Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2018

… Mất, được … (Trần Việt Trung)



1. Sau mỗi chuyến đi xa ta thường kiểm đếm những điều thu lượm được. Qua một vòng nhân sinh ai cũng nhìn xem những tài sản mình để lại cho hậu thế. Bên cạnh căn nhà, mảnh đất, đồng tiền và sản nghiệp dành cho con cháu hậu duệ, có những người trao lại những tri thức vô giá như báu vật, để học trò tiếp bước thi hành phận sự trên hành trình bất tận của Đạo – Thuật – Tình – Nghĩa.
2. Xuân Tân Mùi năm 1991, trong căn phòng nhỏ tầng 2 Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, cụ Thiên Tích bắt mạch cho một bệnh nhân nữ. Cũng là lẽ thường vì mỗi ngày số bệnh nhân đến khám tới vài chục người, còn ngày “cao điểm” có lúc hơn một trăm!



Hỏi chuyện mới biết đây là cháu gái của một cụ làng cùng “thi tuyển” đợt với mình đầu tiên, tên là Ngô Quý Tiếp đã mất, cụ lang Tích có thiện cảm lắm. Đợt đó 28 cụ được chọn nên gọi là thế hệ “nhị thập bát tú”, kể cũng hay hay. Hỏi bệnh, chị bệnh nhân cho biết, bệnh viêm đại tràng đã làm mình kiệt quệ, từ 49 giờ sút đi còn 37 cân, đã qua các bệnh viện Hữu Nghị, Đường sắt, Xanh – pôn để khám chữa uống thuốc mà bệnh ngày một nặng thêm, ăn vào không tiêu hóa được, tiên liệu ngày càng xấu.
Cụ Tích chỉ cười nói: “chị đừng lo lắng quá, tôi sẽ chữa bệnh cho chị, bệnh này nhiều người bị lắm!”.
3. Lần đến khám tiếp theo, anh chồng chở chị Minh đến cụ Tích. Thấy vợ kể về vị lương y đang chữa bệnh, anh cũng muốn đến gặp. Nhìn vị lão y tóc trắng như cước búi nhỏ cài trâm sau gáy, trán cao vững vàng, hai lưỡng quyền gồ lên đậm vẻ phong sương, hàm én vuông vức đầy sức chịu đựng, chòm râu lưa thưa, phất phơ thanh thản, trông như bậc đạo sĩ thời xưa.
Ba ngón tay đặt lên bộ vị mạch cứ nhấn nhá nông sâu, tấm lưng dựng thẳng như một bức tường, đôi mắt lim dim thật tĩnh lặng … thần thái như muốn đo xem thuốc đã tiến đến đâu, bệnh đã lui thế nào. Anh chồng bỗng thốt lên một câu ngoài ý muốn: “đẹp quá!” làm cho vị lão y giật mình hỏi lại “gì hả anh?”.
Ra ngồi bàn trà, rót nước vào các chén nhỏ, chị Minh “khoe” với cụ Thiên Tích “chồng con ở nhà cũng dạy võ cho người thân, ông ạ” “Phép làm tướng thời xưa phải biết Nhâm, Cầm, Độn, Toán thế anh có biết không?”.
Nhìn vị lương y khoan hòa, buông câu hỏi nhẹ tênh mà đầy  “thử thách” về tri thức, anh chồng buộc phải đáp lại: “dạ, cháu chưa được biết ạ. Nhưng cháu nghĩ, người xưa học được thì mình cũng học được, có điều người ta thông minh bỏ ra một công học, mình kém hơn thì bỏ ra mười công”. Cụ Tích cười.
“Nhiều lúc mọi người cũng hay đến nhờ chồng con xem tử vi nữa ông ạ”. Cái mạch vui ở chị Minh với bậc lão y vẫn dâng tràn. “Thế cơ à, hay nhỉ. Anh xem Tử vi theo lối nào?”. “Dạ, cháu xem còn thấp lắm, các cụ xưa gọi là chỉ bập bõm thôi ạ”. “Thế anh xem ở mức nào? Bập hay bõm?”. Cụ Tích như muốn “truy xét” bằng cách bẻ chữ xem người đàn ông trước mặt ứng đối thế nào. “Dạ, bập thì được, còn bõm thì hay ạ!”. Sau câu trả lời là một khoảng yên lặng.
