng mình đến nay vẫn còn nghèo, thế thì ngày trước lấy tiền dâu mà xây khu Nhà thờ to, đẹp như vậy?”. Vốn là người có đạo, từng học Trường dòng La-tinh , cha tôi ôn tồn giải thích:

- Dân làng mình rất nghèo, làm không đủ ăn, lấy đâu ra tiền xây Nhà thờ. Thiên chúa giáo được các đoàn giáo sỹ cuả Toà thánh La Mã truyền vào nước ta từ thế kỷ XVI. Việc truyền giáo tiến hành rất có kết quả, số ngưới Việt chấp nhận theo Thiên chúa giáo tăng lên rất nhanh. Toà thánh La Mã còn gọi là Tòa thánh Va-ti-căng, là tổ chức tối cao cuả Thiên chúa giáo thế giới, có khối lượng tài sản rất lớn được tích lũy trong hàng trăm năm, khối tài sản khổng lồ đó dược gửi trong các ngân hàng, trong các công ty kinh doanh lớn… Toà thánh có kế hoạch chi tiêu số tiền này cho các mục đích cuả mình, trong đó có việc cấp tài chính xây dựng các nhà thờ - nơi quản lý phần hồn cuả giáo dân. Ở Việt Nam ta có hơn 1000 nhà thờ Thiên chúa giáo, tiền xây dựng đều do Toà thánh La Mã cấp, thông qua Giáo hội Việt Nam. Dân làng ta, giáo dân ta chỉ phải góp công xây dựng. Mỗi nhà thờ xây phải mất 10, 15 năm…

Hôm đó, tôi mới vỡ lẽ ra rằng, Công giáo là một tôn giáo có tổ chức chặt chẽ, có quy mô toàn cầu, có nhà nước riêng, có nhiều nguồn tài chính, có kế hoạch chi tiêu và dân công giáo có luật lệ riêng cuả mình.

Xã tôi còn có một bộ phận khá đông dân lương. Ngoài cánh đồng có một ngôi đình làng to đẹp với sân gạch rộng, có ao lớn, có vườn cây um tùm. Cha tôi sau khi mãn hạn tù từ Côn Đảo về (vào năm 1936) đã bắt được liên lạc với Xứ ủy Bắc Kỳ, tiến hành xây dựng cơ sở tại xã. Ông chọn đình làng làm điểm họp kín, làm nơi cất dấu tài liệu. Nay ngôi đình được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử-văn hóa quốc gia. Đã bao đời, hai cộng đồng lương, giáo trong xã sống chan hoà, đoàn kết với nhau.

Cha tôi kể lại rằng ngày xưa, thế hệ cụ tổ họ Phạm từ Thanh Hóa ra khai khẩn vùng đất trũng này, đã bỏ bao công sức đào đất, đắp bờ, tạo ra vùng đất cao để dựng nhà, lập xóm. Làng, xóm hình thành từ đó. Trên các thửa đất vượt lên được trồng nhiều chuối tiêu, một loại cây ăn quả ngắn ngày. Chuối thu hoạch được chở lên bán ở Thành Nam (thành phố Nam Định ngày nay). Do lẽ đó mà làng quê nội tôi có tên là Đồng Chuối.

Cánh đồng làng tôi mùa mưa nước ngập mênh mông, muốn sang làng khác không có đường đất, phải dùng thuyền nan được đan bằng tre, trét sơn ta. Làng tôi nằm trong vùng đất “chiêm khê, mùa thối” của huyện Bình Lục. Tuy điều kiện tự nhiên khó khăn nhưng cuộc sống vẫn được bàn tay lao động cuả con người duy trì từ đời này qua đời khác.

Cụ tôi hồi nhỏ làm con nuôi cho người ta. Vốn thông minh, được đi học chút ít, biết đọc, biết viết, biết tính toán và cả đời tính toán sổ sách thuê cho nhà giầu. Cụ không có ruộng. Cụ mất khi tuổi vừa 40.

Ông bà tôi là nông dân nghèo, không có ruộng, quanh năm làm thuê, cuốc mướn. Ông bà là những người lao động cần cù, tính tình hiền lành, ngoan đạo. Ông tôi - một lực điền vạm vỡ, cao lớn (đến 1 mét 75), còn bà tôi người bé nhỏ, nhanh nhẹn. Hai cụ sinh được sáu người con (bốn trai, hai gái) nhưng chỉ nuôi được ba. Đó là bác Phạm Văn Pho, cha tôi Phạm Văn Phu và cô Phạm Thị Hiền.

