Tình bạn với các
tướng lĩnh
Trần Kháng Chiến
Cha
tôi có 14 năm quân ngũ. Những năm tháng đó ông có nhiều đồng đội thân thiết. Là
đứa con lớn trong gia đình tôi may mắn
được chứng kiến, được nghe lại nhiều chuyện về quan hệ gần gũi của ông với các
tướng lĩnh, cán bộ cao cấp lớp đầu tiên.
Với
Trung tướng Nguyễn Bình
Người mà cha tôi quen biết sớm nhất
trong số những tướng lĩnh là Trung tướng Nguyễn Bình. Tên thật của ông là
Nguyễn Phương Thảo, người phố Bần, Hưng Yên. Ông tham gia Việt Nam Quốc dân
đảng. Năm 1930, ông cùng nhiều đảng viên Quốc dân đảng như Trần Huy Liệu, Trần
Xuân Độ… bị bắt, bị kết án. Cha tôi biết ông trong những năm cùng ngồi tù Côn
Đảo. Cha tôi kể lại rằng giữa các tù
nhân Cộng sản và Quốc dân đảng có những bất đồng về quan điểm tiến hành cách
mạng. Vì có những bất đồng nên hai
“khối” tù chính trị hay tranh luận. Do vạy cha tôi cùng các tù Cộng sản có quan
hệ rất cởi mở với ông Thảo. Theo cha tôi, ông Thảo là người khí phách ngang tàng, ngay thẳng. Tại Côn Đảo, ông Thảo
có ảnh hưởng lớn với cánh tù thường phạm, nhất là cánh dân “anh chị” Lục tỉnh.
Ngày 20 tháng 7 năm 1945, ông Nguyễn
Bình đã chỉ huy lực lượng vũ trang cướp chính quyền ở thị xã Quảng Yên (Hải
Dương). Tối 19 tháng 8, chính quyền cách mạng lâm thời Bắc Bộ được thành lập.
Ngày 21 tháng 8, tại Bắc Bộ phủ, trong lúc Uỷ ban Cách mạng lâm thời đang họp
thì được bảo vệ báo vào “có một vị mang súng lục, đeo kiếm, đi ủng cao, mặc
quân phục kha-ki, trông rất oai vệ, xưng
là “Nguyễn Bình, Tư lệnh Đệ tứ Chiến khu Đông Triều”, đến báo cáo Trung ương về
việc Việt Minh đã giành được chính quyền tại Hải Dương”. Uỷ
ban tạm ngưng cuộc họp, mời khách vào
trong Phủ. Cha tôi và ông Nguyễn Bình
nhận ngay ra nhau, tay bắt mặt mừng sau
chục năm xa cách. Cha tôi thông báo rằng Trung ương sắp về Hà Nội, đề
nghị ông Bình cho bộ đội về gấp Hải Phòng, tăng cường sức mạnh cho Việt Minh
giành chính quyền. Thường vụ Xứ ủy cử ngay đồng chí Vũ Quốc Uy xuống Hải Phòng.
Lực lượng vũ trang Chiến khu Đông Triều đã có mặt kịp thời cùng nhân dân thành phố Cảng giành chính quyền vào ngày
23 tháng 8 năm 1945.
Ngày 23 tháng 9 năm 1945, nhân dân Nam
Bộ bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Hồ Chủ tịch trực tiếp cử Nguyễn Bình vào Nam Bộ, chỉ huy
lực lượng vũ trang.
