Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Tâm sự của chú Hà Ân

KỶ NIỆM KHI VIẾT VỀ CUỘC ĐẤU TRANH CỦA CÔNG NHÂN ĐỒN ĐIỀN CAO SU PHÚ RIỀNG

Chú Hà Ãn đọc tham luận.

Nhà sử học Hà Ân
Hòa bình lập lại sau hội nghị Giơ-ne-vơ, miền Bắc bước vào xây dựng sau chiến tranh. Có nhiều công việc mà từ nay mới bắt đầu thực hiện. Bấy giờ những kinh nghiệm đấu tranh của nhiều cán bộ lão thành cần được nghiên cứu thấu đáo để bổ sung cho công tác xây dựng Đảng. Nhưng các đồng chí có quá trình hoạt động thường học không cao, việc tự viết lấy hồi kí cho mình bị hạn chế nên các nhà xuất bản lúc bấy giờ thường có ý kiến “một người kể, một người viết”.



Từ trong quân ngũ, các bạn viết đã giới thiệu tôi tới một số đối tượng để tìm hiểu, trong đó có Thiếu tướng Trần Tử Bình. Bấy giờ đồng chí đã ra khỏi quân đội, đang là Đại sứ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Khi đồng chí Trần Tử Bình còn công tác trong quân đội, tôi đã có dịp được tiếp xúc và làm việc dưới quyền. Đây là một đồng chí lãnh đạo có nhiều thành tích, kể cả thành tích tù đày, từ Côn Lôn đến Hỏa Lò. Đồng chí có nhiều thời gian tham gia Xứ uỷ Bắc Kỳ, đồng chí từng tham dự lãnh đạo cướp chính quyền ở Hà Nội. Có thể nói, về cuộc đời của đồng chí Trần Tử Bình cần phải có nhiều cuốn sách mới có thể ghi chép hết thành tích, công lao.

Tôi còn nhớ trong một lần theo đồng chí Trần Tử Bình ra nhà nghỉ Bãi Cháy để làm việc. Ở đây tôi được gặp đồng chí Hoàng Quốc Việt, một trong những đồng chí lãnh đạo lão thành. Khi biết tôi đang viết về đồng chí Trần Tử Bình, đồng chí Việt nhấn mạnh: “Đồng chí Trần Tử Bình có nhiều thành tích đấu tranh rất đặc sắc, cậu phải cố mà khai thác cho hết.” Ngay đến thời kì chưa tham gia cách mạng, đồng chí đã có một cuộc đời sóng gió ở đất quê. Tôi được biết đồng chí tên thật là Phạm Văn Phu, người vùng công giáo toàn tòng ở Hà Nam. Gia đình đồng chí là gia đình đạo gốc. Thủa bé, đồng chí đã được theo học Trường dòng để trở thành tu sĩ. Ở Trường dòng, Phạm Văn Phu đã gặp Cố Quý rất ác nghiệt, khép vào kỷ luật, làm cho cậu bé vốn yêu tự do, phóng khoáng đã phản ứng, phá mọi quy định của nhà trường và sự gò ép của ông thầy có ác ý. Cuối cùng cậu đã bỏ học.

