NGƯỜI KẾT NẠP TÔI VÀO ĐẢNG
Hoàng Xuân Tùy
(nguyên Thứ trưởng Bộ Đại học)
Anh Trần Tử Bình - người đã giới
thiệu, kết nạp tôi vào Đảng Cộng sản Đông Dương, tại chi bộ Đảng Trường Cán bộ
Việt Nam, đầu năm 1946.
Năm 1945, đang ở độ tuổi 23, vừa học
xong năm cuối lớp kỹ sư Trường Cao đẳng Công Chính, tôi được giác ngộ và hăng
hái tham gia hoạt động Việt Minh thời kì Tiền khởi nghĩa. Tôi có mặt trong tổ
chức học sinh, sinh viên, trí thức của Hà Nội do anh Lê Trọng Nghĩa phụ trách.
Ngày 19 tháng 8 năm 1945, tôi vinh dự được tham gia trong lực lượng tự vệ, cướp
chính quyền ở Hà Nội.
Tháng
10 năm 1945, gia nhập quân đội cách mạng; sau đó, tôi được chọn đi học khóa đầu
tiên của Trường Quân chính Việt Nam. Ngày đó đóng ở trường Đỗ Hữu Vị, ngay cạnh
Cửa Bắc, Thành Hà Nội. Anh Trần Tử Bình được Thường vụ Trung ương bổ nhiệm làm
Chính trị uỷ viên kiêm bí thư chi bộ, anh Trương Văn Lĩnh làm Hiệu trưởng. Như
vậy chế độ hai thủ trưởng đã được thực hiện để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối
với nhà trường trong thời kì chính quyền nhân dân mới ra đời. Sau một tháng học
tập, khóa học kết thúc, tôi được giữ lại làm cán bộ khung. Lúc đó, nhân dân Nam
Bộ đã nổ súng đánh thực dân Pháp.
Tình
hình rất khẩn trương, nhà trường gấp rút đào tạo các khóa ngắn hạn, bổ sung cán
bộ cho quân đội và Nam Bộ. Trong hoàn cảnh thù trong, giặc ngoài, Đảng ta đã
tuyên bố tự giải tán; còn nhà trường đổi tên thành Trường Cán bộ Việt Namvà
chuyển về Việt Nam Học xá (nay là khu Đại học Bách khoa). Ít ngày sau thì
chuyển lên sân bay Tông, thị xã Sơn Tây, anh Bình vừa là Chính uỷ, bí thư chi
bộ kiêm Giám đốc[1]. Cùng tham
gia lãnh đạo nhà trường thời kì đó còn có các đồng chí Vương Thừa Vũ, Vũ Lập,
Nguyễn Văn Sỹ.
Là
người chỉ huy cao nhất của nhà trường, anh Bình luôn gần gũi tìm hiểu tâm tư,
nguyện vọng từng cán bộ trẻ, vốn là trí thức, học sinh như chúng tôi; động viên
chúng tôi góp sức hoàn thành nhiệm vụ đào tạo cán bộ của nhà trường. Anh còn
từng bước, khéo léo giác ngộ chúng tôi một lý tưởng mới mẻ, đó là lý tưởng Cộng
sản. Từ những thanh niên trí thức yêu nước, chúng tôi đã từng bước được giác
ngộ giai cấp. Sau một thời gian thử thách trong công tác, được giác ngộ về lý
tưởng, đầu năm 1946, tôi và anh Phạm Ngũ Kiên được anh Trần Tử Bình giới thiệu,
kết nạp vào Đảng. Sau đó ít lâu, hai cán bộ khung trẻ tuổi Nguyễn Văn Bồng và
Triệu Huy Hùng cũng được anh Bình kết nạp. Như vậy bốn anh em chúng tôi - những
thanh niên trẻ, được vinh dự cùng các đảng viên kì cựu Trần Tử Bình, Vương Thừa
Vũ, Vũ Lập, Nguyễn Văn Sỹ gánh vác nhiệm vụ vinh quang và nặng nề của Đảng
giao. Chi bộ trở thành hạt nhân lãnh đạo nhà trường hoàn thành nhiệm vụ, trong
điều kiện vô cùng khó khăn lúc bấy giờ.