Với Tướng Văn Tiến Dũng
Cha tôi và chú Văn Tiến Dũng cùng tham
gia Xứ ủy Bắc Kỳ. Họ quen biết nhau vào đầu năm 1943, tại cuộc họp Xứ ủy do ông
Hạ Bá Cang triệu tập. Cuộc đời cha tôi
và chú Dũng từng gắn với chốn tu hành. Cha tôi theo học tại Chủng viện La-tinh
Hoàng Nguyên từ năm 1925. Còn chú Dũng sau khi thoát ngục Sơn La năm 1942, bị
mất liên lạc với tổ chức, đã xuống tóc đi tu, trụ trì một ngôi chùa nhỏ
tại Vân Đình, Hà Đông. Cha tôi bị mật
thám bắt cuối năm 1943, chú Dũng bị bắt tháng 8 năm 1944 khi là Bí thư Xứ ủy. Chú Dũng vượt ngục Bắc Ninh tháng 10
năm 1944, cha tôi vượt ngục Hỏa lò tháng 3 năm 1945. Tháng 5 năm ấy, cha
tôi gặp lại chú Dũng, khi chú về thay cha
tôi phụ trách Chiến khu Hòa - Ninh - Thanh. Sau Cách mạnh tháng Tám, cả hai ông
được điều động vào quân đội. Tháng 4 năm 1946, cha tôi và ông Hoàng Đạo Thúy
đưa Trường Võ bị Lục quân Trần Quốc Tuấn về đóng tại thị xã Sơn Tây, thuộc địa
bàn Chiến khu II mà chú Dũng là Tư lệnh. Với quan hệ thân thiết từ thời bí mật,
cha tôi tranh thủ sự giúp đỡ của Tư lệnh Chiến khu II với nhà trường. Kháng
chiến chống Pháp bùng nổ, chú Dũng là Cục trưởng Cục Chính trị thì cha tôi được
điều động về làm Trưởng phòng Cán bộ - Kiểm tra của Cục; cả hai ông đều là Phó
bí thư Quân ủy. Như vậy trong những năm đầu kháng chiến, cha tôi và chú Dũng có
quan hệ công tác rất gần gũi.
Giữa cha mẹ tôi và cô Kỳ, chú Dũng có mối quan hệ bạn bè thân tình. Năm 1950,
khi chú Dũng nhận nhiệm vụ xuống Liên khu III, vào địch hậu làm Đại đoàn trưởng Đại đoàn 320, một mình cô Kỳ cùng hai con ở
lại Chiến khu Việt Bắc. Cha tôi năm đó nhận nhiệm vụ về Trường Lục quân Việt Nam
nên đã để lại cho gia đình cô chú ngôi nhà cùng ruộng vườn khai phá trong mấy
năm để cô Kỳ ổn định cuộc sống và chú Dũng an tâm nơi chiến trường. Sự chia
sẻ ân tình giữa những người đồng đội
được cô chú nhắc lại mỗi khi chúng tôi có dịp đến thăm.
Giáp
Tết 1967, cha tôi về nước công tác. Ông bị ốm phải nằm bệnh viện. Ông nhắn chú
Dũng xin phép cho tôi từ đơn vị về Hà Nội, để cha con gặp nhau. Chú Dũng đã
điện cho Bộ tư lệnh Hải quân cho phép tôi về. Tôi được gặp cha vào ngày 2 tết. Đó cũng là lần cuối
cùng tôi được gần người cha kính yêu.
Sau khi cha tôi mất, cô Kỳ, chú Dũng
luôn dành cho gia đình tôi sự quan tâm, giúp đỡ chu đáo.
Với Tướng Lê Liêm
Cha mẹ tôi có quan hệ thân thiết với
gia đình chú Lê Liêm, cô Lê Thu Trà từ thời kỳ bí mật. Chú Liêm người Hà Đông,
từng bị tù ở Sơn La rồi cùng cha tôi tham gia Xứ ủy Bắc Kỳ. Chú lãnh đạo
Tổng khởi nghĩa ở Thái Bình, Hưng Yên và là cấp trên trực tiếp
của mẹ tôi. Trong kháng chiến chống Pháp, chú là Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính
trị, Chủ nhiệm chính trị Mặt trận Điện Biên Phủ. Hoà bình lập lại, hai gia đình
chúng tôi là láng giềng. Rồi chú Liêm chuyển sang Bộ Văn hóa, cha tôi sang Bộ Ngoại
giao. Khi có dịp gặp nhau, hai người trao đổi rất sôi nổi về công tác văn hóa,
công tác ngoại giao và những kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác mới. Xuân Tân
Sửu (1962), cha mẹ tôi và cô chú cùng nhau về thăm các gia đình cơ sở cách mạng
tại Ninh Bình, Hà Nam từng nuôi nấng, bảo vệ họ thời kỳ bí mật. Tại Đại hội
Đảng lần thứ III, cha tôi và chú cùng
được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương.
Chú Lê Liêm là con người sôi nổi,
nhiệt tình, có trình độ, có trách nhiệm, sống
nghĩa tình được bạn bè, đồng chí
quý trọng. Với chúng tôi chú là một nhân cách lớn. Chú chuyển ra ngoài trước
khi có đợt phong quân hàm năm 1958, tuy vậy thế hệ cán bộ thời đó vẫn trìu mến
gọi chú là “Tướng Lê Liêm”.