“Dạ, vợ chồng cháu xin phép bác về để bệnh nhân khác khỏi chờ lâu ạ”. “Hôm nay tôi mới sơ kiến anh, tôi có lời, lúc nào rỗi mời anh lại chơi, ta cùng trò chuyện”. “Dạ, cảm ơn lời mời của bác, nhưng cháu phải thưa thật là cháu ít thời gian rảnh rỗi lắm ạ”. Vị lão y nhìn người đàn ông.
Lần sau đến khám, cụ Thiên Tích nói với chị Minh “anh chồng chị là người có vấn đề đấy!”.
4. “Hôm nay ngày nghỉ, tôi qua chơi với anh, ta cùng uống chén rượu trong câu chuyện cho vui”. Chồng chị Minh được vợ báo trước, cụ Thiên Tích sẽ đến chơi nên rất vui. “Bệnh nhân được đón thày thuốc đến nhà thì còn gì bằng ạ. Hôm nay anh Nghị cháu cũng ngồi tiếp bác”.
Anh em mồ côi cha từ nhỏ, khi có bậc “trưởng thượng” đến chơi, chồng chị Minh mời anh cùng ngồi tiếp cho phải lễ.
Sau dăm tuần rượu, khoảng cách ban đầu đã được sự thân tình gần gũi lấp đầy, cụ Thiên Tích dùng Nhân tướng học một tri thức cổ chỉ có ở bậc học giả và người trải đời, xem cho hai anh em. Kết thúc, cụ cười khà khả, hỏi: “các cậu thấy tớ xem thế nào?”. Anh Nghị đáp: “Bác xem hay quá!”.
Chồng chị Minh ngẫm nghĩ rồi trả lời, nhưng không thẳng vào câu hỏi: “Bác ạ, bác sinh ra trong gia đình và dòng họ khoa cử, tuổi trời cho của bác đã là thất thập cổ lai hi (tuổi 70), bác lại là người đứng đầu nền Đông Y hiện nay (chủ tịch 2 khóa 1990 – 2000), mà tướng pháp với đông y thì cách nhau gang tấc. Vậy thì những điều bác nói không nên bàn!”, ngừng một chút anh nói tiếp: “… vậy, cháu cũng xin phép được xem tướng của bác”.
Cụ Thiên Tích yên lặng nghe người đàn ông đang xem tướng cho mình. Xưa nay khi quần hội, thường bậc tiền bối xem cho kẻ hậu sinh, chứ mấy khi người trẻ xem tướng cho các bậc lão thành. Đợi khi chồng chị Minh ngừng lời, cụ Thiên Tích bảo “Anh cho tôi về viện”.
Chiếc xe máy chở hai người vừa dựng trước cổng, cụ Thiên Tích bảo: “Anh gửi xe rồi lên gác, tôi có chuyện muốn nói với anh”.
5. Chiếc kim phút đi hết một vòng 60 cung độ chập lại cùng kim giờ. Đã chính ngọ, 12 giờ trưa. Thời khắc dương thịnh nhất trong ngày.
Rót trà vào hai chén nước, cụ Thiên Tích ngỏ lời: “Hôm nay tôi gặp anh lần thứ 2, biết hơn về anh và gia đình. Tôi muốn đề nghị anh một việc: Học đông y”. Câu nói quá đột ngột khiến chồng chị Minh đang cầm chén trà định uống phải dừng lại.
“Anh nhận lời chứ?”. Suy nghĩ giây phút, chồng chị Minh mới trả lời: “cháu cảm ơn sự ưu ái của bác. Nhưng cháu có nghề nghiệp rồi và cũng không có ý định học thêm nghề mới ạ”.
Có lẽ vị chủ tịch ít khi nghe những lời nói như vậy trong nghề y của mình? Hai bác cháu lặng yên nhìn nhau.
“Nhiều người đến xin học. Nhưng tôi có tuổi rồi. Hơn nữa bây giờ người ta chạy theo đồng tiền nhiều quá, làm y mà chỉ nghĩ kiếm tiền thì dễ thất đức. Gặp anh tôi biết là người tự trọng trung thực nên rất quý, muốn trao những kiến thức mình tích lũy được từ  ông cha và thực tiễn. Nghề này cũng kén người lắm”. Bậc trưởng lão dãi bày suy tư của mình. “Nhưng vì sao anh không thích học? biết y học có thể giữ sức khỏe cho mình và những người thân, chả cứ gì phải hành nghề”.
