Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Ký ức về người anh lớn


KÝ ỨC VỀ NGƯỜI ANH LỚN
 Đại tá Nguyễn Văn Hiếu[1] ke
 Trần Kháng Chiến ghi


Từ 1956, nhà  tôi  được bố trí về ở trong một biệt thự ba tầng, nằm ngay góc ngã tư đường Hoàng Diệu và Điện Biên Phủ cùng gia đình tướng Trần Quý Hai. Cạnh nhà tôi là gia đình một số sĩ quan cao cấp của Bộ Tổng tham mưu như các chú Lê Liêm, Đỗ Đức Kiên, Lê Minh Nghĩa, Nguyễn Văn  Hiếu... Lũ trẻ con chúng tôi thường chạy qua chạy lại giữa các nhà và tôi nhận thấy giữa cha tôi và các chú có mối quan hệ khá thân thiết. Do còn bé nên tôi không hiểu về những mối quan hệ này. Cho đến tháng 8 năm 2004, khi đến mời chú Hiếu dự buổi gặp mặt tưởng niệm cha tôi, do Hội  Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức; chú  vui vẻ nhận lời và còn nói thêm: “Đến dự còn là trách nhiệm của chú!”. Khi hỏi về quan hệ này, chú vui vẻ kể lại…




… Quê chú ở Bắc Ninh. Chú sinh ra trong một gia đình viên chức nghèo. Khi học Thành chung ở Bắc Ninh, chú học rất giỏi, thi đỗ vào học tiếp tại Trường công lập Bưởi. Học xong  trường Bưởi, chú thi đỗ vào trường Cao đẳng Công chính Đông Dương. Trong chế độ cũ, con đường học vấn của chú được coi là thuận buồm xuôi gió.  Là những thanh  niên có tri thức, chú và nhiều bạn bè vẫn cảm thấy bế tắc. Các chú, khi học xong trường Bưởi, chỉ  phản ứng bằng cách  không thi vào trường Luật vì thấy rằng tốt nghiệp ra lại làm quan huyện, tức là làm tay sai cho Tây; nhưng cũng không muốn thi vào trường Y, vì sau khi ra trường lại phải chữa bệnh cho  người Tây cùng các quan lại, phú hào… Pháp luật đâu có bảo vệ người nghèo và dân mình thì làm gì có tiền mà vào nhà thương?

Sau ngày Nhật  đảo chính Pháp,  tình hình có nhiều thay đổi. Việt Minh hoạt động khắp nơi, lãnh đạo nhân dân phá kho thóc, cứu đói. Ông Ngụy Như Công Tum đã tổ chức buổi lửa trại rất lớn cho thanh niên, học sinh, sinh viên Hà Nội tại Đền Hùng, Phú Thọ. Chú cùng nhiều bạn tham gia. Trong buổi lửa trại, chú được nghe lời kêu gọi  thanh niên hãy dũng cảm đứng lên hành động vì dân tộc, vì Tổ quốc. Thời cơ giành độc lập đã đến!… Về Hà Nội, chú cùng nhiều anh em quyết định bỏ học.

Trở về Bắc Ninh, chú tham gia Việt Minh. Tháng 8 năm 1945, tham gia khởi nghia giành chính quyền tại quê nhà. Tháng 10 năm ấy, chú cầm giấy giới thiệu cuả Việt Minh tỉnh Bắc Ninh lên Trường Quân chính Việt Nam, đóng tại Việt Nam Học xá (ngày nay là Đại học Bách khoa), nhập học. Tại trường, chú gặp cha cháu -  anh Trần Tử Bình, một chiến sỹ cách mạng, đảng viên cộng sản từng tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh  cuả 5000 công nhân  cao su Phú Riềng năm 1930, từng bị thực dân Pháp kết án và đầy ra Côn Đảo, từng bị giam và tổ chức vượt ngục thành công tại nhà tù Hỏa Lò, tham gia lãnh đạo  Tổng khởi nghia giành chính quyền tại  Hà Nội… 

