Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Con gà ấp trứng vàng (Ghi theo lời kể của chú Nguyễn Hoàng Dũng)

Chú Nguyễn Hoàng Dũng là học viên khóa 2 Võ bị Trần Quốc Tuấn. Năm nay đã 85 nhưng chú vẫn tinh tường, tuy tai nghe hơi yếu. Chú dẫn lên phòng ngủ và khoe: "Trên giá sách của chú luôn đặt 2 cuốn sách của 2 ông thầy Trần Tử Bình và Nguyễn Sơn cạnh nhau. Khi tặng sách, cháu viết "Thân mến tặng chú Nguyễn Hoàng Dũng, học trò của cha cháu".
Chú nhớ nhiều kỉ niệm về cha.

1. Con gà ấp trứng vàng
Tháng 3/1947 khai giảng khóa 2 ở Tuyên Quang. Ông Nguyễn Sơn là hiệu trưởng. Ông Hoàng Văn Thái và ông Trần Tử Bình từ Bộ Tổng tư lệnh xuống dự. Trường đóng trên quả đồi, xưa là doanh trại của lính Pháp.
Trước học viên toàn trường, ông Sơn chỉ tay về phía ông Bình, giới thiệu: "Kia là Chính ủy Trần Tử Bình!" rồi khoát tay vòng rộng "Các em, các cháu ở đây là những quả trứng vàng; còn Chính ủy Bình là con gà mái vàng. Sau thời gian học tập tại trường, con gà mái vàng ấy sẽ ấp những quả trứng vàng thành những chú gà con, đủ lông, đủ cánh tung vào cuộc đời".
Chú cứ nhớ mãi chuyện ấy. Sau này gặp cha cháu ở Bắc Kinh, chú có kể lại. Hai thầy trò nhớ lại chuyện xưa, cười chảy cả nước mắt.


2. Cùng đóng kịch với chú Duy Vân
Trong khi trò chuyện, chú Dũng hỏi:
- Cháu có biết chú Nguyễn Duy Vân, 1 cán bộ được cha cháu rất quý.
- Dạ, có. Chú Vân ở khu 37 Lý Nam Đế, nay về Liễu Giai, bố Duy Đông phải không ạ?
- Đúng rồi!
Và chú kể... Chú Vân cùng là học viên Võ bị khóa 2, hơn chú 5-6 tuổi. Ngày theo thầy Nguyễn Sơn vào Khu IV, cứ sau đại hội tập thì lính tráng phải biểu diễn văn nghệ, phục vụ bà con. Chú vì nhỏ con, trắng trẻo nên được phân đóng vai con gái. Cùng cặp diễn với chú Vân. Chú Vân thì chuyên đóng vai thầy bói mù, đeo kính đen, làm các điệu bộ, động tác cù người xem. Dân khi đó trình độ thấp, thấy vậy thì thích lắm.
Hàng chục năm sau này, khi chú về Văn phòng Bộ Quốc phòng, chú Vân là Cục phó Cục Quản lý Giáo dục BTTM. Lần nào diễn tập, hết QK3, QK4 hay sang Lào 2 chú luôn đi với nhau. Chú lo kế hoạch, chú Vân lo tổ chức, hậu cần, đi đâu cũng 3-4 xe con cùng vài xe tải, phục vụ cụ Lê Trọng Tấn. Mọi người cứ bảo chú và chú Duy Vân là cặp bài trùng, là 1 "gánh xiếc".

3. Gặp lại nhau ở Vân Nam
Năm 1953, chú từ mặt trận miền Trung được cử đi học lớp Trung cao ở Vân Nam, TQ. Khi đó ông Đàm Quang Trung là D trưởng D Trung cao, còn ông Đoàn Quang Thìn là chính trị viên. Chú gặp lại chú Duy Vân khi đó là D trưởng D2 học viên. Hai bạn cũ gặp nhau mừng lắm.
Chú Vân kể lại... Năm đó nhà Chính ủy vừa sinh 1 cháu, có lẽ là Kiến Quốc? Nhà ông nuôi đàn chó. Lần đó chó đẻ đến chục con. Vậy là ông Bình cho đầu bếp (chắc chú Phú?) chọn vài con chưa mở mắt, bọc đất và nướng. Nướng xong cho vào nấu cháo. Ông cho gọi Chủ nhiệm Huấn luyện Đỗ Trình, Chủ nhiệm Chính trị Lê Chiêu và ông Duy Vân lên chén.
Cha cháu sống bình dị, gần gũi lính tráng nên được mọi người quý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.