“Dạ, với cháu, học là việc trọng, không thể thích thì học, không thích thì bỏ. Nhất là nghề y. Nếu học dở dang nửa chừng thì mất thời gian của thày, mất thời gian của mình, nếu có dùng thì còn hại người vì kiến thức lỗ mỗ”.
Dạo đó cơ quan chồng chị Minh có dự kiến anh làm đại diện nước ngoài. Thật nan giải. Nếu nhận lời anh sẽ phải đi đến cùng!
Nhưng rồi, trên đời điều gì phải xảy ra ắt sẽ xảy ra.
Trước mặt là cây đại thụ của Y lâm quốc gia, là một kho kiến thức tích tụ từ nền  văn hóa Việt, là thày thuốc đang chữa trị cho vợ mình, chồng chị Minh không nên từ chối lời mời, không được phạm vào lễ - nghĩa! Nhưng nhận lời thế nào đây?
“Bác ạ, cháu rất kính trọng bác và biết rằng sự ưu ái bác dành cho cháu không phải ai cũng được nhận. Vậy, cháu sẽ theo học bác.Cháu chỉ xin một điều: nếu việc học vì một lý do nào đó mà không đến nơi đến chốn thì mong bác lượng thứ”.
Cụ Thiên Tích chỉ cần có thế. Nụ cười hiền hậu và ánh mắt hài lòng hiện ra.
6. “Tôi sẽ dạy anh theo lối kinh điển ngày xưa, vừa đọc sách để nắm kiến thức, vừa thực hành ngồi ghi đơn bắt mạch, cứ làm dần từng bước một. Đây là bộ Trung Y học khái luận chúng tôi những lương y Nhị thập bát tú dịch ra tiếng Việt. Tài liệu thí giảng của Học viên Trung y Nam kinh được vài trăm lương y giỏi thống nhất soạn ra, mỗi tuần tôi dạy anh một chương để có kiến thức căn bản mà đầy đủ. Đồng thời anh cũng phải học chữ Hán để đọc sách Nho – Y. Các pho sách cổ đều có ẩn ý và phát minh riêng mình phải tự đọc mới hiểu được, chứ đọc chữ dịch quốc ngữ nhiều khi không sát làm sai lệch ý. Đọc sách phải biết phê sách chứ không cắm đầu cắm cổ bắt chước đâu. Nắm lấy cái hay của mỗi phương – dược để suy xét…”.
Cứ như thế mỗi ngày một chút, chồng chị Minh vừa đi làm vừa tự học để không phải thất hứa với thày. Để thủ tín.
Năm 1993, một ngày thu, mẹ chồng chị Minh qua đời. Tự tay cụ viết tang chướng cho gia đình treo nơi thờ, làm các phép nhập quan cẩn thận, cầm 5 thẻ hương đã châm viết những dòng kinh phật trên tấm vải vàng phủ ngang thi hài. Lúc hạ huyệt cụ chỉnh chiếc quan tài thật ngay ngắn cho đúng cung độ của phong thủy. Tuần 49 ngày, đích thân cụ cùng sư Côn ở chùa Quảng Bá và một thày cúng già lập đàn cúng theo lệ xưa. Ba năm sau sang cát, cụ lại đặt tiểu sành xuống đúng vị trí ở nghĩa trang Mai Dịch, bên cạnh bố chồng chị Minh đã đặt trước ở đây. Cụ Thiên Tích bảo: “Bà cụ là một phụ nữ anh hùng, lãnh đạo cướp thóc cứu đói, giành chính quyền cả tỉnh  Hưng Yên quê tôi, là vợ cán bộ cao cấp mà chan hòa giản dị. Tôi muốn làm những việc để con cháu được hưởng phúc”. Có học trò, cụ đã đến và gắn bó với các thành viên gia đình cách mạng này.
