Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

Điều ít biết về chú Văn Trang (KC)


Cô Diệp Tinh ngồi cạnh Bác khi ở Việt Bắc.
Chú Văn Trang là người dân tộc Bạch, sinh 1922 , tại Vân Nam. Trong công cuộc kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Quốc, tỉnh Vân Nam là hậu phương lớn. Rất nhiều cơ quan quan trọng, các trường đại học của Trung Hoa dân quốc sơ tán về  thành phố Côn Minh. 
Chú Văn Trang sau khi học xong cao trung (cấp III) thi vào khoa tiếng Anh của Trường đại học Tổng hơp Vân Nam. Tại đây khi tham gia phong trào sinh viên yêu nươc do Đảng Cộng sản sản tổ chức  chú quen, thân rồi yêu  cô Diệp Tinh - sinh viên khoa Văn. Do tích cực tham gia hoạt động trong phong trào sinh viên, cả hai được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 1945. Cô chú kết hôn vào 1945.
Trong thời gian công tác tại Việt Bắc, hai vợ chồng chú Văn Trang được vinh dự gặp Bác Hồ.


Ngay 1-10-1949, Nước CHND Trung Hoa  được thành lập. Ngày 18-1-1950, Chính phù Việt Nam DCCH và Chính phủ CHND Trung Hoa thiết lập quan hệ ngoại giao. Theo yêu cầu cầu của Trung ương Đảng ta, Trung ương  Đảng Cộng sản Trung Quốc cử  ủy viên dự khuyết BCHTU Đảng CSTQ La Quý Ba sang Việt Nam làm Trưởng đoàn chuyên gia (cố vấn) Trung Quốc bên cạnh Trung ương Đảng, Chính phủ ta. Nhiều cán bộ người Hoa đang công tác trong các cơ quan Dân, Chính, Đảng trung ương được điều động về công tac tại Đoàn chuyên gia Trung Quốc, trong đó có Chú Văn Trang, cô Diệp Tinh.
Cuối năm 1950, Trung Quốc  bố trí cho Trường Lục quân Việt Nam sang đóng quân tại Vân Nam. Là những người Vân Nam từng họat động tại  Côn Minh, cô chú được giao nhiệm vụ theo trường về Vân Nam, giúp đỡ việc quan hệ với các địa phương trên đường hành quân từ Hà Giang đến nơi đóng quân. Cô Diệp Tinh mang theo con trai sinh tại Việt Nam vào cuối 1947, tên là Việt Cường. Trên đường hành quân  qua  các vùng  núi rừng Tây  Bắc, cha  nhường ngựa cho hai mẹ con. Chú Văn Trang còn nhớ kỷ niệm rất tình người đó.
Tháng 10-1953, chú cùng  các cán bộ Đoàn cố vấn Trung Quốc được Nhà Nước  ta tặng thưởng Huân chương Kháng chiến do có những đóng góp cho công cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta.
Ảnh cha tặng chú Văn Trang 1950 được tặng lại gia đình 2007.
Năm  1954, Hội nghị Genevé nhóm họp, bàn về  việc kết thúc chiến tranh  Đông Dương. Đoàn   đại biểu Chính phủ Việt Nam do Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu, lên đường đi Genevé, chú Văn Trang đã mang hộ chiếu Việt Nam với tên mới là Trần Văn Hòa,  là cán bộ phiên dịch Hoa-Anh của đòan Việt Nam. 
Những năm công tác tại Hà Nôi, chú cho tôi xem chiếc đồng hố Nikle của Thụy Sỹ, có in ảnh Bác Hồ do chính phủ Việt Nam DCCH tặng cho mỗi thành viên của Đoàn. Chú  Văn Trang có nhiều năm công tác tại Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, cô Diệp Tinh là Trưởng phân xã Tân Hoa xã tại Hà Nôi.
Có một chuyện vui mãi gần đây tôi mới được biết. Sau khi cuộc kháng chiến chống  Pháp của nhân dân kết thúc thắng lợi, Chính phủ ta về Hà Nôi. Đại sứ quán Trung Quốc cùng về theo, có trụ sở trên đường Hòang Diệu. Cô Diệp Tinh sinh con thứ hai. Được tin, Bác Hồ  nhắn Đại sứ La  Quý Ba  mời  ông cùng vợ chồng chú Văn Trang, Diệp Tinh và cháu mới sinh vào Phủ Chủ tịch  ăn bữa cơm tối. Khi khách đến đông đủ, Bác xem  mặt cháu bé và hỏi: «Cô chú đã đặt tên cho cháu chưa?». Cô Diệp Tinh cảm động trước sự quan tâm của Bác, trả lời:   « Thưa Bác, chưa ạ».  «Thế thì Bác xin phép cô chú đặt tên cho cháu bé nhé!». Cô Chú Diệp Tinh,Văn Trang cảm động: «Thế thì hạnh phúc cho gia đình quá!». Người nói: «Bác còn nhớ cháu đầu cô chú đặt tên là Việt Cường,  nay cháu thứ hai Bác đặt tên là Việt Dũng. Cô chú có đồng ý không?».
Người con thứ hai của cô chú mang tên Bác Hồ đặt cho - Việt Dũng.
Khi tôi nhập ngũ 1965, hai chú cháu còn trao đổi thư từ cho nhau.
