Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

CÔ GIÁO LÊ TỤY PHƯƠNG – NGƯỜI CHĂM LO NHỮNG MẦM XANH CÁCH MẠNG (Kiều Mai Sơn)


Hội Trại lần thứ nhất 1984 tại Cung Thiếu nhi HN. Cô Phuơng đứng hàng đầu cạnh bác Mân.
Trên gác ba ngôi biệt thự tập thể số 1 phố Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, tôi may mắn được trò chuyện cùng ông Nguyễn Xuân Ngọc, nguyên Vụ trưởng Vụ Phân vùng Kinh tế - Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Ở tuổi 89 nhưng còn minh mẫn, ông trầm ngâm ngồi bên cửa sổ nhìn sang phía bên kia con phố nhỏ, điếu thuốc lá cháy dở trên tay lay lắt khói. Ông kể, hơn hai năm nay ông không xuống dưới nhà, vì đôi chân đã yếu hơn, chỉ trừ ngày giỗ đầu bà năm 2008 vừa qua. Bà là Lê Tuỵ Phương, người cả đời gắn bó với công tác nuôi dạy trẻ mầm non.

1. Người giữ nhiệm vụ đặc biệt của Xứ ủy
Bà Lê Tụy Phương sinh năm Tân Dậu 1921, quê nội ở Nam Sách (Hải Dương); quê ngoại là làng Yên Phụ ven đô. Lên chín tuổi, bà theo bố mẹ ra Hà Nội. Từ 1935 đến 1940, bà học ở trường tư thục Thăng Long đến hết Tú tài phần một, rồi bỏ học đi “vô sản hóa”. 16 tuổi bà tham gia Nhóm nghiên cứu Mác-xít và Thanh niên Dân chủ Đông Dương. Bà hoạt động sôi nổi trong phong trào Mặt trận Dân chủ, rồi hoạt động bí mật trong thời kỳ địch khủng bố ác liệt, với “nhiệm vụ đặc biệt trực tiếp với Xứ ủy Bắc Kỳ”, tiếp đó là Tổng bộ Việt Minh, cho đến Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945.
Với số tiền gom góp, dành dụm được trong những năm đi làm ăn xa quê, cộng thêm tiền vay mượn họ hàng thân thích, cụ Nguyễn Thị Châm – mẹ bà Lê Tụy Phương – thuê ngôi nhà 127-129 Henri d’Orléans (nay là đường Phùng Hưng) mở Nhà Hộ sinh Con Rồng. Chính nơi đây là  điểm gặp gỡ, trao đổi giữa nhóm “bộ tứ Khanh - Kỳ - Tri - Quản”: Nguyễn Thường Khanh (nhà thơ Trần Mai Ninh), Đào Duy Kỳ (Bí thư Đoàn Thanh niên Dân chủ), Trần Đình Tri và Thành Ngọc Quản (Đào Văn Trường). Về sau có thêm những nữ sinh như Nguyễn Khoa Diệu Hồng (nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam), Phùng Thị Cúc (nhà điêu khắc tài hoa Điềm Phùng Thị)...
Đại chiến thế giới lần II bùng nổ, thay mặt Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Đào Duy Kỳ (quyền Bí thư) giao cho bà Tụy Phương “nhiệm vụ đặc biệt trực tiếp với Xứ ủy” - làm liên lạc, vận chuyển thư từ bí mật cho Xứ ủy đến các đồng chí hoạt động ở Hà Nội và ngược lại; vận động học sinh, trí thức đọc báo cách mạng và tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng; kiếm thuốc quý và quyên góp tài chính ủng hộ quỹ Đảng; khi các đồng chí lãnh đạo bị địch truy lùng cần tạo điều kiện che giấu để các đồng chí tiếp tục hoạt động...
Bà Tụy Phương đã làm tốt nhiệm vụ được giao. Trong đó, bà đã chuyển 60 đồng bạc Đông Dương (một số tiền rất lớn hồi bấy giờ), giúp đồng chí Hoàng Văn Thụ (Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng) lo chuẩn bị Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (5-1941), thành lập Mặt trận Việt Minh. Bà còn tìm địa điểm ẩn náu an toàn đồng chí Đào Duy Dzếnh (Đào Phan), nguyên Bí thư Thành ủy Huế, vừa vượt ngục, đi tàu từ Thanh Hóa ra nhận nhiệm vụ Bí thư Ban Cán sự Hà Nội (Thành ủy) năm 1941.
Đầu tháng 4-1945, đồng chí Lý Chính Thắng từ Sài Gòn ra Hà Nội tìm gặp bà Lê Tụy Phương. Đồng chí được Đảng bộ Nam Kỳ cử ra, chắp mối với Trung ương. Vì sau Nam Kỳ khởi nghĩa (23-11-1940) các cơ sở Đảng ở miền Nam hầu như bị thực dân Pháp đánh tan rã hết. Vợ chồng Nguyễn Xuân Ngọc, Lê Tụy Phương đã chắp mối liên lạc để đồng chí Lý Chính Thắng tới làng Vạn Phúc gặp Tổng bí thư Trường Chinh, nhận chỉ thị của Trung ương.
Nhận xong chỉ thị, Lý Chính Thắng trở lại Nhà Hộ sinh Con Rồng. Lúc này Thường vụ Trung ương cử đồng chí Cái Thị Tám làm giao liên, đưa phái viên của Đảng bộ Nam Kỳ về Nam. Hai người đi thẳng ra ga Hàng Cỏ. Vé của hai người cùng căn cước giả của đồng chí Cái Thị Tám do vợ chồng ông Ngọc bà Phương lo đầy đủ... Người nữ giao liên ngày ấy, sau này đổi tên thành Nguyễn Thị Kỳ, phu nhân của cố Đại tướng Văn Tiến Dũng – nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Sau này gặp lại ông bà Nguyễn Xuân Ngọc, Lê Tụy Phương tại miền Nam, đồng chí Hà Huy Giáp (1907-1995) - nguyên Uỷ viên Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ, phó Ban Tuyên huấn Trung ương kiêm phó Hiệu trưởng trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, Bí thư Đảng đoàn kiêm Thứ trưởng Bộ Giáo dục rồi Bộ Văn hóa, Phó Trưởng ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương - đã nhắc lại chuyến công tác đặc biệt của Lý Chính Thắng năm xưa: “Anh chị đã giúp Đảng một việc rất lớn”. Chính nhờ thư của Tổng bí thư Trường Chinh và các tài liệu của Trung ương gửi cho Xứ ủy Nam Kỳ mà Xứ ủy khôi phục được liên lạc với Trung ương. Đồng chí Hà Huy Giáp, Lê Hữu Kiều kịp ra dự Hội nghị Toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội Tân Trào (8-1945). Từ đó có sự thông suốt từ Trung ương xuống Xứ ủy, góp phần làm nên Cách mạng tháng Tám ở miền Nam và Sài Gòn khởi nghĩa thắng lợi (25-8-1945).

