Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Hai, 5 tháng 1, 2015

Bác Chu Văn Tấn, bạn của cha mẹ tôi

Thượng tướng Chu Văn Tấn, một nhân cách lớn
Trần Kháng Chiến, con trưởng Thiếu tướng Trần Tử Bình



Cha tôi và cụ Chu Văn Tấn là hai người bạn thân thiết, hai người đồng chí gắn bó. Họ quen biết nhau sau Cách mạng Tháng Tám 1945 và cùng  gắn bó với nhau trong  công tác trong quân đội từ tháng 9/1945, trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp cho đến khi cha tôi nhận nhiệm vụ sang công tác Ngoại giao vào tháng 4/1959.
Sau thắng lợi của Chiến dịch bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc, Thu đông 1947, vào đầu năm 1948, Hồ Chủ tịch ký quyết định phong quân hàm cấp tướng cho một số cán bộ cao cấp trong Quân độị. Quân hàm Đại tướng được trao cho Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, quân hàm Trung tướng cho ông Nguyễn Bình. Quân hàm thiếu tướng cho 9 cán bộ, trong đó có Chỉ huy trưởng Quân khu Việt Bắc Chu Văn Tấn, Phó bí thư quân ủy trung ương.
Cha tôi ông Trần Tử Bình, Phó Tổng thanh tra Quân đội, dịp đó cũng đươc phong thiếu tướng.

Ông Chu Văn Tấn (người đứng hàng sau cùng, thứ 3 từ phải) cùng Cụ Hồ, bác Tôn và các ông
Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh… tại Chiến khu Việt Bắc, năm 1949.






