NHỮNG KÝ ỨC VỀ CHA MẸ TÔI
Trần Việt Trung
Mỗi người sinh ra trên đời
đều do tinh cha huyết mẹ mà hình thành, đều có những ký ức về người sinh ra
mình, nhưng không phải ai cũng có thể viết về cha mẹ và không phải bài viết nào
cũng được lưu lại theo năm tháng.
Cuốn sách "Trần Tử
Bình từ Phú Riềng Đỏ tới mùa Thu Hà Nội… " do anh chị em trong gia đình
tôi bỏ công sức biên soạn cùng những buổi trò chuyện với các bác, các chú từng công tác với cha mẹ
tôi, những bài viết giản dị và trung thực về cha mẹ tôi chính là động lực khích
lệ ghi lại những điều tôi được biết về người sinh ra mình, để: gần thì để các
cháu trong gia đình biết thêm về ông bà, rộng hơn thì cho bạn bè, học trò tôi
biết thêm về những người họ tôn kính và ngưỡng mộ.
Cha
tôi
- Trung có những nét hao
hao giống ông già, tính tình cũng có nhiều điểm hấp thụ.
Thế là tôi yêu cầu chú kể
về cha tôi mà quên mất mình đang học. Chú Hà Ân có nhiều lần làm việc với cha
tôi. Ngoài tư liệu để viết cuốn "Phú Riềng Đỏ", chú biết nhiều về đời
tư và từng chặng đường cha tôi trải qua.
Lúc nhỏ cha tôi không chỉ
là một cậu bé ngỗ ngược mà luôn luôn tiềm ẩn một ý thức "bất phục"
hay "phản kháng" rồi có dịp là bộc lộ ra liền. Khi đang học ở Trường
dòng, ông vẫn tham gia tưởng niệm cụ Phan Chu Trinh mặc dù bị cấm. Ông chứng
minh với bạn đồng học là nước Thánh không thiêng bằng cách làm bẩn nước Thánh
để cha làm lễ, rồi muốn được ăn thịt lợn thì cho đỗ vào tai lợn để nó lắc đầu,
lộng óc mà bỏ ăn; hay muốn thịt chó thì lấy ớt cay trà vào đít chó để chó cứ
vừa ngồi vừa đi rồi bảo là điểm gở... Thật tiếc! Tôi cứ tưởng tượng những đứa
con và cháu tôi được nghe chính ông của chúng kể lại các "quái chiêu"
này thì chúng phải sướng mê.
Quá trình đi phu và hoạt
động ở Phú Riềng đã luyện cho cha tôi thành một con người đột biến. Một tiến sĩ
dân tộc học người Úc khi nghiên cứu về quá trình dịch chuyển dân tộc Việt Nam
cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã phải lấy cuốn “Phú Riềng Đỏ” làm cứ liệu để
khảo sát cho công trình của mình. Đại học Tổng hợp Ohio (Mỹ) khi nghiên cứu về
chính phủ Việt Nam (từ năm 1945) cũng đã dịch cuốn “Phú Riềng Đỏ” sang tiếng
Anh và viết ông là “ một trong 15 nhân vật tiêu biểu cần nghiên cứu” để hiểu rõ
chính phủ lãnh đạo Việt Nam. Rồi các điều kiện ra đời của Đảng Cộng sản Đông
Dương là: chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa yêu nước và phong trào đấu tranh của
công nhân, trong đó cuộc đấu tranh của công nhân cao su mà cha tôi là một trong
số những người lãnh đạo đã trở thành kinh điển. Dường như cái "địa ngục
trần gian" đó đã hun đúc cha tôi từ một thanh niên có khát vọng cá nhân
thành một nhân vật góp phần ảnh hưởng tới dân tộc.
Một ông anh rể trong họ
của gia đình có hỏi cha tôi: Vì sao khi nổi dậy, bọn chủ đồn điền hoảng sợ phải
bỏ chạy, ý nguyện của phu đồn điền đã thành hiện thực, mà ông và tổ chức không
củng cố lực lượng, rút vào miền rừng rộng lớn của miền Đông Nam Bộ mà xây dựng
căn cứ?, thì ông chỉ cười và trả lời:
- Có tính toán chứ. Cứ
nhìn lại cuộc khởi nghĩa của cụ Hoàng Hoa Thám hay các đội cai vì phẫn uất mà
nổi dậy, tạm thời thì đạt được ý đồ, nhưng lâu dài lại thất bại vì chưa gặp
thời vận.
