Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

"Phú Riềng đỏ" - Hạt giống của phong trào cộng sản miền Đông Nam bộ


“PHÚ RIỀNG ĐỎ” - HẠT GIỐNG ĐỎ CỦA

PHONG TRÀO CỘNG SẢN MIỀN ĐÔNG NAM BỘ

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bình Phước



            Tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội do Nguyễn Ai Quốc sáng lập ở Quảng Châu (Trung Quốc) vào tháng 6 năm 1925 là một đoàn thể cách mạng có xu hướng Mac-xít, làm nhiệm vụ tuyên truyền tư tưởng cách mạng vô sản vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước, chuẩn bị những tiền đề chính trị - tư tưởng - tổ chức cho sự ra đời của chính đảng vô sản ở Việt Nam. Cũng từ đây, Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội thực hiện một cuộc vận động lớn - cuộc vận động “vô sản hóa”. Tất cả các đảng viên thanh niên đi về nông thôn, nhà máy, hầm mỏ, đồn điền… lao động, thâm nhập vào quần chúng để tuyên truyền giác ngộ cho họ về còn đường giải phóng, con đường cách mạng. Từ môi trường của người lao động mà các đảng viên thanh niên được “vô sản hóa” về lập trường tư tưởng của chính mình. Các đồn điền cao su miền Đông Nam Bộ được Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội chọn làm địa bàn chủ yếu để thực hiện “vô sản hóa”.


Phú Riềng cùng với Dầu Tiếng là một trong hai đồn điền lớn của Công ty cao su Michelin, ra đời năm 1917. Ở đây có đội ngũ công nhân đông đảo từ những lớp phu được tuyển mộ từ miền Trung và miền Bắc vào. Từ cuối năm 1927 đến đầu năm 1928 đã có nhiều cuộc đấu tranh, tuy không mang lại kết quả bao nhiêu nhưng làm chấn động dư luận. Điển hình là sự kiện 120 công nhân nổi dậy chém chết tên Chánh giám thị Monte vào tháng 10 năm 1927. Tiếp theo là cuộc kiện ra toà tên Valentin – một giám thị người Pháp - kiếm chuyện đánh chết anh Nguyễn Văn Chánh - một cai làng có tinh thần giúp đỡ, che chở cho công nhân.

Những cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền Đông Nam Kỳ nói chung và Phú Riềng nói riêng trong những năm 20 của thế kỷ XX tuy thất bại nhưng đã giúp họ ngày càng nâng cao nhận thức về kẻ thù, về ý thức giai cấp và dân tộc, đặt cơ sở cho sự ra đời của tổ chức cách mạng trên mảnh đất này.

Thực hiện chủ trương “vô sản hóa” của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội mà trực tiếp là đồng chí Ngô Gia Tự, đồn điền Phú Riềng được chọn là một trong ba trọng điểm xây dựng cơ sở Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Nam Kỳ (cùng với Xưởng đóng tàu Ba Son ở Sài Gòn và Vĩnh Kim ở Mỹ Tho). Đồng chí Nguyễn Xuân Cừ, quê ở Bắc Ninh, là học sinh Trường Bưởi, có bằng tú tài, sớm giác ngộ cách mạng, được cử đến “vô sản hóa” ở đồn điền cao su Phú Riềng đầu năm 1928. Người đầu tiên anh tìm bắt liên lạc là Trần Tử Bình - công nhân làm việc tại trạm xá, người nổi tiếng trong các cuộc đấu tranh của công nhân cao su Phú Riềng trước đây. Trần Tử Bình là một nhân tố tiến bộ, dũng cảm, hạt nhân quy tụ khối đoàn kết trong công nhân, trong các cuộc đấu tranh ngay từ những ngày đầu rời quê hương Bình Lục, Hà Nam vào Phú Riềng làm phu.

