Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

Kỷ niệm về hai vị đại sứ từng tham gia lãnh đạo khởi nghĩa ở Hà Nội

Phạm Ngạc

Tôi có vinh dự được làm phiên dịch tiếng Anh cho hai vị đại sứ Nguyễn Khang và Trần Tử Bình. Hai người từng tham gia lãnh đạo giành chính quyền ở Hà Nội, tháng 8 năm 1945.

Năm 1957, đồng chí Nguyễn Khang được cử làm Đại sứ Việt Nam ở Trung Quốc. Lúc đó, Việt Nam mới có vài đại sứ ở nước ngoài. Vị trí đại sứ ở Liên Xô và Trung Quốc quan trọng bậc nhất, phải là Uỷ viên Trung ương Đảng. Đồng chí Nguyễn Khang được trong nước và quốc tế kính trọng nhưng đồng chí thường tâm sự với anh em là không quen công tác ngoại giao nên không đóng góp được như ý muốn. Đồng chí đề đạt nguyện vọng với Trung ương để được về công tác trong nước. Hai năm sau anh được trở về môi trường quen thuộc và tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp cách mạng.


Năm 1959, đồng chí Trần Tử Bình sang thay. Với tác phong năng nổ sẵn có, là một trong 11 vị tướng được phong đầu tiên ở nước ta và từng quen biết địa bàn Trung Quốc, đồng chí nhanh chóng phát huy năng lực của các cán bộ Đại sứ quán, triển khai công tác ngoại giao. Lúc đó tôi hết hạn 3 năm công tác, nhớ nhà và rất khát khao được về nước làm việc như các đồng chí khác. Bộ Ngoại giao cũng sẵn sàng cử người sang thay. Nhưng đồng chí Trần Tử Bình quyết định giữ tôi ở lại làm phiên dịch tiếng Anh thêm một nhiệm kỳ nữa và thường kéo tôi đi theo trong các cuộc tiếp xúc đối ngoại. Tôi phấn đấu học tập, công tác và được kết nạp Đảng.

Đồng chí Trần Tử Bình nghiêm khắc, gương mẫu trong công tác nhưng rất gần gũi và thương yêu cán bộ. Trong công tác, đồng chí được Chính phủ Trung Quốc và Ngoại giao đoàn Bắc Kinh nể trọng. Trong sinh hoạt nội bộ thì được anh em quý mến. Đồng chí thường cùng anh em lao động trong vườn, trồng táo, bón phân, nhổ cỏ. Khi vui đồng chí kể chuyện khi còn nhỏ học Trường dòng, nhắc lại vài câu Kinh Thánh bằng tiếng La-tinh. Nhưng có lẽ do bản chất khiêm tốn, hiếm khi thấy đồng chí kể chuyện thời hoạt động cách mạng và trong quân ngũ.

Dần dần chúng tôi cũng được biết chuyện hai vị đại sứ đều đã tham gia lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám 1945 tại Hà Nội.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Bác Hồ, nhất là chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", ngày 18 tháng 8 năm 1945, đồng chí Nguyễn Khang, Chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa và đồng chí Trần Tử Bình, thường vụ Xứ uỷ phụ trách quân sự, đã quyết định khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội. Quyết định đó rất đúng thời cơ, ngay khi được tin phát xít Nhật đưa Nguyễn Xuân Chữ, lãnh tụ Đại Việt từ Singapore về thay Khâm sai đại thần Phan Kế Toại đã từ nhiệm đêm 17 tháng 8.

Ngày 19 tháng 8, khi lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện trước mặt tiền Nhà hát Lớn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quần chúng kéo đến Phủ Khâm sai (12 Ngô Quyền). Ngay khi cánh cổng lớn được mở ra, đồng chí Trần Tử Bình đã xông lên, ra lệnh cho tự vệ bắt Nguyễn Xuân Chữ đưa về An toàn khu của Xứ ủy ở làng Vạn Phúc, Hà Đông. Sau đó hai đồng chí Nguyễn Khang và Trần Tử Bình đã dùng tổng đài điện thoại trong Phủ Khâm sai ra lệnh cho chính quyền tay sai ở các tỉnh, huyện "Phải trao quyền ngay cho Việt Minh!".

Đêm 19, rạng sáng 20 tháng 8 năm 1945, Xứ uỷ quyết định thành lập chính quyền - Uỷ ban Nhân dân Cách mạng Bắc Bộ và cử đồng chí Nguyễn Khang làm Chủ tịch, đặt trụ sở ở Phủ Khâm sai (Bắc Bộ Phủ). Đồng chí Trần Tử Bình tiếp tục hỗ trợ chỉ đạo các cuộc khởi nghĩa ở Hải Phòng, Hà Đông. Cuộc khởi nghĩa thành công ở Hà Nội đã  nhanh chóng thúc đẩy các địa phương nổi dậy giành chính quyền và đưa Cách mạng tới thắng lợi trong cả nước…

Trong những năm đầu, ngành ngoại giao nói chung và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc nói riêng, được vinh dự đón tiếp hai nhà lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám. Hai vị đại sứ để lại những tấm gương sáng về tinh thần phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Đến nay, nhiều cán bộ và nhân viên ngoại giao còn nhắc tới những ngày cùng công tác trong sáng và tốt đẹp đó.

P.N






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.