Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Bài viết chưa được đăng

Nhân 65 năm Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2011), bài này có gửi 1 số báo nhưng được trả lời "chuyện nhạy cảm", tuy "Chuyện Tướng Độ" đã được NXB Quân đội phát hành năm 2007 (5 năm sau ngày chú mất).


NHÂN KỶ NIỆM 65 NĂM NGÀY TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN
(19/12/1946 – 19/12/2011)

“60 ngày đêm” và vị Chính uỷ mặt trận Hà Nội
Sinh năm 1923, quê Tiền Hải, Thái Bình.
Năm 1939 - 17 tuổi hoạt động cách mạng. 18 tuổi vào Đảng, 19 tuổi - Tỉnh uỷ viên dự khuyết, 23 tuổi - Chính uỷ mặt trận Hà Nội, 27 tuổi - Chính uỷ đại đoàn 312, 32 tuổi - Chính uỷ quân khu, 35 tuổi - thiếu tướng…
Cuộc đời không chỉ gắn liền với trận mạc mà cả lĩnh vực văn hoá văn nghệ: uỷ viên sáng lập Hội Nhà văn 1957, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Truởng ban Văn hoá văn nghệ TW, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá giáo dục Quốc hội…


Về một bức ảnh lịch sử
Tôi được gia đình Trung tuớng Trần Độ tặng bức ảnh tư liệu lịch sử “Bác Hồ đến thăm đơn vị “quyết tử” của Hà Nội, đầu năm 1947”.
… Ngay sau ngày “Toàn quốc kháng chiến” 19/12/1946, các chiến sĩ mặt trận Hà Nội giành giật từng tấc đất, góc phố với giặc Pháp. Chiến luỹ mọc lên khắp nơi. Giường, tủ, bao tải cát… bày ra phố làm chiến luỹ. Nhà này trổ cửa sang nhà khác…
Đầu năm 1947, Trần Độ về nhận nhiệm vụ ở Khu 2 (Hà Nội) rồi là Chính trị uỷ viên mặt trận Hà Nội (Tư lệnh là ông Vương Thừa Vũ).
Lần Bác xuống thăm, đi cùng Người có bác sĩ Trần Duy Hưng. Trong ảnh, ông Độ mặc binh phục mùa hè của sĩ quan Pháp (đầu đội mũ ca-lô có gắn sao, khoác áo ngắn tay ka-ki cùng quần soóc - người thứ 3 từ trái qua).
Ông nhớ mãi lần vinh dự đón Bác: “Cả đơn vị dàn hàng ngang đón Bác. Bác bắt tay từng cán bộ rồi căn dặn: “Giặc Pháp không từ bỏ âm mưu xâm lược nuớc ta. Ở Hà Nội, chúng dùng xe tăng, binh lính cùng nhiều súng ống, đạn dược tấn công, hòng bắt chúng ta khuất phục. Quân dân ta chỉ còn một con đường - chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. Bác rất cảm động truớc những cảm tử quân ôm bom ba càng lao vào xe tăng giặc…”. Các chú hãy “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!”.
Lời Bác thôi thúc đơn vị chúng tôi quyết chiến… Và chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Sau đó, Vệ quốc quân đã bảo vệ hàng vạn bà con Thủ đô vượt sông Hồng, rút khỏi Hà Nội an toàn”.

Con người ấy “đã dám theo cách mạng thì còn gì mà sợ!”
Năm 1941, Trần Độ bị Pháp bắt. Toà án Thái Bình kết án 15 năm tù. Trong tù, tên mật thám Ta-lông dùng đủ các ngón đòn tra tấn dã man nhất nhưng không thể khuất phục. Một lần mang tới 1 bát cơm cùng 1 bát cứt và đôi đũa, Ta-lông doạ dẫm:
-          Mày muốn ăn gì? Cơm đó, nói ra thì ăn. Không thì ăn cứt!
Trần Độ giận sôi nhưng lạnh lùng trả lời: “Tôi không biết thì làm sao có thể nói!”, rồi thản nhiên tay cầm lấy bát cứt, tay cầm đôi đũa ghém lại như sắp cho vào miệng. Ta-lông sợ hãi ngoảnh mặt. Vẫn tiếp tục vun vén bát cứt, hôi thối tởm lợm nhưng ông quyết làm thất bại sự đểu cáng của chúng. Mồm mép, mặt mũi ông đầy cứt, khắp sàn nhà đầy cứt. Ta-lông lắc đầu, bỏ ra ngoài.
Sau đó, ông bị đưa lên Hoả Lò rồi tống lên Sơn La. Năm 1943, trên đường từ Sơn La về xuôi để đày ra Côn Đảo, ông nhanh trí trốn thoát.