Nghĩ về chi tiết đó, tôi
hiểu ra một lẽ lớn: cha tôi không hề bị ràng buộc hay lệ thuộc vào vấn đề cá
nhân manh động. Ông có ý thức cao về tổ chức, về mục tiêu của từng hành động,
ông đặt việc đấu tranh và cải thiện chế độ lao động và tiền công của phu đồn
điền lên trên hết. Chỉ cần thoả thuận được với chủ các yêu sách này là hoàn
thành nhiệm vụ, còn đối với bản thân phía trước là gông cùm, là tù đày, là cái
chết ông sẵn sàng chấp nhận. Ở tuổi 23, cùng chi bộ Đảng lãnh đạo cuộc nổi dậy
của 5.000 công nhân, đạt được nhiệm vụ đề ra ban đầu. Cha tôi là như vậy!
Tất nhiên, khi bị biệt
giam ở Côn Đảo, với kết luận của cơ quan Phòng Nhì Pháp: "Đây là một thành
phần có đầu óc nổi loạn" thì những ngón đòn tra tấn được sàng lọc từ các
thuộc địa, từ các thời kỳ lịch sử của bọn cai ngục đã trút xuống thân hình nhỏ
bé của cha. Nhiều “món” trong một ngày, nhiều lần trong một ngày, nhiều ngày
trong một tháng, và cứ như thế kéo dài hàng tháng. Thật cảm động và cao cả, có
lần tấm thân gày gò của cha tôi phải "nhận" các đòn chuyên nghiệp của
mấy thằng cai tù lực lưỡng, bác Tôn - lúc đó đang bị cầm tù, nhìn thấy - đã nằm
đè lên người cha tôi để chịu đòn thay. Hình như đó là sự khác biệt rất lớn giữa
những người tù cộng sản với các tù nhân khác. Tôi cũng biết ở đời nhiều người
khi thân thiết hoặc tri kỷ với nhau có thể chia ngọt xẻ bùi, nhưng "chịu
thay đòn tù" thì đây là lần đầu tôi biết.
Có một tình tiết tôi được
nghe từ một cán bộ cũ của Bảo tàng Cách mạng: Theo hồi tưởng của một cán bộ
lãnh đạo cao cấp của Đảng bị tù ở Côn Đảo thì trong tù, việc trau dồi lý luận
giữa các đảng viên Cộng sản được thực hiện theo sự phân công, để khi bất kỳ
đảng viên nào được ra tù (hoặc vượt ngục) là đã được trang bị thêm kiến thức
cho giai đoạn hoạt động tiếp theo. Phần lý luận không gặp nhiều khó khăn vì các
nguyên lý và phạm trù được truyền đạt tương đối thống nhất, phần kinh nghiệm
hoạt động và tổ chức thì khá thuận lợi vì các đảng viên bị đày ở Côn Đảo hầu
hết đều thuộc diện "nguy hiểm", tức là có cương vị nhất định từ các
miền đất nước. Riêng về vấn đề kinh tế thì quả là hóc búa. Thế là đảng viên nào
từng làm thợ, hoạt động ở công xưởng, đồn điền... đều phải tham gia. Với vốn
thực tiễn ở đồn điền cao su, cha tôi đã đóng góp vào "bài giảng kinh
tế" bằng kiến thức về các chế độ lương bổng, hình thức tổ chức, cách thức
điều hành một đồn điền nông nghiệp. Ở thời điểm cách mạng này, chủ yếu các đảng
viên nắm vững cách thức tổ chức đấu tranh chống lại giới chủ để thu hút lực
lượng theo cách mạng. Rất tiếc những tư liệu này không còn lưu giữ!
Một hòn đảo giữa đại dương
mênh mông ấy luôn thôi thúc cha tôi tìm cách vượt ngục, nhưng không một kế
hoạch nào thực hiện được. Rất có thể giai đoạn tù Côn Đảo là quãng thời gian
tập hợp thêm những hình thức vượt ngục, cộng với ý chí mãnh liệt sau này, ông
đã tổ chức thành công cuộc vượt ngục lịch sử tại Hoả Lò, Hà Nội vào tháng 3 năm
1945.
Có một lần tôi cùng chú Vũ
Thơ, chú Lê Đông về xã Sơn Lai, Nho Quan, Ninh Bình mừng địa phương đón nhận
danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Khi đến đoạn rẽ vào Trường Yên, chú Vũ
Thơ quay sang chú Lê Đông, hỏi:
- Ông có nhớ hồi 1943, tụi
mình, anh nào đi qua đây cùng phải cảnh giác và đã chuẩn bị sẵn tinh thần bị
bắt không?
Rồi ông giải thích:
- Đây là khu vực các con
đường đều đi qua. Lúc đó, trong hàng ngũ có kẻ phản bội mà chưa bị phát hiện.
Cha cháu là thượng cấp đã bị bắt. Trong trại giam ông mật báo ra cho các chú
phải hết sức thận trọng, thay đổi toàn bộ địa điểm liên lạc. Đề phòng trường
hợp xấu nhất sẽ bị bắt nên phải chuẩn bị trước những lời khai khi bị tra tấn và
hỏi cung. Đòn tù rất tàn bạo nên khó mà chịu mãi được, chỉ được phép nhận khai
sau vài ngày bị đánh. Nhưng lời khai đã chuẩn bị phải thuộc trong lòng, rất
chặt chẽ, không để ảnh hưởng đến cơ sở, tổ chức. Đó là kinh nghiệm xương máu và
sự từng trải của cha cháu qua nhà tù, đó là bài học cho các chú trên con đường
cách mạng đầy chông gai.
