Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

Cổ Viễn - Đất và Người 3 (Nguyễn Đức Thiện)

Những năm đầu thế kỷ XX, chủ nhĩa Mác – Lê nin được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá thâm nhập nhiều nơi trong nước, qua tổ chức Việt Nam thanh niên đồng chí hội. Trong đó có một số xã của huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Đầu năm 1927 ảnh hưởng của Tổ chức Việt nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, Hội Việt nam cách mạng thanh niên Nam Định được thành lập. Thực hiện chủ trương phát triển tổ chức Hội của Kỳ bộ Việt Nam cách mạng thanh niên Bắc kỳ, tháng 10/1927 tỉnh bộ Việt nam cách mạng thanh niên Nam Định cử đồng chí Vũ Khế Bật về bắt nhân mối với một số nhà nho và nông dân Hà Nam để xây dựng cơ sở. Đồng chí Vũ Khế Bật đã đi vào tuyên truyền xây dựng tổ chức ở các xã: Cổ Viễn, Thành Thị (Vụ Bản), Bỉnh Trung (Bồ Đề), Ngọc Lũ, An Ninh thuộc huyện Bình Lục. Ở xã Cổ Viễn nhà nho Nguyễn Hữu Dung là người chịu ảnh hưởng đầu tiên và rồi cụ gia nhập tổ chức Hội Việt nam cách mạng thanh niên Hà Nam. Như vậy giới trí thức và nông dân tiên tiến xã Cổ Viễn là một trong những điểm đầu tiên được bắt liên lạc với cán bộ Việt Nam cách mạng thanh niên Nam Định. Đây là điều kiện thuận lợi cho phong trào yêu nước và cách mạng ở xã Cổ Viễn cũng như các nơi khác.


Tháng 12/1927 đồng chí Đào Gia Hựu hội viên Hội Việt nam cách mạng thanh niên Nam Định tiếp tục tuyên truyền xây dựng tổ chức hội các xã: Trung Lương, Bối Cầu, Hưng Công (Bình Lục). Lúc này tổ chức Hội Việt nam cách mạng thanh niên đã được xây dựng và phát triển nhiều nơi trong tỉnh. Như vậy Cổ Viễn là nơi chịu ảnh hưởng sớm nhất phong trào Việt nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội của huyện Bình Lục và tỉnh Hà Nam. Ngày 17/6/1929, Kỳ bộ Bắc kỳ xúc tiến thành lập Đông dương cộng sản đảng. Ngày 19/6/1929, Tỉnh bộ Đông dương cộng sản đảng Nam Định thành lập. Tháng 10/1929, Tỉnh bộ Đông dương Cộng sản đảng Nam Định cử đồng chí Lê Công Thanh về xây dựng chi bộ Đảng ở Hà Nam và được đồng chí Vũ Khế Bật dẫn đi bắt liên lạc với các cơ sở trong tỉnh. Điểm đầu tiên đến là xã Cổ Viễn, Hưng Công, Ngọc Lũ, Bỉnh Trung để tuyên truyền điều lệ, chính cương, sách lược của Đông dương cộng sản đảng. Tháng 10/1929, huyện Bình Lục thành lập ba chi bộ ghép Đông dương cộng sản đảng: Bỉnh Trung – Ngọc Lũ, Hưng Công – Cổ Viễn, Và – Vối. Đây là ba chi bộ Đảng đầu tiên của Bình Lục và của tỉnh Hà Nam.
Đầu năm 1930 tại Hương Cảng (Trung quốc) lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì hợp nhất hai đảng: Đông dương cộng sản đảng và An Nam cộng sản đảng thành tổ chức đảng duy nhất mang tên Đảng cộng sản Việt Nam. Từ đây phong trào cách mạng Việt Nam bước sang giai đoạn mới. Phong trào cách mạng của Hà Nam, của Bình Lục và của xã Cổ Viễn cũng chuyển hướng theo sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Ngay từ cuối năm 1929 đầu năm 1930 phong trào Cộng sản xã Cổ Viễn phát triển mạnh mẽ. Lúc này đã có nhiều đảng viên như các đồng chí Nguyễn Hữu Quyền, Hà Ngọc Kỳ, Nguyễn Hữu Quyên, Đào Văn Chóe, Nguyễn Văn Thản cùng đồng chí Nguyễn Hữu Dung thành lập chi bộ Đảng xã Cổ Viễn. Xã Hưng Công cũng có thêm nhiều đảng viên mới cùng các  đồng chí Ngô Gia Bẩy, Nguyễn Bá Bút (xã Hưng Công), Trần Văn Nghinh (xã Sơ Lâm) thành lập chi bộ Hưng Công. Chi bộ xã Cổ Viễn được thành lập đồng nghĩa với phong trào cách mạng trong xã lớn lên không ngừng. Cơ sở cách mạng được hình thành.
