Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

Tô Lan Hương và bài viết trên Đang Yêu (Phụ nữ Thủ đô)

Câu chuyện cảm động về gia đình giản dị của Thiếu tướng Trần Tử Bình


Trong một lần gặp con trai của Thiếu tướng Trần Tử Bình đến thăm nhà, bà Đặng Bích Hà – phu nhân của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đã nói: “Cha mẹ cháu sinh con nhiều- đứng đầu Trung ương nhưng dạy con thì gương mẫu trong Trung ương. Các cô các chú vẫn nhắc đến điều này để làm gương học tập”. Khi Thiếu tướng Trần Tử Bình mất cách đây 45 năm, người con nhỏ nhất của ông mới 8 tuổi. Không có sự yêu thương, dìu dắt của cha bên cạnh, nhưng đến giờ phút này, 8 người con của ông vẫn luôn sống với những lời cha mẹ dạy dỗ, với niềm tự hào về truyền thống gia đình, niềm tự hào về người cha là một trong những Tướng lĩnh đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam và luôn sống xứng đáng với niềm tự hào đó.

Vị tướng của “Phú Riềng Đỏ” lẫy lừng trong lịch sử cách mạng
Trong lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam,  Thiếu tướng Trần Tử Bình là vị Tướng người công giáo duy nhất. Quê ông là làng công giáo toàn tòng của xã Tiêu Động (thuộc huyện Bình Lục, Hà Nam). Thuở bé, ông được cha mẹ cho theo học ở trường dòng La-tinh Hoàng Nguyên. Với cha mẹ ông – những người công giáo nghèo khó, sống bằng nghề gắp phân – cái nghề bần cùng nhất trong xã hội xưa, thì việc có một người con trai theo học trường dòng và có cơ hội trở thành cố đạo là niềm tự hào vô cùng lớn. Nhưng khi học trong trường dòng Hoàng Nguyên, Trần Tử Bình luôn luôn bị coi là một “học sinh cá biệt”. Ông phát hiện ra bánh thánh chỉ là bánh bình thường và nước thánh thật ra chỉ là nước lã. Được học hành, được dạy dỗ trong hệ thống trường dòng của nhà thờ công giáo – khi đó đang ủng hộ người Pháp, nhưng trong trái tim Trần Tử Bình, tình yêu đất nước và ý thức dân tộc luôn luôn mãnh liệt. Dù là học sinh trường dòng, nhưng ông đã tham gia vào phong trào đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu và là người lãnh đạo các học sinh khác ở trường dòng Hoàng Nguyên để tang cụ Phan Châu Trinh, bất chấp những ngăn cấm của những cố đạo đứng đầu Chủng viện Hoàng Nguyên. Hậu quả là sau đó, ông bị đuổi khỏi trường dòng Hoàng Nguyên. Ông lựa chọn con đường cách mạng kể từ đó và trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Ở làng công giáo nơi gia đình ông sinh sống những năm tháng ấy, sự kiện ông bị đuổi học, rồi bị bắt đi tù Côn Đảo sau khi tham gia lãnh đạo phong trào “Phú Riềng Đỏ” là một sự kiện chấn động. Không chỉ riêng ông, mà cả gia đình ông đã bị nhà thờ công giáo “rút phép thông công”. Chỉ những người công giáo như cha mẹ ông, cả đời sống vì niềm tin tôn giáo của mình mới thấm thía được hết cái khủng khiếp của sự trừng phạt đó. Cha mẹ ông, gia đình ông trở thành “những con chiên ghẻ” của nhà thờ. Không chịu nổi áp lực đó,  cha ông phải đưa gia đình bỏ quê sang Hưng Yên sinh sống. . Bị nhà thờ trừng phạt, nhưng cha ông vẫn luôn coi mình là  một con chiên của Chúa. Mỗi bữa cơm, bao giờ ông cụ cũng làm dấu tạ ơn Chúa đã ban cho thức ăn. Thấu hiểu và thông cảm với lý tưởng và sự lựa chọn của con trai mình, nhưng cha mẹ Thiếu tướng Trần Tử Bình vẫn mang nỗi đau đó cả đời. Những năm sau khi hòa bình lập lại, Thiếu tướng Trần Tử Bình đón cha mẹ lên Hà Nội để tiện chăm sóc. Hồi đó, cứ mỗi sáng chủ nhật, cha ông lại lững thững chống gậy đi dọc theo con đường Hoàng Diệu, có mặt ở nhà thờ Cửa Bắc đúng giờ làm lễ. Nhưng ông cụ không vào bên trong nhà thờ mà chỉ đứng ngoài sân. Cán bộ Cục Bảo vệ thấy lạ đã báo cáo chuyện này với Thiếu tướng Trần Tử Bình và được ông giải thích: “Gia đình tôi vốn là dân công giáo toàn tòng. Năm 1931, tôi bị thực dân Pháp kết án, đày ra Côn Đảo nên các cụ ở quê nhà bị Nhà thờ “rút phép thông công” do con trai đã “phản” lại Chúa. Ba chục năm trôi qua, nhưng cha tôi vẫn coi mình là người có tội, chưa được trở lại là “con chiên ngoan đạo” nên ông cụ tự giác đứng ở bên ngoài nghe giảng đạo”.  Dù rất tự hào về người con của mình, nhưng cha mẹ ông vẫn có một thế giới tâm linh riêng và niềm tin thiêng liêng của mình. Đó là cõi riêng mà Thiếu tướng Trần Tử Bình luôn tôn trọng.