2. Người đầu tiên chăm lo những mầm xanh cách mạng
Bác Hà Huy Giáp đang trò chuyện với cô Phuơng.

Bà Phuơng, bà Mân với con của trại viên.
Kháng chiến chín năm ở rừng sâu Việt Bắc, bà Lê Tuỵ Phương đã tham gia sáng lập trại trẻ Nhi đồng ở Khe Khao, nuôi dạy con em cán bộ của Đảng, cho bố mẹ các cháu yên tâm công tác. Hoà bình lập lại, bà tiếp tục làm Giám đốc Trại Nhi đồng miền Bắc ở 20 phố Thuỵ Khuê cùng với các cụ Đặng Quỳnh Anh (bà O), Trần Thị Như Mân (bà Đào Duy Anh)…
Có một điều khá đặc biệt là hầu hết con cán bộ trung, cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội thế hệ thứ nhất, thứ hai đều qua tay cô Tuỵ Phương dạy dỗ, chăm sóc ở Trại Nhi đồng suốt những năm kháng chiến chống Pháp trên Chiến khu Việt Bắc, đến ngày hoà bình sau 1954 trở về 20 Thuỵ Khê, rồi sơ tán đánh Mỹ lên huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú...
Đó là: Đặng Việt Bắc (con đồng chí Truờng Chinh), Phạm Sơn Dương (con cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng), có nhà tới ba, bốn anh em là học sinh của bà như: Trần Kiến Quốc, Trần Thành Công, Trần Hữu Nghị, Trần Hạnh Phúc, Trần Việt Trung - con của cố Thiếu tướng Trần Tử Bình; ba chị em Đào Châu Thu, Đào Châu Vũ, Đào Minh Tri - con của ông bà Đào Duy Kỳ - Trần Thị Minh Châu; Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Quang Bắc, Nguyễn Quang Tuệ - con cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo và nhà văn Nguyệt Tú; Bùi Chương, Bùi Chuẩn, Bùi Hoàn Chinh - con cố Trung tướng Trần Qúy Hai; Bùi Công Minh, Bùi Công Chính - con cố Thứ trưởng Bùi Công Trừng; Nguyễn Tiến Bắc, Nguyễn Việt Triều là con bà Hà Thị Quế (nguyên Phó Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng)… Danh sách này còn được nối dài, nhưng do khuôn khổ bài viết, xin chỉ trích ngắn gọn như vậy.
Nhớ về cô giáo Lê Tụy Phương, anh Trần Kiến Quốc, một trong số những học trò của cô đã viết: “Cả dân tộc, nhiều thế hệ cha mẹ, nhiều thế hệ thầy cô và bản thân chúng ta đã hết lòng vì “sự nghiệp trăm năm trồng người”. Nhưng có thể tự hào mà nói rằng: cô Tuỵ Phương của chúng ta chính là một trong những người đầu tiên chăm cho những mầm xanh ngay từ khi chúng vừa mới nhú lên khỏi mặt đất!”.

