Tình
bạn, tình đồng chí của những cán bộ cách mạng lão thành thế hệ thứ nhất, thứ
hai thật thân tình. Trong đó có quan hệ giữa gia đình tôi với gia đình bác Lý
Ban.
Bác
Lý Ban tên thật là Bùi Công Quan, sinh năm 1912 tại Long Hòa, Cần Đước, tỉnh
Long An. Năm 1927 khi đang học trung học tại Sài Gòn, bác được thầy giáo Phạm
Văn Đồng giác ngộ và giới thiệu kết nạp vào Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng
chí Hội. Bác tuyên truyền cách mạng trong học sinh, sinh viên người Việt và
người Hoa. Năm 1930, bác được kết nạp Đảng. Cuối 1931, sau hai lần bị thực dân
Pháp bắt nhưng không có chứng cứ nên bác bị đưa về quản thúc ở quê nhà. Giữa năm
1932, bác trốn lên Sài Gòn bắt liên lạc với Đảng nhưng không thành. Ở lại rất
nguy hiểm, thông qua những người bạn Hoa kiều ở Chợ Lớn, bác xuống một chiếc
tầu buôn lánh nạn sang Hồng Kông.
Tại
thành phố Sán Đầu, sau khi bắt liên lạc được với tổ chức, bác tham gia hoạt
động tại Quảng Đông. Đầu 1934, bác được giới thiệu vào học Trường Đảng tại Khu
căn cứ Thụy Kim (tỉnh Giang Tây) với cái tên Lý Ban. Tại đây, bác đã gặp Nguyễn
Sơn, một cán bộ cao cấp người Việt. Nguyễn Sơn vốn là bạn học của bác Phạm Văn
Đồng tại Quảng Châu từ năm 1926, nay được biết Lý Ban là học trò của thầy Phạm
Văn Đồng thì quan hệ của hai người trở nên thân thiết. Nguyễn Sơn đã giới thiệu
bác với các thầy từng là giáo viên Trường Quân sự Hoàng Phố, đang là những cán
bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc như: Chu Ân Lai, Lý Phú Xuân, Đổng Tất
Võ, Diệp Kiếm Anh… Bác Lý Ban được các thầy quan tâm giúp đỡ. Giữa 1934, bác
được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tháng
10 năm 1934, Tưởng Giới Thạch huy động 1 triệu quân tấn công Khu căn cứ Thuỵ
Kim. Để bảo toàn lực lượng, Hồng quân Công nông phải tổ chức Vạn lý Trường
chinh rút lên Tây Bắc, xây dựng căn cứ. Bác Lý Ban cùng ông Nguyễn Sơn tham gia
cuộc hành quân gian khổ này. Rời Thụy Kim được ít ngày, bị ốm nặng bác phải nằm
lại dọc đường. Khi khỏi bệnh, mất liên lạc, bác phải đi bộ hàng nghìn cây số,
vượt vòng vây kẻ thù, trở về Quảng Đông. Trong năm 1935, bác bám dân, vận động
quần chúng khôi phục hệ thống cơ sở cách mạng tại Mai Châu, Triều Châu, Sán
Đầu. Đầu năm 1937, cuộc kháng chiến chống Nhật bùng nổ, bác được bầu làm Tỉnh
uỷ viên Liên tỉnh uỷ Phúc Kiến - Quảng Đông - Giang Tây. Suốt 8 năm kháng Nhật,
bác là một cán bộ lãnh đạo có năng lực được nhân dân Trung Quốc tin yêu. Thời
gian này, bác xây dựng gia đình với một người Hoa tên là Ôn Bích Trân. Bà là
đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1937.
Từ
năm 1942, Bác Hồ có thỏa thuận với Bạn xin một số cán bộ người Việt đang hoạt
động ở Trung Quốc về nước. Bác Lý Ban và bác Nguyễn Sơn có tên trong danh sách.