Vào  năm 1966, nhiều cán bộ  Bộ Ngoại giao Trung Quốc  phải về nông thôn lao động. Chú Văn Trang nằm trong số đó. Khi chú hết hạn về nông thôn lao động, về  lại Bắc Kinh, cha tôi biết tin, xin phép  Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho chú cùng một người bạn cũ có nhiều năm công tác ở Việt Nam  đến sứ quán Việt Nam để cha tôi gặp. Có lẽ phía Trung Quốc nể cha tôi lắm nên cho phép chú  đến thăm cha tôi .
Khi tôi  sang Bắc Kinh gặp  lại chú  sau hơn 40 năm xa (vào tháng 10-2001), chú  cảm động  kể lại cho tôi rằng, cha tôi hiểu được những ngày xuống nông thôn lao động là rất gian khổ, thiếu ăn. Cha tôi bảo chú Phú làm một bữa cơm Việt Nam thật ngon mời chú. Trên bàn  ngoài các món rau, cá kho, có một đĩa lớn trứng rán. Chú nhớ mãi bữa cơm đó cùng món trứng rán của chú Phú.
Sau lần gặp cha đó, chú chuyển về Trường đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh dạy tiếng Việt. Chú có nhiều học sinh, trong đó Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Tp Hồ Chí Minh hiện nay Trác Lôi Minh. Những  sinh viên  được chú dạy đều rất tự hào vì có người thầy như chú. Khi về hưu chú là giáo sư, Trưởng khoa  Ngôn ngữ Đông Nam Á  của Trường đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh.
Chú có hẳn hồi kí "Những ngày sống gần Bác", ghi lại những kỉ niệm quý báu của 1 cán bộ Trung Quốc công tác ở Việt Nam được gần bên Bác. 
Mấy năm gần đây chú có nhiều lần sang Việt Nam. Tháng  5 -2004, chú tham gia Đoàn các cán bộ Đoàn cố vấn Trung Quốc (1950-1954) sang Việt Nam dự lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trong thời gian gần đây, thế hệ mới các nhà nghiên cứu chiến tranh  Đông Dương (1946-1954) của Trung Quốc cho rằng quyết định chọn Điện Biên Phủ là chiến trường cho trận đánh chiến lược là ý kiến của  Đoàn cố vấn Trung Quốc. 
Tháng 8-2004, chú  Hoàng Minh Phương được mời tham dự một  Hội thảo khoa học  quốc tế về Chiến dịch Điện Biên Phủ tại thành phố Tế  Nam, Trung Quốc. Trước khi lên đường, chú đã có trong tay biên bản  cuộc  họp Bộ Chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng Lao động Viêt Nam vào tháng 7-1953. Có sự tham gia của Trưởng Đòan cố vấn Trung Quốc La Quý Ba và phiên dịch Văn Trang. Trong biên bản còn có chữ ký "nhất trí  với phương hướng chiến lược  trên chiến trường thu-đông 1953-1954 của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam" của ông La Quý Ba. Tại hội thảo chú Phương gặp chú Văn Trang (khách được mời tham dự). Hai người bạn cũ trao đổi với nhau về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đế các nhà nghiên cứu  trẻ Trung Quốc có những kết luân không khách quan về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi bước vào  Hội thảo, chú Văn Trang trên cương vị phiên dịch cho ông La Quý Ba, tham gia  cuộc họp Bộ Chính trị  Đảng Lao động Việt Nam họp vào 7-1953, khẳng định,  Bộ chính trị  BCHTU Đảng Lao động Việt Nam  là người quyết định chọn Tây Bắc, cụ thể Điện Biên Phủ là địa điểm tiến hành trận chiến quyết định.  Trưởng Đoàn cố vấn Trung Quốc nhất trí với quyết định trên .
Anh em tới thăm nhà chú Lương Phong (trái), có cả chú Văn Trang (bìa phải).
Lời phát biểu của chú Văn Trang được các nhà khoa học quốc tế, Trung Quốc hoan nghênh nhiệt liệt. Chú Hoàng Minh phương không cần đưa phát biểu thêm về vấn đề này.
Cuối năm 2007, Công mời tôi, Kiến Quốc, Việt Trung đi thăm Trung Quốc. Lần đó mấy anh em gặp lại các chú Văn Trang, vợ chồng chú Lương Phong, vợ chồng chị Cao Đức Khả đêm 19/12/2007. Sau đó cùng về chơi nhà chú Lương Phong. Cô chú đón tiếp vui vẻ, kể lại nhiều chuyện cũ của cha mẹ.
Tháng 5-2008, chú Văn Trang tham gia Đoàn các cán  bộ Trung Quốc  từng phục vụ Bác Hồ sang Việt Nam, dự giao lưu với nhân dân Nghệ An nhân  118 năm sinh nhật Bác. Đoàn được  Chủ tịch Nguyễn Minh Triết tiếp tại Phủ Chủ tịch. 
Đoàn có vào thành phố Hồ Chí  Minh. Trần Thành Công đứng ra mời các cán bộ lão thành Trung Quốc quen iết cha mẹ ăn bữa cơm tối. Các chú Văn Trang, Lương Phong cùng vợ là cô Lý Nam Sinh, chú Hoàng Quần, chú Trương Đức Duy cùng Trần hữu Nghị có  mặt trong bữa tối vui vẻ. Chú Văn Trang cứ  nói mãi một câu, mà tôi nhớ mãi: «Nếu anh Bình còn thì vui biết mấy!».



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.