Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Cha tôi và bác Bình


CHA TÔI VÀ BÁC BÌNH
Nguyễn Nguyên Hân

Cha tôi là bác sỹ Nguyễn Trinh Cơ. Ông nhận bằng Doctor vào năm 1941, sau 11 năm học tại Đại học Y khoa (Đại học Đông Dương). Sau khi tốt nghiệp, cha tôi được bổ về làm giám đốc Bệnh viện Nam Định. Năm 1945, ông tham gia Việt Minh rồi tham gia Tổng khởi nghĩa và xây dựng chính quyền cách mạng ở Nam Định, được cử làm Chủ tịch Mặt trận Việt Minh tỉnh. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, cha tôi tham gia quân đội. Đầu 1947, ông đươc kếp nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương. Cha tôi thuộc lớp trí thức từ bỏ mọi vinh hoa phú quý, quyết tâm theo cách mạng, theo Cụ Hồ, vì kính phục nhân cách cao đẹp của vị cha già dân tộc, vì trong mỗi trí thức Việt Nam luôn tồn tại lòng yêu nước, thương dân tộc mình. Lớp trí thức phục vụ trong quân đội như cha tôi còn được các chiến sỹ cách mạng, những cán bộ cao cấp của quân đội thời kỳ kháng chiến, cảm hóa bằng tính gương mẫu, sự thông cảm, sự gần gũi, cởi mở, sự quan tâm chân tình. Trong số đó có đồng chí Trần Đăng Ninh và Trần Tử Bình.
 


Là con cán bộ quân đội, năm 1953, tôi được Cục Tổ chức (Tổng cục Chính trị) gọi tập trung, gửi sang học tại Trường Thiếu nhi Việt Nam tại Quế Lâm (Quảng Tây, Trung Quốc). Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Trường Lục quân Việt Nam từ Vân Nam chuyển đến đóng tại Quế Lâm, tiến hành khai giảng khóa 9 (niên khóa 1954-1955). Cuối 1954, một đoàn cán bộ Trường Lục quân do Thiếu tướng Chính ủy Trần Tử Bình và Hiệu trưởng Lê Trọng Tấn dẫn đầu vào thăm trường. Học sinh chúng tôi tuổi mới 13-14, xa nhà, xa quê hương, nay được gặp mặt các chú bộ đội Việt Nam vừa đánh thắng quân đội Pháp ở chiến trường Điện Biên, được gặp Đại đoàn trưởng đại đoàn 312 Lê Trọng Tấn, người chỉ huy đơn vị cắm lá cờ Quyết chiến Quyết thắng trên nóc Sở chỉ huy của Tướng Đờ Cát; gặp Thiếu tướng Trần Tử Bình - người đã luận tội quan tham Trần Dụ Châu tại Thái Nguyên vào năm 1951… thì còn gì vui sướng, tự hào bằng!

Khi các bác Trần Tử Bình, Lê Trọng Tấn đi thăm nơi ăn chốn ở của học sinh, chúng tôi kéo theo rất đông. Có đứa mạnh dạn hỏi thăm hai bác về tin tức cha mẹ mình. Bác Bình ân cần trả lời: “Bác không thể trả lời cháu ngay được nhưng sẽ đề nghị Cục Thông tin quân đội sớm báo sang về các trường hợp cụ thể, tin tức từng gia đình theo danh sách do Ban giám hiệu tập hợp”. Sau đó một thời gian, nhiều bạn đã có tin tức gia đình sau chiến tranh. Học sinh chúng tôi còn được nghe hai bác cùng học viên Trường Lục quân kể chuyện chiến đấu tại các chiến trường Điện Biên Phủ, đồng bằng Bắc bộ, Khu 5, Nam bộ… Bác Bình căn dặn chúng tôi gắng học giỏi, xựng đáng với sự quan tâm cuả Bác Hồ, Bác Mao và nhân dân Việt-Trung, để khi trở về sẽ góp sức xây Tổ quốc sau chiến tranh.