Giúp việc cho Tổng bí thư Truờng Chinh
Năm 1944, mới 20 tuổi Trần Độ được giao về “Đội công tác” của Thuờng vụ TW, giúp việc cho Tổng bí thư, cùng các ông Trần Dương, Mười Hương. Ông kể lại: “Ông Truờng Chinh là con người rất cẩn thận. Chả thế sau này được Bác đặt cho cái tên Năm Thận”.
Ngày mới về, ông Trường Chinh hỏi ông Độ:
-          Cậu có biết tiếng Pháp?
-          Dạ, cũng có học nên cũng “bập bẹ” ạ.
-          Vậy, dịch thử bài viết này.
Sau khi dịch xong, ông Truờng Chinh xem rồi nhận xét: “Bài dịch của cậu khá tốt. Tuy nhiên có 1 dấu phẩy đặt không đúng chỗ”. Từ đó, Trần Độ đuợc Tổng bí thư tin dùng vào việc viết lách, tham gia làm báo Cờ Giải phóng
Ông Độ chứng kiến sự ra đời của “Đề cương văn hoá” do Tổng bí thư soạn thảo, rồi lại được giao mang sang phổ biến cho ông Lê Quang Đạo (khi đó là bí thư Thành uỷ Hà Nội).
Ông Đạo lại bố trí cho ông Độ trực tiếp phổ biến đề cương cho các văn nghệ sĩ: Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng… Đây cũng là cuộc tiếp xúc đầu tiên của ông với các văn nghệ sĩ có tên tuổi. Cố gắng truyền đạt thật tốt tư tuởng của đề cương và cũng từ lần đó, ông có duyên nợ đến suốt đời với văn hoá, văn nghệ.

Làm báo
Sau 2/9/1945, trở về Hà Nội, ông Độ tham gia làm báo Quân Giải phóng. Báo đựơc in ở nhà in tư nhân của ông Ngô Tử Hạ (1 giáo dân, tư sản yêu nước), trên phố Nhà Chung. Bắt chước báo Cờ Giải phóng của Đảng (khi đó bán rất chạy), măng-set báo Quân Giải phóng cũng in màu đỏ.
Ngoài hệ thống phân phối trong quân đội, các cháu bán báo dạo cũng tích cực tham gia phát hành. Sáng nhận báo đi bán, chiều về giao tiền đầy đủ.
Cuối 1945, quân Tầu Tuởng kéo vào Hà Nội, thay mặt Đồng minh tuớc vũ khí quân đội Nhật hoàng. Chúng coi Việt Minh chỉ là mặt trận đoàn thể, không có quân đội nên Quân giải phóng phải đổi thành Vệ quốc đoàn. Vì vậy, báo Quân Giải phóng cũng phải đổi tên.
Bác Hồ cho gọi Trần Độ lên giao nhiệm vụ này. Ông Độ liền hỏi:
-          Thế ý Bác định đổi tên báo là gì ạ?
-          Chú về suy nghĩ rồi báo cáo lại với Bác. – Bác trả lời.
Suy nghĩ kĩ chủ trương rút vào bí mật của Đảng, ông Độ chọn tên báo là Chiến thắng. Khi báo cáo với Bác, Bác đồng ý. Sau đó, Toà soạn báo Chiến thắng vẫn đặt ở 36 Lý Thường Kiệt và tiếp tục xuất bản thêm 1 thời gian nữa ở Hà Nội.