Đến năm 1946, sau khi cách mạng thành công, bác đưa gia đình trở về và công tác
tại cơ quan Trung ương Đảng do đồng chí Trường Chinh phụ trách. Vì đã có những
kinh nghiệm hoạt động, bác được giao tổ chức Hoa kiều Vụ và biên soạn tài liệu
công tác chính trị trong quân đội, sổ tay chính trị viên v.v… Đến năm 1948, bác
được cử làm Cục phó Chính trị cục Quân đội quốc gia (khi đó đồng chí Văn Tiến
Dũng là Cục trưởng), đồng thời phụ trách việc liên lạc với Đảng Cộng sản Trung
Quốc thông qua hệ thống vô tuyến điện sóng ngắn. Ngày đó trên chiến khu Việt
Bắc, anh Lý Tân Hoa (con cả của bác) mới 14-15 tuổi nhưng đã được giao làm liên
lạc đưa công văn, thư từ cho bác Trường Chinh, bác Phạm Văn Đồng. Thời gian này
cha tôi là Phó bí thư Quân uỷ, Phó tổng Thanh tra quân đội. Vì cha tôi là bạn
tù Côn Đảo với bác Phạm Văn Đồng, nên bác Đồng đã giới thiệu bác Lý Ban và bác
Nguyễn Sơn kết thân với cha tôi.
Đến
tháng 8 năm 1949, Trung ương Đảng giao cho bác Lý làm phái viên cao cấp, vượt
vòng vây ra Móng Cái sang Đông Hưng (Quảng Đông), lên Bắc Kinh gặp các đồng chí
lãnh đạo Trung Quốc. Bác Hồ tận tay giao cho bác lá thư gửi cho vợ chồng đồng
chí Chu Ân Lai, Đặng Dĩnh Siêu. Biết chuyến đi sẽ vô cùng gian khổ, bác gửi bác
gái và các con nhờ bạn bè chăm sóc. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bác Lý được
giao nhiệm vụ phụ trách việc tiếp nhận giúp đỡ của Bạn cho cuộc kháng chiến
chống Pháp. Hòa bình lập lại trên miền Bắc, sau khi tham gia xây dựng ngành
Ngân hàng và Hải quan, năm 1959, bác được bổ nhiệm Thứ trưởng, Bí thư Đảng-đoàn
Bộ Ngoại thương. Tại Đại hội Đảng lần thứ III, bác được bầu là Ủy viên dự
khuyết Ban Chấp hành Trung ương.
Khi
cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta bước vào giai đoạn ác liệt thì trong
phe xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên Xô và Trung Quốc có những bất đồng dẫn đến
mâu thuẫn, ảnh hưởng đến sự ủng hộ quốc tế đối với Việt Nam. Với chủ trương giữ
vững đoàn kết với các đảng anh em, tranh thủ một cách hiệu quả sự giúp đỡ quốc
tế, bác được giao nhiệm vụ tham gia xây dựng các hiệp định hợp tác kinh tế hàng
năm giữa hai nước Việt - Trung. Bác thường xuyên làm việc với Tổng Tham mưu
trưởng Văn Tiến Dũng, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Sâm để nắm vững nhu
cầu của quân đội, cũng như các đồng chí Phạm Hùng, Hoàng Văn Thái để nắm bắt
nhu cầu chiến trường miền Nam. Các yêu cầu của quân đội và chiến trường luôn
được ưu tiên trong các hiệp định kinh tế Việt - Trung.
Từ
những ngày đầu đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, bác đã liên hệ với
Bạn cho đặt bộ phận tiếp nhận viện trợ theo đường sắt liên vận quốc tế tại Bằng
Tường. Trong suốt thời gian chiến tranh, bộ phận này đã hoàn thành nhiệm vụ.
Mặc dù có thời gian Cảng Hải Phòng bị phong tỏa nhưng một khối lượng lớn hàng
hoá vẫn được vận chuyển vào Việt Nam, chi viện hiệu quả cho chiến trường.
Mỗi
lần Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị dẫn đầu sang đàm phán các hiệp định kinh tế với
Bạn, bác luôn có mặt. Mối quan hệ thân tình trong những năm tháng hoạt động ở
Trung Quốc của bác có tác dụng trong những lần đàm phán. Tận dụng mối quan hệ
này bác cùng tổ chuyên viên đã soạn thảo những văn bản hiệp định, tranh thủ
được sự giúp đỡ của Bạn.