An tượng đầu tiên của tôi về bác Bình còn lưu lại cho đến ngày hôm nay, bác chân thành, gần gũi với mọi người dù mới gặp nhau lần đầu. Sau này tôi hiểu rằng đó là tác phong quần chúng cùa lớp chiến sỹ cách mạng lão thành của Đảng.

Do tôi có cậu Đan, em mẹ, là cán bộ Phòng Chính trị Trường Lục quân nên được đón ra chơi, thăm cậu. Khi biết tôi là con trai bác sỹ Nguyễn Trinh Cơ, bác Bình đã ân cần nói với tôi: “Bác là người thay mặt Quân ủy Trung ương công nhận bố cháu là đảng viên chính thức tại Tam Đảo, vào cuối năm 1947”. Lúc đó tôi rất tự hào, cảm động song chưa hiểu tường tận về sự kiện này trong cuộc đời của cha tôi. Cậu Đan cho tôi biết bác Bình là một vị tướng rất giản dị, được cán bộ, chiến sỹ trong quân đội đặc biệt tin tưởng, yêu quý.

Năm 1957, chúng tôi về nước tiếp tục học tập tại Hà Nội. Khi gần cha, tôi hỏi ông về chuyện bác Bình đã nói với tôi. Cha tôi vui vẻ kể lại rằng, ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1947, tại Mặt trận khu 3; người giới thiệu thứ nhất là đồng chí Đỗ Mười, bí thư Tỉnh ủy Nam Định. Cuối năm 1947, cha tôi được điều động lên Việt Bắc, về Cục Quân y. Thời kỳ đó, Đảng ta phải họat động bán công khai, vì đầu năm 1946 để bảo đảm cho sự đoàn kết trong Chính phủ liên hiệp, Đảng ta đã tuyên bố giải tán. Trong quân đội có Quân ủy Trung ương do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bí thư, các đồng chí Văn Tiến Dũng (Cục trưởng Cục chính trị), Trần Tử Bình (Trưởng phòng Cán bộ - kiểm tra) là phó bí thư. Việc kết nạp đảng viên mới là trí thức, như cha tôi, được Quân ủy đặc biệt quan tâm. Khi cha tôi đến hạn chuyển chính thức, bác Bình đã gặp cha tôi tại Tam Đảo. Hai người trò chuyện rất thân mật về chuyện đời, chuyện kháng chiến, gia đình, vợ con... Bác tâm sự với cha tôi về cuộc đời mình, về con đường cách mạng do các chiến sỹ cách mạng tiền bối như Tống Văn Trân, Ngô Gia Tự dìu dắt, về những năm tháng tù đày tại Côn Đảo, về cuộc vượt nguc Hỏa Lo, về Tổng khởi nghĩa tại Hà Nội mà bác trực tiếp tham gia… Bác còn kể từng làm y tá, chữa bệnh trong thời kỳ hoạt động bí mật. Bác cho biết đồng chí Đỗ Mười, người giới thiệu cha tôi vào Đảng, là bạn tù Hoả Lò, cùng vượt ngục vào tối 12 tháng 3 năm 1945. Khi biết cha tôi có quan hệ rất thân thiết với các giới tôn giáo ở Nam Định vì từng phụ trách công tác Mặt trận tỉnh, bác cho biết mình vốn là dân đạo gốc, từng học Trường dòng La-tinh, từng kiếm sống bằng việc giảng Kinh Thánh tại giáo xứ Vĩnh Trị (Nam Định) và gia đình bị Nhà thờ rút phép thông công vì bác bị Nhà nước Đại Pháp kết tội lãnh đạo công nhân chống lại giới chủ. Bác còn kể cho cha tôi những chuyện tiếu lâm trong nội tình Nhà thờ. Cha tôi cũng tâm sự về cuộc đời vất vả kiếm sống cuả gia đình tại vùng quê Thanh Hoá, về những năm tháng vừa học vừa làm tại Hà Nội, về việc tham gia Việt Minh, cướp chính quyền tại Nam Định… Những tâm sự riêng tư ấy đã tạo ra mối quan hệ thân thiết, cởi mở giữa hai người. Quan hệ này được duy trì nhiều năm sau này. Cuối cùng bác hỏi cha tôi một câu rất nguyên tắc, rất nghiêm túc : “Tôi xin hỏi anh Cơ một câu: Anh có sẵn sàng một lòng theo giai cấp vô sản trong cuộc cách mệnh trường kỳ, vô cùng gian khổ này không?“. Cha tôi sau gần một năm thử thách, đã khẳng định con đường mình đã chọn: ”Tôi sẵn sàng!”. Thay mặt Quân ủy, bác Bình tuyên bố công nhận cha tôi là đảng viên chính thức. Cha tôi cho biết trường hợp như vậy là rất đặc biệt.