Với Cụ Hoàng Đạo Thúy và “ông con rể” Tạ Quang Bửu
Tháng 4 năm 1946, Hồ Chủ tịch ký
sắc lệnh thành lập Trường Võ bị Lục quân
Trần Quốc Tuấn. Nhà văn hóa, nhà giáo, lãnh tụ Hướng đạo sinh Việt Nam Hoàng
Đạo Thúy được cử làm Giám đốc, cha tôi làm Phó giám đốc - Chính trị ủy viên. Cha tôi và cụ Hoàng Đạo Thúy rất
khác nhau về hoàn cảnh xuất thân, song lại rất gắn bó với nhau vì cùng gánh vác
một nhiệm vụ nặng nề do chính Cụ Hồ giao - đào tạo lớp cán bộ quân sự mới
cho Nhà nuớc non trẻ vừa giành được độc
lập. Sự đoàn kết cùng gánh vác trách nhiệm của một chiến sỹ cách mạng vào sống
ra chết như cha tôi với một đại trí thức như ông Hoàng Đạo Thúy được các cán bộ của nhà trường coi như tấm gương trong việc thực
hiện đường lối Đại đoàn kết dân tộc của Cụ Hồ. Cụ Hoàng Đạo Thúy trong những
năm cuối đời luôn nói với các cựu học viên
Trần Quốc Tuấn rằng: “Anh Bình là người bạn tri kỷ nhất của đời tôi!”.
Năm 1958, ông Hoàng Đạo Thúy được Nhà
nước phong quân hàm Đại tá.
Ông Tạ Quang Bửu, một nhà khoa học
lớn, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và là con rể cụ Hoàng Đạo Thúy. Cha tôi và ông Bửu có mối
quan hệ thân tình. Khi quân đội bước vào giai đoạn xây dựng chính quy, hiện
đại, cha tôi thường gặp ông Bửu để trao đổi, hiểu thấu đáo các vấn đề của Cách mạng khoa học kỹ thuật. Đối với cha
tôi đó là lĩnh vực mới lạ, cần học hỏi.
Ông là người thực sự cầu thị, việc học
tập nâng cao tri thức qua bạn bè (vốn là các trí thức lớn) là việc làm thường
xuyên. Tôi từng được chứng kiến những lần hai người ngồi nói chuyện rất lâu,
lúc chia tay vẫn còn lưu luyến.
Không chỉ với ông Tạ Quang Bửu mà cha
tôi còn có mối quan hệ thân thiết, cởi mở, chân thành với các trí thức lớn như
Bác sỹ Trần Duy Hưng, Bác sĩ Tôn Thất Tùng, Bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ, hay các nhân sĩ Bồ Xuân Luật,
Trương Công Quyền…
Với Luỡng quốc Tướng quân Nguyễn Sơn
Cha tôi quen biết ông Nguyễn Sơn sau Cách mạng tháng Tám, khi ông mới ở Trung
Quốc về nước. Năm 1947, ông là Giám đốc Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn mà trước đó
cha tôi phụ trách. Năm 1948, cha tôi vào Quân khu IV công tác, gặp ông Sơn tại
Bộ tư lệnh quân khu, đóng ở Thanh Hóa. Ông Sơn đã tâm sự với cha tôi như người
bạn thân lâu ngày găp lại. Cha tôi kể rằng ông Nguyễn Sơn rất thông minh, có
tài diễn thuyết, có tri thức sâu rộng cả về văn hóa, xã hội, thông thạo tiếng
Pháp, tiếng Hoa, tiếng Anh và là một vị tướng có tài, có kinh nghiệm. Cha tôi
rất thú vị khi được ông trao đổi về việc tổ chức tập trận cho bộ đội - một công
việc hết sức mới mẻ đối với quân đội non trẻ của chúng ta. Năm 1950, theo thỏa
thuận của lãnh đạo hai nước, ông Nguyễn Sơn trở về Trung Quốc. Năm 1955, ông
được Nhà nước Trung Quốc phong quân hàm Thiếu tướng. Năm 1954, Trường Lục quân Việt Nam đóng tại thành phố Quế Lâm đã đón ông
Nguyễn Sơn về thăm. Ông dành nhiều thời
gian nói chuyện với cán bộ, học viên, tiếp xúc với những chiến sỹ ưu tú từ khắp
các chiến trường được chọn về học khóa IX. Trong dịp này ông mua cho bọn trẻ
con nhà tôi một chiếc xe ôtô Jeep - đồ chơi bằng gỗ, chạy được nhờ có bàn đạp,
có thể chở được ba đứa. Chiếc xe đó được gia đình giữ đến những năm sáu mươi.
