NHÀ SỐ 99
Nhà báo Hữu Việt
Nằm ở quãng cuối phố Trần Hưng Đạo.
Biệt thự xây từ thời Pháp. Bước qua cổng sắt gặp một tán khế xanh đang sà xuống.
Trong sân có thêm cây trứng gà. Một bà lão phúc hậu thường ngồi sưởi nắng. Tên
bà là Nguyễn Thị Hưng, phu nhân Lão tướng quân Trần Tử Bình…
Bạn bè con cái bên mẹ tại nhà 99 tháng 10/1986. |
Trong căn hộ nhỏ ở Varsava, hai võ sư
đang quần nhau bằng những đường võ vô cùng nhu nhuyễn, tinh xảo và đẹp mắt. Họ
giành giật từng “xăng-ti-met” khoảng cách, tiến lui không ngoan nhượng, nhưng
thủy chung không vượt ra ngoài phạm vi một vuông chiếu. Bạn hãy thử hình dung,
vào một buổi sáng tĩnh lặng, yên bình, bên ngoài lá cây xanh mướt, chỉ nghe
thấy tiếng quyền phần phật, bám đuổi nhau như bóng với hình, hẳn sẽ hút mắt hút
hồn bạn? Một người là anh - Trần Hữu Nghị, vừa từ Nga sang ; một người là em -
Trần Việt Trung, vừa từ Hà Nội đến. Hai người đều là em của Trần Kiến Quốc…
* * *
Ký ức như những thước phim quay chậm,
không theo thứ tự thời gian, lần lượt hiện lên trong đầu khi tôi nhận lời viết
vài hồi ức nhỏ tham gia vào một cuốn sách lớn : “Trần Tử Bình – Từ Phú Riềng
Đỏ đến mùa Thu Hà Nội”.
Tôi thuộc lớp hậu sinh. Ngày ông Trần
Tử Bình và các đồng chí của ông cùng nhân dân Hà Nội đứng lên làm cuộc cách
mạng kinh thiên động địa, từ đây khai sinh một Nước Việt Nam mới thì tôi chưa
ra đời. Khi tôi đến tuổi để chỏm thì ông đã ra đi. Gần 30 năm sau, trong một
lần mưu sinh xa Tổ quốc tôi có duyên quen biết và gắn bó với các con trai ông
là các anh Quốc, Nghị, Trung. Về Hà Nội, tôi thường xuyên qua lại ngôi nhà số
99 Trần Hưng Đạo để học hỏi và luyện tập. Vì thế nên mới được gặp bà Nguyễn Thị
Hưng.
Đến bây giờ tôi vẫn nhớ hình ảnh bà
Hưng ngồi ngoài sân, lưng thẳng, tay tì lên cây gậy, miệng bỏm bẻm nhai trầu.
Bà ít nói, khi nói thường nói chậm, giọng của người già, trầm và nhỏ. Tôi nhớ
có lần mấy anh em tập võ cạnh cái bể nước, cười đùa rất to. Bỗng nghe thấy một
tiếng gọi nhỏ, nhưng uy nghiêm: “Này,” và một cánh tay khoan thai vẫy lại gần:
“Tập thì tốt, nhưng nói nhỏ thôi, bà mệt.”. Hóa ra từ trên gác bà đã xuống đây
tự lúc nào, ngồi quan sát chúng tôi. (Về sau tôi mới biết, tuổi già bà đang
phải vật lộn với bệnh tim và cao huyết áp). Xem thêm một lúc nữa, bà đứng dậy,
chậm rãi đi ra cổng. Khi quay lại, trên tay bà cầm mấy chùm bánh gai: “Này,” -
bà gọi - “Các cháu ăn đi, ngon lắm, bà cho.”. Chị Minh, vợ anh Trung, biết
chuyện, bảo: “Tính bà thương người. Ra đường thấy người nghèo, nhất là những
người từ nông thôn đi bán quà quê, bà thường mua giúp. Bánh gai bà hay mua lắm,
đặc sản quê bà mà.”.
* * *
Tháng 4 năm 1945, dẫn đầu đoàn quân
phá kho thóc Nhật chia cho dân nghèo ở Đống Long (Kim Động, Hưng Yên) là một
phụ nữ trẻ. Tên chị là Nguyễn Thị Ức, phụ trách Mặt trận Việt Minh huyện Kim
Động. Ngày 19 tháng 8 năm 1945, ông Trần Tử Bình (khi ấy là Thường vụ Xứ ủy Bắc
Kỳ) đã cùng các đồng chí của mình lãnh đạo thành công cuộc khởi nghĩa cướp
chính quyền ở Hà Nội. Biết được tin này,
chị Ức đã cùng Ủy ban Quân sự cách mạng Kim Động lãnh đạo nhân dân nổi dậy cướp
chính quyền huyện lị. Tiếp sau đó chị tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở
tỉnh. Chị Ức chính là bà Nguyễn Thị Hưng. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành
công, bà đã lấy bí danh “Hưng” để kỷ niệm những ngày hoạt động ở tỉnh Hưng Yên.