Cảnh thiên nhiên đi vào
Nho Quan thật là hùng vĩ mà thơ mộng, sơn thuỷ phân minh mà uẩn xúc, sông núi
tuy do trời đất tạo ra mà lại hữu tình vì nó hàm chứa tất cả những diễn biến
của lịch sử từ triều đại vua Đinh với những dấu ấn của thành cổ, cho đến ngôi
miếu cổ uy nghi là biểu tượng của một thiếu nữ đã được thần thoại hoá, hay dòng
Hoàng Giang mềm mại phẳng lặng như một dải lụa sáng nhưng chứa đựng những ngày
tháng quật cường sôi sục của Quận he Nguyễn Hữu Cầu... Thế "Bát lý quần
Hà"[2] tuyệt đẹp theo con mắt Kham dư.
- Phía trước mặt là bãi
Đính - Chú Vũ Thơ nói tiếp làm tâm trí tôi thoát ra khỏi tưởng tượng miên man -
Trên đó có chùa Đính rất thiêng, hàng năm có lễ hội vào mùa xuân, dân các nơi
về đông lắm. Năm 1941-1942, phong trào ở đây đi xuống do bọn Pháp và tay sai
đàn áp, lùng sục rất gắt gao. Cha cháu quyết định: "Trong những lúc khó
khăn như thế này mình phải làm một "sự kiện" để dân biết là chúng ta
vẫn luôn ở bên họ!". Rồi cha cháu chọn thời gian chùa Đính vào chính hội
để diễn thuyết. Các chú rất lo lắng vì làm thế quá mạo hiểm. Nhưng cha cháu đã
giải thích để các chú yên tâm: "Mình phải tỉnh táo. Thứ nhất, ở đây chưa
bao giờ tổ chức diễn thuyết nên bọn nó chưa có chuẩn bị trước. Thứ hai, chúng
ta đang hoạt động bí mật, nên làm một việc công khai ở chỗ đông người là một
đòn bất ngờ. Thứ ba, nếu có bọn chỉ điểm thì chỉ là số ít mà dân thì đông, mình
lại chuẩn bị trước; nếu thằng nào lộ mặt là mình "xử lý" luôn. Mình
cũng là dân cơ mà".
Theo lời chú Thơ kể, kế
hoạch được lập ra. Đội tự vệ của chú Thơ có vài chục người được chuẩn bị sẵn ớt
bột, vôi bột. Đúng ngày lễ, mọi người đến chùa Đính, rải khắp từ chân núi lên
đến chùa. Không có thằng lính dõng nào! Nhằm lúc dân tình dồn lại đông quanh
chùa, cha tôi mặc nhanh chiếc áo mới vào, bước đến trước cửa chùa, bắt đầu diễn
thuyết. Ông nói nhanh về niềm tự hào con Lạc cháu Hồng, về các triều đại anh
hùng của dân tộc, ông hỏi vì sao dân Nam phải khổ mà cứ chịu đựng mãi, ông kêu
gọi mọi người có dịp là vùng lên thì mới thoát khỏi đói nghèo, thì mới xứng
đáng với ông cha... Cuộc diễn thuyết kéo dài chừng năm, bảy phút. Tự vệ vây
quanh thềm thành hai vòng. Diễn thuyết xong, cha tôi bước xuống, cởi nhanh
chiếc áo rồi hoà vào dòng người. Dân chúng nhốn nháo, ồn ào về sự việc bất ngờ vừa diễn ra. Trên đường xuống, có bà
cụ già vừa đi vừa nói: "Hôm nay vua Đinh hiện về, khuôn mặt tươi tắn, thân
thái uy nghi. Lâu lắm Ngài mới lại trở về. Chắc có điềm lành?".
Trong thời kì hoạt động bí
mật, cha tôi mang nhiều bí danh khác nhau. Nghề mang nhiều bí danh nhất là nghề
y như Ký Tiêm, Lang Minh, Lang Khói. Ông đi chữa bệnh cho dân để dễ bề hoạt
động. Tuy không giỏi và không được học bài bản, nhưng có lẽ mảnh đất Bình Lục
quê tôi vốn nổi tiếng với nghề bán thuốc gánh đến tận các thôn xóm cùng với khí
chất nhanh ý thông minh vốn có đã tạo thêm cho ông phương tiện trong quá trình
hoạt động.