Năm 1995, sau nhiều lần qua chơi và thăm khám cho ông Ngô Sỹ Quý – thày võ của chồng chị Minh, trong bữa cơm giữa hai “bạn già” cụ Tích nói với cụ Quý, giọng hóm hỉnh pha lẫn nghiêm cẩn: “Cụ ạ, từ nay tôi không khám cho cụ nữa đâu”. “Chết, có chuyện gì không phải ạ?”. “Không, tôi muốn học trò cụ chữa cho thày”. “Có được không? Đã đủ kinh nghiệm và kiến thức chưa ạ?” “Không chữa được cho thày thì làm sao chữa bệnh cho đời được! anh ấy đã bắt mạch kê đơn làm phúc rồi đấy!”. Từ hôm đó, cụ Quý toàn uống thuốc do học trò bốc, cụ Tích chỉ qua chơi. “Cụ Tích quả là bậc lão luyện giang hồ, bậc minh sư. Thuốc của chú uống vào đến đâu là biết đến đấy, không như các tay lang khác. Dạy học trò để chữa bệnh cho thày, đúng là rất lịch duyệt!”. Các bậc sư phụ suy nghĩ, nhận xét, hành xử thật đơn giản mà rất thấm.
Năm 1997, cụ Quý qua đời. Trong ngày rét căm căm, sát Tết, cụ Tích lại đội mưa chọn đất nơi nghĩa địa đìu hiu, làm các phép nhập quan cho bạn già để nhìn mặt nhau lần cuối, tự mình canh đàn cho trọn tình vào tuần tứ cửu.
Ngồi một mình, nhìn ngược dòng thời gian, chồng chị Minh tự hỏi: vì sao cụ Tích dành cho mình vô vàn kiến thức, chia sẻ tình cảm, đạo nghĩa của mình với mẹ, với anh em, với sư phụ như vậy?
7. Đời sống của một cá nhân không chỉ có nghề nghiệp, còn tinh thần, quan hệ và sở thích nữa.
Ở cụ Thiên Tích nhu cầu đi đây đó nhìn ngắm phong cảnh tiếp xúc nhân quần luôn thường trực. Địa phương nào con người có tính cách đó. Đây là kiến thức của địa dư chí trong lịch sử liên quan đến phong thủy, tật bệnh, nhân vật.
Ngoại trừ những lần cụ đi dự đại hội y học huyện hay tỉnh, mỗi khi được mời đi khám bệnh cụ hay nói chồng chị Minh và Trường (nhân vật Xuân trong truyện Thày Thiên Đức) đi cùng. Dọc theo chặng đường, đi lên Yên Bái, Lào Cai, Lạng Sơn phía Bắc hay vào Nghệ An, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng phía Nam, mỗi vùng đều có nhiều chuyện để nói. Giai thoại về những nhân vật đỗ cao trong khoa cử, anh hùng lúc lập nghiệp, cục đất khi phát nguyên, đượm bản sắc văn hóa Việt. Những điều này người Việt hôm nay dường như quên lãng.
Cứ độ xuân về, cụ Tích lại nói với cánh đệ tử của chồng chị Minh tổ chức du xuân lên non cao Yên Tử rồi xuống biển Cửa Ông, Vân Đồn. Qua mỗi chùa, mỗi đền đoàn lại ghé vào để cụ tụng kinh phật, tuyên sớ cầu có một năm an lành. Kể từ năm 1994, anh em tháp tùng cụ đã được 21 chuyến, trừ 2 lần vào Hương Sơn Hà Tĩnh. Người đời bảo ai lên Yên Tử 3 năm liền thì sẽ được Phật Hoàng chứng giám. Nếu đúng thế Phật đã chứng cho 7 lần rồi, phúc đầy quá!
Xuân 1999, cái mốc cuối của thế kỷ 20, cụ Thiên Tích bảo với anh em võ sinh tổ chức chuyến đi xuyên Việt bằng ô tô. Cả đoàn mười bốn “ông con” đi dọc theo quốc lộ 1, cắt lên cao nguyên trung phần, xuôi xuống tận đất Mũi trong 2 tuần. Kỷ niệm với cụ thật khó quên.
Hè 1994, gia đình 99 (từ gọi chung cho gia đình chồng chị Minh ở số 99 Trần Hưng Đạo) mời cụ Thiên Tích đi Nga, nơi đã từng là thành trì của chủ nghĩa xã hội. Đặt chân đến Hồng Trường, vào lăng Lê Nin, đứng trước đại học Lô-mô-lô-xốp ở Mát-xcơ-va, hay đến Xanh-pê-téc-bua nơi Pi-e đại đế lập kinh đô từ bãi sình lầy, cụ Thiên Tích thốt lên: “đi thế này, nhìn cái vĩ đại mà thương các vị vua Việt Nam”. Cụ thương các vị vua hay thương người Việt mình, chăm chỉ thông minh mà cứ khổ mãi?
