CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC – LAO ĐỘNG NGÀNH CAO SU
VƯỢT QUA KHÓ KHĂN,THỬ THÁCH, KHÔNG NGỪNG VƯƠN LÊN
BAN CHẤP HÀNH CÔNG ĐOÀN CAO SU VIỆT NAM
Cây cao su và thân phận người phu đồn điền
Năm 1897, cây cao su đã “đặt chân” tại
Việt Nam và được xem là cây côn g nghiêp chiến lược của thực dân Pháp trong quá
trình khai thác, bóc lột tài nguyên vâ nguồn nhân lực tại các nước thuộc địa.
Sau năm 1906, diện tích vườn cây cao su tại Việt Nam liên tục được phát triển
mở rộng, chủ yếu ở khu vực miền Đông Nam Bộ. Cùng với quá trình đó, đội ngũ
công nhân dần dần được hình thành, họ là những nông dân nghèo khổ từ các tỉnh
miền Bắc, miền Trung vì chịu không nổi cảnh đói rách, đành rời bỏ quê hương vào
làm phu đồn điền cao su để tìm đất sống. Trước khi bước chân vào đây họ đâu có
ngờ sẽ bước vào “chốn địa ngục trần gian”. Tại đây, họ bị bọn chủ tư bản cấu
kết với chính quyền thực dân, phong kiến bóc lột đến tận xương tuỷ, bị đánh
đập, cúp phạt hết sức tàn nhẫn và tàn ác, họ phải “Bán thân đổi mấy đồng
xu/Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng”, họ phải sống một cuộc đời trăm cay
nghìn đắng, khổ cực và tủi nhục trăm bề.
“Ở đâu có áp bức thì ở
đó có đấu tranh”! Chân lí ấy đã thể hiện rất rõ ở đội ngũ công nhân Ngành Cao
su Việt Nam ngay từ khi mới ra đời. Không chịu nổi sự bóc lột và hành hạ tàn
nhẫn của bọn tư bản thực dân đã đẩy họ vào cảnh thân tàn ma dại, người công
nhân cao su sau một thời gian ngắn bước chân vào đồn điền đã có sự phản kháng
khá mạnh mẽ. Tuy nhiên ở giai đoạn đầu (1910-1920) do chưa có sự giác ngộ đầy
đủ về giai cấp, về đấu tranh giai cấp và giải phóng dân tộc, nên sự phản kháng
của họ thường manh tính đơn lẻ, tự phát và có phần tiêu cực (chẳng hạn như bỏ
trốn, chặt phá cây cao su, tự tử, chém chết những tên xu, cai độc ác… ). Các
hình thức này phần lớn chỉ mang lại sự thiệt hại cho bản thân mà không hề làm
chùn tay bọn áp bức, bòc lột.
Đảng và sự kiện “Phú Riềng Đỏ” 1930
Đêm 28 tháng 10 năm 1929, bên bờ con
suối nhỏ trong khu rừng sau lưng làng Ba của đồn điền cao su Phú Riềng, được sự
chỉ đạo của đồng chí Ngô Gia Tự, đại diện của Ban chấp hành Đông Dương Cộng sản
Đảng[1],
đồng chí Nguyễn Xuân Cừ đã thành lập chi bộ Đảng ở đồn điền cao su. Chi bộ gồm
sáu đảng viên: Nguyễn Xuân Cừ, Trần Tử Bình, Hồng, Hà, Tạ và Doanh, do đồng chí
Nguyễn Xuân Cừ làm bí thư. Sự kiện đó đã dánh dấu một mốc son lịch sử của Ngành
Cao su Việt Nam. Kể từ đây, phong trào đấu tranh của đội ngũ công nhân cao su
đã có sự biến đổi nhảy vọt về chất. Từ những cuộc đấu tranh lẻ tẻ, tự phát đòi
quyền sống sơ đẳng nhất cho những người phu cao su thì nay, phong trào đấu
tranh của công nhân cao su đã có sự tổ chức chặt chẽ, có mục tiêu và phương
pháp đấu tranh cách mạng đa dạng, phong phú như: đấu tranh đòi quyền lợi thiết
thực về ăn, ở, đòi giảm giờ làm việc, tăng lương, chống cúp phạt, chống đánh
đạp công nhân, điều động bọn xu, cai ác đi nơi khác, cho thành lập nghiệp đoàn,
hội ái hữu… Những cuộc đấu tranh đó cũng không kém phần ác liệt và chấp nhận
gian khổ, hy sinh.