Cha tôi thường gọi bác Pho là ông cả, bác hơn cha tôi 5, 6 tuổi. Tôi không biết mặt vì bác mất năm 1949 tại quê nhà. Nghe kể lại, chính quyền kháng chiến địa phương đã thay mặt cha tôi tổ chức đám tang khá chu đáo, “có cả bộ đội Vệ quốc đoàn về bồng súng”. Bác sinh được hai người con - chị Phạm Thị Mỹ và Phạm Thị Nga.

Sau khi bác tôi mất cha mẹ tôi đón chị Mỹ lên chiến khu Việt Bắc ở với ông bà nội. Năm 1950, chị đi bộ đội, được học lớp y tá tại Trường Lục quân Việt Nam. Chị phục vụ trong quân đội đến hết chiến tranh thì phục viên rồi xây dựng gia đình với anh Nguyễn Văn Huynh, quân y sỹ. Anh chị có một con trai là cháu Nguyễn Bắc Hải.

Sau kháng chiến cha mẹ tôi đón chị Nga về nuôi và xin cho vào làm công nhân Nhà máy dệt Nam Định. Chị xây dựng gia đình với anh Nguyễn Hữu Vọng, cán bộ trung đội bộ đội chủ lực. Bác Pho gái sống với chị Nga tại Nam Định cho đến khi mất vào năm 1984, thọ 80 tuổi.

Cô tôi tên là Ma-ria Phạm Thị Hiền, sinh năm 1920. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945 do quá nghèo, hơn nữa khi cha tôi bị Tòa án thực dân Pháp kết án vào năm 1931, ông bà tôi đã bị Giáo hội rút phép thông công, nên việc sinh sống ở quê trở nên khó khăn. Ông bà đưa cô tôi sang thôn Phúc Tá, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên kiếm sống rồi trụ lại đó. Ông bà tôi gả cô cho chú Nguyễn Thế Truyền, hơn cô tôi chục tuổi, dân công giáo cùng làng, cùng tha hương, mồ côi cả cha lẫn mẹ, tính tình hiền lành, lao động chăm chỉ, hết lòng vì vợ con. Cha tôi đi hoạt động cách mạng, vào tù ra tội; vì vậy cô Hiền, chú Truyền ở cùng và chăm sóc ông bà. Cô chú là những người nông dân cao lớn, khoẻ mạnh. Cô chú sinh được mười người con, ai nấy đều cao to, vạm vỡ. Trong kháng chiến chống Pháp, chú tham gia du kích xã. Sau kháng chiến, cô chú về sống tại Ân Thi. Cô Hiền mất vào tháng 6 năm 2005, thọ 85 tuổi.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, cha tôi đón ông bà, sau đó cô chú Truyền lên chiến khu Việt Bắc. Lúc đó các cụ tuổi đã 70 nhưng mỗi khi ổn định chỗ ở là hai cụ lại khai khẩn đất hoang, tăng gia sản xuất, trồng lúa, trồng rau, nuôi gà nuôi vịt. Ông bà tôi khai hoang được 4 mẫu đất, không những đủ ăn mà còn tích cực đóng thuế cho kháng chiến. Mỗi khi có đơn vị bộ đội hành quân qua nhà, hai cụ mang rau tăng gia ra ủng hộ. Sau này, chúng tôi được nhiều cán bộ, chiến sỹ kể cho nghe việc làm rất đáng quý của ông bà nội tôi.

Năm 1958, khi được cùng cha về thăm quê nội, tôi thấy cha tôi luôn vui vẻ chào hỏi mọi người. Dân làng kéo nhau rất đông ra sân Nhà thờ nghe cha tôi nói chuyện. Họ kể cho nhau nghe những mẩu chuyện ly kỳ có phần thêu dệt về cuộc đời đấu tranh cách mạng cuả cha tôi. Tôi cảm thấy dân quê tôi tự hào vì có một người của làng đã dám vào sinh ra tử, không sợ tù đày, dũng cảm bước vào con đường đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, đã tham gia quân đội, được Cụ Hồ ký lệnh phong tướng như cha tôi.

