THAY CHO LỜI KẾT
Cuối năm 2001, Chủ tịch nước kí quyết
định truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho ông Trần Tử Bình. Tháng giêng năm
2002, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, thừa uỷ quyền Chủ tịch, trao tấm
huân chương cho gia đình. Đây là phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước đối với
công lao của ông.
Đang triển khai làm chân dung các
tướng lĩnh trong quân đội, Đại tá Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Chi Phan (Trung tâm
truyền hình quân đội) đưa ra ý tưởng thực hiện bộ phim vidéo tư liệu “Thiếu
tướng Trần Tử Bình - người công giáo yêu nước”. Ngày 17 tháng 3 năm 2002, anh
đã có mặt tại thành phố Hồ Chí Minh, triển khai quay những thước phim đầu tiên.
Nhóm làm phim đã gặp gỡ nhiều nhân chứng lịch sử - các ông Lê Trọng Nghĩa,
Hoàng Xuân Tuỳ, Nguyễn Thọ Chân… và về thăm thị xã Thủ Dầu Một, thủ phủ miền
đất đỏ cao su, nơi có đường phố mang tên Trần Tử Bình. Sau đó trở ra Bắc, đoàn
đến xã Tiêu Động, Bình Lục, Hà Nam lấy tư liệu của ông tại quê nhà. Ít ngày
sau, trong chương trình Giáo dục quốc phòng của Truyền hình quân đội, bộ phim
tư liệu được lên sóng.
Những năm qua, Hội Khoa học Lịch sử
rất thành công trong việc tôn vinh các danh nhân lịch sử. Gia đình đã gặp gỡ,
trao đổi với Tổng thư ký Dương Trung Quốc về việc tổ chức lễ tưởng niệm cho lão
đồng chí Trần Tử Bình và nhận được sự ủng hộ. Chúng tôi triển khai ngay với Ban
liên lạc truyền thống khóa 1-2-3 Võ bị Trần Quốc Tuấn mà trực tiếp là đồng chí
Nguyễn Văn Bồng. Ngày 20 tháng 3 năm 2003, gia đình cùng hai cựu chiến binh
Nguyễn Văn Bồng, Bùi Đức về thăm lại Trường Sĩ quan Lục quân 1 - đơn vị đầu
tiên ông Trần Tử Bình công tác ngay sau ngày 2 tháng 9 năm 1945. Nhà trường
đóng quân trên vùng đất trung du, không xa sân bay Tông (thị xã Sơn Tây), nơi
mà Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khai giảng khóa đầu tiên và được đón Bác Hồ về
thăm ngày 26 tháng 5 năm 1946. Trường có một cơ ngơi rộng rãi, khang trang với
nhiều giảng đường, thao trường khá hiện đại. Nhìn những gương mặt trẻ trung,
thông minh của các học viên đang luyện tập trên thao trường mà các cựu chiến
binh không khỏi bồi hồi nhớ lại một thời! Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, Phó giám
đốc Chính trị, nhiệt tình đón tiếp và rất ủng hộ việc sưu tầm tư liệu bổ sung
cho truyền thống nhà trường. Cảm động hơn khi được thăm nhà bảo tàng và xem lại
những kỉ niệm về Chính uỷ Trần Tử Bình cùng đồng đội cách đây già nửa thế kỷ.
Việc tôn vinh tên tuổi ông không thể
tách rời quê hương nơi đã sinh ra và lớn lên. Ngày 28 tháng 8 năm 2003, chúng
tôi về thăm Hà Nam. Tuy đang bận rộn quy hoạch lại thị xã Phủ Lý nhưng Tỉnh uỷ
Hà Nam vẫn dành thời gian tiếp đãi và đón nhận ý kiến của gia đình.
Đầu năm 2004, Đại tướng Võ Nguyên Giáp
vào Nam chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ngày 5 tháng 1 năm
2004, chúng tôi đến thăm ông tại Nhà khách Trung ương T78. Thật vui vì gặp cả
bà Đặng Bích Hà - phu nhân Đại tướng, Đại tá Hoàng Minh Phương - nguyên phiên
dịch của ông trong chiến dịch Điện Biên Phủ, và bà Nguyễn Thị Lê Vân - vợ lão
đồng chí Vũ Tuân, bạn tù Hỏa Lò của ông Trần Tử Bình. Tuy đã qua tuổi 90 nhưng
Đại tướng vẫn không quên kỉ niệm của những ngày gian khổ cùng sống trên chiến
khu Việt Bắc. Ông chậm rãi nhắc lại:
- Năm 1947-1948, anh Trần Tử Bình là
Phó bí thư Quân uỷ Trung ương còn bác là Bí thư. Cha các cháu có nhiều đóng góp
cho dân tộc. Với quân đội, ông là người có công trong việc xây dựng công tác
Đảng, công tác chính trị… Hôm rồi các cháu có gửi qua Hữu Thành cái ảnh cũ mà
bác đã tặng cha cháu năm 1953. Đó là thời gian có vụ “Phản tỉnh” xảy ra ở
Trường Lục quân Việt Nam...