Trong những năm tháng hoạt động cách mạng, Thiếu tướng Trần Tử Bình đã 2 lần bị thực dân Pháp bắt đi tù ở nhà tù Côn Đảo và Hỏa Lò. Bạn tù chính trị của ông sau này đều trở thành những nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Văn Đồng…Khi còn làm công nhân ở đồn điền cao su Phú Riềng, Thiếu tướng Trần Tử Bình đã từng kết hôn và có một người con trai. Sau này khi ông bị bắt đi tù, ông mất liên lạc với vợ con của mình. Sau này ra tù, không sao tìm lại được vợ con, ông kết hôn với một người phụ nữ cùng quê nhưng sống với nhau chưa đầy năm thì bà qua đời vì bệnh nặng. Sau hai lần hôn nhân dang dở ấy, mãi đến năm 1943, ông mới tìm được hạnh phúc trọn vẹn khi gặp bà Nguyễn Thị Hưng – người phụ nữ đã cùng ông chia ngọt sẻ bùi suốt những năm tháng sau này.

Bà Nguyễn Thị Hưng quê ở Thái Bình, là con gái của một thầy đồ, gia đình gia giáo. Thời trẻ, bà là một cô gái có nhan sắc, được nhiều người con trai để ý. Khi bà bước vào tuổi thiếu nữ, cha mẹ bà đã quyết định gả bà cho con trai một gia đình cường hào ở quê. Không chịu về làm dâu trong một gia đình cường hào, ác bá chuyên đi ức hiếp dân lành, bà trốn nhà thoát ly theo cách mạng và gặp Thiếu tướng Trần Tử Bình trong quá trình hoạt động. Sau này về già, bà từng tâm sự với con cái rằng ngày đó, khi được tổ chức tác hợp với ông, bà băn khoăn vô cùng. Bà lo vì ông đã có hai đời vợ, lại là người công giáo và lại hơn bà đến 13 tuổi. Nhưng rồi sau này khi về sống với nhau, bà chưa bao giờ phải ân hận vì đã chọn ông làm chồng. Bởi bà đã thấy ông luôn sống đúng như những gì bà mong muốn: một người chồng, người cha tốt, yêu thương vợ con, và là một người đồng chí, một người đàn anh mà bà luôn tôn trọng.