Trong thời gian chiến đấu ở Trung
Quốc, ông Nguyễn Sơn đã xây dựng gia đình với một nữ đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc - bà
Trần Kiếm Qua. Ông bà có hai người con là Tiểu Phong và Tiểu Việt. Khi cha tôi
làm Đại sứ đã bắc chiếc cầu để Tiểu Phong và Tiểu Việt tìm tới gia đình ở Việt Nam.
Chuyện này được bà Trần Kiếm Qua kể lại trong cuốn sách “Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà
thương”. Chúng tôi rất cảm động khi được đọc cuốn sách này.
Với ông Trần Đăng Ninh - bạn tù Hỏa Lò
Cha tôi bị giam tại nhà tù Hỏa Lò cùng
Bí thư Xứ ủy Trần Đăng Ninh. Sau khi
Nhật đảo chính Pháp vào tối mùng 9 tháng 3 năm 1945, cha tôi cùng ông Ninh và nhiều tù chính trị đã vượt ngục trở
về với Đảng. Trong tù, hai ông là hạt nhân đoàn kết, tích cực tham gia tổ chức
lên lớp lý luận, truyền đạt kinh nghiệm
cho anh em tù chính trị. Sau cách mạng, ông Ninh tham gia Trung ương, là Chủ
nhiệm Tổng cục Cung cấp. Ông là một cán bộ gương mẫu, luôn nêu cao tấm gương sáng cho cán bộ, chiến sỹ về tác phong cần,
kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.
Hè năm 1954, tôi được theo cha đến
thăm ông đang chữa bệnh tại Nam Ninh. Tôi nhớ như in hình ảnh hai người nắm tay
nhau không rời, nói chuyện rất lâu. Khi
ra về cha tôi đã rơi nước mắt vì biết bệnh tình cuả người bạn tù khó qua
khỏi. Ông Ninh mất năm 1955. Toàn quân
để tang ông. Cha tôi cùng toàn thể cán bộ, chiến sỹ, học viên Trường Lục quân
Việt Nam đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu ông - một cán bộ chỉ huy ưu tú cuả
Quân đội Nhân dân Việt Nam, một chiến sỹ Cộng sản kiên cường.
Tại Nghia trang Mai Dịch Hà Nội, cha
tôi và ông Trần Đăng Ninh được an táng
cạnh nhau.
Với Thiếu tướng Đặng Kim Giang
Ông Đặng Kim Giang cùng cha tôi tham gia Xứ uỷ, ông phụ trách
tỉnh Hà Đông. Những ngày tháng 8 năm 1945, cha tôi và ông luôn bên nhau để bàn
bạc, ra những quyết định kịp thời cho cuộc Tổng khởi nghĩa tại Hà Đông vào ngày
20 tháng 8. Trong kháng chiến ông là Phó chủ nhiêm Tổng cục Cung cấp. Trong
Chiến dịch Điện Biên Phủ là Chủ nhiệm Hậu cần, ông luôn có mặt trên mọi nẻo
đường để kiểm tra, đốc thúc việc bảo đảm lương thực, đạn dược cho bộ đội. Năm
1958 ông được phong quân hàm Thiếu tướng. Cha tôi luôn khen ông Giang là người
ngay thẳng, bộc trực, rất tận tâm trách nhiệm. Khi cha tôi đi làm Đại sứ thì
ông về phụ trách Bộ Nông trường. Hồi đó Trung Quốc giúp ta xây dựng một số
nông trường nên ông và cha tôi thường
gặp nhau trao đổi. Tôi nhớ ông có tác phong rất bình dân, khi trò chuyện với
cha tôi, ông hay khoanh chân lên ghế và
nói rất sôi nổi về sự nghiệp phát triển nông trường quốc doanh, về cả giống
lúa, giống ong, giống gia súc mới cùng
kỹ thuật canh tác… Năm 1961, ông mời cha tôi đi nghỉ kết hợp làm việc
hai tuần tại Nông trường Hải Hâu. Khi về cha tôi cho biết với sự nỗ lực cuả ông
Giang các hạng mục do Trung Quốc giúp đều được triển khai đúng tiến độ, khai
thác có hiệu quả, mang lại những giá trị kinh tế, xã hội đáng kể.
