Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Vụ án Trần Dụ Châu (Nhà báo Hồng Hà)

VỤ ÁN ĐẠI TÁ TRẦN DỤ CHÂU
Nhân kỉ niệm 60 năm ngày truyền thống Công an Nhân dân, 19-8-2005, vụ án Trần Dụ Châu - một vụ chống tham nhũng thời kháng chiến chống Pháp - được nhà báo Hồng Hà kể lại trong bài “55 năm nhìn lại vụ án Trần Dụ Châu”. Vụ án này được chính ông viết trong loạt bài phóng sự điều tra đăng 6 kì, từ ngày 20-9-1950, trên báo Cứu Quốc – cơ quan tuyên truyền, cổ động của Trung ương Mặt trận Liên Việt và Tổng bộ Việt Minh, xuất bản hàng ngày.
Nhà báo Hồng Hà, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân. 


Từ một viên thư kí toà sứ  Pháp
 Mùa hè 1950, từ mặt trận đồng bằng sông Hồng, tôi trở về toà soạn báo Cứu Quốc. Cơ quan báo vừa dọn về  xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Cuộc di chuyển mới này báo hiệu ta hoặc địch sắp có hoạt động quân sự lớn. Anh Xuân Thuỷ, Chủ nhiệm báo Cứu Quốc, giao ngay cho tôi đi lấy tài liệu viết về một vụ tham ô lớn. Đấy là vụ án Trần Dụ Châu, đại tá, nguyên Giám đốc Nha Quân nhu, đang ở giai đoạn điều tra, lấy lời khai.


Lúc này, Thường vụ Trung ương Đảng đã ra nghị quyết chấn chỉnh tổ chức, kiện toàn bộ máy các cơ quan Bộ Quốc phòng – Tổng Tư lệnh. Sau đó, ngày 11 tháng 7 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí sắc lệnh thành lập ba cơ quan: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp. Các nha trước đây đảm nhiệm việc sản xuất quân trang, quân dụng nay sáp nhập vào các cục. Nha Quân nhu sáp nhập vào Cục Quân nhu, trực thuộc Tổng cục Cung cấp, do đồng chí Trần Đăng Ninh, uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng, làm Chủ nhiệm Tổng cục.
Trần Dụ Châu ngồi khai trước các cơ quan pháp luật: Sinh năm 1906 tại một tỉnh miền Trung, Châu bước vào đời bằng việc đi làm thư kí toà sứ Pháp. Thấy Châu vừa đi làm vừa viết báo “Thanh-Nghệ-Tĩnh”, e lộ chuyện công sở, toà sứ cho Châu thôi việc. Châu chuyển sang làm nhân viên quận Hoả xa Bắc Trung kỳ.
Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương tháng 3 năm 1945, Châu được cử làm Trưởng phòng Kế toán Hoả xa Bắc Trung kỳ. Nhờ quen biết người Nhật Bản, Châu lấy được một kho vải ở huyện Đức Phong, bán đi có tiền tậu một biệt thự ở Đà Lạt.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bùng nổ, Châu hiến cho Nhà nước một phần tài sản của mình, rồi hoạt động trong Uỷ ban Công sở Nha Hoả xa Việt Nam và Hội Công nhân cứu quốc Hoả xa. Ngày Toàn quốc kháng chiến, Châu ra Bắc,  được giao việc chạy một kho hàng lớn với hơn ngàn tấn gạo, muối ở Vân Đình (Hà Đông), đưa lên Việt Bắc cho bộ đội.
Là một người tháo vát, năng động, có đầu óc kinh doanh, Châu được vào làm ở Cục Quân nhu. Sau một thời gian làm tốt công việc cung cấp lương thực, trang bị cho bộ đội, Châu được phong quân hàm đại tá, làm giám đốc Nha Quân nhu. Lúc đó, Cục Quân nhu chỉ phụ trách việc quản lí, quản trị, còn Nha Quân nhu mới có nhiệm vụ trực tiếp sản xuất quân trang, quân dụng. Có địa vị cao, quyền hành rộng, nắm trong tay hàng trăm triệu đồng, cơ chế kiểm tra, kiểm soát lại lỏng lẻo, Trần Dụ Châu không tự kiềm chế nổi nên đi dần vào con đường tội lỗi.