Là
một cán bộ cách mạng lão thành, anh Trần Tử Bình là đảng viên Đông Dương Cộng
sản Đảng từ tháng 10 năm 1929. Anh đã lãnh đạo cuộc nổi dậy đòi quyền sống của
5000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng vào đầu năm 1930; sau đó bị thực dân
Pháp giam cầm ở Côn Đảo. Anh đã tham gia Xứ ủy Bắc Kỳ, rồi vượt ngục Hoả Lò
tháng 3 năm 1945, trở về tham gia xây dựng Chiến khu Hoà-Ninh-Thanh. Ngày 19
tháng 8 năm 1945, anh là thường vụ Xứ uỷ, trực tiếp tham gia lãnh đạo cướp
chính quyền ở Hà Nội và Bắc Bộ. Đối với chúng tôi lúc đó, anh như một thần
tượng, song anh lại có một cuộc sống rất giản dị, đời thường, tác phong rất
quần chúng, sống chan hoà với mọi người. Đặc biệt anh có tài thuyết phục và rất
quan tâm giúp đỡ chúng tôi - những trí thức trẻ. Nếu xét về“thành phần” thì
chúng tôi bị coi là “trí thức tiểu tư sản”, mới tham gia vào hàng ngũ của giai
cấp công nhân. Vậy mà chúng tôi không hề bị thành kiến, không hề bị phân biệt
đối xử. Anh đã giành được sự tin yêu trong chúng tôi. Giữa anh và chúng tôi
không hề có sự ngăn cách mà thật sự gần gũi, thân ái.
Tháng
4 năm 1946, nhà trường được mang tên mới - Võ bị Trần Quốc Tuấn, với nhiệm vụ
đào tạo chính quy, mỗi khóa học kéo dài 6 tháng. Anh Hoàng Đạo Thúy được bổ
nhiệm làm Giám đốc (Hiệu trưởng). Khoá học đầu tiên có hơn 300 học viên, mà đa
số là học sinh, sinh viên, trí thức. Rất vinh dự cho nhà trường là Bác Hồ rất
quan tâm và dành nhiều thời gian lên thăm. Trong lễ khai giảng khóa I, Người đã
tới dự và tặng cán bộ, học viên nhà trường lá cờ thêu sáu chữ vàng “Trung với
Nước, Hiếu với Dân”. Với sự nỗ lực của nhà trường, khóa học kết thúc trước ngày
Toàn quốc kháng chiến. Học viên tốt nghiệp được bổ sung ngay cho các đơn vị.
Để
đạt được kết quả đào tạo trong điều kiện vô cùng khó khăn lúc đó, vai trò lãnh
đạo của chi bộ Đảng - do anh Bình là bí thư - đóng vai trò rất quan trọng. Chi
bộ luôn là một tổ chức đoàn kết, thống nhất về ý chí, hành động. Mọi người đoàn
kết, thương yêu nhau như anh em trong một nhà; mỗi đảng viên hồ hởi, làm việc
hết sức mình với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tự giác nhất. Không khí đoàn
kết, gắn bó đó lan tỏa ra toàn trường, ảnh hưởng tích cực đến đội ngũ học viên,
góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi
chống Mỹ, nhiều cựu học viên của trường đã trưởng thành và lập công xuất sắc,
trở thành các cán bộ chỉ huy tài năng, các tướng lĩnh có tên tuổi của Quân đội
Nhân dân Việt Nam anh hùng.
Kinh
nghiệm xây dựng tổ chức của anh Bình mà tôi học được, đã giúp tôi rất nhiều khi
nhận nhiệm vụ về xây dựng trường Đại học Bách khoa, vào năm 1956. Tôi vận dụng
các kinh nghiệm quý báu đó xây dựng một không khí hồ hởi, phấn khởi, đoàn kết
trong cán bộ, giáo viên, sinh viên của nhà trường. Chính vì vậy đã góp phần xây
dựng trường Đại học Bách khoa Hà Nội “từ không đến có”, trở thành một nhà
trường tiên tiến của ngành đại học, trong thời gian đầu ta mới về tiếp quản.
Tôi
rất biết ơn và không bao giờ quên anh Trần Tử Bình, một người Cộng sản mẫu mực,
đã dìu dắt tôi từ những ngày đầu đứng trong hàng ngũ của Đảng. Sự giúp đỡ, chỉ
bảo của anh đã tạo cho tôi điều kiện cống hiến được nhiều hơn cho cách mạng và
cũng là nhân tố quan trọng giúp tôi trưởng thành.
Tp.Hồ Chí Minh, ngày 22-7-2004
H.X.T
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.