Sau khi nhận nhiệm vụ công tác ngoại giao, cha tôi ít khi có mặt ở nhà. Vào các năm 1960, 1965 cha tôi về ứng cử đại biểu Quốc hội khóa II, III tại Hà Nam. Cả hai kỳ, cha tôi luôn dành thời gian về quê thăm bà con, họ hàng, nói chuyện với nhân dân, động viên bà con sống “tốt đời, đẹp đạo”, góp công sức cho công cuộc xây dựng miền Bắc, giải phóng miền Nam. Thấy bà con ở Tiêu Động và Phúc Tá còn nghèo, trẻ con ăn mặc lấm lem, tóc tai quá lứa vừa mất vệ sinh vừa mất mỹ quan, khi ở Trung Quốc về cha tôi không quên mua sắm những bộ đồ cắt tóc, nào tông-đơ, dao kéo, nào gương lược… làm quà tặng cho xã. Biết bà con không được nghe tin tức, ca nhạc, cha tôi đã dành dụm tiền mua những chiếc đài bán dẫn “Xiong-mao” của Trung Quốc tặng Uỷ ban. Những chuyến về thăm quê hương cuả ông được nhiều người lớn tuổi còn nhớ, trân trọng vì cách đối xử ân tình, gần gũi của ông với xóm làng.

Những năm sau hòa bình, cha mẹ tôi đón ông bà lên Hà Nội để tiện chăm sóc. Cứ mỗi sáng chủ nhật, ông tôi lững thững chống gậy đi dọc theo đường Hoàng Diệu, có mặt ở Nhà thờ Cửa Bắc đúng giờ làm lễ. Nhưng ông không vào bên trong mà chỉ đứng ở ngoài sân. Cán bộ Cục Bảo vệ thấy lạ đã báo cáo chuyện này với cha tôi thì được giải thích: “Gia đình tôi vốn là dân công giáo toàn tòng. Năm 1931, tôi bị thực dân Pháp kết án, đầy ra Côn Đảo nên các cụ ở quê bị Nhà thờ “rút phép thông công” do con trai đã phản lại Chúa. Ba chục năm trôi qua nhưng ông vẫn coi mình là người có tội, chưa được trở lại là “con chiên ngoan đạo” nên tự giác đứng ở bên ngoài nghe giảng đạo”. Đối với các cán bộ Cục Bảo vệ thì sự giải thích đó là bổ sung tri thức về các quan hệ trong việc đối xử với những người theo Thiên chúa giáo.

Khi lớn hơn, hiểu biết hơn, chúng tôi rất thương, rất thông cảm với ông bà. Ông bà rất tự hào về cha tôi, song lại có một thế giới tâm linh riêng, thiêng liêng cuả mình. Trong mỗi bữa ăn đông đủ cả nhà, trước khi cầm đũa, ông bà tôi bao giờ cũng lấy tay làm dấu, thầm cám ơn Chúa đã ban cho cái ăn. Đó là niềm hạnh phúc cuả người có Đạo mà cha tôi rất tôn trọng.

Ông nội lúc vui lại kể cho cả nhà nghe về chuyến hành trình kỳ thú vượt biển sang Pháp, vào năm 1914, cuả hàng ngàn lính An Nam. Họ được tập trung ở Hải Phòng, lính mới tuyển dược chia thành các đội, do một cai Tây chỉ huy. Để phòng dịch, lính bị cạo trọc, ngày tắm hai lần bằng xà phòng. Ông được phát quần aó, giày săng-đá (giầy da), ba lô và 20 đồng lương. Ông gửi ngay tiền về cho bà. Tầu thủy rời bến ra biển lớn, nước biển xanh ngắt, mặn chát, nắng chói chang cả ngày, đến tối mới dịu mát. Thỉnh thoảng có những con cá rất to, đen trũi, lao theo tầu. Sóng trên biển rất lớn, tầu chao đảo làm ông và nhiều người bị say sóng, nôn mửa, nằm bẹp trên võng. Mãi sau mới quen. Tầu qua Ấn độ cập cảng lấy thêm nước, lương thực. Ông nhìn thấy những người Ấn gầy, đen như cột nhà cháy trên cảng. Họ làm việc rất vất vả, thỉnh thoảng còn bị cai đánh đập, chửi bới. Tầu qua kênh Xuy-ê (Bắc Phi) có dừng lại nhận thêm lính Tây đen - họ cao to, khỏe mạnh nhưng da đen hơn người Ấn, tóc soăn tít, hàm răng vừa to vừa trắng nhởn (có lẽ lúc đó dân ta nhuộm răng đen, búi tóc nên ông chú ý quan sát đến cái răng, cái tóc cuả họ). Có lần thấy tầu ngầm Đức nổi lên cạnh tầu chở lính thuộc điạ, rồi lại lặn xuống biển. Theo ông có lẽ tầu ngầm Đức không bắn vì nhận thấy tầu chở toàn người thuộc địa da vàng, da đen. Chuyến đi đó kéo dài hàng tháng trời, lênh đênh trên biển. Khi đến Pháp ông được biên chế vào đơn vị lính thợ. Ở đây, ông nhớ cơm, canh cua, cà muối, cá kho… Đối với ông sữa, bánh mì, khoai tây chỉ là những thứ buộc phải ăn để sống. Thỉnh thoảng, cha tôi trêu ông bà là thời gian ở Pháp hình như ông đã có một bà đầm Tây(!). Bà tôi không nói gì, mồm nhai trầu bỏm bẻm, nở nụ cười hiền hậu...

