Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Kỷ niệm với Bác Hồ


KỶ NIỆM VỚI BÁC HỒ

TRẦN HẠNH PHÚC

Những năm sống trên chiến khu Việt Bắc, cha mẹ tôi có nhiều  kỷ niệm với Bác. Đặc biệt những năm cha tôi làm Đại sứ ở Trung Quốc, mỗi lần Bác sang thăm Bắc Kinh chính thức và không chính thức, cha tôi được vinh dự đón tiếp. Thật tiếc vì thời gian đó chúng tôi còn quá nhỏ và rất ít có dịp được sống gần cha nên không được nghe kể lại những kỷ niệm quý báu đó. Tuy nhiên có một vài kỷ niệm với Bác làm tôi nhớ mãi.
Cha cùng Bác Hồ tại Trung Nam Hải, Bắc Kinh, hè 1965.



Quả táo Bác Hồ

… Đầu năm 1967, đang trên đường công cán xuống các tỉnh phía nam Trung Quốc, cha tôi được điện báo về họp Trung ương gấp. Ông bay thẳng từ Côn Minh về Hà Nội. Mấy ngày họp hành liên miên, bàn bạc căng thẳng. Trưa hôm đó, ông về nghỉ tại nhà riêng ở 99 Trần Hưng Đạo. Ngoài trời gió mùa đông bắc đang tràn về nhưng trong phòng đóng kín nên không thoáng, làm ông khó chịu. Vừa ra mở cửa sổ ông bỗng thấy chóng mặt, nôn nao. Bị trúng gió, đầu đau như búa bổ, ông nôn thốc nôn tháo. Ban bảo vệ sức khỏe cho xe cấp cứu đưa ông vào Bệnh viện hữu nghị Việt-Xô. Cha tôi nằm điều trị ở Khoa A1.

Thời gian này đang chiến tranh, ở nhà chỉ có bốn mẹ con cùng cô Tâm. Chiều 30 Tết năm ấy, là con gái nên tôi được mẹ đưa vào thăm cha. Cha con gặp nhau mừng rỡ. Cha đã khỏe hơn. Đang ngồi trên giường thủ thỉ kể chuyện và bóp đầu cho cha thì thấy cửa xịch mở. Quay ra thì đã thấy Bác Hồ cùng chú Vũ Kỳ bước vào. Trời lạnh mà Bác vẫn chỉ khoác bộ đại cán đã bạc mầu, quanh cổ quấn chiếc khăn len. Cha tôi ngồi dậy định xuống giường chào thì Bác đã xua tay, nói:

- Chú còn mệt, đang là bệnh nhân, cứ nằm trên giường mà tiếp Bác. Thế sức khỏe của chú thế nào rồi?

- Báo cáo Bác, sức khỏe đã khá hơn. Vào viện được uống thuốc và nghỉ ngơi nên huyết áp đã trở về bình thường.

- Vậy là tốt. Bác có chút quà cho chú đây.

Chú Vũ Kỳ lấy trong túi ra mấy quả táo Trung Quốc chín đỏ, thơm ngon đặt lên đĩa. Bác vui vẻ nói:

- Tết năm nay, đồng chí Chu Ân Lai gửi ít hoa quả sang làm quà cho Bác. Bác mang mấy quả táo cho chú bồi dưỡng. Vậy chú là bệnh nhân đặc biệt được Đảng và nhân dân hai nước Việt-Trung quan tâm đấy. Phải cố gắng điều trị để sớm về làm việc! Lúc này cách mạng rất cần đến chú.

- Vâng, bên ngoài còn nhiều việc đang chờ. – Cha tôi trả lời.

Thấy tôi ngồi bên, Bác xoa đầu hỏi: “Cháu tên là gì? Cháu mấy tuổi rồi?”.

-          Dạ thưa Bác, cháu tên là Trần Hạnh Phúc, năm nay cháu 11 ạ.

-          Cháu học lớp mấy rồi, học có giỏi không?

-          Dạ cháu học giỏi ạ.

Bác quay sang hỏi thăm mẹ tôi:

-          Nghe anh em nói cô chú đông con lắm?

Mẹ tôi lễ phép thưa:

- Thưa Bác, được tám cháu ạ.

- Tám cháu cơ à? Vậy là cô chú không gương mẫu thực hiện “sinh đẻ có kế hoạch”?

- Dạ thưa các cháu sinh ra trước khi có phong trào này ạ. Cháu út Việt Trung sinh  năm 1959 ạ. Nay cháu gái lớn đang học đại học, cháu thứ hai đi bộ đội hải quân, ba cháu trai học Trường Nguyễn Văn Trỗi, còn ba cháu này còn nhỏ nên sơ tán gần mẹ.

- Chú công tác xa Tổ quốc, cô ở nhà có nhiệm vụ thay chú nuôi dạy các cháu trưởng thành để sau này kế tục sự nghiệp.