Thu 2005, vợ chồng chị Minh mời cụ đi chơi Singapore cùng gia đình. Cái tên của đảo quốc này gợi cho cụ nhớ lại tên theo Hán Việt là Tân – gia – ba, nơi đi đày của một số chí sỹ yêu nước đầu thế kỷ 20. Nhìn chiếc tàu buôn Hà Lan cũ kỹ của thế kỷ 17, ra đứng ngắm nhìn biển hút tầm mắt ở mũi Ma-lắc-ca, chồng chị Minh nói với thày: “ông ạ, không gì rộng bằng biển, ông con mình còn đang đứng ở ranh giới 2 đại dương là Thái Bình Dương và Ấn Độ dương đấy”. Cụ Tích hiểu cái hoài bão, khoáng đạt ở người học trò gắn bó.
8. Năm 1997, trong một bữa cơm mời thày, cụ Tích nói với vợ chồng chị Minh: “Anh nên làm thuốc cho khỏi  phí cái sở học của mình”. Học trò vâng lời thày.
Cũng kể từ dạo đó, như một ấn định bất biến, cứ mùng 1 hôm rằm là chồng chị Minh lên cụ Tích uống rượu sau khi thày cúng phật xong. Trường ở luôn bên thày, thạo việc nấu nướng và “chấp tác” của một tiểu đồng. Ba thày trò thường nhắm rượu hàn huyên đến tối muộn. Còn vào ngày cuối tuần, cụ Thiên Tích lại đến nhà chị Minh. Cụ rất thích các món ăn nấu “đúng phép” theo lối xưa của người Hà Nội. Qua chén rượu, chuyện văn chương Nho – Y lại hồi sinh từ những góc khuất trong bộ óc của bậc danh y túc nho. Những căn bệnh hiểm nghèo hay thiên thời dịch khí đều đem ra truyền thụ.
Nếu không gặp nhau, hình như cuộc sống thiếu đi điều gì đó. Thấy vậy, có người bảo: “Ở đời có hai hướng khởi nguyên đạo thày trò: trò đi tìm thày và thày đi tìm trò. Quan hệ này thuộc loại sau”.
Vui hóm nhất là nếu trong bữa rượu, lại có bệnh nhân đến xin bốc thuốc. Có hôm bệnh nhân từ Quảng Bình đi tàu hỏa ra lấy thuốc cho cả nhà, bày tỏ lòng biết ơn với thày thuốc. Chồng chị Minh chỉ tủm tỉm cười đáp lại: “tôi có giỏi gì đâu, nếu có chữa được bệnh là toàn nhờ cụ già kia chỉ dạy, bác ra cảm tạ cụ ấy đi!”. Cụ Thiên Tích đứng lên xua tay gạt đi: “thôi thôi, phúc người nào người đấy hưởng!”. Thật thấm.
Ba cô con gái của chị Minh được cụ Thiên Tích quý như “vàng ròng”. Cháu nào nghỉ hè trước khi lên đường đều được cụ “gia lộc” cho may mắn. Đứa nào lấy chồng cụ cũng lên sân khấu chúc phúc cho hai họ. Cụ đã là một thành viên máu thịt của gia đình.
Cụ Thiên Tích có hai cháu nội là Nam, Việt được ông chăm chút từ lúc bế ngửa. Khi chúng qua tuổi thiếu niên, cụ bảo: “chúng nó muốn theo học võ cho vững vàng, tôi nhờ anh dạy giúp”. Chồng chị Minh lo luôn cho các chau thi vào đại học. Lúc ra trường đã có công ăn việc làm, cụ lại nhờ chồng chị Minh đi ăn hỏi, xin cưới cho các cháu thì mới yên tâm. Cháu Nam cũng theo nghiệp y, là bác sỹ ở Bệnh viện Bạch Mai. Nhiều lúc chỉ có hai thày trò, cụ Thiên Tích lại nhắc: “Sau này nếu cháu Nam cần gì về Đông Y thì tôi nhờ anh giúp. Sách vở còn lại của gia đình có thời gian anh nên đọc hết đi!”.
Với nhà Nho, sách vở là quý nhất, “nhất tự trị thiên kim”/một chữ hơn ngàn vàng.
