Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

QUẢ PHÚC


QUẢ PHÚC

                                                                                                            Việt Y Thiên Tích

Là một lương y, tuy sống và làm việc nhiều năm trong các cơ quan nhà nước dưới chế độ mới, nhưng được sinh ra lớn lên rồi tự lập trong một gia đình Nho y, tôi vẫn nhìn nhận và đánh giá các sự việc trong cuộc sống theo “quan niệm” của mình.

Đầu năm 1992, khi chữa cho một bệnh nhân là con dâu út của một gia đình cán bộ cách mạng, tôi có dịp đến chơi và làm quen với các thành viên trong gia đình ông bà Trần Tử Bình. Mối quan hệ giữa tôi với gia đình ngày thêm gắn bó.


Tôi được gặp bà Bình (tên bà là Hưng) lúc đó đã nghỉ hưu và đã ngoài 70 tuổi, cái tuổi thất thập cổ lai hy. Biết tôi đang là Chủ tịch Hội Y học cổ truyền Trung ương, lại đang “truyền nghề y” cho con trai út của mình, bà rất trân trọng và phấn khởi. Hôm đó, đang ngồi ngoài sân dáng bộ an nhàn trên một chiếc ghế song, bà bảo con lấy ghế và nước rồi mời tôi ăn trầu. Thế là “miếng trầu là đầu câu chuyện” chứ không phải “phù lưu tống khách”[1]. Khi rõ quê tôi ở Hưng Yên thì câu chuyện càng thân mật hơn. Bà cho tôi biết bà rất gắn bó với mảnh đất Hưng Yên vì đó là quê hương “thứ hai” của chồng bà sau khi phải đi tha hương khỏi quê Bình Lục vì ông hoạt động cách mạng, rồi bà còn lãnh đạo dân Kim Động cướp kho thóc của Nhật, giành chính quyền năm 1945, một điều mà chính cánh đàn ông chúng tôi ở thời buổi đó cũng mấy ai làm nổi! Bà còn cho tôi biết, thời kỳ chiến tranh Giôn-xơn, bà đã sơ tán xí nghiệp may mặc xuất khẩu về Hưng Yên, đến khi hết bom đạn thì bà bàn giao các xí nghiệp đó cho tỉnh Hưng Yên để làm nền tảng phát triển công nghiệp. Tôi nhận thấy người phụ nữ đó vừa kiên cường, vừa mạnh mẽ nhưng lại rất hồn hậu, giản dị. Là con một ông đồ có môn sinh tại nhà, bà đã ảnh hưởng ít nhiều tinh thần Nho học, nhất là ở thời buổi tao loạn, đó là “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”[2], rồi lại thoát ly hoạt động cách mạng thời kỳ bí mật thì quả là gan dạ. Với tính cách của bà, tôi tin là bà rất dễ dàng gần gũi hòa mình với quần chúng để thu hút lôi cuốn mọi người cùng làm theo mình.

Xét về mặt thời thế thì bà Bình là một trong số ít những người phụ nữ đã lập nghiệp và định được vị trí của mình trong cuộc đời.

Nhưng tôi còn nhìn nhận bà ở góc độ “một mệnh phụ và hiền mẫu”. Là vợ của một vị tướng đầu tiên của quân đội, một cán bộ cao cấp của Đảng, nhưng ứng xử của bà rất bình dị và ấm cúng (chứ không đài các khó gần!), ngôn ngữ từ tốn giản đơn (chứ không kiêu ngạo khoe khoang!), thái độ chân thành mộc mạc (chứ không trống rỗng giả tạo!), cách cư xử như vậy dễ cảm hóa và thu hút mọi người. Người phụ nữ như vậy xưa kia gọi là “vượng phu”, tức là có khả năng giữ uy tín và danh tiếng cho chồng hoặc gánh vác công việc trong gia đình để chồng có thể yên tâm làm trọn những trọng trách đối với quốc gia.

Tôi cũng hay gặp gỡ các anh chị em trong gia đình. Lễ độ, thân mật, quan tâm chu đáo, lạc quan, cởi mở, có chừng mực là đặc trưng chung mà tôi nhận thấy trong tính cách. Người xưa có nói “Phúc đức tại mẫu”, bà Bình đã thay chồng giáo dục nghiêm khắc một đàn con tám người cả lúc ông còn sinh thời hay đã khuất, và cả đàn con đó vào thời buổi khó khăn đều tốt nghiệp đại học, đều trưởng thành và sống có nhân cách tốt. Người phụ nữ làm được một điều như vậy với con cái ở đời cũng không nhiều, bà xứng với tứ đức mà cha ông vẫn nói “Công, dung, ngôn, hạnh”.