Nhân kỷ niệm 10 năm Nước Cộng hoà Nhân dân Trung
Hoa 1949-1959, Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Lưu Chủ tịch đã mời Hồ Chủ
tịch và Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang dự
lễ Quốc khánh. Thiếu tướng Đặng Kim Giang được vinh dự tháp tùng. Cha
tôi là Đại sứ nên cũng có mặt tại sân bay trong buổi lễ đón đoàn. Bắc Kinh
những ngày cuối tháng 9 đã vào thu, trời se lạnh. Hôm đó các nhà lãnh đạo Trung
Quốc có Lưu Thiếu Kỳ, Tống Khánh Linh, Đổng Tất Võ, Lâm Bưu đã ra đón đoàn.
Chúng tôi còn lưu giữ bức ảnh này và coi như một báu vật của gia đình.
Tình bạn với Tướng Hoàng Văn Thái
Cha tôi và ông Hoàng Văn Thái quen
biết nhau sau Cách mạng tháng Tám, khi cha tôi thay ông tiếp nhận Trường Quân
chính Việt Nam. Trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng, ông luôn dành cho nhà trường sự giúp đỡ kịp thời trong hoàn cảnh rất khó
khăn. Ông tham gia cách mạng từ năm 1936. Năm 1940, ông là một trong 20 thanh
niên Việt Nam được lãnh tụ Nguyễn Ai Quốc gửi sang học tại Trường Quân sự Quảng Tây của Quốc dân đảng. Năm
1944, ông là một trong 34 chiến sỹ cuả Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng
quân. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Tham mưu trưởng chiến dịch, có bí
danh là Thành. Cái tên này đã trở nên thân quen, gần gũi với nhiều cán bộ,
chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp,
chống Mỹ.
Trong kháng chiến và sau ngày hòa bình
lập lại, hai gia đình có thời gian dài sống cạnh nhau. Mẹ tôi rất
thân cô Loan (vợ ông), một trong hai nữ
chiến sỹ đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên
truyền Giải phóng quân. Ngày vừa nghe tin ông mất, mẹ tôi đến nhà riêng chia
buồn. Bị sốc nặng vì sự ra đi đột ngột của chồng, cô Loan suy sụp không thể
gượng dậy. Thông cảm với tình cảnh của bạn, mẹ tôi nắm chặt tay cô an ủi, động
viên: “Hai mươi năm trước mình cũng phải gánh chịu những mất mát, đau đớn như Loan lúc này. Nhưng phải nén đau
thương vì còn các con!”.
Với gia đình Trung tướng Trần Độ
Năm 1939 khi cha tôi hoạt động tại
huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam thì cô Nguyễn Thị Hằng là giao thông Xứ ủy, thường
chuyển tài liệu, chỉ thị của ông Hoàng Quốc Việt cho cha tôi. Sau Cách mạng
tháng Tám, cô xây dựng gia đình với và chú Trần Độ. Trong kháng chiến chống
Pháp, hai gia đình sống gần nhau trên Việt Bắc.
Chú Độ là dân Thái Bình, tính tình hóm
hỉnh, có tài kể chuyện, viết văn. Có lần chúng tôi hỏi về lần đầu tiên gặp cha
tôi, chú cười và chậm rãi nói: “Đó là
lần chú vi phạm kỷ luật chiến trường, bị ông Bình - phụ trách kiểm tra của quân
đội - tuyên bố kỷ luật...”. Chú Độ là
người thích chụp ảnh, gia đình tôi còn giữ được nhiều ảnh do chú chụp cho trong
thời gian sống ở chiến khu. Trong Chiến
dịch Điện Biên Phủ, chú là Chính ủy Đại đoàn 312. Trong kháng chiến chống Mỹ,
chú chiến đấu tại chiến trường Nam Bộ. Năm 1974 chú từ chiến trường trở ra Bắc,
gia đình chú chuyển về số nhà 97 Trần Hưng Đạo. Từ đó hai gia đình lại trở
thành láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau.
Có một điều thú vị: dân Thái Bình rất
tự hào là quê hương sản sinh ra nhiều vị tướng lĩnh đầu tiên của quân đội
như Hoàng Văn Thái, Trần Độ, Đặng Kim
Giang, Tạ Xuân Thu.
