Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

Chú Lê Quý Quỳnh đã đi xa

11g trưa nay nằm đọc báo. Giở SGGP ngày 5/7 thấy trên trang nhất có cáo phó chú Quỳnh. Đột ngột quá! Đọc tiếp thấy 11g30 truy điệu tại Nhà tang lễ Tp. Báo Vân Anh thì được động viên: ra ngay vẫn kịp. Phi xe tới cổng thì thấy đội hình nhà đòn đang làm thủ tục di quan. Chạy ngay vào nắm lấy tay cô Đằng, vợ chú chia buồn: "Hai anh em cháu điện thoại hẹn đến thăm chú, bận việc lần lữa chưa đến được. Thế là không được gặp chú lần cuối. Cháu chia buồn cùng cô". "Thôi, không sao cháu ạ. Chú bị tai biến rồi đi ngay trong đêm". Tiễn đưa chú 1 đoạn. Gặp anh em nhà anh Bùi Việt Cường, cũng dân Phủ Cừ, Hưng Yên. Ai cũng thương cho cuộc đời lận đận, dám xông pha vào nơi khó của chú và tiếc là không gặp được chú trước khi mất.


Chú Quỳnh là chỗ thân tình của cha mẹ. Cùng lãnh đạo khởi nghĩa ở Hưng Yên với mẹ rồi chú được cha giao nhiệm vụ chăm sóc ông bà nội sống ở Ân Thi. Những năm 60, tết nào cả nhà cũng xuống nghỉ dưới Tỉnh ủy Hưng Yên rồi mới về ông bà. Chú rất quý và nhớ Phúc vì Phúc gần tuổi với Ong (cháu ngoại của chú). Nhiều lần cha rủ chú đi săn vịt giời ở dọc sông Hồng, đoạn chảy qua thị xã. Khi chú về Hải Dương làm phó bí thư Tỉnh ủy, mẹ vẫn đến thăm mỗi khi công tác qua.
Năm 1995 cưới Quốc, Vân Anh, chú đến dự và mang theo tấm ảnh nhỏ bằng góc bàn tay, chụp hôm chú cùng cha và đoàn công tác lên máy bay tại Gia Lâm đi Bắc Kinh: "Kỉ niệm của chú với cha, các cháu giữ làm kì niệm nhân ngày cưới". Sau này đã in tấm ảnh trong cuốn sách "Trần Tử Bình, từ Phú Riềng Đỏ đến mùa Thu Hà Nội..." của cha mẹ.
Ở SG có thời gian cô chú sống ở Thủ Đức. Nhiều lần anh chị em ta đã đến thăm nhà vườn của ông. Biết vợ chồng chú Lê Trọng Nghĩa sống ở Tp, hay lần nghe tin chú Trần Độ từ HN vào, chú Quỳnh đã có lời mời tới thăm cơ ngơi. Anh em Chiến, Quốc tháp tùng và được nghe các cụ tâm tình, chia sẻ những oan ức.
Sau 1972, chú Nghĩa không còn là "tù không số" và bị đưa xuống Hưng Yên "an trí". Là bí thư tỉnh chú Quỳnh đã chỉ thị cho Công an phải cư xử khéo léo, phải đạo, không được thô bạo như với kẻ thù. "Ở dưới này xa TW mà, nghe thông báo nội bộ thấy những kết luận về các anh không đúng, chỉ dám bảo lưu ý kiến nên tôi đã làm vậy và dám chịu trách nhiệm về việc mình làm", chú kể lại với chú Nghĩa, cô Thảo.
Lần đón chú Độ xuống chơi, biết tin cụ bị "xử lí", chú Quỳnh động viên: "Nó cũng là tai nạn đấy, ông ạ. Kệ mẹ nó, người ngay có nhân dân, bạn bè hiểu. Lịch sử sẽ nhìn nhận đúng về mình". Rồi cụ say sưa chuyển sang đề tài nuôi ong lấy mật đã làm mấy chục năm nay. Sau bữa cơm đạm bạc, thân tình, cụ còn tặng cụ Độ lọ nọc ong chúa: "Anh về uống dần, cái này rất tốt cho bệnh tiểu đường". Sau này ra HN, sang nhà cụ Độ  chơi, nghe cụ vẫn tấm tắc khen: "Cái nhà anh Quỳnh này có niềm đam mê với con ong và dám làm. Phải thế chứ, cứ nói mà không làm thì vô nghĩa".
Mấy năm nay cô chú chuyển về sau chợ Bà Chiểu. Tuần trước anh Chiến gọi điện cho cô, hẹn tới thăm chú. Cô báo, giờ chú yếu, chủ yếu chỉ nằm giường nhưng chả bệnh gì. Lu bu công việc, lần lữa mãi chưa đến thăm và đúng trưa này mới biết tin chú đi. May mà còn kịp đến chào chú.
Xin thắp nén nhang cầu chúc chú yên nghỉ nơi Vĩnh hằng. Chắc chú sắp gặp anh chị Hưng, Bình trên đó!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.