Đến cuối năm 1929, do
đồng chí Nguyễn Xuân Cừ bị lộ phải chuyển vùng hoạt động, đồng chí Trần Tử Bình
thay thế. Chỉ ba tháng sau ngày thành lập, chi bộ Đảng Cộng sản tại Phú Riềng
dưới sự lãnh đạo của đồng chí Trần Tử Bình đã tổ chức và lãnh đạo gần 5.000
công nhân đồn điền cao su tiến hành bãi công, mít-tinh phản đối chính sách bóc
lột dã man, tàn ác của bọn chủ Tây. Cuộc bãi công của công nhân đồn điền Phú
Riềng đã nhanh chóng biến thành một cuộc tuần hành, biều dương lực lượng kéo
dài từ sáng mùng một Tết năm Canh Ngọ, tức là ngày 30 tháng giêng năm 1930, cho đến ngày 6 tháng
2 năm 1930. Với phương pháp đấu tranh khéo léo vừa bí mật, vừa công khai trực
diện, công nhân đồn điền Phú Riềng đã buộc tên chủ Tây Su-ma-nhắc phải kí vào
biên bản, chấp nhận các yêu cầu đấu tranh của công nhân cao su. Ngay sau cuộc
đấu tranh thắng lợi, tiếng vang “Phú Riềng Đỏ” lập tức lan tỏa đến các đồn đìền
cao su lân cận như Dầu Tiếng, Quản Lợi, Lộc Ninh… Đồng thời còn có sức ảnh
hưởng và động viên to lớn đồi với phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân
lao động cả nước. Cũng kể từ đây, đội ngũ công nhân Ngành Cao su Việt Nam đã
hòa vào dòng thác cách mạng của cả dân tộc. Phát huy tinh thần “Phú Riềng Đỏ”,
những năm sau đó, phong trào đấu tranh cách mạng của đội ngũ công nhân cao su
liên tục nổ ra và trở thành nỗi ám ảnh của bọn chủ đồn điền tư bản Pháp, là nỗi
khiếp sợ của chủ nghĩa thực dân và bọn đế quốc xâm lược.
Công nhân cao su trong lịch sử đấu tranh và xây dựng Tổ quốc
Ngày 2 tháng 9 năm 1950, toàn thể công
nhân các đồn điền cao su đã hết sức vinh dự và tự hào được Chủ tịch Hồ Chí Minh
kí tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. Đây là phần thưởng cao quý và là niềm cổ
vũ, động viên to lớn, tạo thêm động lực mạnh mẽ thúc đẩy phong trào đấu tranh
cách mạng của công nhân các đồn điền cao su trong những năm tiếp theo.
Tiếng súng tiến công
vào mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết
thúc thắng lợi cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ giành lại độc lập, tự do
cho dân tộc. Bắt đầu từ đây, cuộc đời người công nhân cao su đã chấm dứt những
chuỗi ngày tủi nhục của kiếp “công tra”, trở thành công nhân của một nước độc
lập, tự do, trở thành những người chủ thực sự của đồn điền, nhà máy. Với vị trí
mới và với niềm phấn khởi dạt dào của người chiến thắng, công nhân Ngành Cao su
đã ra sức khôi phục vườn cây, xây lại nhà máy, mở rộng diện tích cao su, hàng
loạt công trình phúc lợi, cơ sở hạ tầng (đường sá, trường học, bệnh viện, các
công trình văn hoá…) được đầu tư phát triển.
Nếu như sau chiến tranh, diện tích
vườn cây cao su chỉ vẻn vẹn có 42.076 ha; còn bức tranh toàn cục của Ngành Cao
su lúc bấy giờ là những vườn cao su kiệt mủ, già cỗi, những nhà máy đổ nát với
công nghệ lạc hậu, đời sống người công nhân thiếu thốn trăm bề, bệnh dịch liên
miên… Những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua. Thế nhưng được sự quan tâm
của Đảng, Nhà nước vá các bộ, ngành hữu quan, đặc biệt với niềm tin tưởng sâu
sắc vào sự lãnh đạo của Đảng, với truyền thống vẻ vang của Ngành Cao su, đội
ngũ CNVC-LĐ lại tiếp bước làm nên một kí tích to lớn – từng bước khôi phục, ổn
định và phát triển sản xuất, đẩy lùi bệnh tật, nâng cao đời sống vật chất, tinh
thần của người lao động. Chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm (1975-1984) diện tích
vườn cây cao su đã đạt mức kỷ lục - 130.000 ha (gấp hơn 2 lần diện tích mà bọn
tư bản Pháp-Mỹ trồng trong gần 70 năm xâm lược). Không chỉ phủ kín khu vực miền
Đông Nam Bộ mà cây cao su còn vươn lên khu vực Tây Nguyên, làm khơi dậy tiềm
năng của vùng đất đỏ Bazan bạt ngàn và giàu đẹp, tạo công ăn việc làm cho người
lao động tại chỗ, định canh định cư cho hàng ngàn công nhân đồng bào dân tộc
thiểu số, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, cải tạo môi sinh, môi trường và góp
phần đắc lực vào việc giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn, an ninh quốc
phòng và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên một dãy biên cương trải dài từ Lộc
Ninh, Tây Ninh đến Kon Tum, Quảng Trị, Thanh Hoá. Cách đây 20 năm, ít ai nghĩ
rằng ở những vùng trồng cây cao su xa xôi hẻo lánh của huyện Chư Prông, Mang
Yang, Eah’ Leo có ánh sáng điện! Ngày nay hầu hết các cơ sở xa xôi hẻo lánh
nhất của Ngành Cao su đã có trạm xá, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, đời sống
vật chất, tinh thần của người lao động không ngừng được cải thiện.