Ở Hà Nội một thời gian, không quen sống nơi thành thị, ông bà tôi lại đòi về sống với cô chú Truyền ở Ân Thi. Khi tôi học lớp 6, vào kỳ nghỉ hè, mẹ cho tôi đạp xe về thăm ông bà, gia đình cô chú. Mẹ tôi gửi tiền, quần áo, nhu yếu phẩm về biếu ông bà. Mẹ luôn chú ý bao gói cẩn thận từng phần quà biếu. Hè đó là những ngày được vui chơi thỏa thích với các em, cưỡi trâu và bơi lội suốt ngày ở mương thủy nông, được ăn cơm gạo mới với canh cua đồng, cá kho, dưa muối… được gần ông bà, cô chú. Đó là những kỷ niệm rất đẹp trong thời niên thiếu cuả tôi.

Tết nào cũng vậy, cha mẹ thường đưa chúng tôi về Ân Thi thăm ông bà, cô chú. Cha gọi chúng tôi ra trước mặt cô chú Truyền và nói: “Các con không bao giờ được quên ơn cô chú vì cô chú đã có công thay cha mẹ chăm sóc ông bà suốt những năm tháng cha phải xa nhà, hoạt động bí mật!”. Còn bà tôi thấy tám đứa cháu nội sum vầy quanh đám cháu ngoại thì móm mém cười, miệng lẩm bẩm: “Ơn Đảng, ơn Chính phủ… con cháu họ nhà ta cứ như ngan như ngỗng!”.

Ông nội tôi mất tại Ân Thi vào ngày 11 tháng 4 năm 1966, thọ 87 tuổi. Ông được bà con, chính quyền tỉnh Hưng Yên, các bạn bè cuả cha mẹ từ Hà Nội đưa về nơi an nghỉ cuối cùng. Cha tôi bận công tác tại Trung quốc, không về được để chịu tang ông. Từ Bắc Kinh, cha đã gửi bài “Điếu cha” về, kịp đọc khi an táng:

Cha ơi, cha ơi!

Một đời cần cù lao động,
tay xách nách mang,
Một gánh bên nồi, bên con,
nay đông, mai bắc…
Một đời lầm than, vất vả.
Nay đến khi tắt thở,
Cha con cũng chả gặp nhau.
Con ân hận vô cùng !
… Nhưng công tác cách mạng là trên hết
Cha con xa cách nhưng lòng con hiếu thảo
Cha biết cho lòng con
Xin vĩnh biệt cha từ đây,
An giấc ngàn thu !
Con cuả cha - Trần Tử Bình

Mỗi khi đọc lại bài “Điếu cha”, chúng tôi càng thương ông bà, thương người cha kính yêu, hiểu sâu sắc thêm rằng tình cảm mẫu tử là nền tảng của cuộc sống con người.