Sau một thời gian tuyên truyền, phát triển đến tháng 4 năm 1928, chi hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội của đồn điền Phú Riềng được thành lập do đồng chí Nguyễn Xuân Cừ là Bí thư. Chi hội làm nòng cốt cho nhiều cuộc đấu tranh của công nhân và là tổ chức cách mạng có xu hướng cộng sản lãnh đạo phong trào công nhân cao su đồn điền Phú Riềng. Đến ngày 28 tháng 10 năm 1929, từ những thành viên nòng cốt này, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Gia Tự - cán bộ xây dựng cơ sở của Đông Dương Cộng sản Đảng ở Nam Kỳ, một chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời. Chi bộ Phú Riềng là chi bộ Cộng sản đầu tiên của Bình Phước và của Ngành Cao su Việt Nam.

Lúc đầu chi bộ có sáu đảng viên: Nguyễn Xuân Cừ (Bí thư), Trần Tử Bình, Phan Thu Hồng, Hòa, Tạ và Doanh. Nhưng quần chúng tích cực thì khá đông, nhất là thành viên của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Vì vậy, sau khi chi bộ ra đời, Đội xích vệ cũng được thành lập trong thanh nhiên công nhân, do Trần Tử  Bình phụ trách. Một số tổ chức quần chúng khác như hội hương tế, hội cứu tế, hội thể thao, hội văn nghệ… thu hút nhiều công nhân và nhân dân quanh đồn điền. Trên cơ sở ấy, đến cuối năm 1929, tổ chức Công hội Đỏ Phú Riềng được thành lập. Đây là một trong hai tổ chức công hội đỏ duy nhất ở Nam Kỳ dưới sự lãnh đạo của Đông Dương Cộng sản Đảng[1]. Lần đầu tiên trong phong trào công nhân cao su, vừa thành lập xong chi bộ Cộng sản đã xây dựng ngay tổ chức công hội. Trên cơ sở Công hội đỏ, chi bộ mở rộng công tác phát triển Đảng. Nhân kỷ niệm lần thứ 12 Cách mạng tháng Mười Nga, chi bộ đã kết nạp đảng viên mới Nguyễn Mạnh Hồng. Từ đây, chi bộ đẩy mạnh công tác đào tạo các “hạt giống đỏ” cho các đồn điền trong khu vực. Cuối năm 1929, đồng chí Nguyễn Xuân Cừ bị Pháp trục xuất vì “nghi vấn làm chính trị”. Đồng chí phải thôi việc về Sài Gòn hoạt động bất hợp pháp. Nhiệm vụ Bí thư chi bộ được giao lại cho đồng chí Trần Tử Bình.

Sau những bước phát triển đột biến  về tổ chức, những cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền Phú Riềng đã nổ ra nhiều hơn và hiệu quả hơn. Quy mô lớn nhất là cuộc tổng bãi công do chi bộ Phú Riềng lãnh đạo.

Ngày 3 tháng 2 năm 1930, 5.000 công nhân thực hiện tổng bãi công với các khẩu hiệu: cấm đánh đập, chống cúp phạt, đòi miễn sưu thuế, trả lương cho công nhân bị tai nạn lao động, trả về quê cũ những phu hết hạn giao kèo, trả tự do cho những người bị bắt… Ngay khi tổng bãi công nổ ra, chủ đồn điền cương quyết không chấp nhận yêu sách; không những thế chúng còn cho binh lính ở đồn binh Phú Riềng đến đàn áp. Tuy một công nhân bị đánh chết, một số bị bắt nhưng anh em ý thức được rằng, muốn đòi quyền lợi cho mình thì phải có hành động bạo lực, với sức mạnh của công nhân 10 làng tham gia đấu tranh, với khẩu hiệu mới “Chủ sở không chấp nhận, quyết không đi làm!”. Thấy thái độ và hành động cương quyết của công nhân, bọn chủ đồn điền và một số lính Pháp đã hốt hoảng bỏ chạy. Bọn cai trốn tháo để tránh đòn thù của công nhân. Một số thì co lại chờ cứu viện chứ không dám hành động. Trước sức mạnh của cuộc đấu tranh, chủ sở Soumagnac phải chấp nhận giải quyết các yêu sách bằng việc lập biên bản được kí kết giữa chủ và thợ. Thừa thắng, ban chỉ đạo đấu tranh cử công nhân chiếm giữ kho tàng, lục soát giấy tờ và đốt hết các bản giao kèo, hợp đồng cưỡng bức lao động ngay tại sân chủ sở. Một bộ phận khác di chuyển kho lương thực, cất giấu vào rừng. Khí thế cách mạng lên cao, lôi kéo hết thảy công nhân các làng và cả dân chúng tham gia. Toàn bộ đồn điền Phú Riềng chuyển thành “khu đỏ” của công nhân dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng.

