Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

THEO NÓ ĐI CHỮA TIVI (Phan Nam)




Sau năm 1975, tôi vẫn học ĐHQS. Ông già mua cho chiếc xe Honda-67 nên cũng có điều kiện đi đi về về giữa Hà Nội - Vĩnh Yên. Thằng bạn tôi học Vô tuyến, đã tốt nghiệp và say mê sửa chữa đài đóm, đồ điện gia dụng.
Sau giải phóng, nhà nào có họ hàng trong Nam hay có ai đi công tác thì cố mang ra cho được tivi, cassette, đầu quay đĩa, máy quay dây… Ngoài Bắc làm gì có những thứ sinh hoạt xa xỉ này. Cassette, đầu quay đĩa, quay dây thì dùng được ngay chứ tivi vì trong kia dùng hệ NTSC hay PAL, còn ngoài này hệ XHCN là SECAM nên mang ra không dùng được, phải chuyển hệ. (Thật ra tôi có biết chó gì vì mình học ngành Xe nhưng hay theo thằng bạn đi đánh “pắc” nên tậm tọe và cố nhét vào đầu 1 vài kiến thức để hù dọa thiên hạ).
Lần đó có thằng bạn nhà ở đường Thanh Niên khoe, ông già vừa đi Nam ra, có mang ra chiếc tivi đen trắng hiệu Denon, 4 chân chống, 2 cửa lùa. Bật lên chả có hình, tiếng gì sất. Nghe vậy, tôi nói: Chuyện vặt, để tao!
Chủ nhật ấy về Hà Nội , từ trưa đã rủ nó lên nhà thằng bạn. Gia đình kéo ngay ra Bánh tôm Hồ Tây chiêu đãi. Gọi là bánh tôm nhưng có cả bia. Làm vài chai rồi về nhà nó ngủ. Chiều có giờ phát của đài Truyền hình Việt Nam mà ông thợ ngủ say nên không dám gọi. Đành cho qua.



Chiều lại cơm gà, cá câu ở Hồ Tây và rượu. Ông thợ đâu có biết uống như giờ, lại say và lại lăn ra giường lim dim. Một lúc thì thấy thở đều.
Tối, 7g phát hình, cả nhà sốt ruột. Phim ảnh gì mà cứ thấy toàn đường chéo trên màn hình, tiếng thì lúc được lúc mất. Ông thợ thì ngáy pho pho… 8g, rồi 8g30. Sắp hết chương trình. Con em nó cứ ra ra vào vào. Tôi thì càng sốt ruột vì  mang tiếng là giới thiệu thợ sửa giỏi, hóa ra chỉ là “thợ ăn và thợ ngủ”. Vậy ra mình lừa người ta à?
Đúng 9g45, hắn bật dậy,hỏi: “Thế nào rồi? Còn bao nhiêu phút?”, rồi mở túi đồ nghề. Nào đồng hồ, nào mỏ hàn súng lục “pis-tô-lê”, panh, cặp… Tay cầm cái clê 6 cạnh bằng nhựa tự chế, mắt đọc qua  sơ đồ, rồi ngoáy, chọc... (Cứ như cánh xe máy chỉnh ga-ran-ti!). Phía trước màn hình để cái gương nhỏ để đứng sau quan sát cho dễ. Các đường chéo đen đen dựng dần lên rồi thấy có hình. Cả nhà reo ầm “Có hình rồi”. Hắn nói “Đợi đấy! Còn tiếng”.
Lại chọc chọc ngoáy ngoáy vào cái ống khác thì tiếng rồ lên. Gia đình có người xướng lên: “Hoan hô!”. Nhưng hắn vẫn nhẫn nại ngoáy, lại tinh chỉnh dần cho tiếng thật trong, “Phải tròn vành rõ chữ như ca sĩ Dương Minh Đức hát trên đài mới được”, hắn nói.
Đúng là chỉ xoẹt xoẹt mấy cái là xong. Hắn còn cẩn thận lấy nến (đèn cầy) đốt lên, cho chảy thành giọt rồi nhỏ vào mấy cái ống: “Phải cố định lại đã". Hắn còn giơ tay đập đập mấy cái vào tivi xem đã ổn định hay chưa rồi nói "Thế là xong!”. Gia đình sướng quá, cảm ơn rối rít, xin được trả tiền. Hắn lắc đầu, bạn bè ai lại lấy tiền, đi chữa máy được cơm no rượu say thế là quý rồi!
Và người sướng nhất chẳng phải là gia đình, chẳng phải là hắn mà chính là tôi. Suýt nữa  bị “mang tiếng” là lừa đảo nhưng giờ lại “có tiếng” là mình có thằng bạn kĩ sư trẻ, tay nghề giỏi! Chỉ xoẹt cái là xong!
P.N

1 nhận xét:

  1. Rất thú vy khi dược nhớ lại ký ức của Miền Bắc thủa hàn vy.
    Thợ cũng giỏi,chân gỗ cũng giỏi. KC

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.