9. Từ năm 2009, nhà chị Minh chuyển xuống Yên Sở cách nhà cụ Thiên Tích ở Mai Động 5 phút đi xe máy. Thày vui vì có trò ở gần. Có lẽ với người già, khoảng cách đến người thân càng ngắn thì càng thấy yên tâm?
Thử tính suốt 27 năm thày trò bên nhau, mỗi tháng “hoan ẩm” 6 lần, nếu kể cả giỗ chạp và những chuyến vi hành thì một năm cũng ngồi với nhau chín chục lần. Thày trò “đối ẩm” 2.000 bữa có lẻ, mà chuyện trò vui buồn có đủ. Có lúc chồng chị Minh nói với thày: “Ông ơi, sau này ông quy tiên, ngày ngày bữa chiều ông giữ nếp về uống rượu với con nhé”. Nghe vậy, cụ Thiên Tích lẳng lặng uống cạn chén rượu, thay cho lời nói.
Năm 2014 cụ Thiên Tích gặp hạn nặng. Cụ bị xuất huyết dạ dày, người mơ màng rồi thiếp đi vì mất nhiều máu. Cụ phải cấp cứu vào khoa Tiêu hóa – Bệnh viện Bạch Mai, nơi cháu Nam của cụ làm việc và truyền gần 3 lít máu. Con, cháu, học trò, anh em võ sinh luôn ở bên cạnh túc trực. Lúc chồng chị Minh chạy vào viện sau giờ làm việc, cụ mở mắt ra vẫy anh ngồi xuống giường. Cụ Thiên Tích nắm lấy tay học trò, giọng thều thào: “Anh ngồi đây với tôi, cuộc đời rồi chẳng biết lúc nào xa nhau!”. “Ông ơi, ta vượt qua hạn rồi, cháu Nam cầm được máu rồi, hai ba ngày nữa là bọn con đón ông về”. Cụ Thiên Tích lại thiếp đi, bàn tay không rời.
Tuy tật bệnh không buông tha ai kể cả thày thuốc, nhưng rồi ngày lần ngày cụ Thiên Tích đã bình phục. Ngoài 90 tuổi cụ vẫn giữ nếp bắt mạch kê đơn, cái nghề cao quý của gia đình ngấm vào hơn 80 năm qua.
Nhớ ngày đầu đến thụ giáo, chồng chị Minh được sư phụ tặng cho dây bạc đeo ở cổ tay, dập nổi 5 chữ Nho của quẻ Càn trong kinh dịch: Càn – Nguyên – Hanh – Lợi – Trinh. Phải chăng, cụ muốn học trò gánh vác cuộc đời như quẻ Càn?
Mừng chị Minh có nhà mới, Trường tặng “đại ca” quầy ngăn ô tủ thuốc, vậy là huynh đệ sẽ phải đồng hành với nghề thày cho trọn cuộc đời. Cụ Thiên Tích tặng chiếc sập làm theo lối cổ, chạm chữ “Thành nhân chi Mỹ”, rồi giảng giải: “Người quân tử lấy việc thành người là điều tốt đẹp”. Đúng rồi, sinh ra làm người thì dễ, chứ học để thành người thì mất nhiều công sức!
Thêm nữa, cụ nói treo đôi cấu đối mới viết “Phi nhân quả báo phương hành thiện/Khởi vị công danh thủy độc thư”, rồi nói: “đây là con người anh: thấy điều đúng là làm ngay mà không đợi chờ nhân quả/ học hành nhiều từ nhỏ mà không cần công danh”.
Năm 2013, chồng chị Minh xuất bản truyện “Quyền sư” viết về thày Quý, cụ Thiên Tích bảo “đạo nghĩa thày trò anh hiếm có”. Ngày 20 tháng 11 năm 2016 cuốn truyện tiếp “Thày Thiên Đức” lại được in mà nguyên mẫu chính là cụ Thiên Tích! Trò đọc cho thày nghe, cụ ngồi thừ người, có lúc mắt rơm rớm. Cụ bảo ở đời ít người viết truyện về thày lắm. Vì sao?
Một hai năm gần đây cụ Thiên Tích cho vợ chồng chị Minh nhiều thứ quá: 2 chiếc áo bông trần vải gấm, 2 chiếc nhẫn vàng mặt đá đỏ, quần áo ta may bằng vải đũi…nhất là chiếc cặp da có ghi: “Đại hội đại biểu Y học cổ truyền Việt Nam lần thứ X 10-12-2000”, đây là dấu mốc cụ trao quyền lãnh đạo cho người kế nhiệm. Cụ như muốn để lại hết những gì mình giữ?