Gia đình đồng chí Nguyễn Hữu Dung, Nguyễn Hữu Quyền là địa chỉ tin cậy đi về, hội họp, ăn ở của Ban Tỉnh ủy lâm thời Hà Nam, huyện ủy Bình Lục. Đảng viên trong chi bộ, quần chúng cơ sở ngoài nhiệm vụ nuôi chứa, bảo vệ cán bộ Đảng đã cùng các đảng viên chi bộ khác trong huyện dải truyền đơn, dán áp phích tuyên truyền ở trường học, bãi chợ, bến sông… giới thiệu sự ra đời của Đảng. Khích lệ mạnh mẽ tinh thần cách mạnh của nhân dân trong xã và trong huyện Bình Lục. Phong trào phát triển, xuất hiện nhiều quần chúng trung kiên được giác ngộ tham gia hoạt động tích cực: Phạm Văn Thưởng, Trần Văn Đoàn, Đặng Hữu Ất… Cùng với sự phát triển của tổ chức Đảng, nhiều tổ chức quần chúng cách mạng đầu tiên xã Cổ Viễn và các xã khác ra đời như: Hội tương tế, Hội phản đế, Nông hội đỏ, Xích vệ đỏ… Các tổ chức này và cơ sở cách mạng thực sự là chỗ dựa đi về hoạt động xây dựng cơ sở của Xứ ủy Bắc kỳ và đặt cơ quan ấn loát tài liệu của Xứ ủy. Thực hiện chủ trương của Xứ ủy Bắc kỳ, hưởng ứng các phong trào đấu tranh của nông dân Tiền Hải (Thái Bình), phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Tại Cổ Viễn Tỉnh ủy Hà Nam họp quyết định tổ chức cuộc mít tinh lớn, tuần hành, thị uy đòi quyền dân sinh, dân chủ, ủng hộ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh và nông dân Tiền Hải Thái bình. Sáng ngày 20/10/1930 cuộc mít tinh được tổ chức ở đình Triều Hội (Bồ Đề). Chi bộ Cổ Viễn tích cực tham gia vận động nhân dân trong xã cùng nhân dân các xã khác tham gia. Biểu tình Bồ Đề giành thắng lợi ghi dấu ấn có ý nghĩa lịch sử đối với Đảng bộ và nhân dân Bình Lục. Đó là cuộc đấu tranh chính trị lớn nhất của nông dân và là đỉnh cao của phong trào đấu tranh cách mạng của tỉnh Hà Nam trong giai đoạn 1930-1931.



              Nhµ «ng NguyÔn H÷u QuyÒn (Cæ ViÔn) n¬i nu«i cha, b¶o vÖ ñy viªn Th­êng vô Trung ­¬ng §¶ng, c¸n bé Xø ñy B¾c kú, Liªn tØnh ñy C, TØnh ñy Hµ Nam tõ n¨m 1930-1943. N¬i ®Æt c¬ quan in Ên tµi liÖu, trô së ph¸t hµnh b¸o Cê gi¶i phãng cña Xø ñy B¾c kú (¶nh t­ liÖu trong cuèn LÞch sö §¶ng bé x· H­ng C«ng- xb 1988).
   
Sau cuộc biểu tình thực dân Pháp điều động lực lượng về vây bắt, khủng bố ở các xã: Bồ Đề, Cổ Viễn, Hưng Công. Mặc dù bị khủng bố liên tiếp, Đảng viên trong xã vẫn bám trụ, bám sát quần chúng. Vì thế các tổ chức cách mạng, cơ sở được giữ vững. Một lòng tin tưởng giúp đỡ, bảo vệ cán bộ nên cán bộ vẫn có chỗ ăn ở, hội họp trong nhà. Từ cuối 1931 đến 1935 phong trào cách mạng của cả nước tạm thời lắng xuống. Nằm trong bối cảnh chung ấy, tỉnh Hà Nam, huyện Bình Lục nói chung và xã Cổ Viễn nói riêng thời kỳ này bị dịch khủng bố liên tiếp. Một số Đảng viên và quần chúng bị bắt, nhiều cơ sở đảng bị phá vỡ. Tháng 3/1932 Bí thư huyện ủy Bình Lục đồng chí Ngô Gia Bẩy bị bắt, các chi bộ rút vào hoạt động bí mật. Xã Cổ Viễn, Hưng Công bị địch lùng sục dữ dội vì chúng nghi nơi đây là đầu não cách mạng của tỉnh Hà Nam.