Châu lấy cắp của công quỹ một số tiền lớn: 57.959 đồng Việt Nam, 149 đô-la Mỹ, các tài sản khác trị giá 143.900 đồng Việt Nam. (Giá gạo ở Thái Nguyên – Bắc Cạn năm 1950 là 50 đồng/một kg, còn chiến sĩ ta mỗi ngày chỉ được cấp vài lạng gạo và hơn 10 đồng tiền thức ăn). Ngoài ra, Châu còn nhận hối lộ khá nhiều tiền; chuyên quyền, độc đoán, sống sa đoạ, đồi trụy. Uỷ ban Tiếp liệu Thu-Đông 1949, các kho số 1, 4, 10 thường xuyên nộp cho Châu tiền tiêu, rượu, đồ hộp, hải sản khô, thuốc lá, quần áo, chăn len… Châu tuyển người, thải người theo ý thích cá nhân, vung tiền bao gái; có lần dùng ôtô công đưa gái đi chơi Bắc Cạn. Châu dan díu với một nữ nhân viên xinh đẹp, bổ nhiệm làm “bí thư văn phòng” của Nha, làm việc cùng buồng, ăn ở cùng nhà với Châu. Giữa lúc nữ bí thư đi dự lớp huấn luyện thì Châu đưa từ Phú Thọ về cơ quan một cô gái, giới thiệu là em nuôi, suốt ngày ở trong buồng riêng của Châu. Nữ bí thư từ lớp học về bất chợt bắt gặp và đã xảy ra một cuộc đánh ghen ầm ĩ.
Tiếng tăm ăn chơi của Châu nổi như cồn ở Hanh Cù, Phú Thọ, một thị trấn sầm uất. Tối đến cả đường phố dài rực sáng ánh đèn măng-sông, với nhiều hiệu ăn sang trọng và cửa hàng đầy ắp hàng tiêu dùng nước ngoài. Mỗi lần về công tác ở Liên khu 10 (gồm các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang…), Châu đều đưa bạn bè đến chè chén ở đây, nhất là ở nhà hàng Ba Đình. Cũng tại thị trấn này, Châu tổ chức đám cưới cho Bùi Minh Trân, trưởng ban Mậu dịch của Quân giới Liên khu Việt Bắc, tiêu tốn hàng vạn đồng. Báo Cứu Quốc đã có bài phê bình kịch liệt đám cưới này, còn nhân dân Phú Thọ thì nói rằng “đã làm váng đục cả một khúc sông Thao”. Chính từ thị trấn Hanh Cù bắt đầu có những bức thư tố cáo Trần Dụ Châu gửi đến các cơ quan có liên quan.

Thầy nào trò ấy
Tay chân đắc lực của Trần Dụ Châu là Lê Sĩ Cửu. Cửu sinh tại một tỉnh miền Trung, kém Châu 10 tuổi, mồ côi cha mẹ từ năm 8 tuổi. Năm 12 tuổi, hắn ra Móng Cái, đi làm cho một nhà buôn Hoa Kiều; lớn lên tham gia buôn thuốc phiện lậu trên đường Móng Cái-Hải Phòng. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Cửu trở về miền Trung, vào làm công an, nhưng được ít ngày thì bị đuổi, liền quay ra Bắc. Sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Cửu gặp và được Châu giới thiệu vào làm ở Ban Vận tải quân giới. Một thời gian sau, lại bị đuổi việc, Cửu lần mò lên Cao Bằng kiếm ăn. Tại đây, tháng 8 năm 1947, gặp lại Châu, Cửu được Châu đưa vào Cục Quân nhu, làm nhân viên tiếp liệu ở Cao Bằng. Vừa xa Nha, vừa được Châu che chở, Cửu lộng hành làm bậy, lấy cắp tiền công, ăn tiêu bừa bãi, thường xuyên lui tới các nhà hàng, tiệm hút vùng Cao Bằng.
Nghe được nhiều tiếng xấu về Cửu, Châu vội rút Cửu về Nha, lập ra một tổ chức mới gọi là “Ban Thế phẩm đay”, giao cho Cửu làm trưởng ban. Châu tuyên truyền ầm ĩ rằng, Ban này lo các đồ mặc mùa đông cho bộ đội, từ nay chiến sĩ ta không phải lo đến cái rét ở rừng núi nữa. Thực chất đây chỉ là mánh khoé tham ô của Châu: lấy ba phần tư số tiền cấp trên phát cho Ban Thế phẩm đay, Châu giao cho Cửu đi buôn lậu.