Một dấu mốc lịch sử mà
nhiều thế hệ trước rồi đến thế hệ của cha tôi và cả những người thuộc thế hệ
sau đã nằm xuống đều vươn tới bằng ý chí, tinh thần và thể xác, đó là sự thành
công của Cách mạng tháng Tám, nền độc lập thực sự của một dân tộc thoát khỏi
ách nô lệ. Được sống trong không khí của những ngày cách mạng đã là niềm
vinh dự, được thực hiện nhiệm vụ cụ thể trong hàng loạt công tác giành
chính quyền là niềm tự hào, và cha tôi - một trong những người nhận sứ
mệnh cao cả ra quyết định lịch sử, biến quyết định đó thành bước ngoặt vĩ đại
của cả dân tộc, để ngày 2 tháng 9 năm 1945, một hình thái Nhà nước mới của dân
tộc Việt Nam ra đời. Như nhà sử học Dương Trung Quốc nói: "Sự kiện lịch sử
đòi hỏi phải có nhân vật lịch sử cùng với những nhân chứng lịch sử."
Một sớm chủ nhật đầu tháng
12 năm 2004, tôi được tiếp chú Nguyễn Văn Bồng - một học viên Trường Võ bị Trần
Quốc Tuấn, một đảng viên được cha tôi kết nạp, người “thờ sống” cha tôi vì coi
cha tôi là người sinh ra chú lần thứ 2 khi ông tham gia công tác "sửa
sai". Chú vui vẻ mở tờ Quân đội Nhân dân, nói:
- Số báo ra ngày 28 tháng
11 có bài viết về các đội tự vệ vũ trang, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Quân
đội. Mở đầu bài báo nói về lực lượng vũ trang đầu tiên ở Nam Kỳ do ông Trần Tử
Bình tổ chức, đó là Xích vệ đội. Đây chính là nòng cốt đưa cuộc nổi dậy của
5.000 công nhân cao su đến thắng lợi. Đọc xong chú vui quá. Đêm qua nằm mơ thấy
được gặp Tướng Bình…
Cùng với những hoạt động
xây dựng cơ sở cách mạng, cha tôi luôn luôn xây dựng những tổ chức tự vệ, thành
lập những chiến khu quân sự như Ngọc Trạo, Quỳnh Lưu, Hoà - Ninh – Thanh, chuẩn
bị lực lượng vũ trang giành chính quyền. Rồi ngay sau khi vừa giành được chính
quyền, ông lại nhận nhiệm vụ xây dựng trường đào tạo quân sự đầu tiên, chuẩn bị
cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Chiến dịch Sông Lô (thu đông năm 1947) gắn liền
với tên tuổi của hai vị tướng Lê Thiết
Hùng và Trần Tử Bình. Năm 1948, cha tôi được Bác Hồ ký quyết định phong tặng
quân hàm Thiếu tướng, ông là một trong 11 vị tướng đầu tiên của Việt Nam. Khi
nói về cha tôi, chú Trần Độ thường dùng cụm từ "Ông Bình là một tướng
trận"!
Cha tôi từng giữ trọng
trách Phó Tổng Thanh tra rồi Tổng Thanh
tra quân đội kiêm Phó Tổng Thanh tra Chính phủ. Vụ phá án H122 rồi vụ xử án Đại
tá Trần Dụ Châu… gắn liền với lịch sử của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đến nay
vẫn còn nguyên giá trị. Các chú khi đến chơi vẫn gọi đùa cha tôi là Bao Công.
Xin được ghi lại một kỷ
niệm nhỏ giữa bác Nguyễn Lương Bằng và cha tôi - hai “ông thanh tra”. Vào một
ngày nghỉ năm 1957, hai ông rủ nhau ra "chợ giời" Hà Nội mua bàn ghế,
giường tủ cho gia đình. Trong nhiều năm tiết kiệm đồng lương của mình, cha tôi
có một khoản tiền đủ mua hai chiếc giường, hai chiếc tủ, hai bộ bàn ghế. Nhưng
đặc biệt ở chỗ đều là đồ đạc đã dùng rồi. Bác Bằng cũng mua như vậy. Hai ông
đứng đầu cơ quan Thanh tra nhà nước sống liêm khiết như thế đó!
Năm 1958, theo sự thống
nhất của hai nước, cha tôi sang Trung Quốc làm Đại sứ. Cái tên Việt Trung của
tôi là dấu mốc của giai đoạn này. Lúc này tuổi đã ngoài 50, công việc ngoại
giao rất bận rộn, rất ít khi về nước, sống độc thân nên cha đã viết thư cho mẹ
tôi muốn đưa một đứa con sang sống bên cạnh cho vui. Anh chị tôi lúc đó đang là
học sinh phổ thông, vậy là mẹ tôi gửi tôi - đứa con thứ tám, út ít, chưa đi học
- sang với cha.
