Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Chuyến thăm quê Bác Hồ của Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba

Chuyến thăm quê Bác Hồ của Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba

Kiến Quốc - Duy Hiển (091.3542366)

Lễ trình Quốc thư tại Chiến khu Việt Bắc, 1/9/1954.
Sau khi nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa được thành lập (1-10-1949), ngày 5-12-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện chúc mừng tới Chủ tịch Mao Trạch Đông, với nội dung: “Hai dân tộc Việt - Hoa có mối quan hệ anh em trải mấy nghìn năm lịch sử. Từ đây, mối quan hệ ấy sẽ càng mật thiết để phát triển tự do và hạnh phúc của hai dân tộc ta, và để bảo vệ dân chủ thế giới và hoà bình lâu dài”. Ngày 15-1-1950, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên bố công nhận CHND Trung Hoa và ngày 18-1-1950, CHND Trung Hoa công nhận Việt Nam DCCH. Sự kiện này đã chấm dứt thế bao vây, cô lập với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam; ngày 18-1-1950 được coi là “Ngày thắng lợi ngoại giao” của Việt Nam.

Tuy nhiên, do điều kiện chiến tranh ác liệt, hơn 4 năm sau, đúng dịp kỉ niệm 9 năm Cách mạng Tháng Tám (19-8-1954), Chính phủ Trung Quốc mới bổ nhiệm đồng chí La Quý Ba (nguyên Trưởng đoàn Cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam) làm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền CHND Trung Hoa tại Việt Nam. Ngày 1-9-1954, tại một địa điểm bí mật thuộc Đại Từ - Thái Nguyên đã diễn ra Lễ trình Quốc thư của Đại sứ CHND Trung Hoa La Quý Ba lên Chủ tịch Hồ Chí Minh; đây cũng là lễ nhận Quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam DCCH. Sự kiện này đã được báo ANTG đề cập trong số báo đặc biệt kỉ niệm 60 năm thành lập CAND (tháng 8-2005).
Như vậy, đồng chí La Quý Ba là một nhân chứng lịch sử của mối quan hệ đặc biệt Việt - Trung thời kì những năm  50, 60 của thế kỉ trước. Chuyện dưới đây là phần tiếp theo trong mối quan hệ của La đồng chí và những người thân trong gia đình với nhân dân Việt Nam, được ghi lại theo hồi ức của anh Trần Kháng Chiến, trưởng nam của cố Thiếu tướng, Đại sứ Trần Tử Bình (vị đại sứ thứ ba của Việt Nam tại Trung Quốc, từ 1959-1967).
Tháng 11-2006, gia đình cố Đại sứ Trần Tử Bình  tiếp một đoàn thương nhân sang từ Bắc Kinh. Trong đoàn có chị Hà Diờn Hồng, chuyên viên nghiên cứu châu A, con nuôi lão đồng chí La Quý Ba. Anh Kháng Chiến, con trưởng cố Đại sứ, kể lại: “Đây là một dịp may hiếm có vì đồng chí La Quý Ba là người bạn thân thiết của cha tôi. Chúng tôi đã tặng chị Hà những tấm ảnh ghi lại chuyến viếng thăm quê hương Hồ Chủ tịch của vợ chồng lão đồng chí La Quý Ba cùng cha tôi mà tôi được đi cùng. Đồng chí La Quý Ba có một quan hệ rất đặc biệt với cách mạng Việt Nam”. 
Trên cương vị Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, năm 1962, đồng chí La Quý Ba trở lại thăm Việt Nam. La đồng chí là thượng khách của Bác Hồ nên cha tôi được giao nhiệm vụ đưa hai vợ chồng ông vào thăm quê Người. Cùng đi có đồng chí phiên dịch Lương Phong. Trên đường đi, đồng chí La vui vẻ nhắc lại chuyện những năm kháng Pháp: “Năm 1950, khi các đồng chí chuẩn bị chuyển sang giai đoạn mới, sẽ có những cuộc đánh lớn với giặc Pháp, Hồ Chủ tịch đề nghị Trung Quốc cử cố vấn sang giúp Việt Nam. Hồ Chủ tịch muốn mời đồng chí Trần Canh vì hai người quen biết nhau từ năm 1924 khi Người là phiên dịch cho đồng chí Bôrôđin - Trưởng đoàn cố vấn Liên Xô sang giúp Chính phủ Trung Hoa Dân quốc của Tổng thống Tôn Trung Sơn, còn Trần Canh là học viên Trường quân sự Hoàng Phố. Vì đồng chí Trần Canh đã nhận nhiệm vụ khác nên tôi được cử đi thay. Đồng chí Vi Quốc Thanh là Trưởng đoàn cố vấn quân sự, Mai Gia Sinh - cố vấn tham mưu, Mã Tây Phu - cố vấn hậu cần. Vậy là cuộc đời tôi đã gắn bó với cách mạng Việt Nam, với các đồng chí”.
Khi đến xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, đoàn được mời về quê nội của Bác ở làng Sen. Tại bảo tàng của khu di tích, các đồng chí được giới thiệu về vùng đất địa linh nhân kiệt - nơi Bác đã sinh ra, lớn lên. Sau đó đoàn về làng Hoàng Trù - quê ngoại. Con ngõ nhỏ sạch sẽ chạy giữa hàng dâm bụt dẫn khách vào sân rộng chừng vài chục mét vuông. Phía trước là vườn cải xanh. Gian nhà ngang lợp mái tranh, vách trình đất trộn rơm có cửa quay về hướng đông. Gian bếp xếp hình thước thợ với nhà ngang. Trong gian nhà ngang còn lưu giữ những kỷ vật: chiếc chõng tre, bộ bàn ghế nhỏ, cánh võng Đồng chí La Quý Ba xúc động trước những hiện vật được trưng bày; ông bồi hồi nhớ lại lần Bác Hồ đến thăm quê hương Mao Chủ tịch:
- Tháng 5/1961, Hồ Chủ tịch sang thăm Trung Quốc. Khi đến Hồ Nam, Người đã về thăm Thiều Sơn Xung - quê đồng chí Mao Trạch Đông. Tôi được tháp tùng cùng đồng chí Văn Trang. (Hai đồng chí Văn Trang và Lương Phong đều là cán bộ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, từng phiên dịch cho Đoàn cố vấn ngày ở Việt Bắc và gắn bó với cách mạng Việt Nam). Lần đó, Người đứng rất lâu ngắm ngôi nhà nửa tranh nửa ngói rồi vào xem tỉ mỉ nội thất. Đây là nhà một gia đình trung nông điển hình của xã hội cũ ở Trung Quốc. Người tận tay nắm thử những công cụ lao động mà Mao Chủ tịch từng dùng hồi trẻ. Khi ra cửa, Người xúc động nói: “Nhà của đồng chí Mao ở nông thôn, nhà tôi cũng ở nông thôn. Nhưng nhà tôi chắc nghèo hơn nhiều. Trong thời kì thực dân Pháp cai trị, quê tôi nghèo hơn vùng nông thôn Hồ Nam trước giải phóng”.
Đứng ngắm gian nhà ngang, đồng chí La khẽ nâng tấm liếp che nắng trước hiên rồi quay sang nói: “Nhìn những hiện vật trong nhà làm tôi như cảm thấy hơi ấm thuở ấu thơ của Người vẫn còn lưu lại đâu đây. Cả một cuộc đời bôn ba xa nhà. Hơn 70 năm cuộc đời, không biết có đến chục năm Người được sống trong ngôi nhà này? Ngôi nhà của Hồ Chủ tịch thật đơn sơ, giản dị. Có lẽ sự vĩ đại của Người được kết tinh chính từ những sự giản dị ấy!...”. Mọi người càng xúc động khi nghe đồng chí La Quý Ba kể tiếp: “Trước khi rời Thiều Sơn Xung, Người gọi anh em và bà con lại chụp ảnh kỷ niệm. Hôm ghé qua Trường Sa đúng ngày sinh nhật Hồ Chủ tịch. Nhà khách đã bố trí một bữa tiệc chúc thọ. Khi vào nhà ăn thấy bàn tiệc thịnh soạn, Người dí dỏm hỏi: “Cái gì vậy? Có đám cưới à?” rồi quay ra nói với các đồng chí cán bộ địa phương: “Cũng như đồng chí Mao, tôi phản đối việc chúc thọ. Các đồng chí làm thế này không đúng”. Đây là một bài học cho chúng tôi.
Sau đó đoàn ra thắp hương tại Đài kỷ niệm các chiến sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh. Đài kỷ niệm sừng sững, nằm trong khuôn viên bao bọc bởi rặng phi lao xanh. Bốn mặt đài gắn bốn ngôi sao vàng trên nền đỏ. Mặt tiền gắn bia “Tinh thần các liệt sĩ 12-9-1930 bất diệt!”. Trời se lạnh. Trong bầu không khí  nghi ngút hương khói tưởng nhớ đến những chiến sĩ đã hy sinh, cha tôi xúc động kể cho vợ chồng đồng chí La: “Trước Xô viết Nghệ Tĩnh khoảng 7 tháng, đúng ngày 3-2-1930, tôi là Bí thư chi bộ đồn điền cao su Phú Riềng. Chỉ với 6 đảng viên nhưng chi bộ đã lãnh đạo thắng lợi cuộc đấu tranh đòi quyền sống của 5.000 công nhân. Bọn chủ phải nhượng bộ. Tuy sau đó bị lộ, tôi cùng nhiều anh em bị bắt và bị đày ra Côn Đảo nhưng chúng tôi đã làm nên một Phú Riềng Đỏ lịch sử, được ghi vào những trang sử đấu tranh chói lọi của giai cấp công nhân Việt Nam. Sau đó 15 năm, số phận lại cho tôi cùng anh em tham gia lãnh đạo thắng lợi Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 tại Hà Nội. Đấy là hai hạnh phúc lớn nhất của đời tôi!”. Cho đến giờ tôi vẫn nhớ gương mặt rạng rỡ, tự hào của cha tôi và sự thán phục của các bác, các chú. Chuyến đi thật thú vị, làm cho tôi hiểu biết thêm nhiều điều.
45 năm đã qua, anh Trần Kháng Chiến vẫn nhớ những kỉ niệm về chuyến thăm quê Bác của hai vị đại sứ. Anh tâm sự: “Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống của dân tộc ta nên những kỷ niệm về tình bạn, tình đồng chí quốc tế vô sản mãi được lưu giữ trong gia đình tôi.
--------------------------------------------------------------------------
- ảnh 1: Đồng chí La Quý Ba (ngoài cùng bên trái) và đại sứ Trần Tử Bình (ngoài cùng bên phải) thăm làng Hoàng Trù - quê ngoại Bác.
- ảnh 2: Đoàn Chính phủ ta do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu tiếp kiến Mao Chủ tịch và Thủ tướng Chu Ân Lai ngày 15-6-1961 (hai đồng chí La Quý Ba và Trần Tử Bình đứng hàng đầu, bên phải).
- ảnh 3: Đại sứ La Quý Ba trình Quốc thư lên Hồ Chủ tịch.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.