Cổ Viễn và Hưng Công là nơi sớm có phong trào cách mạng, là quê hương cách mạng đồng chiêm của tỉnh. Vì thế người dân nơi đây và cơ sở cách mạng luôn tin tưởng vào Đảng, hăng hái, quyết tâm giúp đỡ che chở, bảo vệ cán bộ cũng như tổ chức Đảng. Đảng Viên phần lớn kiên định lập trường, bám sát cơ sở, ổn định tư tưởng quần chúng giữ vững phong trào cách mạng. Chi bộ Đảng xã Cổ Viễn được củng cố, phát triển vững chắc. Năm 1935 chi bộ kết nạp thêm nhiều đảng viên mới: Nguyễn Hữu Dụ, Nguyễn Hữu Vịnh, Nguyễn Hữu Đàm, Nguyễn Hữu Khoa. Ngoài các quần chúng nòng cốt của cơ sở cách mạng đã xuất hiện nhiều quần chúng trung kiên: Đặng Hữu Thìn, Đinh Văn Phụng, Đinh Văn Hiện, Nguyễn Văn Trình và một số quần chúng khác đều là nông dân. Trong sáu xóm của xã, trừ xóm Bắc, xóm Đông các xóm đều có Đảng viên, song hai xóm này đều có quần chúng cách mạng. Tổ chức cách mạng sáu xóm đều có, rộng và vững. Thời kỳ này Xã Cổ Viễn và Xã Hưng Công số đảng viên còn lại khá đông.
Giữa năm 1936, Trung ương Đảng họp thành lập Mặt trận nhân dân phản đế, sau đổi tên thành Mặt trận dân chủ Đông dương. Mục đích nhằm đoàn kết các đảng phái, đoàn kết giai cấp, đoàn thể trính trị, tôn giáo để cùng đấu tranh đòi quyền lợi. Cuối 1936, nhiều Đảng viên bị địch bắt được thả khỏi nhà tù tiếp tục trở về hoạt động. Các chi bộ trong tỉnh Hà Nam, trong huyện Bình Lục được củng cố khôi phục lại. Đồng thời các tổ chức Nông, Phụ, Thanh, Lão và các phường, hội (Hội hiếu…) phát triển mạnh mẽ. Thời kỳ 1936 – 1938 là thời kỳ Mặt trận dân chủ, Đảng bộ Hà Nam luôn vận dụng sáng tạo đường lối của Trung ương đảng. Các hình thức tuyên truyền công khai, bán công khai phát triển phong phú, đã chứng tỏ sự chỉ đạo linh hoạt của Đảng bộ Hà Nam phù hợp với tình hình thực tế. Phong trào cách mạng trong tỉnh phát triển vững mạnh cho dù thực dân Pháp tìm mọi cách triệt phá. Dưới chế độ hà khắc của thực dân phong kiến, sưu thuế và các hủ tục lạc hậu đã đem lại bao nỗi thống khổ cho người dân. Nhận biết được vấn đề này, được sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy Bắc kỳ, Tỉnh ủy Hà Nam, huyện ủy Bình Lục, cuối năm 1938 và đầu 1939 chi bộ Cổ Viễn đã lãnh đạo hai cuộc mít tinh đấu tranh đòi sửa đổi tục lệ, thực hiện dân chủ trong xã.