Tôi vẫn nhớ như in cảnh Sứ
quán Việt Nam, nơi cha tôi gắn bó 8 năm cuối đời. Ngoài toà nhà chính làm việc
là dãy nhà cao tầng cho cán bộ cùng hai biệt thự phía sau. Ở giữa là hai vườn
nho, vườn cây, dọc bên trái là vườn đào, phía sau còn có một vườn rau. Một hôm
cha đi vắng, chú Phú (cần vụ của cha) bắt tôi học chữ nhưng để một mình trong
phòng rồi khoá cửa lại. Không biết chữ thì làm sao mà tự học được, nhất là
tiếng Việt có cả nguyên âm và phụ âm ghép(!). Thế là tôi tìm cách trốn ra
ngoài. Cửa khoá, tôi phải mở cửa sổ trèo ra. Rất may căn phòng ở tầng trệt nên
chỉ lần theo tường một đoạn là tôi nhảy xuống đất. Cả ngày tôi không về mà ra
vườn rau của ông Lý Hoa nhổ vài củ cà rốt rồi chui vào vườn nho ăn. Chiều tối,
cha tôi về nhưng không thấy con đâu. Chú Phú tất tưởi đi tìm cả khu tập thể mà
không thấy. Bằng trực giác, cha như cảm nhận được nơi tôi đang ẩn. Ông vừa đi
vừa gọi quanh khu vườn: "Tám ơi, về nhà với cha!". Cho đến lúc chạng
vạng tối, chờ cho ông đến gần tôi mới chui ra. Nhìn thấy bóng tôi, ông lao đến
ôm vào lòng. Ông không nói gì. Còn tôi cảm thấy có những giọt nước âm ấm chảy
dài trên má. Về đến phòng, ông gọi chú Phú lên và nói tôi kể lại đầu đuôi câu
chuyện. Nghe xong, ông nói với chú:
- Chị gửi cu Tám sang đây
để anh có một đứa ở cùng cho đỡ buồn. Chú bắt cháu học là đúng nhưng học mà
không dạy thì có học được không? Nó sợ bỏ trốn cả ngày không ăn uống gì. Chú
xem chú làm như vậy tôi có hài lòng không?
Chú Phú im lặng, có phần
sợ. Hình như cha mẹ nào cũng vậy, khi quá sót thương con mình dễ mất bình tĩnh
và hơi "thiên vị" chăng? Tôi vẫn nhớ, đêm đó cha chăm chút cho tôi
hơn mọi khi, nhưng ánh mắt ông buồn buồn. Nửa đêm tôi mê ngủ và tè dầm, cha
phải lục tục dậy thay đệm và quần cho tôi, miệng lẩm bẩm:
- Con tôi cả ngày sợ quá
nên ngủ mê đây.
Rồi tôi ngủ thiếp đi không
biết giấc ngủ có trở lại với cha không. Sáng hôm sau, trước khi đi làm, cha nói
với tôi:
- Tuần sau con sẽ đi mẫu
giáo với trẻ con Trung Quốc chứ không ở nhà nữa, cuối tuần cha đón về.
Từ khi lọt lòng mẹ, tôi
không có cha bên cạnh. Lên 3 tuổi tôi đi Trại Nhi đồng miền Bắc, cuối tuần anh
Chiến hay anh Lợi đạp xe xuống đón về, được chơi một ngày ở nhà. Bây giờ được
sang Bắc Kinh lại không được sống gần cha mà phải đi mẫu giáo cả tuần. Hình như
số phận của tôi là như vậy, được sống với cha quá ít!
Đầu năm 1967, cha về Việt Nam
gấp để họp Trung Ương. Lúc này, ba anh em bé nhất nhà đang sơ tán ở Hà Đông.
Chiều thứ bảy, tôi ra xe điện về Hà Nội. Cha đang ở nhà, thấy tôi về gọi tôi
lên gác và cho nằm bên cạnh. Gần hai năm rồi mới được nằm bên cha, tôi có cảm
giác vừa thích vừa sợ. Nhưng đó lại là lần cuối cùng tôi được gần cha. Đúng
chiều hôm đó, cha bị cảm, đi cấp cứu. Rồi sau đó một tuần, cha ra đi mãi mãi.
MẸ TÔI
Là một thiếu nữ con ông đồ
dạy chữ Nho vào buổi "Thi khoa cử đã hết, chữ thánh hiền còn dư", lại
tươi tắn, da trắng, răng đen mà các cụ gọi là "mỏng mày hay hạt", mẹ
tôi bị ông ngoại nhận lời gả cho một nhà có của đôi chút cần thêm người làm.
Nghe mẹ kể chú rể đó kém
mẹ 4-5 tuổi, nên mẹ bỏ ra ở chùa làng, rồi được giác ngộ cách mạng và thoát ly.