Nghe kể lại chuyện cũ mà cảm động và
thêm khâm phục trí nhớ tuyệt vời của Đại tướng. Ông ân cần thăm hỏi con cháu
ông Bình sinh sống ra sao. Biết chúng tôi đều trưởng thành và là những người có
ích cho xã hội, ông rất mừng. Bà Hà còn vui vẻ nhắc lại kỷ niệm xưa: “Cô nhớ
cha các cháu xuất thân là dân công giáo. Ông rất dí dỏm và hay kể chuyện tiếu
lâm giữa những lúc nghỉ giải lao trong hội nghị Quân uỷ. Điều này làm cho mọi
người thêm lạc quan, yêu đời giữa lúc cuộc sống kháng chiến còn đầy gian khổ…”.
Khi biết gia đình có ý định tổ chức lễ
tưởng niệm cho ông Trần Tử Bình, Đại tướng rất ủng hộ và nhận lời viết bài tham
luận.
Sau khi thống nhất kế hoạch với Hội Sử
học, chúng tôi đã liên hệ với bạn chiến đấu của ông bà qua các thời kì. Tuy
tuổi tác đã cao, khả năng viết lách đã giảm nhưng với tình cảm chân thành với
đồng đội xưa mà hàng chục lão đồng chí đã nhận lời gửi bài tham luận. Kỷ niệm
suốt các thời kì bí mật, Cách mạng Tháng Tám đến cuộc kháng chiến chống Pháp,
chống Mỹ được tái hiện.
Lễ tưởng niệm đồng chí Trần Tử Bình
được tổ chức trọng thể tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam vào ngày 21 tháng 8 năm
2004. Hơn 250 khách mời đã tới dự. Nhiều cơ quan thông tấn, báo chí (Quân đội
Nhân dân, Tiền Phong, Hà Nội mới, Đài truyền hình Hà Nội…) đã tới đưa tin. Đặc
biệt Tiền Phong Chủ nhật và Tạp chí “Xưa và Nay” đã đăng tải nhiều bài tham
luận.
Nhân kỉ niệm 60 năm Cách mạng Tháng
Tám 1945, Đài truyền hình Việt Nam đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “60 năm:
Những thông điệp từ quá khứ”. Qua dẫn dắt của nhà báo Trần Uy với sự tham gia
của nhân chứng lịch sử Lê Trọng Nghĩa, nhà sử học Dương Trung Quốc và tiến sĩ
Nguyễn Sĩ Dũng, buổi giao lưu trực tuyến đã có những đánh giá đúng đắn vai trò
lịch sử vĩ đại của quần chúng cách mạng cùng vai trò các cá nhân trong Thường
vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ và Uỷ ban khởi nghĩa Hà Nội - dũng cảm, cương quyết chớp thời
cơ, tiến hành Tổng khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội.
Khi vào Thư viện Quốc gia, chúng tôi
đã tìm được bài “Khi lửa mới nhen” của nhà báo Thép Mới, viết về Phú Riềng Đỏ,
đăng trên Báo Nhân Dân ngày 3 tháng 3 năm 1958. Riêng vụ án Trần Dụ Châu mà các
ông Trần Tử Bình, Chu Văn Tấn tham gia xét xử được ghi lại trong bài viết của
nhà báo Hồng Hà nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Công an Nhân dân năm 2005.
Cảm động hơn khi gia đình nhận được bài “Từ Trường Quân chính Việt Nam đến lớp
“rèn cán, chỉnh quân”” của Thiếu tướng Trần Văn Giang; trong đó có kể về vụ
gián điệp “Hát xăng vanh đơ” xảy ra những ngày đầu kháng chiến chống Pháp mà
chính ông là người trong cuộc…
Nhiều ảnh tư liệu quý được các ông Lê
Quý Quỳnh, Nguyễn Huy Hoà, Nguyễn Tuân, Trần Văn Cử, Phan Vân, Vũ Thơ, Lê Trọng
Khang, Nguyễn Huy Văn, Hà Ngọc Quế và gia đình các lão thành cách mạng Bùi Lâm,
Nguyễn Sơn, Chu Văn Tấn, Nguyễn Khang, Trần Độ… gửi đến. Đặc biệt chị Nguyễn
Tường Vân, con gái lão đồng chí Sao Đỏ Nguyễn Lương Bằng, đã giúp gia đình lục
tìm trong lưu trữ của Bảo tàng Hồ Chí Minh những tư liệu lịch sử vô giá.
Những ngày hè 2006, thế hệ thứ ba trong gia đình đã xây dựng xong trang Web
http://en.wikipedia.org/wiki/Tran_tu_binh
(tiếng Anh) và http://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%95ng_kh%E1%BB%9Fi_ngh%C4%A9a_H%C3%A0_N%E1%BB%99i
(tiếng việt)
để giới thiệu những tư liệu lịch sử về ông bà. Các cháu đã xứng đáng kế
thừa truyền thống tốt đẹp của gia đình!
