Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

Hai bà mẹ


HAI BÀ MẸ

Trần Yên Hồng


Quê ngoại chúng tôi ở thôn Hòa, xã Cấp Tiến, huyện Hưng Nhân (nay là Hưng Hà), tỉnh Thái Bình – miền quê đất chật, người đông, tỉnh nghèo khổ vào loại nhất nhì đồng bằng Bắc Bộ. Ngay từ nhỏ mẹ đã mang trong lòng nỗi đau quê hương nghèo đói, người nông dân lam lũ “một nắng hai sương” mà vẫn không đủ ăn, đủ mặc; nhiều người phải tha phương cầu thực “tay bị, tay gậy” đi ăn xin khắp nơi. Mẹ luôn tự hỏi “Vì sao dân mình khổ thế? Làm thế nào để thoát khỏi đói nghèo?”. Đến năm 16 tuổi, được già Đồi - một đảng viên cộng sản - tuyên truyền, mẹ nhanh chóng giác ngộ, nhận thức được con đường phải đi để giải phóng quê hương khỏi cảnh lầm than, nghèo đói.



Được tổ chức tin tưởng giao làm giao thông liên lạc - đưa thư từ, tài liệu, canh gác cho cán bộ hội họp…, mẹ luôn hoàn thành nhiệm vụ. Năm 1939, tròn 19 tuổi, mẹ được già Đồi giới thiệu kết nạp vào hàng ngũ những người cộng sản. Mẹ tôi cùng đồng chí Chùy xây dựng các gia đình cơ sở (nhà chị Đóa, bà Huyền…) trở thành nơi hội họp bí mật mỗi khi đồng chí Hạ Bá Cang, Lê Thu Trà, Ngô Duy Đông… về địa phương gây dựng phong trào. Vì bị ông bà ép gả cho con một nhà giầu, kém mẹ đến 4-5 tuổi, cốt để hầu hạ nên mẹ đã xin tổ chức cho thoát li. Một đêm tối trời, mẹ lẳng lặng bỏ nhà ra đi. Đến bờ sông Thái Bình mẹ vứt lại chiếc nón, đánh lạc hướng là đã nhảy xuống sông tự vẫn. Gia đình, làng xóm đều tin nên không ai còn tìm kiếm. Cuộc đời cách mạng đầy gian khó bắt đầu…

Trong những năm tháng gian khổ, bà có nhiều kỷ niệm khó quên. Nhất là những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghia tháng 8 năm 1945 ở Hưng Yên.

… Tháng 3 năm 1945, khi vừa xây dựng gia đình với cha tôi, mẹ được cử về phụ trách phong trào huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Đây là những ngày đầy gian khó nhưng rất hạnh phúc vì mẹ đã có mang tôi – đứa con đầu lòng. Giấc mơ có được đứa con là công dân một nước độc lập sắp thành hiện thực, cứ ấp ủ trong lòng. Cha mẹ tôi rất mừng và hẹn với nhau: nếu sinh con trai sẽ đặt tên là Khởi Nghĩa, còn con gái thì lấy tên Yên Hồng, để kỷ niệm những ngày giành chính quyền về tay nhân dân và cờ hồng tung bay trong nắng Hưng Yên!

Cũng khi đó, giặc lùng sục khắp nơi. Chúng treo thưởng 3000 quan cho ai chỉ điểm bắt được “con mẹ Tân” (tên khi về hoạt động ở Hưng Yên) có nước da trắng, răng đen, tóc dài, người thấp đậm! 3000 quan lúc đó lớn lắm. Mẹ rất cẩn trọng, thay đổi chỗ ở đến nhiều cơ sở cách mạng, nhất là lại được nhân dân thương yêu che chở. Trong đó có gia đình ông bà Nguyễn Đình Tám-Nguyễn Thị Chách.