Mẹ tham gia cách mạng năm
1936, trở thành đảng viên Cộng sản năm 1939 (khi đó mới 19 tuổi). Thoát ly hoạt động cách mạng tức là
rời bỏ gia đình, sống ở địa phương khác, mang tên khác, tự lao động hay ở với
một gia đình nào đó để dễ bề hoạt động. Tuy ở với gia đình cơ sở nhưng mẹ tôi
quan niệm là họ cưu mang mình nên rất biết ơn. Địa bàn hoạt động của bà là Hà Nam,
Nam Định, Ninh Bình và Thái Bình.
Một lần đi công tác, tôi
dừng ở bến phà Tân Đệ và nhớ lại câu chuyện mẹ kể khi mật thám bắt hụt. Đường
từ Nam Định sang Thái Bình “độc đạo”, phải qua bến phà Tân Đệ. Giải treo 3.000
đồng bạc Đông Dương cho ai chỉ và bắt được người phụ nữ tên là Tân (lúc này mẹ
tôi là Uỷ viên Ban cán sự tỉnh Hà Nam). Bà đã bị mật báo trước về tuyến đường
và thời gian di chuyển, bẫy đã cài sẵn chỉ chờ đối tượng lọt vào là sập. Bến
phà Tân Đệ không rộng, hai bên đường xuống phà có vài hàng quán bán nước, đằng
sau dọc đê là các bãi ngô, mía trồng theo mùa. Khi đến gần phà Tân Đệ, mẹ tôi
rất cảnh giác. Hôm đó bà cải dạng làm người đi buôn thúng hàng vặt, đầu đội
nón, tay cắp thúng, mắt bôi ít pho-mát giả toét. Khi đến bến phà, quan sát
nhanh thấy dăm người ăn mặc khác với nhân viên nhà phà, mắt nhìn lơ láo vào đám
người đang chờ phà, mẹ tôi sinh nghi. Bà quyết định sẽ không xuống phà nữa.
Nhưng rút đi lúc này phải thật khéo, nếu không sẽ bị phát hiện ngay. Bà ngồi
xuống cạnh một bà bán quán nước, hỏi chuyện vui vẻ như đã quen nhau lâu lắm.
Rồi bà nói xin đi tiểu nhờ. Mấy tay chỉ điểm nhìn người mới đến, tai nghe câu
được câu chăng nên không để ý. Khi khuất ra sau nhà, mẹ tôi lách nhanh qua rặng
dâm bụt làm rào, lủi vào ruộng ngô hướng về phía luỹ tre xa. Phà cập bến, người
xe lên hết đến lượt người xuống. Bọn chỉ điểm nhìn kỹ từng mặt người xuống phà.
Người xuống thưa dần mà không thấy bà Tân đâu. Khi sực nhớ tên chỉ vội chạy lên
hỏi bà bán nước thì mẹ tôi đã đi xa.
Suốt những năm tháng hoạt
động bí mật, khi thì tổ chức họp kín, lúc thì đến vùng mới xây dựng cơ sở,
thành lập chi bộ, bị đuổi bắt vài lần, bị mật báo cũng không ít, thế mà mẹ tôi
không bị bắt lần nào. Hình như gông cùm, trại giam vẫn còn kiêng nể mẹ hoặc sự
mẫn cảm bẩm sinh đã kéo mẹ thoát khỏi những nguy hiểm cận kề.
Mẹ tôi gặp cha tôi năm
1941 ở Ninh Bình. Câu nói "Chị Tân, tôi với chị kết hợp nhé!" của cha
tôi là lời khai sinh cho gia đình tôi sau này. Dù cho sự chia cách, tù đày,
nguy hiểm đến với cha mẹ tôi cũng không ngăn cản được kết quả tất yếu của lời
"cầu hôn" này.
Tháng 6 năm 1945, mẹ tôi
về Hưng Yên, trực tiếp lãnh đạo cướp kho thóc của Nhật ở Đống Long, Kim Động.
Trong tình hình chết đói quá nhiều, sự kiện phá kho thóc Nhật thể hiện sức mãnh
liệt và sự sẵn sàng của nhân dân. Phong trào đã đẩy lên một bước thành cao
trào, mẹ tôi như một thủ lĩnh với nhiều huyền thoại.
Mẹ tôi sinh được tám anh
chị em, nhưng nếu mà trọn vẹn thì là mười! Chị cả so với tôi - em út - cách
nhau 15 tuổi. Năm 1967, khi cha tôi mất, mẹ mất ngủ liền 6 tháng, phần vì
thương tiếc cha, phần vì lo cho đàn con đông lại đúng thời buổi chiến tranh.
Đến năm 1968, bác sĩ Tôn Thất Tùng khám và nói: mẹ tôi bị u ác tính ở ngực.
Tiên liệu cho chuyện xấu nhất có thể xảy, mẹ đã gặp các đồng chí trong Ban Tổ
chức Trung ương, bạn bè cùng hoạt động cách mạng để bàn giao lại những đứa con
yêu thương. Rồi mẹ sang Bắc Kinh chữa bệnh, căn bệnh được xác định là nan y.