Trong giai đoạn cách mạng ấy, có lẽ
hiếm thấy những cặp “đồng chí chồng, đồng chí vợ” như ông bà Trần Tử Bình -
Nguyễn Thị Hưng. Ông bà không chỉ là những người đồng chí chung lý tưởng mà còn
trực tiếp lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa, chồng Hà Nội – vợ Hưng Yên. Cuộc đời
của ông bà gắn liền với những sự kiện quan trọng của một giai đoạn cách mạng
hào hùng nhất trong lịch sử dân tộc. Ông trở thành một trong mười một vị tướng
đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam; bà là người phụ nữ vừa làm tròn bổn
phận người vợ, người mẹ lại vừa có những đóng góp xuất sắc cho cách mạng. Ông
bà sinh được 8 người con - 6 trai và 2 gái. Khi ông mất (năm 1967), bà đã thay
ông gánh vác việc nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành trong giai đoạn đất
nước còn chiến tranh, rồi tới những ngày tháng khó khăn khi đất nước gần như
kiệt quệ về kinh tế ở giai đoạn trước Đổi mới.
Ngạn ngữ Nga có câu: “Gần mặt trời thì sáng,
gần mẹ hiền thì ấm”. Còn nhà văn Mac-xim Gor-ki viết trong Những mẩu chuyện
nước Ý : “Không có mặt trời thì hoa không nở, không có tình yêu thì không
có hạnh phúc, không có đàn bà thì không có tình yêu, không có Người Mẹ thì cả
nhà thơ, cả anh hùng đều không có!”.
Nếu trên thế gian này có từ nào đẹp nhất
thì đó chính là từ Me. Người mẹ nhân từ và nghiêm khắc, dịu dàng và can đảm, bao
dung và sâu sắc, thu lại như giọt nước, mở ra thành biển rộng trời cao, cưu
mang, bao bọc những đứa con trước những bất trắc cuộc đời, truyền cho chúng
nghị lực, lòng tự hào và kiêu hãnh làm người.
Anh Nghị kể lại: ngày còn bao cấp, đi
học ở Nga về anh đóng được thùng hàng thập cẩm các loại hàng hóa tiêu dùng cùng
với sách vở theo tiêu chuẩn. Bà Hưng hỏi đấy có phải hàng “buôn lậu” không. Nếu
đúng thì bà không cho đem vào nhà. Bà sẽ báo công an. Cả nhà phải giải thích
mãi, bà mới nghe ra sau một hồi căn vặn. Câu chuyện tuy nhỏ nhưng thể hiện nhân
cách của người cán bộ ngày xưa, chân thật nhưng luôn có thái độ kiên quyết với
cái xấu trong bất cứ hoàn cảnh nào. Dù cuộc sống có khó khăn đến mấy thì tiền
bạc và của cải cũng không thể làm lay chuyển được bản chất con người. Đó cũng
là tư tưởng nhất quán của bà trong việc giáo dục các con. Tám người con của ông
bà trải qua hai cuộc chiến tranh, vượt qua những thời kỳ khó khăn của đất nước,
bây giờ đều đã trưởng thành và thành đạt.
Anh Nghị có một người con gái nhỏ, tên
gọi yêu trong nhà là Bồ Nông. Cháu ít nói, hay tha thẩn chơi một mình,
gương mặt có nét thuần hậu, chân thật, ngây thơ. Mọi người nhận xét: “Trông
giống bà Hưng thế!”. Thói quen của người cầm bút khiến tôi thử hình dung về
“nhân vật” của mình thời thiếu nữ. Đó hẳn là một cô gái nông thôn thuần phác,
hiền lành, có sức khỏe và đầy nghị lực. Như bao phụ nữ Việt Nam thời bấy giờ,
bà đến với cách mạng một cách tự nhiên và trong sáng, cống hiến tuổi thanh xuân
của mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Là
người vợ, bà đã quán xuyến tốt việc nhà để chồng - một cán bộ cao cấp của Đảng
và Nhà nước - yên tâm công tác. Bà đã đi trọn cuộc đời cách mạng của mình.
* * *
Công việc làm báo cho tôi điều kiện
được đọc, tìm hiểu khá nhiều tư liệu, biên tập một số bài viết về ông Trần Tử
Bình. Trong phòng khách ngôi nhà số 99 Trần Hưng Đạo có treo bức ảnh ông mặc
quân phục, đeo quân hàm cấp tướng. Ông là nhân vật lịch sử mà tôi rất kính
trọng cho dù không có may mắn được tiếp kiến. Nhưng ở một góc độ nào đó, tôi đã
được “gặp” ông qua bà Hưng và các anh, các chị Yên Hồng, Kháng Chiến, Thắng Lợi,
Kiến Quốc, Thành Công, Hữu Nghị, Hạnh Phúc,
Việt Trung – những người con của ông. Viết về ngôi nhà số 99 Trần Hưng Đạo và
những người thân của ông mà mình đã từng gặp gỡ ở đó, âu cũng là một cách hình
dung của lớp hậu sinh về các bậc cách mạng tiền bối. Và để vững tin làm tiếp
những việc thế hệ trước để lại, theo cách của mình và phù hợp với thời đại mình
đang sống.
Hà Nội, tháng 8-2006
Hữu Việt ơi ,
Trả lờiXóa"tán khế xanh đang sà xuống" , nét văn hay quá em ! rất hay là anh có ngay một bức ảnh (photo) về đúng tán khế xanh này. Anh muốn "nịnh" bài viết của em, post bức ảnh này vào đúng dòng đầu tiên của bài viết này. Làm sao đây ông Biên tập và ông chủ biên, hướng dẫn đi - tôi làm ngay !