Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Anh Trần Tử Bình trong Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội


ANH TRẦN TỬ BÌNH TRONG
TỔNG KHỞI NGHĨA Ở HÀ NỘI
Đại tá Lê Trọng Nghĩa[1]
Mỗi khi nhắc đến Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 ở Hà Nội của Mặt trận Việt Minh do Xứ uỷ Bắc Kỳ trực tiếp lãnh đạo, chúng tôi rất tự hào trân trọng nhắc đến công trạng to lớn của đồng chí Nguyễn Khang, Chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa, nhưng anh em cũng không quên đồng chí Trần Tử Bình - Thường vụ Xứ uỷ - với những đóng góp quan trọng cùng những kỉ niệm sâu sắc, những ấn tượng đẹp còn lưu lại đến tận bây giờ.

Tháng 8 năm 1945, khi tham gia Uỷ ban khởi nghĩa Hà Nội, tôi có dịp gặp lại và rất phấn khởi được cùng làm việc với anh - một người cộng sản cao niên, già dặn, thân thiết. Kỷ niệm ấy luôn gợi nhớ cho tôi hình ảnh của người cán bộ cách mạng chuyên nghiệp với khí thế hừng hực xông lên, quyết liệt mà thật trong sáng, vững vàng giữa bầu không khí cách mạng tưng bừng, sôi nổi và không ít lãng mạn, hào hoa giữa phố phường Hà Thành trong những ngày Thu năm ấy!