Tôi vốn giao du rộng, quen biết nhiều nên bạn bè làm biên tập ở các nhà xuất bản mời giúp viết các đề tài; trong đó có một người ở Nhà xuất bản Lao Động mời viết về cuộc đời đấu tranh của đồng chí Trần Tử Bình ở đồn điền cao su Phú Riềng. Khi đặt vấn đề viết đề tài này, thực ra tôi cũng không lường được tầm quan trọng của nó. Chỉ đến khi tác phẩm được in xong, đang làm việc ở Ban Tuyên huấn (Học viện Chính trị trung, cao quân đội), tôi thấy đồng chí phụ trách giao cho thư viện tư liệu đi mua 500 bản “Phú Riềng Đỏ”. Tôi ngạc nhiên và hỏi khéo: “Mua làm gì mà nhiều thế?”. Đồng chí trả lời: “Để Đảng có thể ra đời phải hội đủ hai điều kiện, một là lý luận Mác-Lênin đã tới nước ta, hai là phải có phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. Về lý luận thì đã được Hồ Chí Minh đưa chủ nghĩa Mác-Lênin về giảng thông qua các tổ chức Tâm Tâm Xã và Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Còn trong phong trào công nhân thì những năm cuối của thập kỷ 20 (thế kỷ trước) có hai cuộc đấu tranh: thứ nhất là cuộc đấu tranh của mấy nghìn công nhân Nhà máy Tơ Nam Định, thứ hai là cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền cao su Phú Riềng. Cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy Tơ ở tại một thành phố, ngay giữa vùng chính quyền địch kiểm soát nên bị dẹp không mấy khó khăn. Riêng cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền Phú Riềng diễn ra ở một vùng khá rộng, anh dũng, kéo dài, có tổ chức nên ta phải mua sách về làm tư liệu học tập…”. Đề tài này được Nhà xuất bản chú ý và khi cuốn sách ra đời đã được hoan nghênh nhiệt liệt. Cuối thập kỷ 20 của thế kỷ XX, ở nước ta có phong trào “vô sản hóa” đội ngũ cách mạng có học. Từ phong trào này có nhiều người trở thành những vị lãnh đạo cách mạng cả nước.

Ngay từ khi còn là chủng sinh trong Trường dòng Hoàng Nguyên, Phu vì ham tập gậy, đấu đá với bạn đồng học nên bị nhà trường ghép tội vi phạm kỷ luật. Thời kỳ ở Cao su Phú Riềng, công nhân cao su ở rải ra gần cả một huyện, đồng chí Trần Tử Bình lúc bấy giờ đã lập ra đội tự vệ vũ trang gọi là “Xích vệ đội”. Đội xích vệ của các làng công nhân liên hệ thành một mạng lưới bảo vệ lẫn nhau, đấu tranh chống bọn chủ tàn ác, gìn giữ cho nữ công nhân không bị hiếp đáp. Và trong cuộc đấu tranh của 5000 công nhân Phú Riềng đầu năm 1930, “Xích vệ đỏ” đã ra quân và có được những chiến thắng ban đầu. Khi bị tù ở Côn Đảo và sau này ở Hỏa Lò, đồng chí đều tham gia trong ban bảo vệ anh em tù chính trị.

Trước Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Trần Tử Bình tham gia Xứ uỷ Bắc Kỳ và tham gia xây dựng chiến khu Hoà-Ninh-Thanh. Đây là vùng rừng rất rậm rạp có núi giáp ranh ba tỉnh Hoà Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá (nay là rừng Quốc gia Cúc Phương). Dân chúng ở đây phần lớn là dân thiểu số người Thái, người Mường; mỗi thanh niên đều có súng kíp, còn kiếm và dao rừng thì nhiều vô kể, nên khi thành lập đội du kích không phải lo về vũ khí... Cuộc khởi nghĩa vũ trang bùng nổ vào ngày 19 tháng 8 không thể không kể đến công lao xây dựng lực lượng vũ trang của đồng chí.

Mối liên hệ giữa tôi và gia đình đồng chí Trần Tử Bình khá mật thiết. Không chỉ viết hồi ký của đồng chí về cuộc đấu tranh ở đồn điền cao su đất đỏ Phú Riềng mà tôi còn viết hồi ký của chị Nguyễn Thị Hưng (vợ đồng chí Trần Tử Bình) về thời kỳ đấu tranh cách mạng ở Hưng Yên. Trong tập hồi ký “Nắng Hưng Yên” (Nhà xuất bản Phụ nữ), tôi đã miêu tả chị Hưng chửa vượt mặt vẫn hăng hái lãnh đạo đấu tranh phá kho thóc Nhật, cứu đói cho đồng bào Hưng Yên. Nếu nói cuộc đấu tranh của đồn điền cao su Phú Riềng là một điều kiện bắt buộc phải có cho việc ra đời của Đảng thì cuộc đấu tranh cướp kho thóc Đống Long do chị Hưng lãnh đạo nằm trong trào lưu mở đầu một thời kỳ mới của cuộc đấu tranh cách mạng đã lên tới cao trào - thời kỳ đấu tranh chống phát xít Nhật, tiền khởi nghĩa. Đồng chí Hưng năm ấy đang có mang cháu đầu - chị Yên Hồng. Khi viết hai tập hồi ký này, quả thật, tôi không nghĩ sẽ quan trọng đến như thế!