Một lịch sử hào hùng
… Ngày 22/12/1944, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập – tiền thân  của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhưng trước khi diễn ra sự kiện lịch sử này, Đảng ta đã  quyết định  thành lập đơn vị vũ trang cách mạng Cứu quốc quân vào năm 1941.
Sau khi nổ ra cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn vào tháng 9/1940. Ngày 14/2/1941, đồng chí Hoàng Văn Thụ, thường vụ Trung ương, đến Bắc Sơn, ra quyết định thành lập Đội du kích Bắc Sơn tại khu rừng Khuổi Nọi (nay thuộc xã Vũ Lễ, huyên Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn). Đội du kích Bắc Sơn là đơn vị vũ trang cách mạng đầu tiên do Trung ương Đảng ta thành lập. Chỉ huy trưởng là đồng chí  Lương Văn Chi, chỉ huy phó là Chu Văn Tấn. 
Tháng 6/1941, Đội du kích Bắc Sơn đổi tên thành Trung đội Cứu quốc quân thứ nhất. Tên tuổi Chu Văn Tấn gắn liền với sự phát triển của Cứu quốc quân. Cứu quốc quân tiến hành chiến tranh du kích, tấn công quân Pháp trên địa bàn rừng núi Cao Bằng, Lạng Sơn, bảo vệ căn cứ cách mạng tại Pắc Bó - nơi  đóng quân của  cơ quan Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Binh lính Pháp đồn trú tại vùng núi Việt Bắc sau nhiều trận giao chiến với Cứu quốc quân, đã phải thán phục tài thao lược của ông Chu Văn Tấn và gọi ông là “Hùm xám Bắc Sơn”.
Thượng tướng Chu Văn Tấn, người dân tộc Nùng, sinh 1910, trong một gia đình Thổ hào địa phương, tại tổng Châu Thượng, châu Võ Nhai, tỉnh Lạng Sơn (nay là xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên). Thuở nhỏ được gia đình cho đi học, tốt nghiệp tiểu học tại Thái Nguyên. Sau đó ông đi dạy học ở Bắc Hà.
Thời gian (1931-32), ông làm nhân viên địa chính, phụ trách lính dõng địa phương. Là một người có học, trong công việc địa chính ông căm ghét chính sách cai trị của  thực dân Pháp, luôn  bảo vệ quyền lợi của đồng bào dân tộc.
Năm 1934, được sự hướng dẫn của các đảng viên cộng sản, ông bí mật xây dựng đội tự vệ vũ trang tại Tràng Xá, Võ Nhai, Bắc Sơn. Năm 1935, đồng chí Hoàng Văn Thụ về Võ Nhai, Bắc Sơn, xây đựng  tổ chức Đảng cộng sản. Năm 1936 ông được kết nạp vào Đảng.
Ngày 22/9/1940, Nhật  bất ngờ tấn công Lạng Sơn, tiến quân vào Việt Nam (khi đó Đông Dương thuộc Pháp). Quân Pháp đóng tại Lạng Sơn hoảng loạn, tháo chạy qua châu Bắc Sơn. Nhân cơ hội này, các  đội tự vệ vũ trang do ông Chu Văn Tấn chỉ huy tấn công tàn quân Pháp tại đèo Tam Canh, thu được nhiều vũ khí.
Nhân cơ hội quân Pháp đồn trú tại Lạng Sơn tan rã và quân Nhật chưa làm chủ được tình hình, tổ chức Đảng Bắc Sơn, Võ Nhai  quyết định  lãnh đạo nhân dân, tiến hành khởi nghĩa. Ngày 27/9/1940, ông Chu Văn Tấn chỉ huy đội tự vệ vũ trang tấn công chiếm được đồn Mỏ Nhài, Bắc Sơn. Trong lịch sử chiến đấu của Lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam mãi ghi chiến công của các đội tự vệ vũ trang non trẻ Bắc Sơn do ông Chu Văn Tấn chỉ huy, vừa thắng quân Pháp trong trn đánh giao thông tại đèo Tam Canh, vừa thắng  quân  Pháp trong trận công đồn tại đồn Mỏ Nhài. Chính quyền cách mạng  Bắc Sơn  tồn tại trong thời gian một tháng.
          Sau khi vào Việt Nam và Đông Dương, quân Nhật tiến hành thỏa hiệp với chính quyền thực dân Pháp. Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bị đàn áp. Ngày 27/10/1940, quân Pháp chiếm lại đồn Mỏ Nhài. Các đội tự vệ vũ trang Bắc Sơn, dưới sự chỉ huy cũa ông Chu Văn Tấn, rút vào rừng sâu Võ Nhai, Bắc Sơn bảo tồn lực lưng, lp căn cứ.  
Tháng 11/1940, Hội nghị Trung ương họp tại Bắc Ninh quyết định duy trì lực lượng vũ trang cách mạng trên cơ sở các đội tự vệ của khởi nghĩa Bắc Sơn. Tháng 2/1941, ông Chu Văn Tấn tham gia Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách việc xây dựng,  phát triển đội du kích Bắc Sơn.
Năm 1945, Trung ương Đảng quyết định hợp nhất Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân thành Giải phóng quân Việt Nam. Chỉ huy trưởng là đồng chí Võ Nguyên Giáp, Chính trị viên là Chu Văn Tấn. Tại Hội nghị toàn Đảng họp tháng 8/1945 tại Tuyên Quang đã bầu đồng chí Chu Văn Tấn vào Ban chấp hành Trung ương.
Cuối tháng 8/1945, dưới sự chỉ huy của Chỉ huy trưởng Võ Nguyên Giáp và Chính trị viên Chu Văn Tấn, Giải phóng quân Việt Nam từ Chiến khu Việt Bắc tiến về Hà Nội.
Ngay sau khi nước Việt Nam DCCH ra đời, ông được giao nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.


Những kỉ niệm đáng quý
Cha tôi sau mấy năm bị giam tại Côn Đảo (vì lãnh đạo 5000 công nhân cao su  Phú Riềng đòi quyn sống vào tháng 2/1930), đến năm 1936 bị Thực dân Pháp đưa về  Hà Nam quê nhà, quản thúc. Về Hà Nam ông bắt liên lạc với tổ chức, tiếp tục hoạt động. Năm 1939, ông  là bí thư Tỉnh ủy Hà Nam.
          Tìm  đọc các tư liệu ghi chép do cha tôi để lại, được biết trong thời kỳ hoạt động bí mật, vào 1940, cha tôi đã nhận được chỉ thị cấp trên “tiến hành các hoạt động gây tiếng vang tại Hà Nam, hưởng ứng khởi nghĩa Bắc Sơn”.
Năm 1960, Cụ Hồ lên dự khánh thành
Bảo tàng Các dân tộc Việt Bắc.


