GẶP GIÁO SƯ TRẦN VĂN GIÀU,
NGƯỜI BẠN TÙ CÔN ĐẢO CỦA CHA TÔI
Kháng Chiến – Kiến Quốc
Còn vài ngày nữa là tới
ngày lễ trọng đại của tháng Tám lịch sử, chúng tôi đến thăm Giáo sư Trần Văn
Giàu[1].
Ông sống gần Trường Đua Phú Thọ. Giáo sư rất vui khi biết có con của bạn tù lại chơi. Ông mời chúng tôi ngồi xuống ghế rồi hỏi: “Các cháu uống gì? Bia nhé!”. Biết ông có thói quen tiếp khách quý bằng bia nên chị giúp việc mang ngay ra lon bia rồi tự tay ông giật nắp, rót ra cốc. Câu chuyện được bắt đầu…
Ông sống gần Trường Đua Phú Thọ. Giáo sư rất vui khi biết có con của bạn tù lại chơi. Ông mời chúng tôi ngồi xuống ghế rồi hỏi: “Các cháu uống gì? Bia nhé!”. Biết ông có thói quen tiếp khách quý bằng bia nên chị giúp việc mang ngay ra lon bia rồi tự tay ông giật nắp, rót ra cốc. Câu chuyện được bắt đầu…
- Năm nay tôi đã 95 tuổi. Tôi sinh năm
1911 cùng tuổi với anh Võ Nguyên Giáp nhưng sinh sau hai chục ngày. Dạo này yếu
rồi, đi lại khó khăn và hay quên…
-
Thế bác có nhớ ngày này hơn sáu mươi năm về trước, tháng Tám năm 1945?
-
Nhớ chứ. Sau Hà Nội và Huế thì Sài Gòn - Chợ Lớn giành chính quyền vào ngày
25 tháng 8. Đến ngày 2 tháng 9 khi ngoài Hà Nội tổ chức lễ Tuyên ngôn độc lập
thì trong này phải đến cả triệu dân của Sài Gòn, Chợ Lớn và dân Lục tỉnh hồ hởi
kéo về tập trung ở quảng
trường Nô-rô-đôm, trước Dinh Độc Lập và quảng trường trước tòa nhà Uỷ
ban bây giờ. Đây là cuộc mit-tinh lớn chưa từng thấy trong lịch sử. Nhân dân
đón chờ tiếp âm của Đài Tiếng nói Việt Nam về bài diễn văn của Hồ Chủ tịch đọc
tại Quảng trường Ba Đình.
-
Cháu nghe nói hôm đó có trục trặc nên không tiếp âm được?
-
Đúng là có trục trặc. Nhưng có một người phát biểu thay Cụ Hồ. Sau bài diễn
văn, nhân dân vỗ tay như sấm rền hưởng ứng. Sau này nghe lại mới thấy bài phát
biểu có nội dung trùng với diễn văn của Cụ Hồ tới chín phần mười. Hầu như không trật.
-
Thật là giỏi! Và người phát biểu là…
Giáo sư cười sảng khoái rồi nói:
“Chính là tôi! Điều này tôi đã kể lại cho Báo Sài Gòn Giải phóng”. Câu chuyện của Giáo sư lôi cuốn và làm chúng
tôi thêm khâm phục trí nhớ tuyệt vời của ông. “Chúng cháu nghe nói ngay sau đó
bác cùng anh em sang Thái Lan xin vũ khí về cho nhân dân Nam Bộ đánh Pháp?”.
“Đúng. Vì Thủ tướng Thái Lan lúc bấy giờ là bạn học từ ngày ở bên Pháp nên khi
tôi đề nghị là được giúp đỡ ngay. Đó cũng là vận may với một nhà nước còn non
trẻ… Năm 1946, chúng tôi
đã đưa 2.000 bộ đội được trang bị đầy đủ, biên chế trong bốn chi đội Hải ngoại
từ Thái Lan về tham gia kháng chiến… ”.
Rồi câu chuyện được chuyển sang những
năm tháng tù đày ở Côn Đảo. Sinh thời cha chúng tôi kể lại: “Thời gian bị cầm
tù ở Côn Đảo là thời gian học được nhiều nhất, học cơ bản nhất và học để phục
vụ đấu tranh. Trước đó chỉ một vài lần được gặp gỡ nhà cách mạng Tống Văn Trân,
rồi được Ngô Gia Tự giác ngộ trong điều kiện hết sức khó khăn nên sự hiểu biết
về lý luận cách mạng còn rất yếu và thiếu”. Cha tôi hay nhắc đến cái tên Trần Văn Giàu và coi ông là “người thầy
dạy lý luận cách mạng đầu tiên” của mình.
… Năm 1928, Trần Văn Giàu được gia
đình cho sang Pháp học sử tại Đại học Toulouse. Tại đây vì hoạt động trong
phong trào công nhân nên ông bị trục xuất về nước. Sau đó Xứ uỷ Nam Kỳ đã giới
thiệu ông sang Matxcơva học Đại học Phương Đông. Tại đây ông học cùng Trần Đình
Long và gặp cả Lê Hồng Phong sau khi tốt nghiệp Trường Không quân đã tới thỉnh
giảng.