Sau Cách mạng Tháng Tám, những người như cha cháu là thần tượng về lý tưởng, tinh thần đối với lớp thanh niên mới lớn như chú - những người mới chập chững trên con đường cách mạng. Trong thời gian học tập tại Trường Quân chính, chú được nghe cha cháu lên lớp. Những điều cha cháu nói rất dễ hiểu, dễ nhập tâm. Các vấn đề tưởng như phức tạp, khó hiểu được cha cháu trình bầy ngắn gọn, đơn giản. Học viên ai cũng thích. Ông rất nghiêm khắc, không xuê xoa với những học viên vi phạm kỷ luật; nhưng có điều lạ là không có ai giận ông.

Sau giờ học, cha cháu chan hòa với học viên. Ông kể cho bọn chú nhiều chuyện lạ, cả chuyện tiếu lâm và chuyện ở Nhà thờ cùng nhiều hiện tượng kỳ lạ trong cuộc sống hay kinh nghiệm  đấu tranh ở đồn điền cao su Nam Bộ và thời gian bị đi đày ra Côn Đảo.  Đối với học viên nguyên là học sinh, sinh viên, cha cháu rất quan tâm, động viên một cách rất chân tình. Có lẽ ông hiểu được giá trị  tri thức cuả họ đối với cách mạng. Đó cũng là nghệ thuật vận động quần chúng mà cha cháu đã tích luỹ được trong thời kỳ hoạt động bí mật. Cách ứng xử cuả cha cháu với học viên cũng là những bài học rất bổ ích cho bản thân các chú sau khi ra trường, về đơn vị. Khóa học cuả chú chỉ kéo dài trên dưới một tháng, song ký ức về cha cháu rất sâu sắc!

Năm 1949, chú được điều động về công tác tại Văn phòng Bộ Tổng tư lệnh và  gặp lại cha cháu, khi đó là Thiếu tướng Phó bí thư Quân ủy, phó Tổng Thanh tra quân đội. Dù đã là tướng, song cha cháu đối với mọi người vẫn rất chan hòa, gần gũi, chân tình; không hề có một biểu hiện quan cách nào. Đó cũng là nhận xét cuả nhiều anh em cán bộ quân  đội  mà chú quen biết. Năm 1950, cha cháu cùng ông Lê Thiết Hùng được Trung ương giao nhiệm vụ đưa Trường Lục quân sang Vân Nam, Trung Quốc. Chú vẫn làm việc bên cạnh bác Văn[2].

Cho đến sau ngày hòa  bình  lập lại, chú mới gặp lại cha cháu, lúc đó là Tổng Thanh tra quân đội. Năm 1956, bác Văn dẫn đầu một đoàn cán bộ cao cấp quân đội sang công tác tại Liên Xô. Cha cháu là thành viên của đoàn. Lúc đó chú là Chánh văn phòng Bộ  quốc phòng, được giao nhiệm vụ bí thư cho bác Văn. Chuyến đi đó là dịp chú và cha cháu có thời gian gần gũi nhau sau giờ làm việc. Hai anh em trao đổi với nhau rất nhiều vấn đề của cuộc sống. Chuyến đi làm chú thấy rõ thêm tính cách đáng quý của cha cháu, một cán bộ được cán bộ, chiến sỹ tin tưởng, yêu quý.

Năm 1959, khi cha cháu chuyển sang công tác ngoại giao thì  chú không có dịp gặp lại ông … Tết năm 1967, nghe tin cha cháu mất, chú rất buồn!

Là một thanh niên trí hức theo cách mạng, nhưng những bài giảng về lý luận cách mạng, do cha cháu  lên lớp  trong khóa học ngắn hạn sau Cách mạng Tháng Tám 1945 tại Trường Quân chính, đã giúp chú có quyết tâm đi theo con đường cách mạng của Đảng, của Bác Hồ. Chú luôn tự hào về  sự lựa chọn của bản thân. Chính vì vậy chú luôn coi cha cháu là một người anh lớn!”.

T.K.C ghi


















[1] Cựu học viên khóa 5 Trường Quân Chính Việt Nam.
[2] Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.