Sự hy sinh thầm lặng trong một gia đình tướng lĩnh

Trong suốt những năm tháng vợ chồng, vợ chồng Thiếu tướng Trần Tử Bình thường xuyên phải sống trong xa cách. Cưới nhau được 3 ngày, ông bà đã mỗi người một ngả vì nhiệm vụ chung. Khi bà công tác ở Bắc Giang, ông là Chính ủy trường Lục quân Việt Nam  ở tận đất nước Trung Quốc xa xôi. Đến khi hòa bình lập lại, gia đình đoàn tụ với nhau chưa được bao lâu, ông lại được cử đi làm công tác ngoại giao, làm Đại sứ tại Trung Quốc suốt nhiều năm trời. Ngày đó vì điều kiện hoạt động cách mạng, mà khi đẻ người con gái đầu – Yên Hồng –  năm 1945, ông bà phải gửi con cho một cơ sở cách mạng nuôi, đến 9 năm sau khi hòa bình lập lại, mới có điều kiện đón về. Năm 1959, khi ông được cử sang Trung Quốc làm Đại sứ Việt Nam ở Trung Quốc kiêm Đại sứ tại Mông Cổ, trong những bức thư qua lại giữa Bắc Kinh và Hà Nội, đã có lần bà hờn trách ông: “Tưởng rằng hòa bình, gia đình được đoàn tụ, ai ngờ anh vẫn đi biền biệt”. Khi đó, viết thư trả lời bà, ông chỉ nói một điều nhẹ nhàng, bình dị và hết sức chân thành: “Dù thiệt thòi, nhưng anh mong em cùng anh hy sinh vì đất nước”. Là người yêu thương vợ con, cả đời chăm lo cho gia đình, nhưng ông luôn hy sinh lợi ích của gia đình vì nhiệm vụ chung. Vì thế mới có chuyện năm 1950, khi bà bụng mang dạ chửa sắp đến kỳ sinh nở, nhà lại không có tiền, bà viết thư sang Trung Quốc cho ông (lúc đó đang công tác ở trường Lục quân), dặn ông tìm cách thu xếp gửi tiền về. Nhưng ông chẳng những không gửi tiền về, mà còn gửi một bức thư cho Tỉnh ủy Bắc Giang – nơi bà đang công tác, yêu cầu “kiểm điểm” bà vì cái tội làm phân tâm những người đi làm cách mạng. Ông bảo: “đi làm cách mạng, lấy đâu ra tiền lo cho gia đình”. Những người thuộc thế hệ ông đều thế, hy sinh hết mình vì cách mạng mà chẳng bao giờ lo lắng, toan tính chuyện cá nhân.

Tinh thần cách mạng của ông bà thể hiện cả ở trong cách ông bà đặt tên cho con cái. Người con gái đầu sinh năm 1945, được bà đặt tên là Yên Hồng – nghĩa là cờ hồng bay trên đất Hưng Yên, để kỷ niệm những ngày bụng mang dạ chửa nhưng bà vẫn xông pha đi vận động quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa, cướp chính quyền ở Hưng Yên. Người con thứ hai sinh sau ngày Toàn quốc Kháng chiến, được ông bà đặt tên là Trần Kháng Chiến. Người con thứ 3, ra đời đúng sau thắng lợi của chiến dịch Biên giới, được ông bà đặt tên là Thắng Lợi. Khi sinh người con thứ 4, Bác Hồ phát động phong trào Kháng Chiến – Kiến Quốc, ông bà đặt ngay tên con là Trần Kiến Quốc. Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 toàn thắng, cũng là lúc ông bà có người con thứ 5, người con này được ông bà đặt tên là Trần Thành Công.  Năm 1955, người con thứ 6 ra đời, để kỷ niệm này Trường Lục quân Việt Nam đóng quân trên đất Trung Quốc, ông bà đặt tên con là Trần Hữu Nghị. Bà đè sòn sòn liên tục 4 người con trai, đến khi có một người con gái chào đời năm 1956, bà mừng quá, lập tức đặt tên con là Trần Hạnh Phúc. Năm 1959, ông đi làm Đại sứ Trung Quốc đúng lúc người con út chào đời, vì lý do đó mà người con út của ông bà có tên là Trần Việt Trung.