Làm công tác chính trị
Sau khi rời Hà Nội, ông về làm truởng phòng Tuyên truyền (Chính trị Cục, Bộ Tổng tư lệnh).
Cuối năm 1947, ông nhận nhiệm vụ đưa các văn nghệ sĩ (nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, họa sĩ Mai Văn Hiến, nhà văn Nguyễn Công Hoan…) đi thực tế vào Khu Bốn. Khi đó, Nguyễn Sơn là Tư lệnh. Biết Tư lệnh là “tướng văn nghệ” nên các văn nghệ sĩ rất muốn gặp. Trình giấy giới thiệu cho ông Sơn xem, thấy cả Nguyễn Công Hoan - bạn học từ ngày ở trường Sư phạm Hà Nội – thì ông Sơn rất mừng và cho 1 cái hẹn (nhưng không đả động tên cán bộ đi cùng).
Đưa nhóm văn nghệ sĩ vào phòng khách, ông Độ ra ngồi 1 góc. Ông Sơn vui vẻ: “Hôm nay thấy có các văn nghệ sĩ, tôi mời các anh đến nói chuyện văn nghệ chơi”. Thấy ông Độ ngồi lại, ông Sơn chỉ vào mặt, bảo:
-          Mày thì biết gì về văn nghệ? Ngồi đây làm gì?
-          Tôi muốn ngồi nghe các anh nói chuyện để học tập. – Ông Độ thành thật trả lời.
-          Ừ, thì cứ ngồi đấy!
Rồi ông Sơn bắt đầu câu chuyện…

Truởng thành trong chiến đấutầm nhìn xa
Năm 1954, Đại đoàn 312 (Tư lệnh Lê Trọng Tấn và Chính uỷ Trần Độ) đã bắt sống Tướng Đờ Cát tại Sở chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ.
Năm 1958, trong đợt phong tướng đợt 2, ông đuợc nhận quân hàm thiếu tuớng.
Năm 1964, các tướng lĩnh của Sư 312 đựơc Đại tuớng Nguyễn Chí Thanh tin tưởng, đề nghị Trung ương cử vào Nam chiến đấu. Tại đây, Trần Độ là Phó bí thư TW Cục và Phó chính uỷ Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.
Đầu năm 1967, quân đội Mỹ dùng 4 vạn lính Mỹ cùng 5000 lính ngụy mở trận càn Gian-xơn Xi-ty, đánh phá căn cứ của Trung ương Cục. Chiến dịch kéo dài 53 ngày đêm, Mỹ thu đuợc 1 số vũ khí, quân trang quân dụng nhưng không có 1 trận đánh lớn nào. Coi như thất bại. Trong số chiến lợi phẩm thu được có thùng phim, ảnh.
Mậu Thân 1968, cơ quan Tâm lí chiến của ngụy đưa lên báo Chính luận tấm ảnh xác chết cùng ảnh ông mặc bộ bà ba đen với tít đậm giật gân “Tướng Độ bị hạ sát. Chính chuẩn tuớng Nguyễn Ngọc Loan đích thân chỉ huy cuộc săn đuổi… Tướng Độ cùng 8 người khác bị gục ngã tại phuờng Phú Định, quận 6...”. Bà con, bộ đội ta đọc đuợc tin này cũng hoang mang. Nhưng ông không chết.
Sau 10 năm ở mặt trận, tới đầu 1974, ông trở ra Bắc. Ngay những ngày đầu trở về với hậu phương lớn, đi thực tế khắp nơi, Trần Độ đã phát hiện những điều “không bình thường” ở miền Bắc XHCN. Ông có thư dài gửi tới cấp trên.
Toàn văn bức thư được đăng trong “Chuyện Tướng Độ” ( Bá Cường - NXB Quân đội, 2007). Đọc xong, ta thấy còn có tính thời sự cho đến ngày hôm nay.
Ông mất tại Hà Nội ngày 9/8/2002, thọ 80 tuổi.
Trần Độ xứng đáng là 1 tướng quân tài ba, văn võ song toàn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.