Khi trở về nước hoạt động, ông bị bắt,
bị đưa ra toà và kết án 5 năm tù. Trong 5 năm tù, có một năm ông bị đày ra Côn
Đảo. Khi đó ở Côn Đảo đã có ba banh giam tù chính trị, tù thường phạm. Mỗi banh
có hai dãy nhà, mỗi dãy có tám khám (mỗikhám có hai phòng) giam 40 tù nhân;
nhưng thực tế chúng nhốt trên 100 tù. Tù chính trị không chỉ là đảng viên Cộng
sản mà còn có cả đảng viên Quốc dân Đảng, trong số đó lại bị phân ra: tù chính
trị khổ sai (tù phải lao công) và tù chính trị (tù không phải lao công). Theo
phán quyết của tòa, ông là tù chính trị và bị giam vào Banh I. Tại đây ông đã
gặp các tù chính trị khổ sai: Tôn Đức Thắng, Trần Tử Bình, Hà Huy Giáp, Phạm
Hùng, Lê Văn Lương, Nguyễn Duy Trinh, Trần Xuân Độ v.v… còn các ông Phạm Văn
Đồng, Bùi Công Trừng bị giam ở Banh II.
Ở Côn Đảo, anh em tù chính trị Cộng
sản có mở các lớp học tập lí luận cách mạng, chuẩn bị cho những ngày trở về đất
liền tiếp tục hoạt động. Biết Trần Văn Giàu từng học tại Đại học Phương Đông
nên tổ chức đã phân công ông dạy Chủ nghĩa Marx, Duy vật biện chứng, Duy vật
lịch sử… Theo luật của chính phủ bảo hộ
thì “tù chính trị không phải lao động
khổ sai” nên ông có thời gian chuẩn bị bài vở.
Còn anh em tù khổ sai thì phải xuống
biển lấy san hô lên nung vôi, hay lên núi lấy củi về đốt, lấy đá về xây dựng…
Nói chung công việc rất nặng nhọc. Ai chống đối là bị đánh dã man. Tuy vậy khi
biết có tổ chức lớp học, anh em rất hăng hái. Những ngày mưa to gió lớn, những
ngày không phải đi làm khổ sai là những ngày lên lớp.
Theo lịch giảng dạy, anh em ở các khám
lẳng lặng máy nhau đến lớp. Lớp học tổ chức ngay trong phòng của một khám. Học
viên ngồi bệt xuống sàn nhà. Thầy giáo thì lấy nền xi-măng làm bảng đen, lấy
gạch làm phấn. (Riêng chuyện kiếm phấn
viết bảng cũng là chuyện thú vị, anh em cứ moi dần cho hết lớp vữa trên
tường để lộ viên gạch ra rồi cậy từng mẩu gạch cất đi, dùng dần). Khi thầy giáo
giảng thì học viên chăm chú nghe và cố gắng nhập tâm. Sau đó mỗi lần đi rừng
hay xuống biển lại tranh thủ trao đổi, truy bài nên kiến thức không bị mai một.
Có những khái niệm khó hiểu, nhất là bài học về Duy vật biện chứng, học viên
thắc mắc và được thầy giải đáp đến nơi đến chốn. Thậm chí anh em có thể kiếm
được cả giấy, bút để viết lách nhờ đút lót để lính coi ngục mua hộ.
Những lúc bọn giám ngục o ép, việc học
tập phải rút vào bí mật. Trong số anh em đã qua trường lớp hoặc từng sinh hoạt
trong tổ chức Hướng đạo đều có kiến thức về tín hiệu moóc-xơ[2]. Vậy
là người biết dạy người chưa biết và một thời gian sau, hầu hết anh em tù chính
trị đều sử dụng thành thạo kỹ thuật này.
Từ phòng giam, thầy giáo có thể dùng tín hiệu “tạch - tạch - tè” để giảng bài
cho học viên ở các phòng bên. Thầy giáo thì cầm bù-loong đập khẽ xuống sàn, còn
học viên ở phòng bên cạnh thì ghé sát tai xuống sàn, nhận tín hiệu rồi dịch ra
thành bài giảng. Cứ như vậy kiến thức được chuyển từ phòng này sang phòng khác
và bài giảng vẫn được tiến hành đúng lịch.
Không chỉ được giảng dạy lý luận mà
anh em tù chính trị còn được học cả lịch sử, văn học, nghệ thuật, học cả tiếng
Pháp. Các thầy Bùi Công Trừng, Trần Huy Liệu, Phạm Văn Đồng… dạy cho anh em
lịch sử nước Pháp, nước Tàu. Truyện Thuỷ
Hử, Truyện Kiều, Trinh Phụ Ngâm…
cũng được truyền miệng, đọc cho nhau trước khi đi ngủ. Chưa kể anh em còn dựng
các vở kịch, vở tuồng biểu diễn trong mỗi dịp lễ tết. Bọn giám ngục cùng gia
đình tới xem và tỏ ý khâm phục tù chính trị Cộng sản.
Hết chuyện này sang chuyện khác. Ngồi
chơi đã lâu sợ Giáo sư mệt, chúng tôi xin phép ra về. Vậy mà ông vẫn như muốn níu kéo khách ở lại: “Lần sau lại
đến chơi, nói chuyện với bác!... Cha cháu và bác chỉ sống với nhau hơn một năm
ở Banh I, đến năm 1936 do phong trào Bình Dân ở Pháp mà cha cháu được thả về,
còn bác thì đã mãn hạn tù. Chỉ một năm nhưng bác thấy cha cháu là con người
nghĩa khí, chịu khó học tập. Côn Đảo thực sự là một trường đại học lớn cho các
nhà hoạt động cách mạng của nước ta”.
Bắt tay ông hồi lâu. Nghe chúng tôi
chúc ông mạnh khỏe thì Giáo sư móm mém cười và nói: “Có chuyện vui thế này, hai
ông già 95 - Trần
Văn Giàu và Võ Nguyên Giáp - đã kí giao kèo với nhau, thi đua xem ai khỏe
hơn…”.
Tp. Hồ Chí Minh, 17-8-2006
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.