Sau đó gần một năm, cha tôi mất đột ngột vào sớm ngày mùng 3 Tết Đinh Mùi (tức 11 tháng 2 năm 1967). Sợ bà biết tin sẽ đau buồn sinh bệnh, mẹ tôi dặn cô chú không được báo cho bà. Lần nào về thăm, bà cứ hỏi: “Cha chúng mày có khỏe không mà lâu không thấy về thăm bà?”. Giáp Tết Kỷ Dậu (1969), bà tôi yếu lắm, nằm chờ chết. Có một lúc cảm thấy bà hơi tỉnh, cô Hiền ghé tai bà, khẽ nói: “Bà ơi, anh Bình đi trước rồi…”. Chả biết bà có hiểu hay không mà thấy hai giọt lệ trào ra ở đuôi mắt. Bà tôi về với Chúa ngày 20 tháng 2 năm 1969 (mùng 5 tháng giêng Kỷ Dậu), thọ 86 tuổi. Ngày đưa bà đi, mẹ tôi đang chữa bệnh ung thư ở Bắc Kinh. Vậy là bạn bè thân tình lại thay mặt cha mẹ tôi làm những việc hiếu với bà.

Chồng mới mất, nay lại đến mẹ chồng. Ở xa Tổ quốc, mẹ tôi đã dũng cảm chống lại căn bệnh hiểm nghèo. Có lẽ vì ông bà, cha mẹ sống có phúc có đức nên Trời thương mà tai qua nạn khỏi. Sau vài năm được y, bác sĩ Trung Quốc tận tình điều trị, mẹ tôi trở về công tác cho tới năm 1978 mới nghỉ hưu. Quen lao động nên không chịu nghỉ ngơi, sáng sáng mẹ xách làn ra chợ Cửa Nam, nhặt rau thừa về nuôi lợn cải thiện mà chẳng nề hà từng là cán bộ cao cấp. Đến kì bán lợn, bà dành cho cả nhà bộ lòng và nồi cháo, còn những miếng thăn ngon nhất thì cho các cháu bé.

Về với đời thường, mẹ tôi gắn mình với hoạt động khu phố. Bà gần gũi với nhân dân, thương yêu cán bộ nghèo. Gặp ai cũng hỏi thăm, nhà nào có trục trặc là bà đến hòa giải. Tết đến bà lại xách túi quà lên Công an phường Cửa Nam chúc Tết: “Biết các cháu phải xa nhà, ở lại trực cho bà con vui Tết, bác có chút quà dành cho anh em”. (Chuyện này bà không kể. Chỉ đến khi bà mất, anh em trên đồn xuống viếng mới lưu bút trên sổ tang của gia đình. Thật cảm động!).

Vì những đóng góp cho cách mạng mà cuối năm 1992, bà được tặng Huân chương Độc lập hạng Hai. Nhiều bạn bè nghe tin đã thắc mắc: với quá trình hoạt động như vậy thì khen thưởng chưa đúng mức. Vậy mà bà đã trả lời: “Có gì là thiệt thòi. Ta cần phải quan tâm đến những gia đình cơ sở cách mạng từ thời kì bí mật còn chưa được xét huân huy chương…”.

Những ngày cuối như có linh cảm sắp đi xa, bà mang tháng lương mới nhận lên Hội Cựu chiến binh phường trao cho anh em. Khi bị từ chối, bà đã nói: “Các đồng chí tuy đã nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia công tác hội và làm gì có phụ cấp. Thôi thì đây cũng là đóng góp của tôi cho hoạt động chung. Như các đồng chí, tôi cũng là lính mà!”. Có cán bộ nghèo mượn tiền bà đã lâu để mua cám nuôi lợn, khi thấy bà yếu lắm đã mang bọc tiền đến trả. Bà lắc đầu quầy quậy: “Chú còn khó khăn, cứ giữ mà dùng. Vay nợ gì. Tiền - tôi có mang đi được đâu…”.

Sáng hôm đó, thấy mẹ rất mệt, các em dâu trong nhà cùng chị Hồng vội đưa bà đi cấp cứu ở Bệnh viện Hữu nghị. Mấy tiếng sau, tim bà ngừng đập. Mẹ tôi đã ra đi vào trưa ngày 24 tháng 8 năm 1993 (tức mùng 7 tháng 7 năm Quý Dậu), thọ 73 tuổi. Trong đám tang, con cháu về đông đủ cùng rất đông đồng chí đồng đội, bà con hàng xóm, cả những cơ sở cách mạng từ thời kì bí mật cũng về viếng. Nhân dân quanh nhà tang lễ kháo nhau: “Lâu lắm mới thấy có đám tang đông như thế! Bà cụ thật phúc đức!”. Chúng tôi rất cảm động và tự hào về người mẹ của mình!