Với Thượng tướng Chu Văn Tấn
Năm 1940 khi là Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam
thì Xứ ủy chỉ thị cho cha tôi tiến
hành hoạt động hưởng ứng Khởi
nghĩa Bắc Sơn. Cha tôi cùng các đồng chí
của mình đã lập kế hoạch chiếm đồn binh Phủ Lý, nhưng việc không thành.
Sau Cách mạng tháng Tám, cha tôi gặp ông Chu Văn Tấn - người lãnh đạo cuộc khởi
nghĩa nổi tiếng này, người được gọi là “Hùm xám Bắc Sơn”. Cha tôi và ông
Tấn trở nên đôi bạn tri kỷ. Năm 1950,
theo lệnh của Hồ Chủ tịch xử vụ án Trần Dụ Châu, Thiếu tướng Chu Văn Tấn ngồi
ghế Chánh án, Thiếu tướng Trần Tử Bình là Công tố ủy viên. Để phiên tòa tiến
hành theo đúng các nguyên tắc pháp lý, ông Tấn, cha tôi cùng các cán bộ quân đội được triệu tập tham dự phiên tòa
phải tập trung cao độ trong một thời gian ngắn, lập được hồ sơ, lập được bản
luận tội qua các chứng cứ, nhân chứng. Cho đến ngày hôm nay tinh thần của bản
án vẫn còn nguyên giá trị chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới.
Thời kì bắt đầu chiến tranh phá hoại,
biết ông Tấn thường phải vận động đến
các tỉnh vùng cao, ở đó không có điện để nghe tin tức, cha tôi đã dành tiền
tiết kiệm của mình mua tặng ông chiếc radio Sony ba băng, bán dẫn, chạy pin.
Cha mẹ tôi luôn coi ông Tấn là hiện
thân của tinh thần Đại đoàn kết dân tộc, biểu hiện lòng trung thành của các dân
tộc Việt Bắc với cách mạng, với Bác Hồ.
Với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Tôi được đọc lá thư của ông Nguyễn Chí
Thanh gửi cho cha tôi cuối năm 1959 với
nội dung: Quân ủy Trung ương có đề nghị
phong quân hàm Trung tướng cho anh, nhưng Hồ Chủ tịch cho rằng anh đang làm
công tác ngoại giao, chưa cần thiết. Để khi nào hết nhiệm kỳ Đại sứ, có nhu cầu
thì sẽ tiến hành phong quân hàm. Sau này ngẫm lại mới thấy cha tôi và ông
Thanh có một quan hệ rất thân tình. Trong lưu trữ của gia đình chúng tôi còn giữ được một số ảnh cha tôi
chụp chung với ông Thanh khi ông sang thăm Trung Quốc hay khi hai ông sang dự
Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên, đến thăm Bàn Môn Điếm.
Đối với cha mẹ tôi, ông Thanh là con người Cộng sản gương mẫu. Khi
ông được giao nhiệm vụ phụ trách mảng nông nghiệp, vì từng làm phu cao su ở Nam
Bộ nên cha tôi hay bàn bạc với ông về trồng trọt rồi cùng rủ nhau đi thăm các
hợp tác xã, nông trường. Lần đầu tiên chúng ta đưa máy cày xuống cày thử trên
cánh đồng ruộng nước ở huyện Gia Lâm, tôi được cha cho đi cùng. Khi đến nơi đã
thấy ông Thanh có mặt. Sau khi xem anh em công nhân cho máy cày hết cánh đồng,
ông đã đặt nhiều câu hỏi cho các chuyên gia. Ông lo là máy cày này vẫn chưa
thật phù hợp với ruộng nước, nếu triển khai cần phải có những cải tiến.
Tháng 2 năm 1967 khi cha tôi mất, từ
chiến trường ra ông Thanh đã dự trọn vẹn
lễ tang và đưa cha tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi còn nhớ như in nét mặt súc động, thương cảm của ông. Rồi
tháng 7 năm đó, toàn quân, toàn dân,
trong đó có gia đình tôi, đau đớn khi nghe tin ông qua đời.
* * *
Chúng tôi rất tự hào vì cha mẹ từng là
bộ đội Cụ Hồ, tự hào vì thời gian trong
quân ngũ của ông bà có những người bạn, người đồng chí thân tình. Cũng từ cơ sở
đó mà chúng tôi – thế hệ con cái – có mối quan hệ thân thiết với con cái của
những đồng đội, những người bạn của cha mẹ chúng tôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.