Nỗi đau của thế
hệ đi trước, nhất là những người đã trực tiếp “sang trang mới” cho đất Việt
ngày 19/8/1945, là: làm sao cho thế hệ trẻ hiểu được lịch sử nước nhà và sự kiện
“long trời lở đất này”. Nỗi niềm đau đáu đó nung nấu trong con em của những người
tham gia Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội. Từng tâm sự với anh Trần Kháng Chiến - con
trai Thiếu tướng Trần Tử Bình, nhà sử học Dương Trung Quốc có nói: “Các anh
không làm nhanh đi thì những nhân vật lịch sử, những nhân chứng lịch sử ngày ấy
sắp đi hết cả rồi”.
Ý tưởng làm một bộ phim tài liệu về cuộc cách mạng
ấy được hình thành. Kịch bản văn học được chuyển thể sang kịch bản điện ảnh,
nhóm quay phim được chiêu mộ và bắt tay quay những thước phim đầu tiên từ cuối
năm 2014. Cái tứ văn học cho bộ phim là các bạn trẻ đi tìm hiểu lịch sử của Tổng
khởi nghĩa 19/8 ở Hà Nội.
Nhân vật lịch sử
đầu tiên được tiếp xúc là cụ Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, người
chịu trách nhiệm cao nhất trong sự kiện này. Còn một năm nữa tròn 100 mà cụ vẫn
tinh tường: “Ngày 12/3/1945, tôi được dự cuộc họp Trung ương mở rộng do TBT Trường
Chinh chủ trì. Hội nghị ra được Chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của
chúng ta”. Đầu tháng 8/1945, tôi được triệu tập lên Tân Trào họp Hội nghị Đảng
toàn quốc. Trước khi đi đã bàn giao lại cho 2 Thường vụ Xứ ủy Trần Tử Bình và
Nguyễn Khang: dựa vào Chỉ thị của Đảng, nếu thời cơ chín muồi thì cho Hà Nội khởi
nghĩa”.
Một nhân chứng
không thể thiếu là cụ Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, năm nay đã 91 tuổi.
Từ một học sinh nghèo ở Hải Dương, nhờ học giỏi mà có được học bổng vào học Trường
Bưởi. Được các thầy Dương Quảng Hàm, Ngụy Như Côn Tum… truyền bá tinh thần yêu
nước trong các bài giảng mà đứng ra lập nhóm Ngô Quyền, đưa bạn học đi thăm thú
đền Hai Bà,Lý Bát Đế… rồi được Đảng bắt mối. Đó là nòng cốt của tổ chức Việt
Minh thành Hoàng Diệu trong học sinh Trường Bưởi. Từ đây lan ra các trường
Thăng Long, Louis Pasteur, Đồng Khánh… Họ “ăn cơm nhà, làm việc nước”, đi tuyên
truyền vận động nhân dân theo Việt Minh, diệt ác ôn, rải truyền đơn, phát hành
báo Hồn Nước, phá kho thóc Nhật chia cho dân nghèo...
Phim đã nhắc lại
Hội nghị Xứ ủy từ 14 đến mờ sáng 16/8/1945 tại làng Vạn Phúc, Hà Đông, gồm 2
Thường vụ Xứ ủy và các Xứ ủy viên: Văn Tiến Dũng, Xuân Thủy, Nguyễn Văn Lộc, Lê
Liêm, Đặng Kim Giang. Khi nghe qua radio biết Nhật Hoàng đã đầu hàng Đồng minh,
2 Thường vụ Xứ đã quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội gồm: Chủ tịch
Nguyễn Khang và 4 ủy viên: Nguyễn Quyết, Trần Quang Huy, Nguyễn Duy Thân, Lê Trọng
Nghĩa cùng cố vấn Trần Đình Long. Hội nghị này được ví như “Hội nghị Tân Trào dưới xuôi”.
Như nhà sử học
Dương Trung Quốc từng nói: Tiếc là do nhiều nguyên nhân (chiến tranh, giặc giã
kéo dài hàng chục năm ròng) nên việc ghi chép lịch sử ở nước ta thường quá muộn.
Thời gian trôi qua, trí nhớ giảm sút. Nhiều nhân vật lịch sử, nhiều nhân chứng
lịch sử đã lần lượt ra đi. Đến lúc này, đành phải chắp vá nhiều mảnh ghép từ
nhiều nhân chứng lịch sử còn sống, đứng trên nhiều giác độ khác nhau, để có lại
một "bức tranh khá gần" với sự thật của sự kiện.
Qua cụ Lê Đức
Vân (phụ trách Thanh vận) mà nhóm làm phim được gặp các đội viên Việt Minh Hoàng Diệu: Nguyễn Tiến Hà, Nguyễn Kim Chi, Từ Ngọc
Hoan, Nguyễn Phúc Trí, Nguyễn Hải Hùng, Nguyễn Hải Hào, Lê Thy… và gia đình các
cụ Thái Hy, Lê Quân, Bảo Anh… Mới mười tám đôi mươi mà các cô cậu học
sinh ngày ấy đã dẫn dắt nhân dân Hà Nội làm nên một kì tích. Các cụ sôi nổi kể
lại như sự kiện mới xảy ra ngày hôm qua.