Khi khai thác tư liệu thời kỳ Phú Riềng, tôi thấy có một nhân vật được đồng chí Trần Tử Bình lưu tâm. Đồng chí đã kể lại với một giọng trìu mến về đồng chí Tý, người dân Chi Lại, An Lão, Kiến An. Chị làm giao thông trong tổ chức Xích vệ đỏ nhưng nhân vật này không được đồng chí Trần Tử Bình tường thuật kỹ lưỡng đến hồi kết thúc. Có một lần làm việc xong, ngồi chơi ở phòng khách với anh chị, không hiểu sao tôi lại bật ra câu hỏi: “Cái chị giao thông tên là Tý ở Phú Riềng có quê hương bản quán ở đâu anh biết rất rõ; công tác của chị ấy anh nhận xét rất tốt mà kết cục ra sao không thấy anh nói một câu?”. Đồng chí Trần Tử Bình ngồi im lặng, còn đồng chí Hưng cười và nói: “Đấy là vợ trước của anh Bình.” Sau này tôi được biết chị Tý có sinh được một con trai và đặt tên là Việt, lúc anh Bình đang bị tù ở Côn Đảo. Năm 1936, đồng chí được trả về đất liền nhưng không được ở lại Nam Bộ mà bị đưa về Hà Nam quản thúc. Chung cuộc, cả chị Tý và con trai ra sao thì dòng sông đời đã cuộn sóng trôi đi, anh không biết thêm được gì…

Khi tôi lấy tư liệu và viết hồi ký “Phú Riềng Đỏ” thì đồng chí Trần Tử Bình đang làm việc ở Bắc Kinh. Nhớ những lần đồng chí về nước, tôi thường cùng các cháu con anh chị ra ga Hàng Cỏ đón tầu Bắc rồi đi bộ về nhà ở cuối đường Trần Hưng Đạo.

***

Đồng chí Trần Tử Bình là một cán bộ quân đội, một vị tướng được phong hàm trong đợt đầu tiên. Thiết nghĩ phải có một cuốn sách viết về Trần Tử Bình với danh nghĩa là người đi trước trong lực lượng vũ trang.

Thật tiếc vì đồng chí Trần Tử Bình mất quá sớm nên việc khai thác lấy thêm tư liệu cho thật đầy đủ không thực hiện được. Nhất là những năm tháng đồng chí làm ngoại giao lại đúng vào thời kì đất nước đang có chiến tranh, chúng ta rất cần sự ủng hộ to lớn về vật chất của phe xã hội chủ nghĩa nhưng hai đảng lớn lại đang có những mâu thuẫn dẫn đến bất đồng. Vậy phải làm sao vẫn tranh thủ được sự ủng hộ quý báu cho cuộc kháng chiến chống Mỹ nhưng lại không làm sứt mẻ quan hệ? Những giải pháp ngoại giao nếu được đúc kết thành kinh nghiệm thì thật là quý!

Nhưng dù sao những gì anh làm được cũng đã quá tuyệt vời!

Hà Nội, tháng 5-2004

H.A

1 nhận xét:

  1. Hôm đó chú rất cảm động khi kể chuyện về thủ trưởng của mình. Chú thân tình và là thầy dạy Việt Trung về Kinh Dịch. Ngày còn khỏe, tết nào chú cũng tới 99 chúc tết mẹ.

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.