Trước tình hình này, Xứ uỷ Nam Kỳ đã kịp thời chỉ đạo chi bộ Phú Riềng chuyển cuộc đấu tranh từ chỗ đã vượt ra ngoài khuôn khổ đấu tranh chính trị trở lại công khai hợp pháp. Chi bộ kịp thời chỉ đạo chuyển hướng đấu tranh, tránh manh động nhưng vẫn duy trì được phong trào, bảo toàn lực lượng cách mạng.

Ngày 6 tháng 2 năm 1930, cả Thống đốc Nam Kỳ, Chánh mật thám Đông Dương và Phó tỉnh trưởng Biên Hoà cùng 300 lính lê-dương, 500 lính khố đỏ, xe bọc thép đến uy hiếp tinh thần công nhân và sẵn sàng nã súng thanh toán “khu đỏ”. Nhưng chúng đã không thực hiện được ý đồ, vì chi bộ Phú Riềng đã lãnh đạo công nhân chủ động đấu tranh ôn hòa, không có gì để chúng hành động. Dưới sức ép của công nhân buộc chủ đồn điền và Thống đốc Nam Kỳ phải chấp nhận một số yêu sách.

Cuộc tổng bãi công của công nhân cao su Phú Riềng đấu tranh anh dũng trong 8 ngày, mở đầu từ ngày 30 tháng giêng và kết thúc ngày 6 tháng 2 năm 1930, đã giành được thắng lợi to lớn, ảnh hưởng rộng rãi và để lại những bài học sâu sắc, làm rung chuyển cả hệ thống địa ngục cao su Đông Dương, làm chấn động báo chí trong nước và nước Pháp. Bài học quý nhất của cuộc đấu tranh là biết nổ ra đúng lúc, giành thắng lợi và bảo toàn lực lượng cách mạng.

Sự xuất hiện “Phú Riềng Đỏ” chứng tỏ một khi đấu tranh của công nhân có sự lãnh đạo của tổ chức Đảng Cộng sản thì phong trào sẽ phát huy được bản chất sáng tạo của lực lượng quần chúng, làm xuất hiện những nhân tố mới, khả năng mới để phát triển cách mạng. Qua đó dự báo nhiều khả năng phát triển của phong trào công nhân, đồng thời chứng minh năng lực lãnh đạo, uy tín lãnh đạo của chi bộ Phú Riềng nói riêng, Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung. Điều đó đã chứng tỏ đây là khả năng thực tế chứ không còn trên lí thuyết, vì thế nó cho phép giai cấp công nhân yên tâm đặt lòng tin tuyệt đối vào Đảng của mình trong cuộc cách mạng mưu cầu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp.









[1] Ngày 28-7-1929, tổ chức Công hội đỏ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập. Đến cuối năm 1929 ở Nam Kỳ đã có 2 tổ chức công hội của công nhân: Công hội đỏ Sài Gòn - Chợ Lớn và Công hội đỏ Phú Riềng, làm cầu nối giữa Đảng và phong trào công nhân do Đảng lãnh đạo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.