*

* *

Sinh thời cha tôi thường kể cho chúng tôi về thời niên thiếu gắn bó với xóm làng, họ hàng. Khi trưởng thành, chúng tôi hiểu rằng bằng những câu chuyện ấy cha đã truyền cho chúng tôi tình yêu quê hương bản quán.

… Khi cha tôi lên 3, ông bà tôi gồng gánh đưa cả nhà vào Thanh Hoá kiếm sống, làm thuê cho Nhà thờ. Ban ngày ông bà đi làm thì cha tôi lang thang ngoài phố thị. Cha tôi nhìn thấy phố xá buôn bán tấp nập, thấy cái chợ lớn hơn chợ chiều đầu thôn, chợ họp suốt ngày có bán cá đồng và những con cá biển rất to, thấy những nhà giầu có cho chó ăn ngon, thừa mứa trong khi người nghèo như ông bà tôi làm quần quật quanh năm vẫn đói, vẫn khát, thấy người ăn xin rất đông ở chốn phố thị. Cha tôi còn nhìn thấy cầu sắt Hàm Rồng to tướng vắt qua sông Mã rộng lớn, rồi những chuyến tầu lửa lao vù vù trên đường sắt, hay xe lu lăn đường kềng càng, nặng nề có người điều khiển, thấy người ta “đốt cây đèn dầu” thắp sáng trên đường phố lúc chập tối, thấy cả mấy ông bà người Tây cao lớn, tóc vàng, mũi lõ, mắt xanh… Những điều tai nghe mắt thấy tại Thanh Hóa có những tác động rất lớn đến cuộc đời cha tôi khi trưởng thành.

Năm 1913, Thanh Hóa bị đại hạn, Nhà thờ không thuê người làm, ông bà tôi lại gồng gánh đưa cả nhà về quê. Năm ấy, Hà Nam cũng vừa bị lụt lớn, nạn đói đe dọa. Cũng năm ấy, Nhà nước Đại Pháp mộ lính Việt Nam sang mặt trận châu Âu làm bia đỡ đạn trong cuộc đại chiến thế giới lần thứ II. Để cứu gia đình, ong tôi đánh liều đăng lính và trúng tuyển. Trong các năm 1914-1918, mỗi tháng ông nhận lương lính là 20 đồng, dành dụm mỗi tháng 3 đồng, 6 tháng một lần gửi về cho gia đình. Thế là cả nhà thoát nạn đói. Bà tôi tần tảo làm thêm, nuôi cả nhà, cuộc sống tạm đủ. Bà cố cho cha tôi đi học chữ quốc ngữ. Cha tôi thông minh lanh lợi, chỉ sau ba tháng đã biết đọc biết viết, đã viết được thư cho ông tôi tít tận bên Pháp. Cha tôi cũng có học chữ Nho, học toán tại nhà một ông đồ là kỳ hào. Ông ta nóng tính, hay đánh học trò, hay đục khoét dân lành. Do cha tôi thông minh, lanh lợi, đã biết chữ quốc ngữ nên ông ta hay đưa cha tôi theo hầu mỗi khi sang các làng bên, cũng là để khoe mình dạy hay, có trò giỏi. Ay cũng là một kiểu “quảng cáo” để có nhiều học trò, thu được nhiều tiền.

Sau những năm tháng sống ở thị xã Thanh Hóa, với những gì đã nhìn thấy, cha tôi khôn hơn hẳn những bạn bè cùng lứa. Cha tôi rất nghịch, hay đầu têu trong những trò nghịch ngợm, hay dánh nhau với lũ trẻ lớn hơn nhưng không bao giờ khuất phục, thích rủ lũ trẻ đánh lộn giữa xóm này với xóm khác, giữa làng này với làng khác. Có lúc còn cả gan động chạm đến Nhà thờ như vào vườn hái trộm hoa quả nhưng khi bị bắt thì cha tôi nhận mọi tội về mình. Ngày Nhà thờ dạy Kinh Thánh, cha tôi không chiu học, bị thầy già trông coi Nhà thờ đánh. Cha tôi dám chửi cả ông ta rồi bỏ học, không đi lễ Nhà thờ nữa. Bà tôi rất phiền lòng về chuyện này.