Đầu năm 1950, khi quân đội ta chuẩn bị giải phóng biên giới, Quân ủy chọn cha tôi tham gia đoàn công tác với tư cách là bác sỹ chăm sóc sức khoẻ, đưa đồng chí La Quý Ba , phái viên của Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, từ Việt Bắc trở về Trung Quốc, báo cáo về kế hoạch của Chiến dịch biên giới. Trước khi lên đường Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thiếu tướng Trần Tử Bình đã gặp đoàn. Bác Hồ giao nhiệm vụ cho Đoàn, Người nói một câu mà cha tôi nhớ mãi: “Các chú là cán bộ quân đội, là đảng viên, nếu để chuyện gì xảy ra với đồng chí La Quý Ba thì đừng trở về đây nữa!”.Mỗi thành viên trong đoàn công tác đều nhận rõ tầm quan trọng có tính chiến lược cuả chuyến đi này. Đoàn đã đưa đồng chí La Quý Ba vượt qua nhiều khó khăn trở về Trung Quốc an toàn.

Khi quân ta nổ súng giải phóng biên giới vào tháng 10 năm 1950, cha tôi là Chủ nhiệm Quân y mặt trận, chỉ huy trưởng hệ thống các trạm quân y dã chiến phục vụ chiến dịch.

Cuối năm 1958, khi bác Bình nằm điều trị ở Quân y viện 108, có đến thăm gia đình tôi. Cha mẹ tôi nói chuyện với bác rất lâu. Bác xem rất kỹ chỗ ở cuả gia đình và nói:“Anh em bố trí cho anh chị ở thế này là chưa chu đáo, tôi sẽ trao đổi với các đồng chí Cục Doanh trại về việc này”.

Bác hỏi thăm mẹ tôi về cậu Đan. Mẹ tôi cho bác biết cậu đã chuyển ngành, đang học tại Khoa Sử, Đại học Tổng hợp. Bác cho biết mình sẽ sang Trung Quốc làm đại sứ thay đồng chí Nguyễn Khang nên cần tìm một số cán bộ có năng lực, tốt nhất là cán bộ đã cùng công tác tại Trường Lục quân. Vì biết trước khi vào học Lục quân, cậu Đan từng là sinh viên Đại học Luật Hà Nội, nay bác có ý nhắm đến cậu. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp, cậu Đan về Trường Cao đẳng mỹ thuật làm giáo viên Lịch sử mỹ thuật. Khi nhận nhiệm vụ mới, bác Bình có cho gọi, nhưng cậu Đan xin được ở lại Hà Nội làm công tác giảng dạy, nghề mà cậu yêu thích.

Sau khi tốt nghiệp đại học tại Liên Xô, tôi về công tác tại Bộ Tổng tham mưu trong nhiều năm. Được làm việc với nhiều cán bộ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp, khi được tôi hỏi về bác Bình, họ đều coi bác là một vị tướng gần gũi với cán bộ, chiến sỹ, được mọi người tin tưởng, yêu quý, là một tấm gương sáng về “cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”.

Xin viết những dòng này tưởng nhớ về bác Trần Từ Bình, góp phần cho cuốn sách kỷ niệm 100 năm ngày sinh cuả bác - người được cha tôi cùng nhiều cán bộ trí thức rất mực quý mến.

Đối với tôi bác luôn là một nhân cách lớn đáng kính!

Hà Nội, ngày 15-5-2006

N.N.H




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.