Cái thai trong bụng mẹ mỗi ngày một lớn, còn công việc chuẩn bị cho khởi nghĩa thì bộn bề… Thế rồi, giờ G cũng đến! Lệnh khởi nghĩa ở Hưng Yên được phát ra ngay sau khi Hà nội đã giành chính quyền. Bụng chửa vượt mặt nhưng mẹ quên đi tất cả. Trước mắt chỉ có một nhiệm vụ: Cướp chính quyền ở Kim Động! Mẹ mặc áo nâu, quần đen, đeo kính dâm để hoá trang, tay cầm khẩu súng lục dẫn đầu đoàn quân vào cướp phủ huyện. Bà con Kim Động cho đến giờ vẫn nhắc đến “cái chị cán bộ bụng chửa vượt mặt” hăng hái đi đầu, miệng không ngừng hô hào, kêu gọi quần chúng cướp chính quyền.

Những ngày này, mẹ tôi rất mệt mỏi vì ngày sinh tôi đã cận kề. Mẹ lo lắng không hiểu sinh tôi ra sẽ chăm sóc ra sao vì không có một cắc bạc trong tay. Mẹ bàn với cha nên đưa tôi về quê ngoại ở Thái Bình hay gửi ông bà nội ở Ân Thi? Nhưng quả thật cả ông bà nội lẫn ngoại đều quá nghèo, nhất là ông bà nội còn phải đi gắp phân thuê kiếm sống, làm gì có điều kiện để nuôi cháu. Rồi chính quyền mới về tay, bao nhiêu việc cần sự có mặt của mẹ tôi…?

Trong lúc khó khăn mới thấy tình cảm cách mạng quý báu làm sao! Đồng chí Học cùng hoạt động với mẹ biết hoàn cảnh ấy đã thay mặt tổ chức bàn gửi hai mẹ con tôi cho chú thím mình là ông bà Nguyễn Đình Tám. Gia đình ông bà Tám là cơ sở cách mạng rất tin cậy. Lúc bấy giờ, ông Tám đang là “sếp” của ga xe lửa Tiền Trung (Hải Dương). Cuối tháng 9 năm 1945, đồng chí Học thu xếp để mẹ tôi về ăn nghỉ ở nhà mình ở thôn Giai Phạm, xã Tinh Tiến, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, ngay sát với đường số 5. Rồi đồng chi mời chú thím sang thưa chuyện:

- Thưa chú thím, cháu xin giới thiệu chị Tân đây là cán bộ của tỉnh ta, vợ của anh Bình – ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ. Chị sắp đến ngày ở cữ… Chú thím cũng biết cán bộ cách mạng thì chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng. Nên tổ chức cử cháu về đặt vấn đề với chú thím chăm sóc cho hai mẹ con những ngày đầu mới sinh…

Nghe nói đến đây, hai ông bà mừng ra mặt:

- Quý hóa quá! Thế thì còn gì bằng vì chúng tôi không có con. Hơn nữa đây cũng là đóng góp cho cách mạng. Chị sang ngay nhà tôi. Mọi chuyện để tôi lo.

Ngay hôm ấy, mẹ chuyển về ở với ông bà Tám. Bà Tám chất phác, là người phụ nữ lởi xởi và tốt bụng. Trước đó, bà đã đón chị Nguyễn Thị Chi (từ lúc mới 4 tuổi) về làm con vì nhà chị đông con, không có điều kiện nuôi nấng. Bà chăm lo cho mẹ từng li từng tí, từ cái ổ rơm để nằm đến bữa cơm, bữa cháo rồi giặt giũ phơi phóng… Mẹ tôi sinh ra ở nông thôn, lại quen làm công tác dân vận nên nhanh chóng trở thành người thân trong gia đình. Hai người đàn bà cứ rủ rỉ rù rì “chị chị em em”, sắm sửa tã lót cho ngày sinh nở.

Sớm ngày 17 tháng 11 năm ấy, mẹ thấy khó chịu trong người. Bà Tám giục đưa ngay đi nhà thương Bần Yên Nhân. Khoảng 11 giờ trưa hôm ấy - “cái giờ gà nhảy ổ của năm Ất Dậu” (mẹ tôi nói vậy) – mẹ sinh ra tôi. Mệt lắm, trán vã mồ hôi sau cơn vượt cạn, mẹ quay sang nhìn tôi rồi thều thào: “Con gái... Yên Hồng!”.

