Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Tiễn tôi đi B...


HAI LẦN ANH TIỄN TÔI “ĐI B”

Thiếu tướng Trần Thế Môn[1]


            Anh Trần Tử Bình quê ở Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Là công nhân cao su, anh đã tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền cao su Phú Riềng năm 1930 và làm nên một “Phú Riềng đỏ” lịch sử. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, anh được điều vào quân đội, sau đó được phong hàm Thiếu tướng. Là Phó bí thư Quân uỷ Trung ương với chức vụ Phó Tổng thanh tra quân đội, anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 
Đầu năm 1948, tôi gặp anh khi được điều về làm phái viên Cục Tổng thanh tra. Tôi còn nhớ như in phút giây ban đầu khi tiếp xúc, anh vui vẻ tươi cười và nói chuyện về công tác thanh tra. Anh nói: “Làm công tác thanh tra phải làm sao để những nơi mình đến thanh tra có thái độ không đối phó mà tin tưởng trình bày đầy đủ cả hai mặt ưu điểm và khuyết điểm, không bao giờ để họ thành kiến là thanh tra chỉ đi moi móc khuyết điểm rồi kỉ luật họ. Chính vì vậy công tác thanh tra phải hết sức khách quan, công tâm, thực sự cầu thị; phải giúp họ thấy rõ mình giúp họ nhận rõ cả ưu và khuyết điểm, chỉ ra được phương hướng phát triển và tiến lên làm tròn nhiệm vụ”. Anh rất gần gũi anh em, chỉ bảo tận tình để anh em hoàn thành nhiệm vụ. Những ngày được sống gần anh, tôi đã học ở anh đạo đức cách mạng và đức tính trung thực, liêm khiết. Song tiếc là thời gian đó không nhiều.

Sau lần đi kiểm tra Quân khu Việt Bắc, rồi kiểm tra lúa gạo ở các tỉnh Trung du; đến đầu năm 1950, tôi cùng anh Trần Mạnh Quỳ nhận nhiệm vụ đi thanh tra mặt trận Nam Bộ. Khi chia tay, anh Trần Tử Bình đã chúc chúng tôi lên đường mạnh khỏe, an toàn và hoàn thành nhiệm vụ.

Vợ tôi cùng cháu Trần Thế Việt, lúc đó mới 2 tuổi, ở lại với cơ quan Thanh tra, đóng tại Tuyên Quang. Khi chúng tôi đã lên đường, vợ tôi lên gặp anh Bình thì được anh dẫn vào phòng họp và chỉ lên tấm bản đồ lớn treo trên tường. Anh nói: “Lần này đoàn vào thanh tra tận chiến trường Nam Bộ, xa Việt Bắc đến hàng nghìn cây số, chứ không phải loanh quanh các tỉnh phía bắc như  những lần trước”. Lúc vợ tôi biết thì đoàn đã đi xa lắm rồi. Ở lại Việt Bắc, vợ con tôi nhận được sự quan tâm, săn sóc của anh Bình, chị Hưng. Đến năm 1951, khi đoàn thanh tra trở ra Bắc thì Cục Tổng thanh tra đã giải thể. Anh Bình và anh Lê Thiết Hùng nhận nhiệm vụ theo trường Lục quân sang Vân Nam (Trung Quốc) nên  tôi không có dịp để gần anh.

Hoà bình lập lại trên miền Bắc, hễ có dịp là mấy anh em từng công tác ở Thanh tra quân đội - anh Bình, anh Quỳ và tôi… lại gặp nhau. Năm 1966, trước khi lên đường vào mặt trận Tây Nguyên, tôi đến chia tay anh. Hai anh em đã ngồi với nhau hàn huyên hơn một giờ đồng hồ. Anh chân thành dặn dò tôi những bài học trong công tác, nhất là những kinh nghiệm trong thời gian ở Thanh tra quân đội. Tôi cám ơn và chúc anh ở lại mạnh khỏe. Anh cảm động ôm lấy tôi và nói: “Phải giữ gìn sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao!”. Tôi hứa với anh sẽ cố gắng cùng anh em đoàn kết chiến đấu. Rưng rưng nước mắt hai anh em bịn rịn chia tay. Không ngờ đó là lần gặp  cuối cùng!

Đang chiến đấu trong mặt trận Tây Nguyên, sớm ngày mùng ba Tết Đinh Mùi (năm 1967), khi mở radio nghe buổi phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam thì biết tin anh mất. Tôi lặng người đi, vô cùng thương tiếc. Nén lòng mình, tôi thầm hứa với anh: quyết tâm lãnh đạo lực lượng vũ trang giải phóng Tây Nguyên chiến đấu, chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Và thực sự, tôi đã góp sức mình làm được việc đó…

Những ngày Tháng Tám này, xin ghi lại vài cảm tưởng về những ngày cùng sống, cùng công tác với anh, cũng là để báo cáo với vong linh anh những gì đã làm được!

Hà Nội, ngày 14-8-2004

T.T.M








[1] Nguyên phái viên Cục Tổng Thanh tra quân đội, năm 1948.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.