Bà Tâm bên gốc sấu già. |
Năm 1963 khi nhà ta chuyển từ 38 Trần Phú về 99 Trần Hưng Đạo, thấy
ngoài cổng có cây khế ngọt của nhà 97 ngả cành trĩu quả sang nhà 99. Chỉ tội lá
rụng nhiều, làm tội bà Tâm phải quét dọn mỗi ngày. Nhưng khế quả thì nhiều vô kể, bọn trẻ con phố hay lấy dép ném quả. (Đâu như Phương "tròn" sau này đá Đường Sắt hay kể lại thế!). Khế quả được
bà Tâm nhặt, gọt và phơi khô làm ô mai - món khoái khẩu của con trẻ. (Còn bác Ngân sau này cứ nhắc: cây sấu nhà ông Độ nhưng lộc
nhà ta!).
Dọc đường vào có cây nhãn năm nào cũng có quả. Thịt
nhãn rất chắc, tuy không nhiều nước nhưng ngọt. Vì không bọc chùm quả nên đêm đêm dơi hay về ăn, nhằn hạt đầy sân. Nhớ
bà Tâm dạy: năm nào nhãn sai là năm ấy lụt to. Quả thật hè năm 1971 nhãn nhiều
quả và lụt lớn, cầu Long Biên và cầu Đuống phải đặt cả đoàn tầu chở đầy đá hộc, trấn
giữ (cũng là may thôi chứ chắc nước to hơn nữa là trôi!).
Trong sân có cây ổi đào và cây bàng. Ngày mới chuyển về,
bọn trẻ con nhà 38 (Châu “lé”, Trung Việt, Toàn Thắng, Đồng Tiến, Khắc
Linh, Bá “de”…) hay đi bộ sang đánh bóng bàn. Tên nào chưa "đến lân” thì trèo
cây, hái ổi chén. Ruột ổi màu hồng, cắn ngập chân răng, thơm mãi trong miệng.
Riêng cây bàng thì chỉ được cái bóng mát, những
năm sau này đầy sâu róm. Anh Trần Quyền (đầu bếp của cụ Trần Độ. Vì đi với cụ Độ
nên ông nào cũng được gán họ Trần - Trần Lũy lái xe và cả bí thư Trần Hà)
từng cởi trần trùng trục, trèo lên chặt bớt cành, diệt sâu róm. Khi xuống người
đỏ rần, ngứa ngáy. May mà ông ấy quá khỏe nên không ốm.
Ở vị trí cuối tòa nhà chính, bên kia con đường vào là
cây sấu già. Thân sùi lên vì sâu đục thân nhưng quả thì năm nào cũng có. Hái sấu
bằng cù nèo, cao quá thì phải trèo lên cao, móc. Đứa nào trèo lên cũng được dặn
cẩn thận kẻo ngã; thế mà chưa đứa nào dính.
Sấu xanh hái xuống được bà Tâm đánh
dấm bát nước rau muống luộc. Chiều nóng, cả nhà dọn cơm ra sân, chan bát nước
rau muống luộc đánh dấm sấu húp, sướng tê cả người. Hết cả nóng. Quả chín rụng xuống
sân thì bà Tâm nhặt, rửa sạch rồi gọt ngâm đường. Chiều ngủ dậy đứa nào cũng được
bà cho vài khoanh (bà gọt rất khéo, cả thịt quả sấu được gọt từ đầu đến cuối,
cuộn tròn). Chua dôn dốt, ngọt đường. Ngon hết ý.
Từ bé, Việt Trung mê chim, cá, cây cảnh… Những năm học
đại học, Trung kiếm phong lan về treo dưới gốc sấu. Dò nào cũng nở hoa. Ở chỗ
chạc ba cây sấu thì đặt cái chuồng chim bồ câu. Ngay dưới gốc sấu là chuồng thỏ.
Năm 1978, mẹ nghỉ hưu; nay có chuồng chim và chuồng thỏ thì vui vì “có việc cho
bận chân bận tay”. Mấy đôi câu chim thì vào Vạn Phúc xin ông bà Tư. Ông bà cho
cả thóc về nuôi chim, thóc hết thì tạm lấy gạo ở thùng nhà. Còn thỏ thì
ngày ngày mẹ ra chợ Cửa Nam, nhặt nhạnh ở đống rau mậu dịch thải ra, chọn lấy
ngọn còn xanh mang về rửa đi, cho thỏ ăn.