Trò chuyện một lúc, Bác dặn cha tôi yên tâm chữa bệnh rồi nói lời chia tay:

- Còn vài giờ nữa là sang năm mới, Bác tranh thủ đi mỗi nơi một tí. Nghe anh em báo cáo: Đại sứ Trung Quốc Chu Kỳ Văn cũng bị cao huyết áp và đang điều trị tại đây. Tết nhất đã xa nhà lại bị ốm, chắc đồng chí ấy cũng buồn. Bác tranh thủ sang thăm Chu Đại sứ. Chúc chú chóng khỏi bệnh, chúc cả nhà một năm mới hạnh phúc!

Chúng tôi xúc động tiễn Bác ra cửa. Bác ra khỏi phòng nhanh như khi mới đến.

Gần 11 giờ đêm, sắp đến giao thừa, cha tôi giục mẹ về và không quên cho vào túi mấy quả táo: “Quà của Bác, em mang về cho cô Tâm và các con ở nhà!”. Đến giao thừa, cả nhà quây quần bên radio nghe Bác Hồ chúc Tết. Mẹ tôi gọt táo cho ba anh em ăn. Có lẽ chư a bao giờ chúng tôi được ăn những quả táo thơm ngon đến như thế!

Thật không ngờ ba ngày sau, cha tôi bất ngờ chuyển bệnh, vội vã ra đi. Mất mát này là nỗi đau quá lớn với mẹ tôi và gia đình. Ngay trong ngày mùng 3 Tết, lễ tang được tổ chức tại Câu lạc bộ quân đội. Các bác các chú, bạn bè của cha mẹ, đến vĩnh biệt rất đông. Tuy còn bé nhưng tôi không làm sao quên được hình ảnh Bác đến cúi đầu mặc niệm trước linh cữu cha tôi rồi cảm động ôm lấy mẹ tôi, vỗ về an ủi…



Vườn  cây ăn quả của Sứ quán ta tại Bắc Kinh

Khi nhận nhiệm vụ Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh, cha tôi liên hệ với Công xã Trung-Việt hữu nghị, nhờ giúp đỡ trồng cây ăn quả trong khuôn viên Sứ quán. Vào những ngày nghỉ, cán bộ nhân viên Sứ quán dành thời gian chăm sóc vườn cây. Năm 1962, vườn cây đã cho lứa quả đầu tiên. Đào, lê, táo, mận, hồng... được thu hoạch và đóng thùng gửi về nước đúng vào dịp cha tôi về họp Trung ương. Cha tôi đã gửi biếu Bác Hồ, bác Tôn, bác Cả và một số bạn bè thân thiết. Sau đó, chú Vũ Kỳ - bạn tù Hỏa Lò của cha tôi và là thư ký cuả Bác - có gửi cho cha tôi một bức thư cảm ơn. Anh Kháng Chiến đã được cha cho xem lá thư. Thư có đoạn viết: “Bác giao cho tôi viết thư  cám ơn anh và cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh đã gửi quà “cây nhà lá vườn” cho Bác và Văn phòng. Bác  khen hoa quả rất ngon, nhất là táo, lê, và ngợi khen tinh thần lao động, ý thức xây dựng Sứ quán tươi đẹp của anh chị em.  Bác gửi lời chúc anh  mạnh khỏe!”.

Những năm 60 khi có dịp sang Trung Quốc, mỗi lần đến thăm Sứ quán, Bác thường dạo chơi trong vườn cây ăn trái.

Vào dịp giỗ lần thứ hai của cha tôi, mùng 3 Tết năm Kỷ Dậu (1969), biết mẹ tôi đang chữa bệnh ở Bắc Kinh, Bác đã gửi cho gia đình quả dừa Xiêm. Chú Đỉnh ở Văn phòng Trung ương nhận nhiệm vụ mang món quà đặc biệt này tới gia đình. Trước di ảnh cha tôi, chú cảm động nói: “Anh kính mến! Nhân ngày giỗ anh, Bác cho em mang quả dừa Xiêm trồng trong vườn Phủ Chủ tịch đến thắp hương cho anh. Mong anh nhận lấy tình cảm này!”. Sau đó khi nhận được thư viết về chuyện giỗ cha ở nhà, mẹ tôi dặn không được bổ quả dừa lấy nước mà cứ giữ nguyên như vậy trên ban thờ. Quả dừa dần khô và suốt 40 năm  qua được đặt trân trọng trong tủ kính lưu những kỷ vật của gia đình.

Hè năm 1969, được Bộ Ngọai thương bố trí sang Bắc Kinh thăm mẹ, mấy chị em tôi được sống trong căn nhà mà cha tôi đã sống suốt 8 năm làm Đại sứ . Chúng tôi có dịp lang thang trong vườn cây ăn quả xinh đẹp. Đào, lê, táo đã ra quả trĩu cành; những chú chim sâu lách tách chuyền cành, tìm diệt sâu bọ. Cạnh đó là chiếc xe ba gác chở phân rác. Bác Lý Hoa, công nhân làm vườn người Trung Quốc, đang cần mẫn làm cỏ, bón phân trong vườn. Đây đó như còn lưu lại hình bóng vị Cha già dân tộc, hình bóng của cha chúng tôi cùng công sức của tập thể Sứ quán dựng xây nên vườn cây ăn trái cho đời.

Tình cảm của Bác Hồ với cha mẹ và gia đình sẽ đi với chúng tôi suốt cả cuộc đời!

T.H.P




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.