Ngày 18/12/1938 và ngày 13/01/1939 (âm lịch) là hai ngày gọi là lễ tế chạp, giỗ Thành Hoàng làng Nguyễn Hoằng tại đình làng. Chi bộ tập hợp thanh niên, các cụ già trong làng, đồng thời bí mật cùng đảng viên chi bộ xã Hưng Công tổ chức thanh niên rủ thêm người xã Hưng Công đến xem hát ở đình Cổ Viễn cho đông. Phân công canh phòng các ngả đường ra vào trong làng, bảo vệ trật tự nơi hội làng. Khi nhân dân tập trung đông đảo, tế lễ xong, chèo lên trống hát, đảng viên trong chi bộ chiếm lĩnh sân khấu. Đồng chí Nguyễn Hữu Dụ, Nguyễn Văn Thúy đọc diễn văn nội dung sửa đổi tục lệ trong làng về tế tự, ma chay, cưới xin, bài xích mê tín dị đoan và đòi thực hiện dân chủ. Kết quả hai cuộc mít tinh này lấy lại được một số quyền lợi trả về cho dân, ít nhiều làm cho nhân dân giác ngộ về quyền lợi giai cấp. Uy tín giai cấp thống trị bị giảm sút, uy tín của Đảng tăng lên. Đây cũng là một cuộc tập dượt cho cán bộ, đảng viên trong chi bộ về tổ chức lãnh đạo, tiến hành đấu tranh. Khí thế cách mạng của quần chúng được tăng cường. Ảnh hưởng cuộc mít tinh lan rộng ra các xã trong vùng của huyện Bình Lục. Chi bộ xã Cổ Viễn càng vững vàng trước mọi thử thách, luôn được củng cố phát triển. Đảng viên, quần chúng cơ sở, và nhân dân Cổ Viễn ngày một vững tin hơn vào Đảng. Một lòng, một dạ gắn bó với phong trào, sẵn sàng hy sinh để nuôi chứa, bảo vệ cán bộ. Song trước sự khủng bố gắt gao của địch, trước tổn thất không nhỏ của phong trào đã có số ít đảng viên thoái lui. Bên cạnh đó một số quần chúng ưu tú, trung kiên đứng vào hàng ngũ của Đảng như Nguyễn Văn Thúy, Phạm Văn Đoàn. Thời kỳ này Bí thư chi bộ là đồng chí Nguyễn Hữu Khoa. Số quần chúng cốt cán cũng tăng lên: Phạm Văn Bộ, Trần Văn Lộc, Trần Văn Cang, Nguyễn Văn Thu, Nguyễn Văn Thưng, Đinh Văn Thiệm. Tổ chức phản đế phát triển rộng, mạnh trong xã.
Cùng chung với phong trào cách mạng của cả nước, phong trào cách mạng Hà Nam bước vào thời kỳ cam go quyết liệt. Từ cuối 1938 – 1939 thực dân Pháp đàn áp dã man phong trào cách mạng, chúng ban sắc lệnh thời chiến. Công bố lệnh tổng động viên, ra sức bắt người cướp của phục vụ cho cuộc chiến tranh của chúng. Các tổ chức Đảng phải rút vào hoạt động bí mật. Phong trào cách mạng xã Cổ Viễn giai đoạn từ 1938 đến tháng 5/1943 là một giai đoạn đặc biệt so với phong trào cách mạng các nơi khác trong huyện Bình Lục và tỉnh Hà Nam. Xã Cổ Viễn, một trong số ít xã của tỉnh có phong trào Thanh niên cách mạng đồng chí hội thâm nhập sớm nhất, đồng thời Chi bộ cũng là một trong ba chi bộ ghép đầu tiên của Hà Nam. Nơi đây phong trào cách mạng đã cắm rễ sâu, chắc trong từng đảng viên, quần chúng cơ sở và người dân. Thời kỳ này, chi bộ Cổ Viễn và các tổ chức cách mạng rút vào hoạt động bí mật.
(Còn tiếp)

Xứ ủy Bắc kỳ, liên Tỉnh ủy C (Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình), Tỉnh ủy Hà Nam lấy Cổ Viễn làm căn cứ địa ăn ở, hội họp thường xuyên để chỉ đạo phong trào. Cơ sở được mở rộng, ngoài cơ sở là gia đình đồng chí Nguyễn Hữu Quyền xóm Đình, nhà đồng chí Trần Văn Lộc (con rể đồng chí Quyền) xóm Bãi được chọn thêm làm nơi ăn ở, hội họp khi trên về. Hai cơ sở này là nơi thường xuyên nuôi chứa, bảo vệ, hội họp của đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng Hoàng Quốc Việt, các Ủy viên Xứ ủy Bắc kỳ Trần Tử Bình, Nguyễn Thượng Mẫn, Nguyễn Thị Hưng (tức Tân), nữ đồng chí Châu (không rõ tên thật), đồng chí Xuân (Trần Văn Cử - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam năm 1947), đồng chí Nguyễn Bá Ương… là nơi đi về hội họp của đồng chí Phan Trọng Tuệ và nhiều cán bộ Đảng khác. Có khi Xứ ủy hoặc Liên Tỉnh ủy C triệu tập hội họp, cán bộ về đông phải chuyển tới ngủ nghỉ tại nhà đồng chí Nguyễn Hữu Quyên và nhà ông Trần Văn Cang anh ruột đồng chí Trần Văn Lộc xóm Bãi. Trong sáu xóm của xã, ngoại trừ xóm Đông còn nếu cần tổ chức cho cuộc họp nhỏ trong một đêm hoặc giấu cán bộ một đến hai ngày thì bố trí vào xóm nào cũng an toàn. Cho dù bao lần kẻ thù đàn áp, trà đi sát lại nhằm tiêu diệt tận gốc mầm mống Cộng sản. Song, hoàn cảnh nào người dân Cổ Viễn vẫn kiên trung bảo vệ cách mạng không hề nẩy may phản bội. “… Cơ sở cách mạng ở Cổ Viễn - Hưng Công - không chỉ là trung tâm cách mạng của huyện mà còn là địa điểm liên lạc, hội họp, nuôi dưỡng bảo vệ cán bộ của Xứ ủy Bắc kỳ, liên Tỉnh ủy C và Tỉnh ủy Hà Nam. Gia đình đồng chí Quyền (Cổ Viễn) là địa chỉ in ấn, phát hành cơ quan báo Cờ Giải Phóng của Xứ ủy Bắc Kỳ do đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn cùng một số Đảng viên trong huyện phụ trách…” (trích Lịch sử Đảng bộ Bình Lục trang 78, xuất bản năm 2005).
Lúc này, ở Cổ Viễn, ngoài hai cơ quan(?) đóng ở gia đình đồng chí Quyền, đồng chí Lộc thì gia đình đồng chí Nguyễn Hữu Vịnh là cơ sở liên lạc của hai cơ quan trên, nơi tiếp nhận vật liệu như giấy, bút, mực… đem đến rồi lấy sách, báo, tài liệu đã in từ gia đình đồng chí Quyền chuyển tới. Có ba đồng chí liên lạc thường mang vật liệu đến rồi lấy tài liệu mang đi. Địa điểm soạn bài, lên khuôn in tài liệu báo Cờ Giải Phóng là nhà đồng chí Nguyễn Hữu Quyền, bếp nhà đồng chí Nguyễn Hữu Quyên (em trai đồng chí Quyền). Chủ biên báo là đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn, phụ trách in là bốn đồng chí được cử ở trên về. Phụ giúp in báo có các đồng chí Nguyễn Hữu Dụ (Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh 1945 – 1948…), Nguyễn Hữu Khoa, Nguyễn Văn Thúy - chi bộ Cổ Viễn. Chi bộ Cổ Viễn, gia đình cơ sở, và một số quần chúng trung kiên bảo vệ cơ quan báo (kể cả số quần chúng trung kiên này cũng không được hay biết về cơ quan báo).


                Nhµ «ng TrÇn V¨n Léc (Cæ ViÔn) n¬i nu«i dÊu, b¶o vÖ ñy viªn Th­êng vô Trung ­¬ng §¶ng, c¸n bé xø ñy B¾c kú, Liªn tØnh ñy C tõ n¨m 1938 ®Õn n¨m 1943 (¶nh t­ liÖu trong cuèn LÞch sö §¶ng bé x· H­ng C«ng- xb 1988).


ẢNH TƯ LIỆU CHỤP HIỆN VẬT VIỆN BẢO TÀNG CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Số5 – Tôn Đản – Hà Nội

Trục lăn dùng in báo Cờ Giải Phóng và các tài liệu của  Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1940
Thực hiện nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Trung ương Đảng, cuối năm 1939,  Tỉnh ủy Hà Nam họp mở rộng tới đại biểu huyện, thị ở Cổ Viễn bàn việc tổ chức và đấu tranh trong thời kỳ mới. Sau hội nghị phong trào cách mạng chuyển biến mạnh mẽ. Chi phủ Bình Lục đưa quân về lục lọi, bắt bớ ở Cổ Viễn và trong khu vực lân cận. Các cơ quan của Đảng vẫn được bảo toàn, cán bộ Đảng không bị sa lưới. Tháng 6/1940 Đức quốc xã tấn công Pháp, Pháp đầu hàng. Thừa cơ phát xít Nhật xâm lược Đông Dương. Tiếng súng Bắc Sơn báo hiệu thời kỳ đấu tranh vũ trang. Phối hợp với phong trào chung của toàn quốc, Tỉnh ủy Hà Nam chủ trương đẩy mạnh đấu tranh.