          Cha tôi cùng các đồng chí làm công tác binh vận vận động anh em lính khố xanh đóng tại Phủ Lý, sẵn sàng phá cầu Phủ Lý, gây gián đoạn giao thông trên đường sắt Bắc – Nam, quốc  lộ 1, chiếm tỉnh đường… Nhưng do nhiều lý do mà kế hoạch không thực hiện được. Qua đây cho thấy, trong những ngày tháng hoạt động bí mật gian khổ, những chiến sỹ cách mạng luôn hoạt động một cách có tổ chức, luôn tìm cách hỗ trợ cho nhau, chính vì thế mà họ rất gắn  bó với nhau.
Trong kháng chiến chống Pháp, vào năm 1950, thực  hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch về xét xử vụ tham nhũng lớn nhất thời bấy giờ, cha tôi nhận  nhiệm vụ Ủy viên công tố, Thiếu tướng Chu Văn Tấn nhận nhiệm vụ Chánh án Toàn án Quân sự trung ương cùng nhau đưa Trần Dụ Châu - Cục trưởng Cục Quân nhu cùng đồng bọn ra xét sử công khai. Trần Dụ Châu đã lĩnh án tử hình. 
Vụ án có tiếng vang rất lớn, củng cố niềm tin của nhân dân, bộ đội trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống Pháp chuyển từ phòng ngự sang tổng tiến công. Bài học về vụ án chống tham nhũng này còn nguyên giá trị cho việc chống tham nhũng ngày hôm nay ở nước ta.
Khi cha tôi sang Bắc Kinh làm Đại sứ, Thượng tướng Chu Văn Tấn  trên cương vị Phó chủ tịch Quốc hội có nhiều chuyến công tác sang Trung Quốc. Mỗi lần sang, ông đều đến thăm cha tôi tại Đại sứ quán. Hai người có những cuôc chuyện trò rất lâu.
Khi  chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ lan ra miền Bắc, Thượng tướng Chu Văn Tấn bận rôn với công tác củng cố, xây dựng Khu tự trị Việt Bắc mà ông là chủ tịch. Biết ông bạn phải luôn đi công tác xa, lại luôn phải cập nhật thông tin hàng ngày nên cha tôi đã nhờ đồng chí đai diện Đảng cộng sản Nhật tại Bắc Kinh mua giúp một chiếc đài radio bán dẫn Nhật. Ngày ấy đây là một tài sản rất lớn.
Cha mẹ tôi coi Thượng tướng Chu Văn tấn là một người bạn thân thiết, một nhân cách lớn, là biểu tượng của lòng trung thành của nhân dân các dân tộc Việt Bắc với Bác Hồ, với cách mạng, với  Đảng.


Ảnh tư liệu:


2 nhận xét:

  1. Cụ Chu Văn Tấn cũng chỉ vì có tư tửng lập khu tự trị riêng nên mới bị như vậy, nếu đảng không ra tay thì trong nước sẽ nhiều nơi đứng lên đòi ly khai. Cháu cũng nghe rất nhiều đến tên của cụ và nhiều cụ khác như Đồng Sỹ Nguyên, Chu Huy Mân, Hồ Tùng Mậu.... Vì đảng ra tay thời điểm đó nên mọi quan hệ với Đồng Chí Chu Văn Tấn đều bị rơi vào tầm ngắm và con cháu sau cũng mệt mỏi. Cháu là cháu ông Trần Hường( Lê Vũ ) trước cũng ở 61 Trần Hưng Đạo

    Trả lờiXóa
  2. Còn có nhiều điều chưa được giải mã.

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.