Khi tìm tư liệu viết bài về Thiếu tướng Trần Tử Bình, tôi đã may mắn gặp được người con trai thứ 4 của ông bà – Trần Kiến Quốc. Khi Thiếu tướng Trần Tử Bình mất, Trần Kiến Quốc mới 15 tuổi. Anh bảo, ngoài chị gái cả Trần Yên Hồng và anh trai Trần Kháng Chiến, thì anh và những người con còn lại trong gia đình đều chịu thiệt thòi vì không có nhiều thời gian ở cạnh cha. Khi Trần Kiến Quốc và những người em của anh sinh ra và lớn lên, thì cũng là lúc mà vì nhiệm vụ cách mạng, Thiếu tướng Trần Tử Bình phải thường xuyên xa nhà, mọi chuyện lo lắng, chăm sóc cho 8 người con, đều được ông phó mặc cho bà. Trần Kiến Quốc kể: “Cha tôi đi làm Đại sứ bên Trung Quốc lúc mấy anh em chúng tôi còn nhỏ. Nên chuyện giáo dục, chăm sóc con cái, đều do mẹ tôi lo lắng. Nhưng nhà đông con quá, bà cũng chỉ lo được cho những đứa bé, còn những đứa lớn, bà đều tin tưởng giao cho các cô giáo trong trại nhi đồng miền Bắc. Khi ba tôi còn ở trường Lục quân Việt Nam bên Trung Quốc, trường có cho một cô là cô Tâm, người Việt Nam sang sống ở Trung Quốc đã lâu, phụ với mẹ tôi chăm sóc anh em tôi. Cô Tâm không có gia đình, con cái, nên sau này khi chúng tôi về Việt Nam, cô cũng sống cùng gia đình tôi, cùng mẹ tôi nuôi dạy các anh em tôi. Cuối tuần, khi mấy anh em tôi từ trại nhi đồng về, cả nhà đông đủ, chị Yên Hồng nấu ăn, còn cô Tâm chia khẩu phần ăn thành sáu phần bằng nhau cho mấy anh em ngồi ăn. Mỗi đứa một cái bàn sắt quân dụng nho nhỏ, một cái ghế gỗ, ngồi ăn ngon lành, ríu ra ríu rít. Sống xa gia đình vì nhiệm vụ cách mạng giao, cha tôi rất buồn và nhớ vợ con. Mẹ tôi vì nhiệm vụ công tác, không sang Trung Quốc sinh sống cùng cha, dù có tiêu chuẩn. Để cha đã buồn, anh em chúng tôi, cứ đứa nào chưa đến tuổi đi học thì lại cho sang ở với cha vài năm, đến lúc đi học vỡ lòng, cha lại cho về Việt Nam”.

Trong ký ức người con trai Trần Kiến Quốc, những ngày hạnh phúc nhất có lẽ chính là những ngày cha anh từ Trung Quốc về công tác, ghé thăm nhà. Mỗi lần về, bao giờ ông cũng dành thời gian vui chơi, dạy dỗ các con. Nếu về đúng dịp đi họp phụ huynh, dù công việc bận bịu đến mấy, ông cũng sắp xếp đi họp phụ huynh cho con, để nắm tình hình học tập của con cái. Khi các con ông học ở trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, có thời gian trường đóng quân ở Đại Từ, Thái Nguyên, biết phải xa Hà Nội, thiếu thốn khó khăn đủ thứ, mỗi lần về Việt Nam, ông mua cả chục cái đèn bão (đốt bằng dầu hỏa), chục cái kè h’armonica, rồi bóng đá, bóng bàn, mang về từ Bắc kinh tặng nhà trường, để các cháu có đèn thắp sáng và có đồ chơi giải trí. Không có thời gian dạy các con nhiều, nhưng ông luôn dặn dò con cái những điều tâm huyết nhất cuộc đời mình. Bút tích ông dạy người con trai Trần Kháng Chiến vẫn được các con ông lưu giữ đến giờ: “Cuộc đời cha có hai niềm tự hào lớn – khi 22 tuổi cùng chi bộ làm nên một Phú Riềng Đỏ lịch sử, rồi số phận lại giao cho cha tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội và Bắc bộ, giành chính quyền về tay nhân dân, lật sang một trang sử mới cho nước Việt Nam khi ở tuổi 38”. Thiếu tướng Trần Tử Bình qua đời khi các con còn nhỏ, nhưng sự hiện diện của ông trong gia đình, những lời dạy của ông, vẫn luôn được những người con của ông ghi nhớ. Con trai Trần Thành Công của ông có một nhà máy dệt may, đã ghi trên tường ở nhà máy câu ông dạy: “Có lao động sáng tạo mới có tự do chân chính”.