Tháng 10/1940 đồng chí Trần Tử Bình triệu tập hội nghị Tỉnh ủy tại Cổ Viễn chuẩn bị nội dung, kế hoạch khởi nghĩa. Bình Lục là nơi có cơ sở Đảng, cơ sở quần chúng mạnh nên được chọn làm căn cứ chuẩn bị khởi nghĩa. Lực lượng tự vệ được thành lập. Các lớp huấn luyện quân sự do đồng chí Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Thị Hưng (tức Tân) tổ chức ở một số xã của huyện Bình Lục, trong đó có Cổ Viễn. Khí thế chuẩn bị khởi nghĩa làm cho quần chúng phấn khởi, nhất là xã Cổ Viễn, xã Hưng Công khu trung tâm chỉ đạo khởi nghĩa. Kế hoạch khởi nghĩa cướp chính quyền huyện Bình Lục bị hoãn để bảo toàn lực lượng, rút từ bài học Bắc Sơn và Nam Kỳ khởi nghĩa.
Ngửi thấy hơi khởi nghĩa, nghi vấn tờ báo Cờ Giải Phóng phát hành từ xã Cổ Viễn; từ ngày 23 đến 26/1/1941, mật thám và lính Pháp tỉnh Hà Nam, chi phủ Bình Lục đem lính mở cuộc càn quét lớn về các xã: Cổ Viễn, Hưng Công, Đồng Du, Ngọc lũ… nhằm triệt phá cơ sở cách mạng theo hai đường thủy, bộ. Chúng canh gác khắp các đường ngõ, lục soát kiểm tra từng người ra vào, đi lại. Chủ yếu ở xã Cổ Viễn. “… Đặc biệt là ở xã Cổ viễn, cơ quan in báo Cờ Giải Phóng của Xứ ủy Bắc Kỳ vẫn tồn tại và hoạt động trong sự che chở của nhân dân…” (Trích lịch sử Đảng bộ Hà Nam trang113 xuất bản 2001). Chi bộ, cơ sở và nhân dân Cổ Viễn kiên cường bám trụ bảo vệ an toàn cho cán bộ, cơ quan báo Đảng. Chi bộ Cổ Viễn đã tổ chức cho đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn và 4 đồng chí in báo vượt qua sông Châu Giang sang huyện Lý Nhân an toàn do đồng chí Nguyễn Hữu Khoa dẫn đường. Trong đợt càn quét này báo Cờ Giải Phóng không ra được số tết, người dân Cổ Viễn và Hưng Công gần như mất tết. Đầu tháng 5/1941 bị chỉ điểm, địch đưa quân vây bắt đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn cán bộ tuyên huấn, ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ phụ trách báo Cờ Giải Phóng khi đi công tác qua xã Sơ Lâm. Từ đó cơ quan báo không còn ở Cổ Viễn, rời đi nơi khác.


ẢNH TƯ LIỆU CHỤP HIỆN VẬT VIỆN BẢO TÀNG CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Số5 – Tôn Đản – Hà Nội

    Báo Cờ Giải Phóng số 8 của Đảng cộng sản Đông Dương đăng kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga.

Như vậy báo Cờ Giải Phóng của Xứ ủy Bắc Kỳ đặt trụ sở làm việc liên tục tại Cổ Viễn từ 1939 đến tháng 5/1941. Qua nhiều lần bị địch vây bắt, khủng bố gắt gao. Hầu hết cán bộ, đảng viên, cơ sở và quần chúng cách mạng xã Cổ Viễn, các xã khác ở trung tâm cách mạng vẫn biểu thị tinh thần quả cảm, kiên định. Đảng viên, quần chúng bị địch bắt tra tấn rất dã man nhưng một lòng kiên trinh không chịu cung khai. Tuy nhiên có một số ít nẩy sinh tư tưởng giao động, lo lắng. Cá biệt có đảng viên thoái trào. “… Sau một thời gian củng cố và khôi phục phong trào. Cổ Viễn – Hưng Công – đã trở lại vị trí trung tâm cách mạng của khu vực Bắc Kỳ và xuất phát điểm cho một cuộc đấu tranh vũ trang trong thời kỳ mới…” (trích Lịch sử Đảng bộ Bình Lục xuất bản năm 2005), Cổ Viễn vẫn giữ một vai trò là căn cứ cách mạng. Sau những cuộc khủng bố của đế quốc, phong trào cách mạng Bình Lục bị sứt mẻ gặp nhiều khó khăn. Dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy, liên Tỉnh ủy C và Tỉnh ủy Hà Nam. Chi bộ Cổ Viễn cùng các chi bộ Đảng trong huyện Bình Lục dùng tài liệu, truyền đơn, áp phích của Mặt trận Việt Minh để tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Các tổ chức thanh niên, tự vệ, nông dân cứu quốc tập hợp được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Ở xã Cổ Viễn, gia đình nào cũng có người trong Mặt trận Việt Minh.  Khởi nghĩa Nam kỳ thất bại, khắp nơi u ám không khí khủng bố, nhiều cơ sở Đảng bị tan vỡ. Dưới sự che chở, bảo vệ của chi bộ, gia đình cơ sở, quần chúng trung kiên và nhân dân Cổ Viễn.