Anh
em cán bộ ở Sứ quán kể lại nhiều chuyện thú vị trong đàm phán. Với chủ trương
tận dụng tối đa sự giúp đỡ của Bạn mà đoàn đàm phán của ta đã xin thêm được
nhiều khoản viện trợ, từ hàng chục nghìn chiếc mũ cối, ba-lô đến vài nghìn
chiếc xe đạp Vĩnh Cửu, Phượng Hoàng dùng làm xe thồ; thậm chí xin thêm cả số
lượng xe ôtô vận tải. Lần đó Bạn đồng ý viện trợ cho 2.000 xe vận tải ba cầu
Giải Phóng nhưng ta đề nghị xin thêm số phụ tùng thay thế với lí luận: điều
kiện chiến tranh ở Việt Nam rất ác liệt, trên đường vận chuyển xe sẽ bị trúng
bom mìn, nếu không có phụ tùng thay thế thì chỉ vứt xó, sử dụng viện trợ không
hiệu quả. Phía Bạn đã trả lời: Không thể sản xuất kịp số phụ tùng thay thế cho
2.000 xe. Sau khi bàn bạc, Đại sứ Trần Tử Bình đã thay mặt đoàn đưa ra yêu cầu:
“Vậy các đồng chí viện trợ cho chúng tôi thêm 500 đến 1.000 xe nữa, nếu khó
khăn thì có thể cấn trừ vào khoản khác. Khi cần chúng tôi có thể lấy phụ tùng
của xe chưa sử dụng thay vào xe hỏng hóc”. Bằng quan hệ và cách thuyết phục
khéo léo mà đề nghị này được Bạn chấp nhận.
Sau
ngày cha tôi mất, bác Lý Ban vẫn duy trì quan hệ thân thiết với các đồng chí
Đinh Đức Thiện, Phan Trọng Tuệ, Đặng Tính để tham gia chỉ đạo khảo sát địa hình
từ Lạng Sơn vào tận Quảng Bình (sau này tới Đường 559), xây dựng dự án lắp đặt
hệ thống ống dẫn, các trạm bơm dã chiến và một tổng kho xăng dầu tại Bằng
Tường. Trong chiến tranh, hệ thống cung cấp xăng dầu này đã tiết kiệm được
nhiều công sức và xương máu của chiến sĩ, đồng bào, phục vụ các binh đoàn xe
tăng, xe cơ giới trong các chiến dịch và góp phần vào thắng lợi của chiến dịch
Hồ Chí Minh.
*
* *
Từng
làm phu ở vùng đất đỏ miền Đông Nam Bộ, khi gặp bác Lý Ban là dân Nam Bộ gốc, cha
tôi thường tâm sự: “Tôi mê cái đất Nam Bộ của anh, đồng ruộng phì nhiêu thẳng
cánh cò bay; riêng đồn điền của tôi, rừng cao su kéo dài tít tận chân trời. Còn
Bắc Bộ đất chật người đông. Sau này thống nhất, tôi có nguyện vọng về Nam sinh
sống”.
Là
người lăn lộn đây đó, gặp bác Lý Ban là người từng bôn ba hải ngoại thì cha tôi
đem lòng quý trọng. Những năm 1950, khi bác phụ trách tiếp nhận viện trợ của
Trung Quốc thì cha tôi phụ trách Trường Lục quân Việt Nam đóng quân ở Trung
Quốc. Những năm 1960, hai ông cùng tham gia đoàn đám phán của Chính phủ ta với
Bạn. Chính môi trường làm việc càng gắn kết hai người. Để đi đến kí kết chính
thức nhiều văn bản hiệp định phải có những cuộc thương lượng, gặp gỡ mang tính
chất cá nhân. Bác Lý và cha tôi cùng làm việc đó. Ngoài giờ thương thảo, nhất
là những ngày đoàn tạm rút về nước, cha tôi ở lại Bắc Kinh đã tận dụng mối quan
hệ “vừa là đồng chí vừa là anh em” cùng quan hệ thân quen để thuyết phục và tranh
thủ sự ủng hộ của các đồng chí Trung Quốc. Phải nói bác Lý và cha tôi rất tâm
đầu ý hợp, rất tâm đắc khi đưa ra những giải pháp có lợi cho cách mạng Việt Nam.