Lê Sĩ Cửu khai trước Ban Kiểm tra của Bộ Quốc phòng: Mỗi khi đi mua vải về cho Ban Thế phẩm, Cửu cho tăng giá thêm từ 20 đến 25 đồng mỗi tấm để lấy tiền đút lót. Trong một chuyến mua vải mộc và vải diềm bâu, Cửu lấy được 50 vạn đồng. Khi xuất kho vải giao cho cơ sở nhuộm, Cửu chỉ tính số tấm, không tính số vuông; cho xẻ đôi những tấm vải dài để nhuộm, khi nhận về kho số vải đã nhuộm, dôi ra 1.225 tấm vải, bỏ túi riêng được 66 vạn đồng. Người bán vải giao hàng tận kho, không tính tiền vận chuyển, nhưng Cửu lại tính với Ban phải trả phí vận chuyển. Khi nhà thầu lĩnh hàng thì phải cung cấp đầy đủ khuy cúc, nhưng Cửu tính với Ban tiền khuy cúc riêng. Với hai thủ đoạn trên, Cửu cũng lấy được 4 vạn đồng.
Cửu cho khắc một con dấu giống dấu của Nha Quân nhu để cấp cho một số người buôn lậu, mỗi lần được 2 vạn đồng. Cửu giầu lên nhanh chóng, ăn chơi sa đọa, sắm được một chiếc thuyền đẹp để gia đình du ngoạn và tổ chức những cuộc dạ hội trên sông. Cửu hối lộ đều đặn theo từng vụ cho Châu, tổng cộng khoảng 40 vạn đồng và nhiều tài sản có giá trị.
Trong Nha, cán bộ nhân viên gọi Châu là “Châu hổ”, sợ Châu như sợ cọp. Một số cán bộ, đảng viên trong Nha không để Châu lôi kéo, đã mạnh dạn phê bình Châu. Có người do nói thẳng đã bị Châu đẩy khỏi cơ quan. Những điều tiếng xấu về Châu ngày càng nhiều. Châu gọi đó là “những câu chuyện hàm hồ, xoi mói vì ghen ghét”. Tối ngày 27 tháng 5 năm 1950, Châu gọi một nhân viên tay sai đến nhà, cho uống rượu, ăn cơm. Rồi Châu đọc cho nhân viên đó viết một bức thư gửi Đại tướng Tổng Tư lệnh, báo cáo rằng “trong Nha quân nhu có một tổ chức gây chia rẽ và phá hoại quân đội ta”.
Nghe tin Cửu bị bắt, Châu chạy đến Cục Quân pháp để “minh oan”, xin cho Cửu tự do. Châu còn báo cáo với Bộ Quốc phòng: “Tôi xin cam đoan, nhân viên Lê Sĩ Cửu không ăn cắp một xu nhỏ”. Bộ bác đơn của Châu.

Quân pháp nghiêm minh 
Lê Sĩ Cửu tiếp tục khai với Ban kiểm tra:
-    Những tội lỗi của tôi kể trên một phần do đại tá Trần Dụ Châu xúi giục. Sở dĩ tôi làm như vậy vì  tôi yên trí rằng đã có đại tá Châu bênh vực, mọi việc không sợ gì cả!
Đến lượt Trần Dụ Châu cũng thú nhận trước Ban kiểm tra:
-    Tôi quả là người không liêm  khiết.   
Cán bộ kiểm tra hỏi Châu:
-    Đã lấy của Lê Sĩ Cửu những gì?
Châu trả lời:
-    Tôi lấy nhiều lắm, không thể nhớ là bao nhiêu. Nhưng lần nào Cửu đến tôi thì cũng có ít nhiều tiền đưa tôi.
Ngày 5 tháng 9  năm 1950, tại thị xã Thái Nguyên, Toà án binh tối cao  mở phiên toà đặc biệt xử vụ Trần Dụ Châu. Còn lâu mới tới giờ khai mạc mà trong và ngoài toà đã chật ních người. Cửa phòng xử án treo một khẩu hiệu lớn: “Nêu cao ánh sáng công lý trong quân đội”. Trong phòng xử, trên tường đối diện nhau có hai khẩu hiệu: “Quân pháp vô thân” và ”Trừng trị để giáo huấn”. Đúng 8 giờ, đại diện Chính phủ, quân đội và Toà án binh tối cao tới, đi giữa hàng rào lính bồng súng.