“… Ngày 06/5/1943, đồng chí Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt) chủ trì Hội nghị Bắc kỳ, phổ biến nghị quyết Thường vụ Trung ương về công tác củng cố cơ sở tại các địa phương quanh khu vực Hà Nam. Hai Xứ ủy viên Tuệ và Phu (Phan Trọng Tuệ, Trần Tử Bình – TG) được báo về họp tại một địa điểm (tại gia đình đồng chí Nguyễn Hữu Quyền – TG) thuộc huyện Bình Lục, theo mật hiệu và quy định thống nhất. Cuộc họp được tiến hành nhanh gọn, kết thúc ngay buổi chiều. Để đảm bảo an toàn, cơ sở bố trí cho ba người (Hoàng Quốc Việt, Phan Trọng Tuệ, Trần Tử Bình – TG) nghỉ ở một trang trại giữa cánh đồng (nhà ông Trần Ngọc Châu thôn Thưa, xã Hưng Công ngày nay – TG). Ba anh em tâm sự đến khuya mới đi ngủ…” (Hồi ức của đồng chí Hoàng Quốc Việt trích trong cuốn: Trần Tử Bình từ Phú Giềng Đỏ đến mùa thu Hà Nội – TG). Do sự phản bội của Hồ Sĩ Trừ (ủy viên Xứ ủy Bắc kỳ) qua nửa đêm mật thám Nam Định về vây bắt liền một lúc ba địa điểm khu nhà đồng chí Nguyễn Hữu Quyền, nhà đồng chí Trần Văn Lộc xã Cổ Viễn và nhà đồng chí Trần Ngọc Châu xã Sơ Lâm. Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Trần Tử Bình chạy thoát. Đồng chí Phan Trọng Tuệ bị bắt vì “… Thấy bị rơi xuống đất, tưởng mình năm mơ, tôi lại trèo lên võng ngủ tiếp. Ai ngờ…” (lời đồng chí Phan Trọng Tuệ trích trong cuốn: Trần Tử Bình từ Phú Giềng Đỏ đến mùa thu Hà Nội – TG). Số cán bộ về dự hội nghị họp tại nhà đồng chí Quyền được nhân dân xã Cổ Viễn che chở đều thoát khỏi vòng vây của địch. Trong đó, tại nhà đồng chí Quyền gia đình đã “… bảo vệ, cất giấu đưa trốn 11 cán bộ, cả 11 đều thoát cả… ” (Trích tờ khai thành tích giúp đỡ cách mạng của gia đình đồng chí Quyền năm 1965 lưu tại Ban thi đua khen thưởng Trung ương số 103 Quán Thánh Hà Nội).