Tôi còn nhớ một hôm, vào
giữa năm 1969, Vụ Tổ chức - Cán bộ (Bộ Ngoại thương) gọi chúng tôi lên, cho may
cho quần áo mới và nói sang gấp Bắc Kinh để gặp mẹ. Thế là với đất Bắc Kinh,
tôi lại có duyên - lần đầu sang gặp cha, lần sau sang gặp mẹ. Mừng thật nhưng
cũng rất lo vì đoán bệnh tình mẹ đã nặng. Lúc chúng tôi vào bệnh viện Nhật Đàn,
mẹ không hề hay biết. Cửa vừa mở ra, thấy lũ con ùa vào mà mẹ ngồi lặng đi bên
bàn nước và nghĩ mình đang nằm mơ. Sau khi nhận ra đó là thực tại thì mẹ vui
lắm, nhưng không hiểu tại sao lại có sự việc như "mơ" này. Hay là
bệnh tình đã đến giai đoạn cuối?
Cuối năm 1973, sau khi sức
khoẻ đã ổn định, mẹ về nước làm việc, giữ cương vị Trưởng ban Thanh tra Bộ
Ngoại thương. Mẹ đề nghị tổ chức và lãnh đạo bộ cho làm việc ở một đơn vị yếu
kém nhất để vực lên trước khi nghỉ hưu. Mẹ được chỉ định làm Bí thư Đảng uỷ
Công ty Mây tre xuất khẩu Barotex. Năm 1975, khi đất nước thống nhất, sau khi
tổ chức lại công ty và đề bạt một loạt cán bộ trẻ, mẹ tôi vào miền Nam, xuống
các tỉnh để khôi phục nghề mây tre. Tết độc lập đầu tiên (1976), mẹ không ăn
Tết ở nhà mà lăn lộn với các cơ sở sản xuất địa phương miền Nam, với quyết tâm
xuất khẩu được hàng mây tre. Nghị lực, ý chí và sự gương mẫu của mẹ đã được bù
đắp xứng đáng: Công ty Barotex trở thành đơn vị xuất sắc trong ngành và được
thưởng lẵng hoa của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng vì thành tích xuất khẩu. Như
vậy đề đạt của mẹ tôi được trọn vẹn. Mẹ gặp Ban Tổ chức Trung ương xin được
nghỉ hưu trong niềm vui của một người Cộng sản hoàn thành nhiệm vụ trong sự
nghiệp xây dựng đất nước.
Là con người yêu lao động,
quen làm việc, mẹ bảo tôi đan chuồng thỏ để mấy mẹ con chăn nuôi, vừa lao động
cho khoẻ mạnh, vừa tăng gia có thịt ăn, lại vừa bán được để có thu nhập. Những
lúc thỏ chuẩn bị đẻ, hai mẹ con tôi dọn ổ, thắp đèn và cố đoán xem lần này được
bao nhiêu con. Những ngày gia đình tụ họp liên hoan thường có món thịt thỏ của
mẹ, Rồi chúng tôi xây chuồng để mẹ nuôi lợn. Nghĩ lại mà không thể quên hình
ảnh phải "nông thôn hoá thủ đô" khi hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn -
rất vui vẻ khi lợn chóng lớn, lo lắng đến mất ngủ khi lợn bỏ ăn lăn ra ốm, đó
là tâm trạng của "nông dân đường nhựa". Cũng có người khi thấy bà
nhặt rau ở đầu phố không khỏi xót xa và khuyên đừng làm vì là vợ một ông tướng
và lại là cán bộ lão thành(!). Nhưng mẹ nói: mình yêu lao động và phải tự lo
kinh tế thời buổi khó khăn, điều đó có gì là xấu! Bà nhặt nhạnh từng mẩu cành khô, quét quáy lá rụng đem
phơi khô để dành đun cám lợn. Nhớ cái đêm anh Ngân xin được cặp lợn bột giống
của anh Đồng (người chỉ huy dựng cột truyền hình Tam Đảo) về, mẹ vẫn thức chờ. Ngắm
nhìn cặp lợn giống hồng hào, mơn mởn mẹ
sung sướng nói: “Mẹ nuôi mát tay lắm. Cặp lợn này sẽ chóng lớn”. Thật buồn cười
nhớ lại khi mẹ chuẩn bị bán lợn, lợn được ăn bữa cuối cùng thật ngon và thật
no, lại được uống nước đường cho "mát ruột"! Thế mà mấy lão đồ tể,
trước khi trói lợn cứ xua cho con vật - nặng cỡ một tạ, lồng lên từ góc chuồng
này tới góc chuồng kia, để nó thải ra tối đa những gì không giữ được trong thân
xác! Rồi lúc đứng cân, bọn tôi đứa thì nhìn mặt cân cho tỏ, đứa vừa đứng gánh
vừa theo dõi xem bọn lái có dùng chân đẩy đít lợn lên cho nhẹ cân không!