Chiều 17/8/1945,
Tổng hội Công chức tổ chức mit-tinh ủng hộ chính quyền Trần Trọng Kim vừa
"giành độc lập được từ tay phát-xít Nhật"(!). Vài nghìn công chức xếp
hàng trước Nhà hát Lớn. Có cả học sinh, sinh viên, đội viên Hướng đạo sinh
Scout... Khi mit-tinh chưa được bắt đầu thì các đội viên Việt Minh Hoàng Diệu (Thái
Hy, Từ Trang Anh, Lê Phan) được sự bảo vệ của đội Danh dự AS đã tiến lên làm chủ
diễn đàn.
Cụ bà Từ Ngọc
Hoan khi ấy mới 14 thì nhớ, bà chị mình là Từ Trang Anh đã giật mic-rô từ tay
diễn giả và tiến ra đọc bài diễn văn. Nhưng cụ Hải Hùng thì ngắt lời: "Nếu
nói cướp diễn đàn thì không đúng vì nhân viên cho thuê loa đài ở rạp Majestique
chính là người đã được giác ngộ, khi thấy người của Việt Minh Hoàng Diệu tiến
lên là đưa mic-rô cho họ ngay. Sau đó, mic-rô mới được đưa cho bà Từ Trang
Anh".
Từ trên ban-công
Nhà hát Lớn, lá cờ đỏ sao vàng cực lớn bất ngờ được thả xuống, thay lá cờ quẻ
ly. Sau này mới biết, người thả lá cờ đó chính là ông Trần Lâm (thân phụ của Tổng
giám đốc Đài THVN Trần Bình Minh).
Sau khi bà Từ
Tranh Anh nói lớn: "Đồng bào hãy ổn định trật tự và ủng hộ Việt
Minh!" thì bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng bước lên, cầm mic-rô đọc bài diễn văn
đã chuẩn bị sẵn (nghe nói được ông Chu Văn Tích chấp bút).
Thiếu tướng Nguyễn
Đồng Thoại (nguyên Cục phó Cục Tác chiến BTTM, khi ấy 13 tuổi) không thể quên,
sáng sáng cùng các anh chị mang những xác của bà con các tỉnh lên Hà Nội kiếm
ăn, bị chết đói, chỉ nặng còn 12-13 kí, từ phố Hòa Mã ra phố Huế, để mang lên
xe đi chôn tập thể. (Những thước phim của cố nhiếp ảnh gia Võ An Ninh nói về nạn
đói khủng khiếp này cũng gây ấn tượng cho người xem).
Chiều 17/8/1945,
cậu bé Thoại tò mò lên quảng trường Nhà hát Lớn, len vào xem bằng được thì bỗng
nghe một giọng phụ nữ, lại là giọng Huế: "Chị em phụ nữ, giờ phút tự cứu mình
đã điểm. Chị em hãy theo Việt Minh giành chính quyền về tay...". Cụ Thoại
bảo, cái câu ấy nhớ suốt đời.
Có một điều
không hẳn ai cũng biết: ông Trần Lâm và bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng không phải đội
viên Việt Minh thành Hoàng Diệu mà là người của Dân chủ Đảng (do ông Vũ Quý và
Lê Trọng Nghĩa lãnh đạo). Thế mới biết, Việt Minh ta tổ chức rộng khắp thế nào.
Bạn trẻ Mỹ Vân đã
thắc mắc với Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Nguyễn Mạnh Hà về việc: các chính đảng
khác cùng tham gia vào Tổng khởi nghĩa thì được Đảng ta đánh giá thế nào? Nguyễn
Mạnh Hà đã trả lời: “Đúng với chính cương, điều lệ của Mặt trận Việt Minh: đoàn
kết mọi tầng lớp, mọi thành phần, mọi đảng phái, mọi dân tộc cùng có tinh thần
yêu nước, cùng tham gia đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập, tự do cho dân tộc...”.
Theo kế hoạch:
chỉ phá cuộc mit-tinh là rút, ai ngờ nó đã được biến thành cuộc tuần hành thị
uy chưa từng có ở Hà Nội. Cuộc tuần hành khổng lồ ấy hoàn toàn bột phát, chắc
không phải ai cũng biết!? Sau khi bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng dừng diễn thuyết,
ông Lê Chi (thành viên của đội Danh dự AS) đứng trước sảnh Nhà hát Lớn, tay
giương cao lá cờ đỏ sao vàng, phẫn khích hô lớn: "Đồng bào theo
tôi!".