3. Kể chuyện ông chăm bà
Không chỉ hoạt động tốt công tác xã hội, bà Lê Tụy Phương có cuộc sống gia đình đầm ấm, hạnh phúc do đôi tay bà dày công vun đắp. Năm người con của ông bà đều tốt nghiệp đại học, có người là tiến sĩ khoa học, đều là đảng viên.
Về hưu từ năm 1975 sau khi đã trải qua nhiều nhiệm vụ công tác tại Ban Phúc lợi xã hội (Trung ương Hội LHPN Việt Nam), biên tập viên tạp chí Phụ nữ Việt Nam, phụ trách trang “Vì tương lai con em chúng ta” và trang “Nữ thanh niên”, tham gia tổ tư vấn “Thanh Tâm”, Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em… bà vẫn tiếp tục các hoạt động xã hội, làm cộng tác viên của Uỷ ban Thiếu niên Nhi đồng Trung ương, Viện Khoa học Giáo dục (Bộ Giáo dục), nghiên cứu ngôn ngữ trẻ em lứa tuổi mầm non...
Đang hoạt động sôi nổi, không may năm 1982 bà bị bệnh hiểm nghèo, đến năm 1998 lại bị tai biến, mất đi tiếng nói... Trong điều không may xảy đến ấy, bà nhận được sự chăm sóc tận tình chu đáo của những người thân trong gia đình, của con đẻ, con nuôi, đặc biệt là của người bạn đời: ông Nguyễn Xuân Ngọc. Nghỉ hưu từ năm 1986 đến nay hơn 20 năm, ông tâm sự rằng, ông thừa thì giờ để đi vào một sự nghiệp mới. Không nghiên cứu kinh tế thì ông nghiên cứu xã hội học, nghiên cứu triết học.Mà làm công việc gì cũng phải làm quần quật, chứ không phải làm amateur được. Muốn đi làm chuyên môn khác cũng phức tạp đấy chứ không phải đơn giản đâu, anh ạ. Tôi tự nghiên cứu. Tôi tự lao vào thực tiễn làm việc. Nhưng để nhà tôi ở nhà cho ai? Tôi không thể để nhà tôi ở nhà một mình.
Suốt 26 năm trời từ khi bà Lê Tuỵ Phương bị tai biến, một ngày đi đâu 1 giờ đồng hồ ông cũng hỏi bà có đồng ý không? Bà đồng ý ông mới đi. Đi và về đúng giờ. Có một hôm, ông về muộn vì phấn khởi quá khi sưu tầm được bài báo của bà viết từ khi còn làm ở báo Phụ nữ Việt Nam. Tối 6g, ông mới về đến nhà. Người con gái nuôi đến thăm bà, xuống cầu thang thấy ông đang lên gác liền nói nhỏ: “Mẹ cứ ngó ra cửa chờ bố về”.
- Một ngày khi tôi đi vắng phải có người ngồi bên cạnh nhà tôi. Bởi vì mình thông cảm với người không gọi to được, không nói được, khi thấy trong người bất an thì phải có người luôn bên cạnh. Tôi không bao giờ để nhà tôi ngồi một mình. Vì những lúc một mình, con người dễ hoảng sợ. Có ai hiểu thấu nỗi đau triền miên tinh thần bị cầm tù trong sự im lặng và cô đơn mênh mông vô cùng?
  Tụy Phương mất làm gia đình tôi đau đớn nhưng đó cũng là sự giải thoát đối với nhà tôi. Công đóng góp xây dựng gia đình của Tuỵ Phương rất lớn và đối với các hoạt động xã hội cũng vậy. Ngay buổi chiều hôm nhà tôi mất (2007), các con đi báo tin buồn cho bà con hàng xóm. Chị Phạm Thị Trinh, vợ anh Nguyễn Chánh (Bí thư kiêm Chính uỷ Bộ Tư lệnh Liên khu V), lúc ấy đã 94 tuổi, đi bộ leo cầu thang khóc ròng.
Nhà tôi – Lê Tuỵ Phương - gây cho mọi người xung quanh suy nghĩ về vấn đề nhân tình, nhân ái. Đó là cái cốt lõi của Đạo đức Nho gia: Nhân ái, nhân tâm hoà hợp./.

Hà Nội, 15-10-2010


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.