* * *
Chả là đầu năm 1944 khi đang bị giam ở Hỏa Lò (Hà Nội), tôi đã gặp anh bị đưa về từ nhà lao Ninh Bình để thụ án chung thân. Sau đó, chúng tôi cùng nhau vượt ngục Hoả Lò vào tháng 3 năm 1945…
Sáng 18 tháng 8 năm 1945, khi đang bàn kế hoạch cụ thể đánh chiếm Phủ Khâm sai Bắc Kỳ, cướp chính quyền; tôi báo cáo việc ông bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn, đại diện Chính phủ Trần Trọng Kim, đã đến gặp đề nghị Việt Minh hợp tác và báo tin Khâm sai đại thần Phan Kế Toại đã từ nhiệm từ đêm 17. Hiện nay bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, lãnh tụ Đại Việt, mới được Nhật đưa từ Singaporevề, thay thế cụ Phan. Vừa nghe, anh Bình đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ Đại Việt có thể “nẫng tay trên” quyền lực Khâm sai trước ta. Anh cao giọng nhắc phải nhanh chóng nắm trọn quyền lực Khâm sai đương lung lay, không được để tuột khỏi tay hoặc bị chia sẻ bởi bất kì một hình thức thương lượng nào. Và tôi đã phải bỏ dở công việc, thẳng một mạch vào Dinh Khâm sai để nắm tình hình…
Rồi trưa ngày 19 tháng 8 lịch sử, khi quần chúng khởi nghĩa đã tràn vào trong khuôn viên Dinh Khâm sai, tôi lại được chứng kiến những sự kiện đầy kịch tính. Ngay khi cánh cổng lớn được mở ra, ông Chữ đang lúng túng trước đại sảnh, anh Bình đã xông lên, ra lệnh cho tự vệ bắt giữ và cẩn trọng cho xe đưa về an toàn khu của Xứ uỷ ở làng Vạn Phúc, Hà Đông. Toán quan chức đi cùng đang còn ngơ ngác thì được lệnh tự do ra về…
Khi đã cùng anh Khang và tôi vào bên trong Dinh, anh Bình lao ngay đến phòng tổng đài. Lúc này tỉnh trưởng các tỉnh, tri phủ, tri huyện đang hoảng hốt gọi điện về Dinh Khâm sai để hỏi tình hình thì đã nghe anh Bình dõng dạc ra lệnh: “Phải trao quyền ngay cho Việt Minh!”.
… Một anh Bình tích cực, xông xáo, chủ động đã chỉ cho chúng tôi biết phải nắm chắc và giải quyết dứt điểm những vấn đề chủ chốt của việc giành chính quyền ở Phủ Khâm sai Bắc Kỳ!
Đêm 19 rạng sáng 20 tháng 8, Xứ uỷ quyết định thành lập chính quyền - Uỷ ban Nhân dân cách mạng Bắc Bộ và cử anh Nguyễn Khang làm Chủ tịch, tôi phụ trách công tác đối ngoại với Nhật, anh Nguyễn Duy Thân quản các cơ quan chính quyền. Có anh em thắc mắc không thấy tên anh Nguyễn Quyết trong Uỷ ban thì chúng tôi được anh Bình rành mạch giải thích: anh Nguyễn Quyết được giao quyền nắm lực lượng vũ trang và đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của anh Khang (thường vụ Xứ uỷ). Lúc đó tôi mới nhận thức được nguyên tắc cơ bản về xây dựng lực lượng vũ trang của Đảng, ngay từ khi tổ chức chính quyền nhân dân của ta mới chớm hình thành.
Chính quyền cách mạng được thiết lập, Uỷ ban Nhân dân cách mạng Bắc Bộ công khai đóng trụ sở tại Phủ Khâm sai cũ. Cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh, phấp phới tung bay trên nóc trụ sở. Dân chúng ra vào cơ quan nhộn nhịp. Nhưng tình hình rối ren vì có tin phái đoàn Đồng minh tới, Pháp rục rịch quay trở lại. Ngày 22 tháng 8, nhà chức trách Nhật lấy cớ có tiếng súng nổ và cho quân đội bao vây trụ sở Uỷ ban Nhân dân cách mạng Bắc Bộ và khách sạn Métropole rồi Bộ Tổng chỉ huy quân đội Nhật đề nghị Uỷ ban cử người đi cùng đại diện quân đội Nhật lên Thái Nguyên để giải quyết xung đột đang diễn ra ở đó. Xứ ủy không chấp nhận và bàn cách đối phó. Trước sự o ép của Nhật, ta chủ trương không đi cùng quân Nhật lên Thái Nguyên và cũng không rút ra ngoài Hà Nội. Anh Bình nhắc: “Nhất thiết phải chờ cho được chỉ thị của Trung ương mới được phép hành động!”, mặc dù đã một lần anh đi bắt liên lạc nhưng chưa đón được các đồng chí về. Uỷ ban Nhân dân cách mạng Bắc Bộ phải tiếp tục giương cao ngọn cờ Việt Nam và trụ lại Thủ đô. Anh Trần Đình Long[2]còn nhắc: “Không được có hoạt động gì dính dáng với Nhật để Đồng minh sau này có thể lợi dụng, lấy cớ gây khó dễ cho Trung ương…”. Tôi nhớ mãi buổi họp này và hình ảnh các anh được ghi đậm trong kí ức với lời nhắc nhở: Trong bất kì tình huống nào, dù phức tạp đến đâu, cũng phải biết lấy Trung ương làm chỗ dựa và lấy chủ trương của Đảng làm kim chỉ nam!
Giữa những ngày bận rộn với Hà Nội, Hà Đông, anh Bình còn tranh thủ, chủ động đóng góp cho cuộc khởi nghĩa của nhân dân Hải Phòng. Từ ngày 19, anh bàn với tôi phái ngay anh Vũ Quốc Uy, đang hoạt động trong Đảng Dân chủ Hà Nội, xuống hỗ trợ cho cấp uỷ địa phương Hải Phòng. Dưới đó đang gặp khó khăn, cần phát động nhân dân Hải Phòng khởi nghĩa theo bài bản như Hà Nội, đúng với phương hướng đã được Đảng và Việt Minh đề ra.
Ngày 21 tháng 8, khi anh Nguyễn Bình[3]từ “Đệ tứ chiến khu Đông Triều” về Hà Nội để tìm gặp Trung ương, đã được anh Trần Tử Bình hướng dẫn trở lại ngay vùng duyên hải và đưa một đơn vị Giải phóng quân về Hải Phòng làm lực lượng vũ trang, hỗ trợ nhân dân nổi dậy lập chính quyền. Và ngày 23 tháng 8 năm 1945, cuộc nổi dậy khởi nghĩa của nhân dân Hải Phòng đã thành công tốt đẹp. Đồng chí Vũ Quốc Uy - vị Chủ tịch đầu tiên của Uỷ ban Nhân dân cách mạng Hải Phòng… (Chuyện này rất ít khi được anh Bình kể lại).
Trong thời kì Cách mạng Tháng Tám, anh Trần Tử Bình là con người như thế!

* * *
Đối với tôi, anh Trần Tử Bình luôn là một cán bộ lãnh đạo có bản lĩnh vững vàng, chắc chắn, tích cực xông xáo trong công việc nhưng không cao ngạo, suy bì mà rất khiêm nhường, thân ái, dễ gần gũi với mọi người. Từ những ngày cùng bị giam ở Hoả Lò, anh đã là người đầu tiên dạy tôi rất nhiều về ý thức giai cấp, về tính Đảng, tính tổ chức… Đó là những bài học vô cùng quý giá cho những thanh niên trí thức “tiểu tư sản” như tôi khi mới dấn thân vào con đường cách mạng theo Đảng.
Nhớ anh, một người anh, một người bạn chiến đấu, một người thầy kính mến!
Tp.Hồ Chí Minh, những ngày tháng 8-2004
L.T.N

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.