Những năm từ sau này, bà chuyển sang nuôi lợn. (Lúc ấy
có phong trào “biến thành thị thành nông thôn”. Hết nuôi trê Phi đến nuôi lợn.
Chúng thành “thủ trưởng” hết!). Chuồng lợn được Trung “tiện” (tên quá xấu nhưng
cứ gọi) xây hộ. (Trung là bạn Trỗi k6 cùng Thành Công, đi bộ đội về vào học cùng
lớp Ngoại thương với Trung nhà ta). Trung “tiện” liều, hắn nói: “Lính tráng thì
cái gì cũng làm được tất”. Cái gara của nhà, tự tay hắn dùng búa tạ đập tường,
chả thèm chống đỡ rồi mua gạch, xi về, dựng luôn cái cửa ra vào cho vợ chồng Phúc-Sắc.
Chuyện nuôi đôi lợn giống quý của anh Đồng “dựng cột
truyền hình Tam Đảo” đã được bác Ngân kể. Ngoài Trung còn có Tiến Long và Trọng
Lượng là “đệ tử cân lợn” mỗi khi xuất chuồng. Bọn thu mua luôn quái, đến nhà thật
sớm, đánh cho lợn chạy vòng quanh chuồng để có gì trong bụng là xả ra hết, cân kí giảm
đáng kệ. Tội bà cả năm ròng chăm bẵm, đêm trước còn cho uống nước đường mong
cho tăng trọng. Chúng làm thế là mất khối cân của lợn bà. Thế là Long, Lượng,
Trung tìm cách “bù” cho bà. Ba thằng đều cao trên 1m7, đứa nào cũng xung phong
giữ 2 đầu đòn cân. Lượng miệng thì bốc phét, chân thì lùa lùa kiếm đuôi, kẹp vào để nghiêng đòn cân, tăng
trọng. Gốc sấu là vật chứng, chỉ tội không có miệng nên chả nói chả cười.
Những năm thiếu chất đốt, bà còn lấy cả giấy vệ sinh dùng
rồi để nấu cám. Hiểu tiết kiệm là tính của bà, nhưng ngăn thì bà nói: Cho nó đỡ
tiền than củi.
Cỡ những năm cuối thập kỷ 90, cây sấu già quá, sâu nhiều,
cành cứ gãy dần cho đến chết. Nó cũng là bạn thân thiết của anh chị em nhà 99
chúng ta.
Phúc nhớ là anh Trung Trâu điên học cùng trường Trỗi với anh Công,sau này đi bộ đội về học cùng với Trung nhà mình.Làm thế nào mà anh Trung lại cưới chị Liên học năm trên nhỉ?Phúc nghe Minh kể anh Trung mất lâu rồi phải không?
Trả lờiXóaPhòng của Phúc đã có từ hồi chuyển nhà về.Lúc đầu vợ chồng chú Phú ở,về sau thành phòng ăn.Khi Phúc lên cấp 3 thì Phúc dọn xuống ở để lúc học khuya không ảnh hưởng đến mẹ.
Phòng của anh Công ở,trước là chỗ phơi quần áo và để xe đạp.Khi anh Công chuẩn bị cưới vợ thì sửa thành phòng ở.Có lẽ anh Trung Trâu điên đã đóng góp tích cực việc sửa chữa lại phòng này.
Hạnh Phúc
Vợ Trung là Liên mất đã gần chục năm vì ung thư. Trung này ở TpHCM.
Trả lờiXóaĐúng là Minh kể chị Liên mất lâu rồi,thế anh Trung bây giờ có liên lạc với nhà mình nữa không?
Trả lờiXóa2 vợ chồng anh Trung ngày xưa lúc còn ở Hà nội cũng hay qua lại chơi với nhà Trung Minh.
Hạnh Phúc
Trung từng đi tầu biển. Nay thỉnh thoảng sinh hoạt Trỗi. Hai cháu đã lớn, học xong, ra trường, sống với bố.
Trả lờiXóa