Chúng tôi, từng người một
đều dần trưởng thành. Tám anh chị em lần lượt tốt nghiệp đại học và có gia đình
riêng, nhưng vẫn cùng nhau chia sẻ mái ấm 99 Trần Hưng Đạo. Gánh nặng trên vai
mẹ cũng từng năm vơi đi. Những lúc nhìn tôi và anh Nghị luyện võ giao đấu ngoài
sân, mẹ tôi rất thích thú. Hình như bà nhìn thấy “gien” của những đứa con được
thừa hưởng từ cha là một ông tướng và từ mẹ là một nữ thủ lĩnh đi đầu phong
trào khởi nghĩa. Lại có lúc mẹ nhìn tôi viết chữ Nho, nghe tôi đọc “Tam tự
Kinh” mà hồi tưởng lại thuở ấu thơ chỉ được đứng ngoài cửa liếp nghe ông ngoại
giảng về kinh sách, chứ không được ngồi vào chiếu học, vì "con gái học chữ
chỉ để viết thư cho giai!".
Ôi, cuộc sống của gia đình
tôi có rất nhiều kỉ niệm qua từng thời kỳ, với mỗi thành viên ký ức riêng có
thể khác nhau nhưng về cha mẹ thì đều chung một lòng tôn kính, tự hào.
Năm đứa cháu trai của gia
đình lần lượt ra đời. Chúng là thế hệ thứ ba của gia đình và là sức mạnh của
một dòng họ, tôi tin như thế. Nhưng quan trọng hơn, đó là niềm vui của mẹ tôi,
một điều mà mẹ sẽ không có nếu như cha tôi không vượt qua được những năm tháng
tù đày, mẹ không may mắn thoát khỏi căn bệnh viêm màng não thập tử nhất sinh,
hay căn bệnh nan y - u ác tính. Cho đến khi đứa con gái đầu lòng của tôi chào
đời là mẹ tôi đã có đủ cháu nội, cháu ngoại, cháu trai, cháu gái.
Cha tôi nói với mẹ trong
việc hướng nghiệp cho con cái, rằng: "Con trai thời chiến phải đi bộ đội,
thời bình phải làm kinh tế" và mẹ đã theo đúng như vậy, kể cả khi cha còn
sống và khi đã đi xa. Đối với bà, ông là một người chồng, một người anh, một
thượng cấp và là một người thầy.
THAY LỜI KẾT
Một dịp vào năm 1983, tôi
đến luyện võ với anh Võ Hồng Nam, con út bác Võ Nguyên Giáp. Khi biết tôi là
con út của cha Trần Tử Bình, bác Giáp nói:
- Cha cháu có nhiều công
đóng góp cho quân đội, là một tướng đầu tiên cùng đánh trận với bác, làm thanh
tra quân đội nữa…
Vị tướng già mắt nhìn xa
xăm, nhớ lại một người đồng chí cũ, một nhân vật riêng biệt trong số hàng trăm
người đã làm việc với ông trong mấy cuộc chiến. Còn cô Hà, vợ bác, thì nói vui:
- Cha mẹ cháu sinh con
nhiều - đứng đầu Trung ương, mà dạy con thì gương mẫu trong Trung ương. Các cô
các chú vẫn nhắc đến điều này để làm gương học tập.
Khi còn sống, theo mẹ kể
lại, cha tôi nói với mẹ: "Cuộc sống vợ chồng, vì nhiệm vụ cách mạng, thời
gian anh ở với em quá ít. Sau này khi chết, mình phải chôn một lỗ!". Trộm
nghĩ, những nhận xét trên xin dành cho cha mẹ tôi, ước muốn trên sau bao năm đã
thành hiện thực.
Anh chị em chúng tôi đang
sống đúng với điều cha mẹ dạy dỗ: sống có ích, trung thực, rộng rãi, chân thành
và tự trọng. Bản thân tôi dường như đang làm tiếp những điều cha tôi yêu thích
là võ thuật, y thuật và kinh tế.
Được như vậy, cha mẹ tôi
thật sự toại nguyện với những mơ ước của cuộc đời: dân tộc được giải phóng, gia
đình con cháu được sống hạnh phúc.
Đọc bài Trung viết về cha đến đoạn cha đi tìm Trung ở ngoài vườn...,Phúc không cầm được nước mắt.Cha là người rất tình cảm,hiểu biết và sâu sắc.Mẹ là người giản dị,chân thành,độ lượng và nhân ái.Thật may mắn cho chúng ta thế hệ con cái,cháu chắt được thừa hưởng của cha mẹ,ông bà,các cụ những phẩm chất quý giá đó.
Trả lờiXóaHạnh Phúc
nếu có kiếp sau và được chọn lựa, con vẫn sẽ chọn là con của cha & mẹ......
Trả lờiXóa