Tôi chỉ được uống dòng sữa mẹ quãng chục ngày thì có cán bộ ở trên tìm về: “Chính quyền non trẻ có nhiều việc phải làm. Chị có thể thu xếp…?”. Mới nghe mẹ tôi đã trào nước mắt. Chính quyền mới về tay, công việc thì bề bộn, nay đây mai đó, làm sao có thể mang con theo, mà có mang theo thì lấy gì nuôi con?... Còn không mang con theo thì gửi lại ai bây giờ? Có người mẹ nào mới sinh con được hơn tuần lễ lại đang tâm xa con?… Mẹ tôi trăn trở…

Bà Tám theo dõi câu chuyện từ đầu đã động viên: “Chị Tân ạ, thôi thì cũng vì công việc cách mạng, chị cứ đi đi. Cái Yên Hồng để lại tôi nuôi. Chúng tôi không giàu nhưng cũng có ít tiền nuôi cháu. Đừng lo lắng gì cả! Khi nào có điều kiện thì anh chị về đón cháu”. Mẹ thương tôi quá bé bỏng, chưa quen hơi mẹ đã phải xa. Lòng mẹ đau thắt, nước mắt ướt đầm. Nhưng những lời hứa hẹn chân tình của bà Tám làm mẹ vững tâm hơn: “Thôi thì công tác cách mạng trên hết. Anh chị giúp tôi nuôi cháu và coi nó như con của mình. Tôi có công sinh, còn chị có công dưỡng… “. Mẹ tôi lấy hết nghị lực, gạt nước mắt chấp nhận xa con.

Trước khi xa, biết tôi không thể sống thiếu sữa, nghe tin ở Phù Cừ có chị Gái, mới sinh con nhưng không may cháu mất, mẹ đã hỏi thăm và tìm gặp chị. Thật may vì chị có nhiều sữa. Vậy là mẹ mời chị về giúp. Thấy mẹ tôi hiền lành, chất phác và cũng để vơi đi nỗi buồn mất con, chị Gái đồng ý lên ở với ông bà Tám để nuôi tôi. Có như vậy mẹ mới yên tâm lên đường.

Mẹ cho tôi bú bữa cuối cùng thật no rồi tạm biệt. Ôm tôi trong lòng mà nước mắt rơi lã chã: “Phía trước đang còn bao gian khó! Không biết khi nào mẹ con mới gặp nhau?...”. Mẹ run run trao cái sinh linh bé nhỏ trong bọc tã cho bà Tám rồi nói:

- Trăm sự nhờ anh chị! Ơn này vợ chồng tôi mãi mãi không quên!

    • Chị yên tâm đi làm cách mạng! - Bà Tám cũng nói trong nước mắt – Cùng là đàn bà con gái, tôi rất hiểu lòng chị. Chúng tôi hứa sẽ chăm sóc cháu chu đáo. Chỉ xin anh chị cho phép Yên Hồng làm… con nuôi vợ chồng tôi!

    • Vâng! Thế thì còn gì hơn!

Kể từ đấy, mẹ con tôi xa nhau… Cũng từ sau đó, mẹ tôi lấy cái tên Hưng, Nguyễn Thị Hưng, để kỷ niệm những ngày hoạt động trên đất Hưng Yên. Những chuyện này, tôi được mẹ kể lại khi đã lớn…

Tôi lớn lên trong sự nuôi dưỡng, giáo dục của ông bà Tám. Tôi gọi ông bà là “cậu mợ”. Đồng chí Học, người giới thiệu mẹ tôi cho ông bà Tám, là con ông Tư - anh trai ông Tám. Vì thế trong họ thì đồng chí Học là vai ông anh. Anh Học chính là anh Trần Sâm, có thời gian làm Phó bí thư Thành ủy Hà Nội rồi Phó chủ nhiệm Uỷ ban Xây dựng cơ bản nhànước.

Trong những năm kháng chiến, tôi theo bố mẹ nuôi tản cư lên Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang rồi vào Thanh Hóa. Dù bom rơi đạn lạc nhưng tôi luôn được “cậu mợ” che chở, đùm bọc. Năm 1947, khi ông Tám nhập ngũ thì mẹ nuôi tôi thêm vất vả, cáng đáng chăm lo cho tôi và chị Chi.

