CẢM ƠN LỜI DẠY BẢO
Đinh Tường[1]
… Tôi sinh ra và lớn lên tại Thủ đô, trong một gia đình tạm gọi là sung túc. Học qua được trung học, đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công thì tôi nghỉ học. Biết anh Đức, phái viên Bộ Quốc phòng, đi công tác vùng giáp biên giới Hà Giang, có nhiệm vụ đón một số đồng chí từ hải ngoại về, tôi đã đến gặp, xin vào bộ đội. Được anh tiếp nhận cho theo làm liên lạc. Tôi đã gặp, làm quen với Vương Quỳnh Anh (con cụ Vương Chí Sình) rồi nhanh chóng trở thành đôi bạn thân.
Đâu có ngờ cả cuộc đời tôi lại gắn bó với đời lính, một nghề mà trước đây tôi không hề hứng thú. Trước cách mạng, nhiều gia đình khuyên con em lớn lên chớ có đi lính, họ coi đây là một nghề mạt hạng nhất xã hội. Nhưng không, giờ đây khi là lính Cụ Hồ, không phải làm thuê làm mướn cho ai, với nhiệm vụ giữ gìn bảo vệ đất nước, được nhân dân tin yêu, thì đó lại là một vinh dự.
Bước vào khóa học, mọi học viên đều mong sao học tập đạt kết quả tốt. Ngoài những gì thu lượm được ở ngoài bãi tập, hay nghe giảng trên hội trường, thì việc tuân thủ nội quy, chấp hành kỷ luật cũng là những yếu tố tạo nên kết quả học tập. Thời gian đầu, sẵn với thói quen tự do như ở nhà, công việc làm theo tùy thích. Một lần cán bộ đi kiểm tra, tôi đã bị đồng chí Xuân, trung đội phó, phê bình để nòng súng bẩn, nội vụ chưa gọn, chăn màn gấp chưa vuông. Sớm dậy, cứ mỗi lần nghe tiếng kèn của cụ Bính là tôi đâm lo: Ôi, một ngày mệt lại bắt đầu! Nhưng rồi dần dần, tôi cũng quen như những anh em khác. Mọi người răm rắp tuân thủ từ chấp hành giờ giấc, đi đứng ăn mặc đến nơi ăn chốn ở, giờ nào việc ấy. Một ngày gần như khép kín, sáng ra bãi tập, chiều lên hội trường, tối sinh hoạt. Ngày chủ nhật nghỉ, anh em được phép ra phố đi chơi. Tôi và Quỳnh Anh hay có mặt trong quán ăn.
Và việc gì phải đến ắt sẽ đến! Số là sau một buổi tập quân sự từ thao trường về, thời tiết oi bức, trời nắng gắt, ai cũng mệt mỏi. Quỳnh Anh bảo tôi: ”Mệt quá, không ăn được cơm đâu”. “Hay bỏ cơm ra phố ăn phở?” – tôi hỏi. Vì đang sẵn tiền gia đình mới gửi cho, ra đến quán, hứng chí, tôi gọi thêm vài món và có thêm “chút cay”. Vui chuyện lại bị ma men ám đâm quá giờ, hai đứa hối hả trở về trường. Đang vội, chợt thấy một người đi xe đạp áp sát, Quỳnh Anh khẽ thốt lên: “Phó giám đốc Trần Tử Bình!”[2]. Đồng chí hỏi:
- Sao không nghỉ trưa, đi đâu về? Bây giờ là mấy giờ rồi?
- Báo cáo đồng chí, mệt không ăn được cơm, anh em ra phố kiếm chút gì ăn - Quỳnh Anh thật thà đáp.
- Ra thế, đã 2 giờ rồi, về nhanh kẻo muộn. 6 giờ tối các anh lên gặp tôi!
Ôi, chỉ nghe từ“gặp” đã làm chúng tôi lo ngay ngáy. Lành hay dữ đây? Mà có lẽ“lành ít, dữ nhiều” vì chúng tôi đã vi phạm giờ giấc. Chắc hẳn phen này anh em phải “khăn gói chăn màn” vào “cải hối thất”[3]mất thôi. Về đến trường, toàn thể học viên đang nghe cụ Hiệu trưởng Hoàng Đạo Thuý giảng Binh pháp Tôn Tử[4]. Tuy ngồi trong lớp nhưng tai đâu có nghe, tâm trạng hai đứa như đang bị quay cuồng, bài giảng hầu như không tiếp thu được gì cả.
Đúng hẹn, chúng tôi có mặt. Đang ngồi làm việc, Phó giám đốc bảo chúng tôi ngồi xuống, rồi nghiêm nét mặt:“Các anh có biết đã phạm khuyết điểm gì không? Nhà trường không có cơm hay sao mà lại ra quán?”. Tôi chỉ biết nhận lỗi: “Chúng tôi vi phạm nội quy giờ giấc”. Ông đã phân tích:
- Đó chỉ là một khuyết điểm bình thường, có cơm mà đi ăn quán là điều không nên. Cần nhớ rằng: Các anh sắp là quân nhân cách mạng, ở phía trước còn nhiều thử thách. Trước đây, trong hoạt động bí mật, có những đồng chí được xem là trung kiên, khi bị địch bắt, chúng dùng nhiều nhục hình tra tấn dã man nhưng không lấy được một lời khai. Nhưng chỉ một điếu thuốc thơm, một vài bữa ăn ngon đã quay ra phản bội cách mạng, đầu hàng địch, khai ra hết đồng chí và cơ sở bí mật của ta. Nhớ lấy nhé!
Chúng tôi ngồi ngây ra nghe, mãi sau mới nói được một tiếng “vâng” rồi được ra về.
Chuyện này cho đến nay chắc ít người biết. Lúc đó ấu trĩ, hiểu biết còn nông cạn, tôi đã nghĩ thầy quá khắt khe, vì sẵn tiền trong túi, đi ăn thì trả, và cũng là dịp bồi dưỡng sức khỏe, như vậy là chính đáng chứ có sao đâu? Sau đó mọi chuyện thoảng qua và đi vào quên lãng.
Tốt nghiệp, khi chuyển về nhận công tác ở mặt trận “Bình Trị Thiên khói lửa”, tôi mới thấm thía những điều thầy đã dạy. Ở đây cuộc sống đầy gian khổ, luôn phải vật lộn đấu tranh với địch, đói ăn, thiếu mặc. Người vững vàng thì trụ lại được hoặc anh dũng hy sinh; người yếu kém không chịu đựng nổi chỉ có khuỵu ngã. Một số đã rơi vào cạm bẫy của kẻ địch bằng quà tặng, đồ tiếp tế thông qua người thân trong gia đình. Họ rời bỏ kháng chiến, đầu hàng địch, có người còn trở thành ác ôn và có nợ máu với nhân dân. Sự rèn luyện tu dưỡng bản thân là một điều cần thiết và nó đã giúp tôi vượt qua được nhiều cơn sóng gió trong công tác và chiến đấu.
Đến nay khi đã nghỉ hưu, mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn thầm cám ơn thầy Trần Tử Bình.
Đ.T
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.