Vậy là người người
bước theo ông, kéo ra đường Rue Paul Bert (nay là Tràng Tiền), vòng ra Bờ Hồ
lên Hàng Ngang, Hàng Đào. Đi tới đâu, bà con càng nhập thêm đông. Qua chợ Đồng
Xuân rồi lên Phủ Toàn quyền... Đoàn người giơ cao cờ đỏ sao vàng, hô vang những
khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh, đả đảo chính phủ bù nhìn... Lính bảo an mang súng
theo bảo vệ...
Thật hạnh phúc
khi đoàn làm phim tiếp cận được ông Lê Trọng Nghĩa, thành viên Ủy ban Khởi
nghĩa Hà Nội.Cuối năm 2014 đã 93 tuổi[1],
nhưng người cán bộ quân báo ấy vẫn không quên: "Chiều hôm ấy, tôi cùng ông
Trần Tử Bình đang ở ATK (An toàn khu) của Xứ ủy ở làng Vạn Phúc, Hà Đông. Cả
hai đang nóng lòng chờ đợi thì thấy ông Nguyễn Khang hớt hải trở về từ Hà Nội. Người
trực tiếp theo dõi cuộc tuần hành khổng lồ ấy của nhân dân Hà Nội đã chém tay:
"Thời cơ đến rồi, phải khởi nghĩa thôi, không thể chần chừ được nữa!".
Và 2 ông đã ra quyết định: Cho Hà Nội khởi nghĩa vào ngày 19/8!
Đoàn làm phim
còn đến ghi lại hình ảnh nhà bà Hai Nhã ở Dịch Vọng, nơi Thành ủy và Ủy ban Khởi
nghĩa Hà Nội tổ chức hội nghị mở rộng vào đêm 17/8/1945, triển khai nghị quyết
của Xứ ủy, tiến hành Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội vào ngày 19/8/1945. Nhân chứng
còn lại đêm hôm ấy là cụ Đại tướng Nguyễn Quyết và cụ Lê Đức Vân. Ngôi nhà mái
ngói, có những tấm dại tre ngày ấy như vẫn mang hơi thở nóng hổi của Hà Nội
cách nay 70 năm.
Nhìn lại “sự kiện
sang trang lịch sử” của Hà Nội và cả nước, người xem không chỉ được nghe những
nhận định của các nhà nghiên cứu lịch sử mà còn được nghe nguyên TBT Lê Khả
Phiêu đánh giá sự kiện trọng đại này và ủng hộ việc làm này của thế hệ trẻ.
Bộ phim “Những
người làm Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội” đã cố gắng thể hiện phần nào ước vọng ấy.
Với lối dẫn chuyện giản dị, hấp dẫn, người xem đến với không khí nóng hổi của sự
kiện 19/8/1945 thật dễ dàng. Đây chính là món quà tặng nhân dân Hà Hội vào dịp
kỉ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám 1945.
Nhóm làm phim: Đạo
diễn: Trần Tuấn Hiệp; Kịch bản văn học: Hoàng Quang Vinh; Dẫn chuyện: Mỹ Vân,
Kiến Quốc; Đọc lời bình:
Chiến Thắng… sẽ mang cho khán giả những thước phim tài liệu lịch sử quý
hiếm.
Phim gồm 6 tập,
được khởi chiếu trên kênh VTV2 vào 8 giờ sáng, từ thứ ba 11/8/2015. Trân trọng
kính mời!
[1]
Chính ông là người được Thường vụ Xứ ủy cử ra thương thuyết với quân Nhật đang bao
vây Trại Bảo an binh vào trưa 19/8/1945.
Cũng đêm ấy, ông cùng cố vấn Trần Đình Long được cử tới Bộ chỉ huy quân đội Nhật
ở Đông Dương, thương thuyết với Tổng chỉ huy quân đội Nhật Tshuchihashi, tránh
được đổ máu. Cũng chỉ ít ngày sau khi đoàn làm phim đến gặp cụ, cụ đã quy tiên
vào ngày 22/2/2015.
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóaTrong qua trình làm bộ phim này,gia đình chúng ta có thêm những người bạn tốt, thân tình,chân thành,có tri thức và tâm hồn nghệ thuật.Chúng ta cảm nhận được một điều vô giá ,đó là tình cảm của các nhân chứng lịch sử đối với Cha-Ủy viên Thường vụ xứ ủy, là một trong hai người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc ra quyết định Tổng khởi nghĩa tại Hà Nội vào ngày 19-8-1945. Chúng ta cảm nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của các nhân chúng lịch sử,những người được mời thực hiện bộ phim này đối với nhóm là phim. Cha,mẹ nhìn thấy việc làm có tình,có trách nhiệm của con cán nên đã phù hộ cho công việc làm phim được thông hanh. Bộ phim ngay sau khi hoàn thành được KQ liên hệ với Bạn thân tác động để bộ phim được phát trên VTV2 từ 11-8, là một thắng lợi rất lớn. Chắc chắn cvha mẹ rất vui lòng.
Trả lờiXóa