Kỷ niệm đau buồn nhất trong đời Trần Kiến Quốc và những người con của Thiếu tướng Trần Tử Bình có lẽ chính là ngày nhận được tin cha mình mất: “Cuối năm 1966, 3 anh em tôi sang Trung Quốc học trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Cha hẹn sẽ đến trường thăm chúng tôi. Nghĩ đến cảnh được gặp cha ở Trung Quốc, mấy anh em đều háo hức. Nhưng đúng đến ngày hẹn, cha lại nhận được  thông báo về nước họp. Chúng tôi hụt hẫng, tiếc nuối, nhưng vẫn động viên nhau chờ cha sang để đoàn tụ. Chẳng ai ngờ lần đoàn tụ trên đất nước Trung Quốc mãi mãi chẳng bao giờ trở thành sự thật. Ngày 3 Tết năm 1967, do bị cảm lạnh, cha tôi đã đột ngột qua đời ở Hà Nội, không còn cơ hội sang Trung Quốc để gặp gỡ 3 người con trai Thắng Lợi, Kiến Quốc, Thành Công. Ngày 3 Tết năm đó, ba anh em anhtôi  được Ban Giám hiệu nhà trường gọi lên, thông báo tin buồn. Trời Quế Lâm hôm đó rét căm căm, ba anh em tôi đứng ôm nhau  khóc giữa sân trường. Bạn bè trong trường cũng đứng đó cạnh chúng tôi, cố gắng an ủi chúng tôi trước nỗi mất mát ấy”.

Một cuộc đời đẹp như tên gọi

Thiếu tướng Trần Tử Bình tên thật là Phạm Văn Phu. Năm 1945, ông mới đổi tên thành Trần Tử Bình. Cái tên đó, ông giải thích có nghĩa là: Phong trần, lãng tử, tranh đấu cho sự bình đẳng, bác ái. Sau này, trong quá trình đi tìm và sưu tầm những câu chuyện về cha mình, những người con của ông càng thêm tự hào khi biết rằng, cả cuộc đời ông, ông đã luôn sống đúng với ý nghĩa đẹp đẽ của cái tên đó.

Ông Dương Văn Khái, chuyên viên Đài Phát thanh – Truyền hình Việt Nam từng nói Trần kiến Quốc rằng: “Chính cha cháu là người đã sinh ra chú lần thứ hai”.  Trong thời kỳ sửa sai năm 1956 – 1957, vì có dính một chút trí thức “tiểu tư sản” nên ông bị một số người quy là đảng viên Quốc dân đảng. Bị oan ức, nhưng chẳng làm gì được, ông bị giam và chỉ ngồi chờ chết. Chuyện này đến tai Thiếu tướng Trần Tử Bình – khi đó đang là Phó Tổng Thanh tra Chính phủ vào đúng ngày cuối cùng. Sáng hôm đó, khi Dương Văn Khái bị mang ra hành quyết, bà con kéo ra đầu làng chờ xem “đội” xử một đảng viên Quốc dân Đảng. Khi bước lên đoạn đầu đài, nhìn xuống thấy con trai mình đang vắt vẻo ngồi trên cây xem  người ta treo cổ bố, ông Dương Văn Khái ứa nước mắt. Đúng lúc đó chiếc xe com-mang-ca trở Thiếu tướng Trần Tử Bình xuất hiện, ông đã nhân danh Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, yêu cầu dừng bản án đó lại. Cả đêm hôm đó, sau khi biết tin, ông đã phóng xe từ Hà Nội vào Nghệ An để nói câu nói đó. Nhờ đó mà có một người không bị chết oan.