Bốn năm trước, thấy thày đã già yếu nhiều, anh em bàn nhau lo trước “sinh phần” để nếu sư phụ ra đi thì có sẵn nơi chốn. Trường đứng ra lo hết việc này. Cắm hướng mộ, Trường hỏi “đại ca” để cùng trao đổi, chồng chị Minh tán đồng ngay. Kể từ ngày đầu đến nay “đại ca” chưa từ chối Trường bất cứ điều gì. Huynh đệ là vậy. Cụ Thiên Tích nhìn sinh phần lo sẵn cho mình ở nơi chôn nhau cắt rốn mà không nói lời nào. Cụ hài lòng.
Trưa chủ nhật ngày 25 tháng 3 năm 2018, như lệ thường suốt 20 năm qua, chồng chị Minh đón cụ Thiên Tích xuống nhà ăn cơm. Hôm nay anh ngồi lại ở hiên nói chuyện với bác Giám con trưởng ở cùng cụ khá lâu.
Hai thày trò ngồi ở đầu bàn như mọi khi chồng chị Minh lấy kéo cắt nhỏ những miếng thịt hầm nhừ và một bát nước thang để thày ăn. Bữa nay có thêm chị dâu cả của nhà 99 từ Sài Gòn ra cùng dự. Cụ Thiên Tích không muốn ăn, nên chỉ gắp thảo lảo một đôi miếng nhỏ khi cậu học trò “cưng” giục thày. Xúc từng thìa bát chè đậu xanh chị Minh bê ra, cụ bảo “bát chè ăn vào mát ruột”.
Tối ngày 26 tháng 3, khoảng 21 giờ, đang ngồi đọc sách một mình ở phòng thuốc, một cơm gió đêm thình lình lùa qua cửa sổ khiến chồng chị Minh giật mình. Anh bỗng thấy nóng ruột. Bật điện thoại, anh gọi ngay cho Trường: “Cả ngày hôm nay em ở với ông, em thấy ông thế nào?” “Ông ăn ít lắm anh ạ”. “Hôm qua ngồi với anh ông cũng ăn ít lắm, tiếng thở của ông to, thô như tiếng xay lúa, em sắc thuốc cho ông uống đi”. “Nói rồi nhưng ông không chịu”. “Em phải ép ông uống chứ, mình là y gia cơ mà!”. “…”. “Ở bên ông, có gì khác điện ngay anh nhé”. “Vâng anh”.
Sáng 27 tháng 3 chồng chị Minh đi làm sớm vì có đoàn kiểm tra công ty. Đúng lúc dừng lại ở đèn đỏ ngã ba Ba La, tiếng điện thoại réo lên: “đại ca, quay về ngay!”. Chị Minh chưa biết cụ Thiên Tích đã ra đi, trên đường đến thăm cụ ghé siêu thị mua loại kem cụ vẫn thích ăn. Nhưng những chiếc kem không ai đụng đến.
Chồng chị Minh mở cổng, lao vào giường nơi thày đang nằm. Vẫn tư thế nằm nghiêng thân thuộc bao năm nay. Thày đang ngủ, chỉ có điều hơi thở đã ngừng và toàn thân lạnh giá.
Nửa đêm qua, cụ Thiên Tích bất an, cứ chốc chốc lại ra cổng ngó cụ bảo ra xem có ai đến khám bệnh không! Rồi cụ vào giường nằm. Cụ đi vào giấc ngủ. Vẫn ở tư thế đó cụ xuất thế. Không một ngày ốm đau, không một ngày thuốc thang. Thật Tiên hơn cả Tiên!
Đám tang được con cháu, gia đình, học trò, võ sinh xúm vào lo liệu mỗi người một tay. Điếu văn do Bệnh viện Y học Cổ truyền trung ương soạn, Giám đốc Nam đọc. Đêm hôm trước, huynh đệ bên nhau, bên thày, Trường bảo: “đại ca” viết lời tiễn biệt thày. Chồng chị Minh về nhà, ngồi một mình ở phòng thuốc, để ảnh thày trước mặt vừa viết vừa khóc.
“KHÓC THÀY
Trên đời, bên đạo cha con, ông cháu chúng ta còn có nghĩa Thày – Trò dâng lên những bậc thày của nghề nghiệp và tinh thần.
Chúng tôi, trong giờ phút đau đớn khi thày Thiên Tích trở về với tiên tổ, khoanh tay tròn thế sự, xin được khóc thày, tiễn biệt thày:
Đất hỡi, trời hỡi
Đường trần ngắn ngủi
Nghe tin sét đánh
Thày đã đi rồi!