Sau
chiến thắng Biên giới năm 1950, anh Lý Tân Hoa được về Trung Quốc đi học. Đến
tuổi nhập ngũ, anh trở thành chiến sĩ Quân giải phóng nhân dân, sau đó được kết
nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đầu những năm 1960, anh là sinh viên khoa
Văn, trường Bắc Đại. Thời kì này, là Bí thư Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tại
Trung Quốc, cha tôi đã kí quyết định chuyển Đảng cho anh trở thành đảng viên
Đảng Lao động Việt Nam. Đồng thời anh được hưởng chế độ của bộ đội đi học với
học bổng ưu đãi. Đây là một ưu ái của cách mạng đối với gia đình bác Lý Ban.
Những
ngày ở Bắc Kinh, anh Hoa thường vào Sứ quán thăm cha tôi. Sống xa gia đình, xa
Tổ quốc, anh coi cha tôi như bố đẻ của mình. Đến chơi gặp buổi cán bộ, nhân
viên Sứ quán lao động trồng cây, tưới hoa là anh xắn quần cùng làm. Anh kể lại
cha tôi đã chỉ cho anh cách làm cỏ, bón phân vào từng gốc đào: “Ngày xưa bác đã
phải bón phân cho từng gốc cây cao su ở đồn điền Phú Riềng. Việc này tưởng đơn
giản nhưng không dễ nếu cháu không làm”. Đến thăm cha tôi, gặp bữa thì ăn cơm
cùng. Vừa ăn cha tôi vừa ân cần dặn dò: “Cháu phải cố gắng học tập để sau này
về nước phục vụ nhân dân. Đất nước ta sau năm tháng chiến tranh thiếu thốn, khó
khăn nhiều lắm. Đừng bao giờ ỷ thế là con em cán bộ cao cấp mà lười biếng… ”. Cha
tôi rất quý chị Kim Na, người yêu sau này là vợ anh Hoa. Khi cả hai tốt nghiệp
về nước, cha tôi bảo với bác Lý Ban nên cho chị Kim Na về dạy tiếng Nga, tiếng
Anh ở Trường đại học Ngoại thương. Trong lá thư viết về cho mẹ tôi có đoạn rất
thân tình: “Gửi em tấm ảnh anh và Cu Tám chụp cùng con dâu anh Lý Ban. Cháu Kim
Na con một đồng chí Trung ương uỷ viên đã hy sinh. Nó thông minh lắm, biết
tiếng Nga, Anh. Chắc hai đứa sẽ đến chào em”.
Thời
gian ở Bắc Kinh, anh Hoa còn gặp một số anh em trẻ cùng lứa như Đặng Thái Sung,
Võ Văn Biệt, Nguyễn Minh Trực… là con em của bạn chiến đấu được cha tôi rất
quan tâm. Được biết anh Đặng Thái Sung là con người bạn tù Côn Đảo. Trong kháng
chiến chống Pháp, anh Sung làm liên lạc cho bộ đội Sư đoàn 338, đến năm 1954
được tập kết ra Bắc. Nghe tin, cha tôi đã cử đồng chí bí thư vào tận Sầm Sơn
(Thanh Hóa) tìm anh Sung để cho đi học, sau về làm việc ở Thương vụ. Còn anh Võ
Văn Biệt là con liệt sĩ Võ Văn Tần, thời gian đó làm giao thông ngoại giao của
Sứ quán ta. Cha tôi quý anh Biệt như con, còn anh Biệt gọi cha tôi là “chú”,
gọi “thím” Hưng là “bà già trầu” (vì
suốt ngày bỏm bẻm nhai trầu). Anh em trong nhà rất quý mến anh Biệt, anh Sung.
Riêng anh Nguyễn Minh Trực, con trai Tướng Nguyễn Chánh (đã mất năm 1957), khi
đang học có yêu chị Châu, người Trung Quốc. Ngày đó việc sinh viên Việt Nam yêu
và cưới vợ người nước ngoài là điều cấm kị. Vì tình cảm giữa hai gia đình, vì
hạnh phúc đôi lứa, cha tôi đã điện về nước xin cho anh Trực được cưới chị Châu.
Cha tôi có một tình cảm rộng lớn với con em đồng đội, nhất là bạn chiến đấu đã
hy sinh.