Tuy có nghe tên ông Trần Tử Bình đã lâu, nhưng ông mất sớm vào năm 1967 nên khi tôi đến với gia đình thì chỉ gặp bà Bình và các con. Vậy là với ông tôi chỉ “Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”[3]. Nhưng rồi tôi đã nhìn thấy hình ảnh, hơn nữa là chân dung của ông Bình một cách sống động và trung thực qua các bài tham luận, các bài phát biểu của những nhân chứng đã sống và làm việc với ông Bình trong buổi lễ tưởng niệm ông do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức ngày 21 tháng 8 năm 2004, nhân kỷ niệm 59 năm Cách mạng tháng Tám.

Ông vào đời ở tầng lớp cần lao, bần cùng mà đã lãnh đạo thành công cuộc nổi dậy của hơn 5.000 phu đồn điền Phú Riềng vào năm 1930 ở tuổi 23 thì quả là võ công phi thường!

Phân tích, đánh giá, thử nghiệm để kiểm tra tình hình, ông Bình và một số ít cán bộ đầu não đã đón đúng thời cơ và chủ động lãnh đạo giành chính quyền tại Hà Nội rồi các tỉnh ở Bắc bộ, tạo đà cho sự thành công tại các tỉnh thành trong cả nước để Cách mạng tháng Tám trở thành bước ngoặt trong lịch sử dân tộc. Tôi cứ nghĩ hai chữ “thời thế” và “anh hùng”, trong trường hợp này cả hai chữ đều xuất hiện cùng thời điểm thì đại nghiệp mới thành.

Trên chặng đường lịch sử tiến về phía trước, những cái đúng cái tốt rất nhiều, mà cái sai cái lầm cũng có. Thường thì sửa sai là việc khó nên ít người muốn làm hoặc có khả năng làm, rồi sửa sai mà những người bị oan vẫn được minh oan và lấy lại cho họ niềm tin thì khó gấp bội. Qua các nhân mối tôi thấy ông Bình đã làm được cái khó đó.

Người xưa có nói “Sứ ư tứ phương bất nhục quân mệnh”[4] và người Việt Nam hầu như ai cũng biết quan hệ bang giao giữa Việt Nam với Trung Hoa quan trọng như thế nào trong lịch sử, nhất là đang trong thời kỳ chống Mỹ. Qua những mối quan hệ, rồi kết quả viện trợ của Trung Hoa cho Việt Nam, ông Bình xứng đáng là một nhà ngoại giao có tài.

Đến một gia đình, người xưa hay tế nhị quan sát xem cách ứng xử của cha với con, ông với cháu. Nếu gia phong được giữ gìn, thái độ cư xử hòa thuận có trên dưới trước sau thì đó là nhà có phúc. Đối với gia đình ông bà Trần Tử Bình, tôi thấy được quả phúc này: Cha mẹ là những nhân vật có công lao đối với đất nước, con cái là những người đang góp sức xây dựng đất nước và duy trì truyền thống gia đình văn hóa lành mạnh, trong sạch, các cháu học hành ngoan ngoãn lễ phép, có tương lai. Nhìn vào con cháu, tôi nghĩ ông Bình đã đặt được một nền tảng của “Đức thụ truyền gia” và bà Bình đã xây nền tảng đó bằng “Nghĩa phương giáo tử”[5].

Viết vài dòng này, tôi xin thắp một nén tâm nhang tưởng nhớ ông bà Trần Tử Bình, những người đã cống hiến cả cuộc đời cho đất nước Việt Nam của chúng ta.

                                                                                                               Hà Nội, tháng 8-2006







[1] Mời trầu tiễn khách.
[2] Giàu có nhưng không tham, nghèo khổ không đổi tính, uy vũ không khuất phục.
[3] Nghe thấy tên mà không gặp mặt.
[4] Người đi sứ các nơi không để vua bị nhục.
[5]Trồng cây đức cho gia tộc “ và “Dạy con sống có nghĩa”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.