Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Một kỷ niệm khó quên


MỘT KỶ NIỆM KHÓ QUÊN

Phan Vĩnh Đôn kể


            Vốn là một học viên Trường Lục quân Việt Nam, hoà bình lập lại, tôi được chuyển ngành về công tác tại Tổng cục Thể dục - Thể thao. Lần đó, tôi được giao nhiệm vụ phụ trách Đội tuyển điền kinh Trung ương sang tập huấn và thi đấu tại Bắc Kinh (Trung Quốc).

            Các vận động viên của ta còn rất trẻ mới 19-20 tuổi, lần đầu tiên được ra nước ngoài luyện tập và thi đấu nên không khỏi bỡ ngỡ, từ việc ăn ở, đi lại cho đến sân bãi, luyện tập. Trong đoàn có Hoàng Vĩnh Giang là vận động viên nhảy cao đầy triển vọng, sau này là Giám đốc Sở Thể dục – Thể thao Hà Nội. Sang nước bạn đúng những tháng cuối năm, thời tiết đã vào đông nên ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và điều kiện luyện tập. Đây cũng là lần đầu tiên anh em được tập điền kinh trong sân có mái che. Biết khó khăn của đoàn, Đại sứ Trần Tử Bình rất quan tâm. Ông giao nhiệm vụ cho một tùy viên theo dõi, hễ có khó khăn gì được giải quyết ngay.


Ông cũng sắp xếp thời gian đến thăm vận động viên ta. Tôi còn nhớ lần ông đến, anh em cả đoàn đang mồ hôi mồ kê nhễ nhại đã tập trung bên ông nghe nói chuyện. Biết ông là Uỷ viên Trung ương, là Đại sứ hàm Bộ trưởng nên ai cũng ngại. Vậy mà khi tiếp xúc lại thấy ông cởi mở gần gũi. Ông bắt tay, thăm hỏi từng người xem ăn uống có hợp khẩu vị không, trời lạnh như thế có ngủ được không, tập tành thế nào, điều kiện sân bãi luyện tập và thầy hướng dẫn ra sao…? Với vận động viên nữ, ông tế nhị hỏi thăm xem có nhớ nhà? Biết mọi việc đều tốt, ông rất mừng. Ông vui vẻ chỉ vào tôi và nói:

- Đồng chí Đôn là học sinh cũ, là lính của bác, nay lại là thủ trưởng của các cháu. Thế thủ trưởng Đôn thế nào, nghiêm khắc hay dễ tính? Thủ trưởng có nắm được chuyên môn không hay chủ yếu là chỉ tay năm ngón?

Nghe ông hỏi, anh em cười ồ lên: “Thủ trưởng Đôn tốt lắm ạ!”. Đại sứ phản ứng ngay:

- Này, không phải tranh thủ để nịnh thủ trưởng nhé! Các đồng chí nên nhớ: thủ trưởng phải gần gũi, quan tâm, hiểu hết những khó khăn, nguyện vọng của lính, ngược lại lính cũng phải hết mình ủng hộ thủ trưởng làm việc. Có đúng không?

- Dạ, đúng ạ! – Anh em vui vẻ trả lời.

Đại sứ  tiếp:

- Thể dục thể thao rất cần cho mỗi con người, luyện tập thường xuyên mới có sức khỏe để làm việc. Bác rất mê thể thao, ngày còn trẻ ham đánh gậy đánh côn, tập võ; nhưng nay già rồi tuổi đã 60, chỉ chơi thể thao nhẹ thôi. Ngày nào bác cũng đi bơi nên bệnh cao huyết áp đỡ hẳn, ăn ngủ tốt, làm việc sảng khoái… Hôm nay tranh thủ tạt qua thăm anh em. Biết Thể uỷ[1] tạo điều kiện ăn ở, sân bãi luyện tập tốt, có huấn luyện viên giỏi chỉ bảo đến nơi đến chốn… bác rất mừng. Thể thao Trung Quốc, nhất là  các môn điền kinh và thể dục dụng cụ, có nhiều kỷ lục thế giới; các cháu phải khiêm tốn học tập để trở về làm nòng cốt xây dựng thể thao nước nhà. Chỉ còn  ít bữa nữa là tới ngày thi đấu, bác sẽ có mặt. Có thể Chu Thủ tướng cũng đến.

Nghe ông thông báo, mọi người vỗ tay hoan hô. Được ông đến thăm, các vận động viên như có thêm nguồn động viên lớn, càng tích cực luyện tập.

Ngày 5 tháng 12 năm 1965 là ngày thi đấu. Hôm đó nhiệt độ xuống tám độ dưới không[2]. Trời âm u, khắp nơi tuyết dày và trắng xóa. Thời tiết rất lạnh, miệng ai nấy đều run cầm cập. Chúng tôi cho anh em khởi động rất kĩ. Nghĩ bụng Đại sứ hứa vậy chứ ông bận nhiều việc nên chắc không đến được. Vậy mà đúng giờ khai mạc đã thấy ông có mặt trên khán đài. Tôi thực sự xúc động. Đi thi đấu xa nhà, nhất là trong điều kiện thời tiết rất xấu thì sự có mặt của ông là nguồn động viên lớn. Từ dưới sân, các vận động viên của ta ai nấy như muốn trào nước mắt. Hiểu ý anh em, Đại sứ giơ tay vẫy chào.

Bữa đó, cả hai đội Điền kinh và Thể thao dụng cụ của ta đã hoàn thành nhiệm vụ. Cuối buổi, Đoàn thể thao Việt Nam vinh dự được chụp ảnh kỷ niệm với Thủ tướng Chu Ân  Lai, Đại sứ Trần Tử Bình cùng cán bộ của Thể uỷ Trung Quốc. Trước khi trở về nước, tôi đã gửi tặng ông tấm ảnh đó làm kỷ niệm. Tôi còn nhớ những gì đã viết sau bức ảnh: “Sự có mặt của anh trong ngày thi đấu  là một sự cổ vũ rất lớn và là một hình ảnh cảm động, rất cảm động mà chúng em không bao giờ quên!... Học trò cũ của anh – Phan Vĩnh Đôn”.

… Thấm thoát đã 40 năm!

Xin có bài viết để góp vào cuốn sách nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông - người thầy, người thủ trưởng đáng kính!

T.H.P





[1] Uỷ ban Thể dục - Thể thao Trung Quốc.
[2] Nhiệt độ: - 8 độ C.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.