Ở
Hà Nội, cứ ngày nghỉ, gia đình bác Lý thường qua thăm mẹ tôi và gia đình ở 99
Trần Hưng Đạo. Anh Hoa được tâm sự với cha mẹ tôi mới hay năm 1963 khi dọn nhà
về đây, cha tôi cảm thấy sống rất thoải mái và thực sự hài lòng: “Cháu có biết
cuộc đời bác có hai niềm hạnh phúc lớn nhất là cùng 5000 công nhân cao su làm
nên một “Phú Riềng đỏ” lịch sử và tham gia cướp chính quyền ở Hà Nội. Ngay tại
101 phố Gambetta[1] - số
nhà bên cạnh, trong những ngày tháng Tám năm 1945 lịch sử, bác đã có mặt cùng
đồng chí Nguyễn Khang và anh em trong Ủy ban Quân sự cách mạng chớp thời cơ, ra
quyết định Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội…”. Đúng là ở những người cộng sản chân
chính thì hạnh phúc riêng bao giờ cũng nằm trong cái hạnh phúc chung rộng lớn!
Ngày
về nước anh Hoa có mang theo chiếc xe đạp Vĩnh Cửu có khung cao to, chắc chắn.
Cứ mỗi lần đến chơi là chúng tôi lại mượn xe, chở nhau chạy vòng quanh sân, hò
reo sung sướng. Khi thấy trong phòng khách nhà tôi treo nhiều tranh ảnh nghệ
thuật quý, anh Hoa đã phát biểu: Hiếm có gia đình cán bộ nào sống văn hoá như
thế!
Cha
mẹ tôi cũng như hai bác thuộc lòng tính cách của mỗi đứa con trong hai gia
đình. Cha mẹ tôi rất quan tâm đến việc học tập, sinh hoạt của anh Hoa, chị Niệm
Vân, anh Tân Việt và Lý Tân Huệ. Đặc biệt em Lý Tân Huệ học cùng Trần Hữu Nghị
từ ngày ở Trại nhi đồng miền Bắc, rồi sau này là Trường Nguyễn Văn Trỗi. Ngày
Huệ được đi học đại học ở Đức, bác gái đến gặp mẹ tôi tâm sự: “Nhờ chị khuyên
bảo cháu hộ tôi khi sang đó thì cố gắng học tập, tránh chơi bời lêu lổng mà bị
ảnh hưởng của chủ nghĩa xét lại!”. (Nghĩ lại mà thấy sự ấu trĩ của một thời
nhưng câu chuyện đó đã nói lên tình cảm thân thiết giữa hai gia đình).
Sớm
ngày mùng 3 Tết năm 1967, cha tôi vội vã ra đi, chẳng kịp trối trăng. Vừa nghe
tin, bác Lý Ban cùng các chú các bác Nguyễn Cơ Thạch, Lê Quang Đạo, Trần Duy
Hưng, Phạm Kiệt, Xuân Thủy, Nguyễn Văn Lợi cùng cô Hà Giang, bác Trương Thị Mỹ…
là những người bạn thân thiết có mặt ngay tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô.
Đúng vào dịp nghỉ Tết, hai bên tạm ngừng bắn nên Trung ương quyết định tổ chức
tang lễ ngay trong ngày. Bác Lý Ban rất buồn và tiếc rằng đất nước chưa kịp thống
nhất để ông bạn người Bắc được sống những ngày cuối đời ở mảnh đất Nam Bộ thân
yêu.
Năm
1984, sau khi bác Lý Ban mất, gia đình anh Lý Tân Hoa trở về quê ngoại ở Trung
Quốc. Trước khi xa, cả nhà bay ra Hà Nội đến Ba Đình viếng Lăng Bác và chia tay
những gia đình thân thiết. Thời bao cấp cả nước khó khăn nhưng mẹ tôi và cả nhà
vẫn làm một bữa phở bò chia tay. Bữa ăn gia
đình thanh đạm, không bia rượu nhưng đậm đà tình cảm. Trước khi chia tay, mẹ
tôi dặn anh Hoa phải chăm lo sức khỏe cho bác gái và hy vọng quan hệ giữa hai
nước sẽ sáng sủa như ngày nào.
Vậy
mà đã hơn 20 năm…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.