Riêng đồng chí Nguyễn Hữu Lương con trai đồng chí Quyền trong đêm “dẫn 4-5 cán bộ vượt khỏi vòng vây của địch…” (Trích “Bản tự kể chuyện” tháng 5/1958 lưu tại Tổng cục Chính trị, Bộ quốc phòng). Từ đây cơ sở bị lộ, cán bộ không đi về nữa. Vì sự phản bội tháng 5/1943 mà nhiều đồng chí đảng viên, quần chúng trung kiên bị bắt: Châu, Đạt, Tú, Nghinh (xã Sơ Lâm), Dụ, Vịnh, Bộ, Lộc, Cang, Khuê (xã Cổ Viễn). Đồng chí Đàm, Thúy chậy lên miền ngược. Đồng chí Khoa cùng vợ chốn vào Sài Gòn. Đồng chí Dung, Quyền thoát được, một thời gian dài lánh mặt không giám ở nhà và một số đảng viên khác cũng phải chốn khỏi địa phương. Số bị bắt, địch đưa xuống sở mật thám Nam Định tra tấn, không khai thác được gì chúng thả ông Trần Văn Khuê, Trần Văn Nghinh. Còn lại 8 đồng chí: Dụ, Vịnh, Bộ, Lộc, Cang, Đạt, Châu, Tú đưa đi Hỏa Lò rồi Sơn La đến đầu năm 1945 ra tù. Đồng chí Phan Trọng Tuệ sau khi tra tấn địch chuyển về Hỏa Lò, kết án 27 năm tù, đày ra Côn Đảo. Vụ đổ vỡ này tổn thất lớn lao, phong trào bị chìm xuống, đình đốn một thời gian dài. Hầu hết các đồng chí đảng viên chi bộ Cổ Viễn bị bắt đi tù hoặc phải trốn xa hoặc phải lánh mặt. Quần chúng trung kiên hoặc bị bắt, bị tra tấn hoặc hoảng sợ sa sút tinh thần. Đây là sự đổ vỡ, mất mát của phong trào cách mạng huyện Bình Lục, của tỉnh Hà Nam nói chung và cũng là sự mất mát, nát tan riêng của các gia đình cơ sở cách mạng, của nhân dân xã Cổ Viễn. Song mầm cách mạng đã nẩy cây, sâu rễ trong lòng người dân Cổ Viễn thì đó cũng chỉ là tạm lắng nhất thời rồi để lại vươn lên xanh thắm.
Cách mạng Tháng Tám thành công, người dân Cổ Viễn cùng với nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ và đã có nhiều cống hiến cho cách mạng. Trước, sau cách mạng Tháng tám Đất và Người Cổ Viễn luôn đứng trước đầu sóng ngọn gió, vững vàng trong mọi thử thách. Sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ghi nhận công lao ấy, nhiều gia đình, cá nhân đã được Mặt trận Việt Minh, Đảng, Chính phủ trao tặng các phần thưởng cao quý: Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” (Đồng tiền vàng – năm 1946), Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” kèm Bằng “Có công với nước” (năm 1966), Huân chương Độc Lập… như: gia đình ông Nguyễn Hữu Quyền, Nguyễn Hữu Dung, Nguyễn Hữu Vịnh, Nguyễn Hữu Dụ, Trần Văn Lộc. Năm 1992 thôn Cổ Viễn được Nhà nước tặng bằng “Có công với nước”. Nhiều cá nhân được công nhận là “Cán bộ Lão thành cách mạng”: Nguyễn Hữu Dung, Nguyễn Hữu Vịnh, Nguyễn Hữu Khoa, Nguyễn Hữu Dụ, Nguyễn Hữu Lợi, Nguyễn Hữu Lương, Trần Văn Lộc, Trần Văn Cang…  
Thời gian trôi đi, kể từ những ngày đầu theo Đảng cùng dân tộc làm nên Mùa Thu lịch sử; rồi kháng chiến trường kỳ đánh Pháp, đuổi Nhật, đuổi Mỹ, chắc tay súng nơi biên cương bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, nỗ lực lao động xây dựng quê hương đến nay đã hơn 80 năm. Trải qua bao thăng trầm, hy sinh, gian khổ, người dân Cổ Viễn lặng thầm đóng góp xương máu, sức người, sức của, đồng hành cùng cả nước viết nên bản anh hùng ca bất diệt. Quá khứ đầy tự hào của quê hương cách mạng đã cổ vũ cho lớp con cháu được sinh ra, lớn lên cũng như có cội nguồn từ mảnh đất thân thương ấy - làng Quắn – luôn đong đầy trong tâm khảm mỗi người.
Hôm nay, trong xu thế hội nhập, trên đà đổi mới toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng, người dân Cổ Viễn đã và đang nỗ lực cùng nhau góp sức mình làm thay da, đổi thịt quê hương, xây dựng nông thôn mới ngày càng giầu đẹp hơn. Lớp lớp con, cháu của Cổ Viễn có mặt khắp vùng miền Tổ quốc. Họ là những cán bộ quân đội, Giáo sư, phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, Bác sĩ, Kỹ sư, Sinh viên… công tác tại các bộ, ngành, giảng viên các trường đại học lớn trên mọi lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, quân sự, giáo dục, khoa học kỹ thuật và đặc biệt họ là những người dân lao động xa xứ vẫn luôn hướng về quê hương. Bởi nơi đó – Cổ Viễn – Đất và Người cái nôi cách mạng là niềm tự hào luôn tỏa sáng trong con tim, khối óc nâng bước chúng ta đi.

                                                                    Hà nội, tháng 12/2014
                                                                      Nguyễn Đức Thiện
                                          




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.