Thiếu tướng Trần Tử Bình mất sớm là một sự thiệt thòi lớn với những người con của ông. Có người ắt hẳn sẽ nghĩ, sự thiệt thòi đó là sự thiệt thòi khi không có cha nâng đỡ, tiến thân. Nhưng với những người con của ông – những người con đã được vợ chồng ông dạy cho tính tự lập, biết đi lên bằng chính năng lực của mình, thì điều đó chẳng có nghĩa lý gì. Sự thiệt thòi với 8 người con của ông chính là nỗi đau khi không có cơ hội sống bên ông nhiều, để học được ở ông những đức tính cao đẹp của một vị Tướng được tất thảy đồng chí, đồng đội, cấp trên, cấp dưới và gia đình yêu mến.

Sau khi ông mất, bà Nguyễn Thị Hưng vợ ông đã gánh lên vai trách nhiệm nuôi dạy những người con nhỏ trưởng thành. Ông mất đúng vào những năm đất nước khó khăn, để nuôi sống cả gia đình, bà vừa đi làm nhà nước, vừa nuôi lợn, nuôi thỏ để lo cho gia đình. Hồi đó, bà thường xách làn ra cái chợ cạnh nhà để nhặt nhạnh rau thừa về nuôi lợn, có người nhìn thấy bà làm thế, lên tiếng “phê bình”: “Bà là vợ Tướng, lại là cán bộ cao cấp, làm thế thì còn mặt mũi nào?”. Bà đáp: “Là vợ Tướng thì đã sao? Tôi lao động chân chính, không làm gì hổ thẹn lương tâm, sao phải xấu hổ?”. Cũng giống như ông, cho đến khi mất vào năm 1993, bà vẫn sống một cuộc đời đáng tự hào, luôn nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến bản thân mình. Khi đã về già, bà được tặng Huân chương Độc lập hạng Hai. Có người nói bà phải được Huân chương hạng Nhất. Bà bảo chuyện đó với bà không quan trọng. Thay vì đi “đòi” huân chương cho mình, bà đi hết nơi này đến nơi khác, chứng nhận công lao cho những gia đình cơ sở cách mạng đã giúp bà năm xưa, để họ có được sự đền đáp xứng đáng của đất nước.

 Năm 1980, khi tất cả các con đều đã học xong đại học và có công ăn việc làm ổn định, mà mới yên lòng vì đã làm tròn trách nhiệm với ông, khi nuôi dạy các con trưởng thành. Dù bà không bao giờ nói ra, nhưng qua những lời bạn bè, đồng chí của bà  kể lại sau khi bà mất, các con bà đều biết bà rất tự hào khi thấy gia đình con đàn cháu đống, tất cả đều trưởng thành, đều là những người sống có lương tâm, có lòng nhân ái. Cũng đến tận lúc bà mất, các con bà mới được biết nhiều câu chuyện cảm động về mẹ mình: khi còn sống, Tết đến, bà lên chúc Tết ở công an phường, đưa cho mấy anh công an chút quà Tết. Bà nói: “Các anh vì nhiệm vụ bảo vệ nhân dân mà không được đoàn tụ với gia đình trong những ngày này, nên tôi có chút quà gửi các anh. Đến lúc trước khi bà mất, vẫn còn cố lên Hội Cựu Chiến binh của phường, đưa số tiền lương của mình gửi cho các bác cựu chiến binh ở hội, để ủng hộ hoạt động của hội. Có lẽ bà không biết rằng, những hành động đó của bà, và những câu chuyện về nhân cách, đức độ của Thiếu tướng Trần Tử Bình để lại, chính là những món quà lớn nhất mà ông bà đã để lại cho con cháu.



