Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Xây nhà cho đồng đội



XÂY NHÀ CHO ĐỒNG ĐỘI
Trần Vinh Quang
Trong hai cuộc kháng chiến, riêng huyện Châu Thành (tỉnh Long An) có hơn 3.000 liệt sĩ với 82 bà mẹ Việt Nam Anh hùng, nhưng chúng ta mới xây dựng được trên 600 ngôi nhà tình nghĩa. Nhìn con số trên đã thấy những cố gắng của chúng ta là chưa đủ. Thông qua Hội đồng hương của các cán bộ quê ở Long An, đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh, mà cựu chiến binh Trần Thành Công biết được một cựu chiến binh ở xã Long Trì, huyện Châu Thành có một số phận nghiệt ngã và cuộc sống cơ cực cần được giúp đỡ. Trong dịp kỷ niệm 28 năm, Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh đã quyết định dùng số tiền tiết kiệm 18 triệu đồng, thay mặt cha mẹ, đóng góp xây dựng ngôi nhà tình nghĩa cho đồng đội.


Chủ nhật cuối tháng 4 năm 2003, bốn anh em - Kháng Chiến, Kiến Quốc, Thành Công, Hữu Nghị và các bạn Phan Nam, Mạnh Hùng cùng về Long An. Người được giúp đỡ là ông Nguyễn Hoàng Oanh ở ấp Long Hưng. Sinh năm 1929, trong kháng chiến chống Pháp, Năm Oanh vào bộ đội, đến 1954 thì tập kết ra Bắc. Ở ngoài Bắc, ông tiếp tục phục vụ trong trung đoàn 263 phòng không, thuộc sư đoàn 361. Những năm tháng chiến tranh phá hoại, ông đã từng chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) rồi vinh dự tham gia vào Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972, sau đó cùng sư đoàn phòng không 367 tiếp tục hành quân vào Nam… Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, khoác ba-lô trở về xã trong sự ngơ ngác vì cả xã đã thành bình địa, cha mẹ đều đã chết. Ra quân với quân hàm trung uý, ông được bà con chòm xóm đùm bọc rồi xây dựng gia đình và có được hai người con. Nhưng số phận nghiệt ngã không buông tha ông, do chất độc màu da cam mà đứa con thứ hai bị tật nguyền rồi đau đớn theo mẹ ra đi. Còn lại hai cha con, sống cảnh màn trời chiếu đất. Ở địa phương, Năm Oanh là niềm kiêu hãnh của bà con vì là người đã từng tham gia đánh B52, nhưng cuộc sống của anh thì khổ đến mức quanh năm không biết đến vị ngọt của đường. Có một lần, hai cha con lên xã, ra cửa hàng bách hóa mua được kí đường nhưng khi về đến nhà thì gói đường cũng chỉ còn lại những hạt cuối cùng... Nỗi đau của những cán bộ địa phương còn lớn hơn khi nghe những kẻ đã từng khoác áo lính ngụy mỉa mai: “Số phận người có công với cộng sản là thế đấy!”. Nhà nước còn nhiều việc phải làm và ngay một lúc chưa thể giải quyết hết mọi khó khăn, nhưng thời gian cứ trôi qua và cuộc sống vẫn là những gì rất cụ thể…

*

* *

Ngôi nhà xinh xắn, thơm mùi vôi mới, rộng 50m2, có phòng khách và phòng ngủ thật khang trang. Ngay cửa vào có gắn tấm biển: ”Gia đình ông bà Trần Tử Bình kính tặng”. Anh Kháng Chiến, con trai trưởng, thay mặt gia đình phát biểu khi trao quyết định giao nhà tình nghĩa cho ông Năm Oanh:

- Chúng tôi thật vinh dự được thay mặt cha mẹ cùng Hội đồng hương Long An, chính quyền địa phương và bà con cô bác xây dựng và bàn giao cho cựu chiến binh Năm Oanh ngôi nhà tình nghĩa. Cha chúng tôi có nhiều gắn bó với mảnh đất Nam Bộ từ năm 1927. Sinh thời, ông có nguyện vọng đến ngày thống nhất sẽ về Nam sinh sống. Tiếc rằng, ông đã sớm ra đi. Kế tục ý nguyện của ông, anh em chúng tôi đã tham gia chiến đấu chống Mỹ, cứu nước và nay tiếp tục làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, tôi và em Trần Thành Công đều là lính tên lửa, cùng quân chủng với đồng chí Năm Oanh, nên việc làm này thực sự có ý nghĩa trong việc giúp đỡ đồng chí đồng đội, đền đáp phần nào sự hy sinh của đồng chí cho quê hương đất nước…

Tiếp sau đó, đại biểu chính quyền, phụ nữ và Hội đồng hương mang những phần quà tình nghĩa và một sổ tiết kiệm 1 triệu đồng tặng ông Năm Oanh. Cảm động hơn, anh Ba Tìm đã chuyển 500 nghìn, trích từ tháng lương đầu tiên của con trai, gửi tặng gia đình.

Cựu chiến binh Năm Oanh nghẹn ngào nói: “Đã gần 75 tuổi mà cuộc sống quá khó khăn, chỉ nhờ có cách mạng, nhờ có tình đồng đội, đồng hương mà hoàn cảnh gia đình tôi đã có sự thay đổi. Không biết nói gì hơn, tôi xin cảm ơn tất cả!”
T.V.Q

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.