Nhớ thày năm xưa
Tài hoa, đức độ
Tự hào gia thế
Đồng nghiệp mến mộ.

Chèo vững chẳng lơi
Vượt sóng biển đời
Gian lao vất vả
Ý chí rạng ngời.

Nhị thập bát tú
Tiên khởi Đông y
Chân tài thực học
Nổi tiếng kinh kỳ.

Một đời làm y
Giàu lòng bác ai
Nghiêm cẩn suy vi
Bệnh khó chẳng ngại.

Tuệ - Lãn tàng trân
Giữ vững tinh thần
Đào sâu vốn cổ
Chẳng hổ tiền nhân.

Nho – y – lý – số
Phật – lão tùy duyên
Trí tuệ uyên áo
Chẳng vương lụy phiền.

Học trò đầy sân
Con cháu trưởng thành
Kế nghiệp vinh danh
Nghề y cao quý.

Hôm nay trọn nghĩa
Nợ nghiệp ba sinh
Thày đi thanh thản
Phật độ siêu linh.

Thương thày sức yếu
Nhớ thày tuổi cao
Đường xa muôn dặm
Thày ghé bến nao?

Âm dương cách biệt
Lệ nuốt vào lòng
Nhớ thày thương cảm
Thày có biết không?

Vĩnh biệt, Thày ơi!
Vuông tròn sự thế
Khôn thiêng thày nhé
Phù hộ cuộc đời.
Thày ơi!...Thày ơi!”

Trường thay mặt môn sinh đọc giọng nức nở, đến câu cuối thì nấc lên, nước mắt chảy thành dòng.
Tổng Mễ Sở quê cụ có tục lệ, cứ 3 năm lại rước Đức Thánh Chử Đồng Tử vào tháng 2 âm lịch: “mùng mười rước đi, mười hai rước về”. Vị thánh bất tử này là biểu tượng của học hành và Y đạo nên được tôn thờ là Đạo Tổ. Hôm nay, ngày 12 tháng 2 năm Mậu Tuất, cụ Thiên Tích vị chủ tịch Đông y được đưa về quê hương bản quán chôn cất. Đây là sự trùng hợp tình cờ?
1, 2, 3 rồi 4 chủ nhật sau đó cứ đến bữa cơm trưa không ai nói câu nào. Không ai ngồi vào góc bàn của hai thày trò. Trên bàn là một chiếc đĩa, một chiếc bát, một chén rượu, một cốc nước, một bát chè, một nhành hoa và một nén nhang tỏa hương.
Điều duy nhất chồng chị Minh kịp làm là đã viết và xuất bản cuốn truyện Thày Thiên Đức để thày và mọi người đọc hơn một năm trước. Nếu chị Minh luôn coi cụ là Thiên Tích là ân nhân cứu mình thoát bệnh tật thì chồng chị Minh coi cụ là một tấm gương anh noi theo suốt đời. Đối với cả gia đình đây là TÂM TANG.
                                                                       
                                                                                    Ngày 27 tháng 4 năm 2018
     Tròn 1 tháng vắng cụ





1 nhận xét:

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.