Thiếu tướng Chu Văn Tấn ngồi ghế Chánh án giữa hai ông hội thẩm viên Phạm Ngọc Hải, Giám đốc Tư pháp Liên khu Việt Bắc và Trần Tấn, Phó cục trưởng Cục Quân Nhu. Thiếu tướng Trần Tử Bình, đại diện Chính phủ, ngồi ghế Công cáo uỷ viên. Tới dự phiên toà còn có các ông: Nguyễn Khang, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính Liên khu Việt Bắc,  Võ Dương - Liên khu Hội trưởng Liên Việt Liên khu Việt Bắc; Đỗ Xuân Dung - Giám đốc Công chính Liên khu Việt Bắc, bác sĩ Vũ Văn Cẩn, đại biểu quân  đội, đại diện các đoàn thể nhân dân và các nhà báo.
Tiếng gọi các bị cáo vang trong phòng họp. Bị cáo Lê Sĩ Cửu vắng mặt vì ốm nặng. Thiếu tướng Chánh án hỏi các bị cáo. Trần Dụ Châu bước ra trước vành móng ngựa, nói nhiều về công lao và thành tích cách mạng của mình, cho rằng do nhân viên làm bậy là chính mà mình không kiểm soát được.
Thiếu tướng Công cáo uỷ viên, đại diện Chính phủ, đứng lên đọc cáo trạng:
-    “Thưa toà, thưa các quý vị!
Trong tình thế ta gấp rút chuẩn bị Tổng phản công, mọi người đang thắt lưng buộc bụng tích cực phục vụ kháng chiến; ngoài tiền tuyến, quân đội ta đang hy sinh để đánh trận căn bản mở màn cho chiến dịch mới, tôi yêu cầu tòa dùng những luật hình sẵn có để xử Trần Dụ Châu, dựa trên chỉ thị căn bản của vị Cha già dân tộc: là cán bộ phải cần-kiệm-liêm-chính. Việc phạm pháp của Trần Dụ Châu xảy ra trong không gian Việt Bắc, nơi thai nghén nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đã làm vẩn đục Thủ đô kháng chiến…
Để đền nợ cho quân đội; để làm gương cho cán bộ và nhân dân; để cảnh tỉnh những kẻ đang miệt mài nghĩ những phương kế xoay tiền của Chính phủ; để xử tử vắng mặt những lũ bày ra mưu nọ kế kia, lừa trên bịp dưới; để trừ hết loài mọt quỹ, tham ô dâm đãng; để làm bài học cho những ai đang trục lợi kháng chiến, đang cậy quyền, cậy thế để loè bịp nhân dân; Bản án mà toà sắp tuyên sau đây phải là một bài học đạo đức cách mạng cho mọi người; nó sẽ làm cho lòng công phẫn của nhân dân được thoả mãn, làm cho nhân dân thêm tin tưởng, nỗ lực, hy sinh cho cuộc toàn thắng của nước nhà.
Vì vậy, tôi yêu cầu toà xử phạt:
1.    Trần Dụ Châu: tử hình.
2.    Tịch thu ba phần tư tài sản.
3.    Tịch thu những tang vật hối lộ trái phép.
4.    Phạt tiền gấp đôi những tang vật hối lộ và biển thủ.”
Trần Dụ Châu tái mặt, cất giọng yếu ớt xin toà tha thứ. Thiếu tướng Chánh án tuyên bố toà nghỉ để họp kín.
15 phút sau, toà trở ra tiếp tục họp. Thiếu tướng Trần Tử Bình đọc công lệnh của Đại tướng Tổng tư lệnh: tước quân hàm đại tá của Trần Dụ Châu.
Thiếu tướng Chánh án đứng lên tuyên án:
-    Trần Dụ Châu can tội biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến: tử hình, tịch thu ba phần tư tài sản.
-    Lê Sĩ Cửu can tội biển thủ công quỹ, thông đồng với bọn buôn lậu, giả mạo giấy tờ: tử hình vắng mặt.
Hai chiến sĩ công an dẫn Châu rời nơi xử án trở về nhà giam.
6 giờ chiều hôm sau, Trần Dụ Châu được đưa ra trường bắn trước sự có mặt của đại diện Bộ Tư pháp, Nha Công an, Cục Quân nhu và một số cơ quan khác. Một cán bộ đọc to bức công điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bác đơn xin giảm tội của Châu…
Mười một ngày sau, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ quân nhu tận tụy và anh dũng của chúng ta đã kịp thời đưa ra mặt trận hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, quân trang… phục vụ tốt trận đánh tiêu diệt địch ở Đông Khê, mở đầu chiến dịch quy mô lớn và dài ngày giải phóng biên giới.
H.H


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.