Trong thời kỳ này cha tôi bắt đầu ghét bọn cường hào, bắt đầu suy nghĩ tại sao trời cho một số ít người giàu có, sung sướng, lại bắt đa số nghèo cơ cực. Khi biết đọc, cha tôi đọc một số sách kiếm hiệp, mê những anh hùng hảo hán cứu nhân độ thế, phò nguy, cướp cuả nhà giầu giúp đỡ người nghèo.

Chiến tranh thế giới lần thứ I kết thúc vào năm 1918, ông tôi lành lặn trở về. Nhà tôi lại lâm vào cảnh túng thiếu. Để bớt gánh nặng cho gia đình, cha tôi đi ở cho Nhà thờ, với hy vọng có thể nối dõi hai người chú trong họ là các linh mục Phạm Khắc Định trông coi giáo phận Phát Diệm, Phạm Khắc Thảo trông coi giáo phận Hưng Hóa. Họ vốn cũng sinh ra trong gia đình nghèo khó.

Ban đầu, cha tôi đi ở cho linh mục Huấn, trông coi xứ Trung Hiếu (thuộc Sở Kiện, Hà Nam). Linh mục Huấn mang cha tôi theo hầu trong các chuyến đi Hà Nội, Nam Định, Sơn Tây nên tầm nhìn cuả cha tôi càng được mở rộng. Sống bên cạnh bề trên nhưng cha tôi vẫn nghịch ngợm với những trò tinh quái hơn. Nếu muốn ăn thịt lợn thì bỏ vào tai lợn hạt lạc, hạt đỗ. Lợn khó chịu bỏ ăn, lắc đầu suốt ngày. Chỉ chờ có vậy, cha tôi kính cẩn thưa với cụ đạo: xin cho mổ chú ỉn chớm chê cám, không để chết thì phí. Cụ đạo tin, cho phép, thế là chú ỉn nọ chết oan. Có lần cha tôi bôi ớt vào đít một chú vện của Nhà thờ. Chú chó tội nghiệp cúp đuôi kêu ăng ẳng, sợ hãi lết đít chạy quanh sân. Cha tôi vội chạy thưa với cụ đạo rằng, trời nắng to, nóng quá có lẽ con chó cuả cha chớm bị bệnh dại. Cha xứ hoảng hồn, mang súng săn ra hạ sát oan chú chó rồi sai ngưới làm thịt cầy nhắm rượu. Chủ được ăn thì tớ cũng có phần. Cha tôi đôi lúc lấy trộm cả bánh thánh cuả Nhà thờ đánh chén. Những việc như vậy cha tôi chưa bao giờ xưng tội, ăn năn.

Năm 1922, cha tôi được cha Huấn giới thiệu xuống xứ Vĩnh Trị (Nam Định) học hai năm chữ La-tinh, đồng thời theo hầu linh mục Phổ - một thầy tu chuyên thu địa tô trên ruộng cuả Nhà thờ, lo cho vay nặng lãi kiếm tiền, nghiện rượu nặng, tính khí kiêu căng nhưng rất ghét các linh mục người Pháp. Tại xứ Vĩnh Trị, cha tôi được đọc những cuốn sách về cụ Đề Thám, về cuộc khởi nghiã Bãi Sậy, về quân Cờ đen đánh nhau với người Tây Dương…

Những năm đi ở cho Nhà thờ, cha tôi hiểu rõ nhiều chuyện nội tình Thiên chúa giáo, hiểu biết thêm nhiều điều trong cuộc sống xã hội ngoài lũy tre làng, ghét các linh mục người Pháp, thương người nghèo…

