Tp Hồ Chí Minh, 19/4/2008
Cảm ơn Chiến và Quốc đã gửi tặng mình cuốn "Trần Tử Bình - từ Phú Riềng Đỏ đến mùa Thu Hà Nội..."! Cuốn sách đầy đặn và nhiều tư liệu quý. Mình mới đọc lướt qua đã thấy thú vị. Sau khi hiệu đính xong cuốn "Những người bạn quốc tế của Bác Hồ" để chuẩn bị tái bản, mình sẽ đọc kĩ lại cuốn sách này, chắc chắn sẽ tìm được nhiều điều thú vị và bổ ích hơn.
Mình có may mắn là trong cuộc đời đã được biết, tiếp xúc với cả chú Bình và cô Hưng, từ đầu năm 1947 ở Hưng Hóa, Phú Thọ, rồi sau này ở Thái Nguyên, ATK và cả ở Trung Quốc nữa.
Cuộc gặp mặt đầu tiên với cô Hưng diễn ra ở đồn điền cụ Ba Triệu, Phú Thọ. Cô Hưng lúc đó gày và xanh, mặc áo cánh nâu, quần phin đen, xách tay nải mầu nâu, vấn khăn đen, rất giản dị. Hồi đó cô Hưng khá thân và quý mẹ mình. (Mẹ mình là nhà giáo, hồi đó hoạt động trong Hội Phụ nữ Phú Thọ).
Còn chú Bình hồi đó cũng gày gò lắm. Không hiẻu sao mình cứ nhớ chú Bình với hình ảnh một người gày và cao? Hay vì hồi đó mình còn là một chú nhóc, mới hơn 10 tuổi nên thấy ai cũng cao lớn hơn mình nhiều? Có lần mình còn dự một đám cưới ở ATK do chú Bình chủ hôn. Chú rể tên là Khôi (hình như đã có thời là thư kí cho chú Bình trong thời kì chống Pháp) và cô dâu tên là Nguyệt (bí danh là cô Hằng). Thường ngày ở cơ quan Bộ Tổng rất "sợ" chú Bình, vì lúc nào chú cũng có vẻ nghiêm nghị, ít nói, chỉn chu trong cách ăn mặc, nói năng; nhưng hôm đó chú Bình pha trò rất dí dỏm, làm mọi người ôm bụng cười. Dĩ nhiên lúc đó mình còn quá nhỏ để hiểu hết những chuyện tiếu lâm của người lớn, nhưng hình ảnh mọi người ôm bụng cười thì mình còn nhớ tới ngày hôm nay.
Sau này mình còn được gặp chú mấy lần vào năm 1959 tại Đại sứ quán ta ở Trung Quốc. Lúc đó chú mới sang Bắc Kinh nhận nhiệm vụ Đại sứ. Đoàn mình gồm có 3 người: Ông Nguyễn Ngọc Chấn (lúc đó là Cục trưởng Cục Vật tư, Bộ Công nghiệp; sau này là Tổng cục phó Tổng cục Hóa chất, bị tai nạn máy bay ở Đà Nẵng năm 1979), một chuyên gia Liên Xô và minh. Bọn mình sang Trung Quốc để khảo sát nguồn cung cấp pyrit sắt, dùng cho công nghiệp sản xuất phân bón của ta. Khi đoàn vừa tới Bắc Kinh thì một cán bộ (mình còn nhớ có tên là Quán) tới gặp và thông báo, đ/c Đại sứ muốn gặp đoàn.
Chú Bình tiếp đoàn ở nhà chính, tầng 2. Mình hình dung là cuộc gặp mặt sẽ rất long trọng, vì có cả một người nước ngoài. Nào ngở vừa gặp mặt, chú Bình và ông Chấn đã ôm chầm lấy nhau, rất thân thiết, bỏ qua mọi lễ nghi. Hóa ra 2 "cụ" đã biết nhau, hoạt động với nhau từ trước Cách mạng Tháng Tám. Trong kháng chiến chống Pháp, ông Chấn từng là Trưởng ban Nghiên cứu chính sách của TW Đảng. Sau buổi gặp mặt đó, chú còn dặn mình tới Sứ quán để trình bày cho chú về công nghệ sản xuất Super phosphate để chú trang bị thêm vốn hiểu biết của mình.
Khi cầm cuốn sách của Chiến và Quốc tặng, các kỉ niệm cũ về chú Bình, cô Hưng và nhiều nhân vật khác có tên trong sách cứ ùa về, dù chỉ là những kỉ niệm vụn vặt, nhưng thật đáng quý và thân thiết.
Mấy anh chị em của Chiến và Quốc đã làm được một việc rất tốt; chừng mực nào đó mang ý nghĩa đền ơn, đáp nghĩa với cha mẹ mình. Đấy là điều quý báu nhất. Có nhiều gia đình cha mẹ cũng có nhiều đóng góp với đất nước, sự nghiệp cũng rất hiển hách, nhưng con cháu có viết được cuốn sách nào đâu!
Mình tin rằng, trên cơ sở của cuốn sách này, sau này NXB Chính trị Quốc gia sẽ xuất bản một cuốn sách trang trọng hơn, mang tính Nhà nước, về danh nhân Trần Tử Bình. Đối với những người được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng đều nên có một cuốn sách như thế.
Một lần nữa cảm ơn Chiến, Quốc và cả nhà!
Quý mến,
Trần Quân Ngọc
Anh Ngọc là cựu học sinh Thiếu nhi VN Lư Sơn-Quế Lâm; sau học đại học Hóa ở Matxcova. Thời gian này, anh học thêm Hội họa ở Suricop. Nay anh có bộ sưu tập tranh rất quý.
Trả lờiXóa