Nhân ngày 27 tháng 7 năm 2006, gia
đình cùng đại diện Công đoàn Cao su Việt Nam và Ban Khoa giáo Trung ương có
cuộc gặp gỡ, trao đổi với Ban Tuyên giáo tỉnh Bình Phước về nội dung cuốn sách.
Tỉnh uỷ Bình Phước coi đây là một tài liệu quý không chỉ cho lịch sử Ngành Cao
su Việt Nam mà còn cho lịch sử tỉnh nhà. Cũng dịp này, chúng tôi về thắp hương
tại đài tưởng niệm Phú Riềng Đỏ và thăm Công ty cao su Đồng Phú. Tại đây, gia
đình nhận được nhiều tư liệu quý.
Sát ngày kỷ niệm 61 năm Cách mạng
tháng Tám năm 1945, chúng tôi có cuộc gặp mặt thú vị với Giáo sư Trần Văn Giàu,
bạn tù Côn Đảo và là người thầy lý luận cách mạng của ông Trần Tử Bình. Tuy đã
95 tuổi nhưng ông vẫn nhớ như in những năm tháng giam cầm cách nay ngót 80 năm.
Cuộc viếng thăm đã cung cấp nhiều thông tin quý báu cho cuốn sách.
Dù ông bà Trần Tử Bình ra đi đã lâu
nhưng đồng chí đồng đội vẫn dành cho họ những tình cảm nồng thắm. Đó là những
giá trị tinh thần vô giá, là niềm tự hào mà gia đình có trách nhiệm xây dựng
truyền thống cho thế hệ mai sau.
Đó chính là những gì mà cuốn sách phần
nào đã thể hiện!
Ban biên tập xin chân thành cảm ơn Đại
tướng Võ Nguyên Giáp, bà quả phụ Trần Kiếm Qua, các nhà báo Hoàng Tùng, Thép
Mới, Hồng Hà, các giáo sư Vũ Khiêu, Trần Văn Giàu, Nhà sử học Hà Ân, các nhà
văn Trần Hà, Vân Giang cùng các lão đồng chí Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Thọ Chân,
Vũ Thơ, Phan Văn Phán, Vũ Đình Bản, Hoàng Xuân Tuỳ, Nguyễn Văn Bồng, Nguyễn Cao
Vỹ, Đinh Tường, Nguyễn Xuân Bơn, Nguyễn Trung, Dương Văn Khái, Vũ Thuần, Phạm
Ngạc, Phan Vĩnh Đôn và các tướng lĩnh trong quân đội: Trung tướng Lê Quang Đạo,
Trung tướng Đỗ Trình, Thiếu tướng Trần Thế Môn, Thiếu tướng Trần Văn Giang,
Thiếu tướng Lê Chiêu, Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc, Đại tá Lê Trọng Nghĩa, Đại tá
Hoàng Minh Phương, Đại tá Nguyễn Văn Hiếu, Đại tá Đoàn Sự, Đại tá NSƯT Dương
Minh Đẩu, Trung tá Nguyễn Nguyên Huân, GS - TS Đỗ Long, GS Lý Tân Hoa và các
anh Trần Văn Thản, Lê Thanh Bình, Nguyễn Thanh Danh, Trần Hữu Việt… đã đóng góp
bài vở cho cuốn sách “Trần Tử Bình - Từ Phú Riềng Đỏ đến mùa Thu
Hà Nội…”!
Khi biên tập, chúng tôi đã cố gắng sắp
xếp những hoài niệm về Thiếu tướng Trần
Tử Bình theo trình tự thời gian nhưng e rằng không tránh khỏi những khiếm
khuyết. Mong được các tác giả thông cảm!
Xin cảm ơn Đại tá nhà báo Phạm Đình
Trọng, Đại tá giám đốc Nguyễn Nam Điện cùng Công ty in Báo Quân đội Nhân dân 2,
Hoạ sĩ Phan Khương cùng đồng nghiệp của
Công ty Ý Vàng, Biên tập viên Nguyễn Thái Sơn đã giúp gia đình biên tập, thiết
kế và in ấn cuốn sách đạt chất lượng cao!
Xin cảm ơn Nhà xuất bản Lao Động đã
cho tái bản lần thứ hai Hồi ký cách mạng “Phú Riềng Đỏ” và Công đoàn ngành Cao
su đã có những đóng góp về vật chất để cuốn sách kịp đến tay bạn đọc đúng vào
dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Công nhân cao su Việt Nam - 28 tháng 10 năm 2006.
Một lần nữa xin chân thành cảm ơn Hội
khoa học Lịch sử Việt Nam, Tỉnh uỷ tỉnh Bình Phước, Tổng công ty Cao su cùng Công
đoàn ngành Cao su Việt Nam, Ban liên lạc truyền thống Võ bị Trần Quốc Tuấn,
Tổng cục Chính trị, Bộ Ngoại giao, Trường Sĩ quan Lục quân I… đồng chí đồng đội
của ông bà Trần Tử Bình cùng gia đình các lão thành cách mạng đã dành cho chúng
tôi những tình cảm tốt đẹp này!
Trân trọng!
Trần Kháng Chiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.