Năm 1925, cha tôi được giáo xứ Vĩnh Trị giới thiệu vào học tại Chủng viện La-tinh Hoàng Nguyên, thuộc điạ phận tỉnh Hà Đông. Ông bà tôi vui lắm, rất vinh hạnh vì con trai được “bề trên ưu ái”, được khoác áo thầy tu, nếu suôn sẻ có thể thành linh mục. Được như vậy sẽ là niềm tự hào cuả cả làng, cả họ, sẽ giúp được cả nhà. Nhập học, cha tôi bị ngay các linh mục người Tây phụ trách Chủng viện ghét, luôn kiếm chuyện cảnh cáo vì họ coi ông là người cuả cha Phổ. Cha tôi vốn ngang bướng, có chút kinh nghiệm đời nên cũng tìm cách tự vệ. Tại trường, cha tôi được các giáo sinh chuyền tay cho các “Tân thư” do phong trào Đông Du truyền bá từ đầu thế kỷ XX. Cha tôi thích thú đọc các tài liệu quốc cấm cuả các nhà cách mạng Tầu như Lương Khải Siêu, Khang hữu Vy. Cha tôi rất thú vị khi được biết các vị trên dám nói đến việc xây dựng nước Trung Hoa ngàn năm phong kiến thành một nước dân chủ. Ảnh hưởng cuả các nhà cách mạng như Phan Chu Trinh, Phan bội Châu, của Cách mạng Dân chủ tại Trung Quốc tác động mạnh đến các giáo sinh, trong đó có cha tôi. Vào dịp lễ Giánh sinh năm 1925, các linh mục người Pháp và phương Tây tại trường đón lễ một cách linh đình, trong khi các giáo sinh người Việt ăn uống khổ sở. Cha tôi vận động 200 giáo sinh bãi khoá, đòi được đối xử công bằng. Cuộc bãi khoá giành được thắng lợi bước đầu, cuộc sống cuả các giáo sinh được cải thiện.

Tại Chủng viện có một linh mục người Ca-na-đa, có tên Việt là Quý. Ông ta luôn mồm miệt thị người Việt Nam. Cha tôi đã đứng trước nhiều giáo sinh vặn lại cố Quý: “Đức Chúa trời dạy răng: mọi người sinh ra trên đời không phân biệt giàu, nghèo, tất cả đều bình đẳng. Vì vậy khi cha nói xấu người Việt là nói sai ý Chúa”. Cố Quý tức lắm, luôn để ý tìm cách trừng trị cha tôi. (Năm 1944, khi bị giam ở nhà tù Hoả Lò, Hà nội, cha tôi gặp lại ông thầy tu này. Ông vào nhà tù để giảng đạo, phát sách báo cuả Thiên chúa giáo. Lợi dụng việc này, cha tôi lấy được nhiều sách báo, để anh em tù chính trị sử dụng lại làm giấy viết).

Năm 1926, cụ Phan Chu Trinh mất, cha tôi cùng nhiều giáo sinh tham gia tổ chức truy điệu cụ. Nhà trường, trong đó có cố Quý, coi đây là hành động chính trị, kiếm cớ đuổi học cha tôi.

Bị đuổi học, cha tôi không hề luyến tiếc, ông không còn niềm tin đối với Nhà thờ. Tình cảm yêu nước thương nòi lớn dần trong ông, ông căm ghét nhà nước thực dân cuả người Pháp cùng bè lũ quan lại Nam triều hèn kém. Song lúc đó ông chưa tìm được con đường đi cho mình.

Cha tôi trở về giáo xứ Vĩnh Trị, kiếm sống bằng nhiều nghề, có lúc đọc kinh, giảng đạo cho Nhà thờ. Tại đây, ông gặp một thành viên Việt nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội tên là Tống Văn Trân. Chiến sỹ cách mạng Tống văn Trân đã giới thiệu cho cha tôi về tôn chỉ của Đảng Thanh niên, vạch cho cha tôi con đường đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, sứ mệnh của người thanh niên Việt Nam yêu nước… Các cuộc gặp gỡ không nhiều, thời gian rất hạn chế nhưng là bước ngoặt trong cuộc đời cha tôi. Ông xác định được lý tưởng cuộc sống cho mình. Cha tôi coi đồng chí Tống Văn Trân là người thầy cách mạng đầu tiên. Năm 1931, cha tôi gặp lại đồng chí khi hai người cùng bị đày ra Côn Đảo.

Năm 1927, cha tôi quyết định vào Nam Bộ, đi “vô sản hóa”, làm công nhân tại đồn điền cao su Phú Riềng. Tại Phú Riềng, cha tôi bước vào cuộc đấu tranh cách mạng vô cùng gian khổ, vô cùng quyết liệt,vô cùng vẻ vang, vì sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc.

*

* *

Tôi viết những dòng này mong con cháu chúng tôi mai sau biết rõ hơn về người ông, người bà kính yêu, về quê hương nơi chôn nhau cắt rốn cuả dòng họ Phạm. Mong các cháu hiểu được rằng, cuộc đời đấu tranh cách mạng oanh liệt, rất đáng tự hào cuả ông bà luôn gắn bó với dòng họ, với mảnh đất đã sinh ra.

Tp. Hồ Chí Minh, 17-3-2006

T.K.C

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.