Không dừng lại ở đó, trước xu thế đổi
mới, hội nhập, Ngành Cao su tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong nền kinh
tế quốc dân, không chỉ tập trung mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh theo
hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mà còn góp phần cùng địa phương xây dựng
cơ sở hạ tầng, làm thay đổi phần lớn diện mạo kinh tế-xã hội trên địa bàn rộng
lớn có cây cao su đứng chân.
Trong một tương lai không xa, được sự
hỗ trợ của Chính phủ và các địa phương, Ngành Cao su dự kiến sẽ định hình 500.000
ha vườn cây cao su đứng với sản lượng trên 700.000 tấn vào năm 2010;
đồng thời từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nông nghiệp-công nghiệp-dịch
vụ” sang “công nghiệp-nông nghiệp-dịch
vụ”, từ đó hình thành nên một “Tập đoàn kinh tế cao su”, thực hiện tốt vai trò
vừa phát triển kinh tế gắn liền với phát triển văn hoá, xã hội, vừa góp phần
trong việc bảo vệ, giữ gìn an ninh chính trị, an toàn trật tự xã hội trên địa
bàn, xứng đáng với truyền thống “Phú Riềng Đỏ” và những hy sinh, gian khổ của
các thế hệ cha, anh đi trước đã viết nên những trang sử chói lọi của Ngành cao
su Việt Nam.
Thay cho lới kết
Đã trên 100 năm cây cao su di nhập vào
Việt Nam và 77 năm đội ngũ CNVC-LĐ Ngành Cao su được sự lãnh đạo, dìu dắt trực
tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chỉ với 6 đảng viên ban đầu và bí thư chi bộ
là đồng chí Trần Tử Bình đã làm nên một thắng lợi to lớn, vang dội với sự kiện
“Phú Riềng Đỏ”. Đó không chỉ là nỗi khiếp sợ của bọn chủ đồn điền, là nỗi ám
ảnh của bọn thực dân Pháp, mà còn là niềm cổ vũ, tự hào vô song của đội ngũ
công nhân cao su vì từ đây phong trào đấu tranh của công nhân cao su đã có sự
lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng. Từ chiếc nôi “Phú Riềng Đỏ” đã ươm mầm,
giáo dục và rèn luyện nên biết bao tấm gương đấu tranh bất khuất, hy sinh kiên
cường của thế hệ công nhân cao su, làm rạng rỡ những trang sử truyền thống vẻ vang
của Ngành Cao su Việt Nam.
Trong qua trình xây dựng và phát triển
ngày nay, đội ngũ CNVC-LĐ Ngành Cao su luôn ghi nhớ và không ngừng phấn đấu
khắc phục khó khăn để đưa Ngành Cao su phát triển ngang tầm thời đại, xứng đáng
với truyền thống “Phú Riềng Đỏ”, xứng đáng với sự hy sinh của bao thế hệ cha
anh đã dày công vun đắp, xây dựng.
Truyền thống của đội ngũ CNVC-LĐ Ngành
Cao su Việt Nam sẽ mãi mãi được hun đúc, mãi mãi bền vững nhờ có tinh thần PHÚ
RIỀNG ĐỎ và lập trường kiên định một lòng đi theo con đường Bác Hồ đã chọn,
dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh!
Bài do Chủ tịch Công đoàn ngành Nguyễn Thanh Bình viết cho cuốn sách.
Trả lờiXóa