Lan Hương


12 nhận xét:

  1. Cảm ơn Lan Hương, nhà báo trẻ mê tư liệu lịch sử!

    Trả lờiXóa
  2. Với những tư liệu mà chúng ta-con cháu trong nhà 99 đều nắm được . Nhà báo Lan Hương đã tập hợp các tư liệu viết một bài rất cảm động về nhân cách của cha, mẹ,làm cho bản thân tôi khi đọc xúc động.Xin cám ơn Lan Hương.
    Chung ta các thành viên nhà 99 nên đọc,suy nghĩ về bài viết này. KC

    Trả lờiXóa
  3. Cháu thật sự tôn kính và cảm động về cái cách mà thế hệ những người như ông bà đã sống: cống hiến, hy sinh, không toan tính, vụ lợi. Nhờ viết những câu chuyện đó, mà cháu thấy mình đang cố gắng sống trong sáng hơn, chân thành và tử tế hơn. Khi nào cần tham khảo thông tin gì, cháu sẽ làm phiền chú nhé. Ngày xưa cháu học chuyên Văn, có đi thi học sinh giỏi Sử. Nhưng học Sử trong nhà trường không hay và không có cảm xúc gì đặc biệt. Học lịch sử qua những nhân vật lịch sử, cháu học được nhiều hơn, nhớ nhiều hơn và cũng hiểu nhiều hơn
    --
    Tô Lan Hương
    SDT: 0948 880 808
    Y!D: meo_hoang_kitty

    Trả lờiXóa
  4. Cháu vừa đọc email chú gửi và thực sự rất xúc động. Có thể các chú ưu ái cháu còn trẻ, nên khen hơn 1 câu. Cháu cũng như bao người bình thường: thích được nhận những lời khen và buồn khi ai đó chê mình. Sự thật là cháu rất vui khi được các chú đánh giá tốt, nhưng cháu cũng tự biết cháu còn nhiều khiếm khuyết. Kiến thức của cháu, hiểu biết của cháu còn ít ỏi. Cháu còn phải học nhiều để làm tốt hơn bây giờ.
    Đôi khi cháu vẫn cảm thấy thiếu tự tin khi những gì mình biết còn rất ít. Nhưng có một điều này thì cháu rất tự tin ở bản thân mình: cháu vẫn còn biết rung động trước những điều đẹp đẽ trong cuộc sống. Khi nghe được một câu chuyện đẹp, gặp được một con người đẹp, cháu biết cảm động. Còn cảm nhận được những điều tốt đẹp và yêu những điều đó, cháu nghĩ như vậy là mình đã rất may mắn. Những bài viết của cháu, trong đó3 có bài viết về ông bà , đều là những cảm nhận thực sự, là sự xúc động thực sự của cháu với những con người thuộc thế hệ ông bà. Những cảm nhận đó giúp cháu yêu cuộc sống hơn, yêu công việc mình làm hơn. Vì thế, cháu cũng phải cảm ơn chú rất nhiều vì đã giúp cháu có thêm một câu chuyện đẹp, về một thế hệ mà cháu không có nhiều cơ hội được gặp gỡ, nhưng rất kính trọng và ngưỡng mộ.
    Lan Hương