… Xa cha mẹ đẻ thấm thoăt đã 9 năm.

*

* *

Năm 1954, hòa bình lập lại trên quê hương.

Một hôm thấy có một ông cán bộ đánh xe con từ Hà Nội về. Bố mẹ nuôi chạy ra đón khách rồi rối rít gọi tôi về:

- Hồng ơi… Hồng ơi, cha con về tìm đây này!

Vì đã được “cậu mợ” kể rằng tôi còn có cha mẹ đẻ nên không ngần ngại tôi chạy ngay ra với ông. Tôi còn nhớ như in cánh tay cha giang rộng, run run, ôm tôi vào lòng. Cha lấy tay xoa lên mái tóc tôi rồi lấy gói kẹo thơm mùi va-ni mua tận Trung Quốc đưa cho tôi. Cha rủ rỉ: “Mẹ con nhớ con lắm. Xa nhau cả chục năm rồi. Lần này mẹ bận việc không về được... Ở bên kia con còn năm em trai…”. Mãi sau này mới biết cha tôi đang là Chính ủy Trường Lục quân Việt Nam, đóng quân ở thành phố Quế Lâm. Lần này kết hợp về nước dự Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc, ông về Bần thăm ông bà Tám và tôi. Sau những câu chuyện rôm rả của chừng ấy năm xa cách, tôi nghe thấy cha nói với cậu mợ tôi:

- Vợ chồng tôi vô cùng biết ơn anh chị đã nuôi cháu Yên Hồng suốt 9 năm qua, để chúng tôi có thể rảnh rang, góp sức nhiều hơn cho cách mạng. Nay cháu đã lớn, phải đi học mới nên người. Vậy xin phép anh chị cho tôi đón cháu…

Nghe cha tôi nói vậy, bố mẹ nuôi lặng người đi với vẻ mặt buồn bã. Mẹ nuôi chạy vào trong buồng, đóng cửa lại, khóc thút thít. Còn ông Tám thì nhòa hai mắt, nắm lấy tay cha tôi:

- Không sinh ra cháu… nhưng chừng ấy năm Yên Hồng sống với chúng tôi… có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo. Nó chẳng khác gì con trong nhà. Nay phải xa nó, chúng tôi… buồn lắm… Thực tình chả muốn xa. Nhưng vì tương lai của cháu… thôi thì anh cứ đưa cháu đi. Khi nào cháu về nước, anh chị cho nó về với chúng tôi!

Rồi hai người đàn ông ôm lấy nhau. Mẹ nuôi lấy khăn lau nước mắt rồi thu xếp quần áo cho tôi mang đi. Sau bữa cơm chia tay, tôi theo cha ra xe. Bố mẹ nuôi ra tận đường cái tiễn tôi. Xe chạy rồi thò cổ ra cửa vẫn thấy ông bà Tám đứng ven đường ngẩn ngơ. Tuy được gặp cha đẻ nhưng trong lòng tôi thật buồn bã vì phải xa bố mẹ nuôi. Vậy là lần thứ hai tôi phải xa người mẹ!

Tháng 3 năm 1955, tôi nhập Trường Thiếu nhi Việt Nam.

*

* *

Thấm thoắt đã 60 năm! Tôi đã sang tuổi 61, đã nghỉ hưu sau 28 năm đóng góp cho ngành ngoại thương Việt Nam. Chúng tôi có một gia đình hạnh phúc với hai cháu trai đã trưởng thành cùng một đứa cháu nội.

Cha mẹ đẻ và bố mẹ nuôi của tôi cũng đã trở thành người thiên cổ. Nhớ lại những năm tháng qua tôi xúc động, không cầm được nước mắt, nhớ thương và biết ơn cha mẹ đẻ và bố mẹ nuôi - những người có công sinh thành và dưỡng dục tôi trở thành người có ích cho xã hội!

Mấy câu ca dao cứ vẳng mãi trong lòng…

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho trọn chữ Hiếu mới là đạo con

Tp. Hồ Chí Minh, 1-3-2006

T.Y.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.