Chú Nghĩa vốn thân tình với cha từ ngày cùng là tù chính trị Hỏa Lò 1944-45 vì cùng là dân Công giáo. Cụ Trần Đăng Ninh là ủy viên Trung ương, Bí thư Xứ ủy; còn cha, cụ Lê Tất Đắc là Xứ ủy viên... bị bắt. Trong tù, các cụ có uy tín. Cha phụ trách chung, còn chú Nghĩa làm đối ngoại. Cha giao cho chú Nghĩa nhiệm vụ bảo vệ cụ Ninh khi trèo tường vượt Hỏa Lò vào đêm 10/3; còn cha tổ chức cho khoảng 100 tù chính trị chui cống ngầm vào đêm 12/3/1945.
Tổng khởi nghĩa 19/8/1945, cha trực Thường vụ Xứ ủy ở Hà Đông. Hai anh em lại gặp nhau và cùng tham gia lãnh đạo khởi nghĩa ở HN. Chưa kể những năm sau này (từ 1947) cùng công tác ở Bộ Tổng (chú làm Chánh văn phòng Bộ Tổng tư lệnh, Văn phòng Quân ủy, rồi là Cục trưởng Cục Quân báo từ 1950). Những năm 1960, cô chú ở 93 Lý Nam Đế, hay qua nhà 38 Trần Phú lấy cơm tập thể (do chú Ba Xó nấu). Cha mẹ quý cô chú.
Năm 1968, chú "bị nạn", phải "đi nghỉ" tới tận 1975. Vậy mà chú chả thèm kêu ca, phàn nàn. Hơn nữa, cô Thảo vợ chú (1 nữ sinh, 1 chiến sĩ Việt Minh - Hoàng Diệu 1945) rất kiên cường và là chỗ dựa vững chãi cho chú.
Sau 1975, cô chú vào sống ở TpHCM. Đầu những năm, giới nghiên cứu chuyên môn, nhất là Hội KH Lịch sử VN đã dũng cảm "lật lại nhiều vấn đề", trong đó nhắc tới vai trò cá nhân trong các sự kiện lịch sử của dân tộc.
Trong Uỷ ban QSCM HN ngày Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 (Nguyễn Khang, Nguyễn Quyết, Nguyễn Duy Thân, Trần Quang Huy, Lê Trọng Nghĩa cùng cố vấn Trần Đình Long và Thường vụ Xứ ủy Trần Tử Bình) đến đầu 2000 chỉ còn sót lại 2 người: chú Nghĩa và chú Quyết. TTK Hội KHLS Dương Trung Quốc phát hiện ra điều đó và anh tích cực "khai thác" nguồn "tư liệu sống" từ chú Nghĩa.
Gia đình ta vì thân quen đã nhờ chú viết những bài về cha và chú Nguyễn Khang trong Tổng khỡi nghĩa, nhân dịp Lễ tưởng niệm đ/c Trần Tử Bình và 60 năm Cách mạng Tháng Tám (1945-2005).
Sáng nay thấy điện thoại rung chuông, nhìn ra là số máy chú Nghĩa. Chú nói: "Tôi muốn gặp anh vì muốn tặng cuốn sách của tôi, có nhiều tư liệu về ông Trần Tử Bình mà anh có đóng góp". (Nghĩ bụng, phận con cháu chỉ là trách nhiệm!). Phải trà lời: "Cháu rất vui nhưng phải xin lỗi chú không đến được vì đang ở TpHCM. Hẹn chú, Việt Trung em cháu sẽ thay mặt gia đình tới thăm chú".
Chú năm nay đã 90, còn minh mẫn nhưng sức khỏe yếu, nhất là phổi: "Thời tiết dạo này đảo điên lắm, tôi hay bị mệt". "Chú ơi, 90 như chú mà không mệt mới là lạ. Ông cứ giữ gìn sức khỏe".
Ngày ở HN, chú, cháu hay gặp nhau, nhất là vào dịp 19/8 hàng năm. Em Hiển (ANTG) hay theo ông anh ghi chép, viết bài về ông Nghĩa. Tuổi như chú (có lẽ vì là dân Quân báo) nên không quên sự kiện nào cùng thời gian, điạ điểm và tên từng nhân chứng.
Năm 2004, nhân kỉ niệm 50 năm Điện Biên Phủ, bác Văn cho tìm chú và mời cùng lên Điện Biên. Biết chú sau khi được "giải oan" thì được "hưởng" lương đại tá với số tiền 800K/tháng, cụ Văn đã viết thư cho Bộ LĐTBXH. Nghe nói họ sửa lên 1T. Vậy mà chú cũng chả ca thán.
Báo chú, các chú Hoàng Nghĩa Khánh, Hoàng Dũng... có lời hỏi thăm. Chú bảo: Ừ, có nhiều chuyện liên quan tới ông này!
Nhân chuyện chú Nghĩa điện thoại vào, có đôi điều tâm sự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.