    Trả lờiXóa
  5. Thế hệ những chiến sỹ cách mạng tham gia giành chính quyền 8-1945 có nhiều tấm gương cho các thế hệ người Việt Nam chúng ta ngày hôm qua,hôm nay và mai sau học tập.
    Việc cháu làm rất có ích cho việc chuyển tải các tấm gương về con người Việt Nam cụ thể đã công hiến cuộc đời cho lý tưởng giải phóng dân tộc.
    Đề tài lịch sữ đấu tranh giành độc lập viết cho xúc tích rất khó.Thời gian qua đi , trong cuộc sống nhiều người ít quan tâm đến quá khứ ,hoạc không muốn tìm hiểu nó. Cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền 19-8-1945 tại Hà Nôi trước đây trong các tài liệu lịch sử chính thưc của Nhà Nước ta chỉ nói là do Đảng lãnh đạo,không nói dến những cá nhân đã trực tiếp tham tham gia lãnh đạo cuộc nổi dậy vỹ đại này .Những con người này là nhưng Đảng viên Đảng cộng sản,những chiến sỹ cách mạng .Lịch sử giao phó cho họ sứ mệng quan trọng ,họ đã chớp thời cơ hoàn thành sứ mệng đó.
    Trong sự kiện này Lịch sử do nhưng con người cụ thể ,cùng nhân dân tạo ra .
    Anh,chị em chú tự hào vì cha mình là một trong những con người như vậy.
    Để viết bài báo trên cháu chỉ có những tư liệu ít ỏi, song vì cháu có tình yêu với lịch sử dân tộc , sự tôn trọng lớp người đi trước ,trách nhiệm người cầm bút nên bài viết của cháu rất thành công. Khi đọc bài của cháu,chú rất cảm động ,chú cảm động còn vì một con người thế hệ hôm nay như cháu , viết rất có hồn về một nhân cách thế hệ tiền bối.
    Chúc cháu thành công trong công việc mà mình yêu thích,công việc của cháu rất có ích cho xã hội. Chú Trần Kháng Chiến

    Trả lờiXóa
  6. Ca nha oi, o tren gmail con nhan dc tin cua chi tra tren fb, con ko vao fb nhung con da nhan dc anh fb gui cho gmail. Chi tra bao nha noi minh dc dang len bao. Con ko biet day co fai la dang len that ko nhung con luom dc anh nay.
    Anh long vao fb cua steph di roi xem news feed( new steph co fb cua chi tra).
    Bo Nong

    hoac cho ngay mai em vao fb roi tag cho anh xem

    Trả lờiXóa
  7. Bồ Nông tuy ít nói nhưng sống tình cảm.Nông có những nhận xét rất chính xác theo cảm nhận ngây thơ của mình.Nếu ba mẹ Nông động viên Nông thường xuyên thì Nông sẽ phát triển được tài năng bẩm sinh:).

    Hạnh Phúc

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. thuc ra co nhieu li do khien con it noi lam :). Cam on ve nhan xet cua co phuc

      Xóa
  8. Hỏi thăm Nông, cháu mail trả lời:
    Con khoe. Hoc hanh con vat va nhung tuan nay chi la tuan dau cua hoc ky nhung con co it homework lam. Con nhan dc report tot tu ky truoc.
    Bac co facebook ko?

    Trả lờiXóa
  9. Email Nông:
    tranchi1996@gmail.com
    Nhà ta thư từ cho Nông nhé!

    Trả lờiXóa
  10. Nông ơi,có câu châm ngôn một niềm vui nếu được chia xẻ sẽ thành nhân đôi,một nỗi buồn nếu được chia xẻ sẽ chỉ còn một nửa:).Nông cứ mạnh dạn giao tiếp với mọi người,Nông sẽ thấy tự tin hơn:).

    Hạnh Phúc

    Trả lờiXóa
  11. Cô vừa đoc xong-đến 2 lần câu chuyện về gia đình em.Lần đọc nào cô cũng cảm thấy lòng đầy xúc động,nghẹn ngào.Lứa cha mẹ chú bác của chúng ta sống đẹp quá,trong sáng quá.Thử hỏi hôm nay có bao nhiêu những gia đình có chức có quyền sống trong sạch,biết nghĩ đến sự nghiệp của đất nước,cuộc sống của nhân dân như vậy? So sánh thấy thật đau lòng.Chúng ta thường tự hào một cách thầm lặng.Và lặng lẽ sống tự hào trong nỗi nhớ nhung kính trọng những người không chỉ sinh ta ra mà còn cho ta chân lý,lẽ sống đẹp của đời.Đó là hạnh phúc mà em và gia đình có được.Cô xem lần trước ở trang bantroi.Lần này trọn vẹn hơn.Cảm ơn em.
    Cô Thơ, Cà Mau

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.