Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Chú Phạm Hữu Phú cần vụ của cha

Chú Phú đèo anh Chiến ở Soi Mít 1949.
Chú theo cha từ ngày ở Việt Bắc 1948. Xuất thân là anh lính khố đỏ, quê ở Kiến An, có tay nghề nấu ăn rất giỏi. Nghe nói chú từng nấu cơm cho quan Tây. Cách mạng nổ ra, chú theo Việt Minh rồi theo cha suốt những năm tháng kháng chiến chống Pháp.
Theo cha làm cần vụ kiêm bảo vệ, chú lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho cha. Vì thế mà ông bà nội cũng rất quý chú. Cha cưỡi ngựa, chú theo sau. Súng sáu giắt lưng, áo trấn thủ mặc căng lồng ngực, đầu đội mũ nồi lệch lại to cao, đẹp trai, chả thế có cô bán hàng tạp hóa ở chợ Tuyên Quang người trắng trẻo mê chú như điếu đổ. Cuối cùng chú xin phép cha "tác thành" vợ chồng với thím. Cha đồng ý và chỉ dặn "thím hơn chú mấy tuổi đấy!".


Cha làm ở Tổng Thanh tra QĐ, đi tới đâu chú theo tới đó. Hết vào Khu 4 đến vụ Hat-xăng Vanh-đơ rồi vụ Trần Dụ Châu... Tuy ít chữ nhưng chú chịu khó học hỏi ông anh. Ngày Trường Lục quân sang Vân Nam, chú cũng sang. Bọn trẻ trong nhà rất quý chú và cô Tâm.
Hòa bình, chú xin phép trở về quê, sinh sống cùng thím. Chả hiểu sao chú thím không có con. Thỉnh thoảng vẫn lên HN thăm anh chị.
Ngày đi sứ Bắc Kinh, cha gọi chú lên: "Chú đã từng theo tôi mấy năm ở TQ, nay có nhiệm vụ mới của Đảng giao, chú có thể để vợ ở nhà mà theo tôi?". "Nếu anh cần, em sẵn sàng", chú trả lời. Vậy là chú lại theo cha. Xa quê hương, khi 2 anh em ngồi ăn cơm, cha đùa: "Có lẽ số phận đã gắn chú với tôi, chú phải theo tôi đến lúc chết". Chả hiểu sao điều đó thành sự thật, chú đi suốt từ 1959 đến ngày cha mất.
Những ngày Tết 1967, ở Quế Lâm, 3 đứa Lợi, Quốc, Công mong cha tới thăm trường. Vậy mà không. Cha về thẳng HN họp rồi ốm mà mất. Tháng sau, chú Phú trên đường từ HN đi Bắc Kinh đã tạt qua thăm. Bốn chú cháu ôm lấy nhau khóc vì nhớ cha. Ngày đông năm ấy lạnh giá khắc nghiệt càng làm tái tê lòng những đứa trẻ mới 14-15 tuổi đã phải mồ côi cha. Ngày ngày học xong lại lên Hiệu bộ ngủ với chú. Cũng chỉ vài hôm, chú lại ra tầu đi Bắc Kinh. Bọn trẻ ngẩn ngơ như gà con lạc mẹ.
Ngày chú ở Bắc Kinh cũng được cha cho đón thím sang: "Chú ấy theo tôi suốt, phải xa gia đình. Tổ chức nên tạo điều kiện vợ chồng họ gần nhau". Ai qua Sứ quán ta ở Bắc Kinh thấy bà cụ da trắng hồng, ăn mặc nhung gấm, cứ nghĩ đó là "mẹ ông đại sứ"(!). Sinh thời cha dặn, nếu có điều kiện chú phải đi học. Vì thế hết nhiệm kì phục vụ ở Bắc Kinh, chú xin Bộ Ngoại giao đi học Bổ túc Công Nông. Vừa sơ tán vừa học, học xong hết chương trình phổ cập, chú về lại Bộ làm việc cho tới khi về hưu.
Thời gian đầu chú thím ở cùng gia đình ta ở 99, sau chuyển lên tập thể Bộ ở Thụy Khê (cùng khu với nhà Chỉnh Huấn). Ngày nghỉ thường chở mẹ lên chơi. Như ngày nào, chú nấu cơm vẫn rất ngon. Đầu những năm 80, chú còn đi làm cai xây dựng, sửa nhà cho anh em trong cơ quan. Cái căn buồng nho nhỏ cạnh phòng cô Tâm (xưa của anh Triết chị Hồng) cũng được chú cầm bay, cầm dao, "lát lại cái nền gạch hoa cho thằng Quốc nó lấy vợ". Vậy mà mãi...
Sau này chú nghe thím bán cái phòng đó, về Kiến An rồi ra Cẩm Phả sinh sống. Khánh (em Minh, vợ Trung) mới ra trường theo cậu Nam ra "làm ăn" ngoài Hạ Long. Vậy là nhận nhiệm vụ anh Trung thỉnh thoảng phi xe đò ra Cọc Tám thăm ông Phú. Ông Phú mừng lắm. Hè 1995, chúng tôi bay ra Bắc và chọn "tour trăng mật" xuống Hạ Long. Vì theo đoàn nên chả thăm chú được. Cứ tiếc.
Năm 1996, chú mất thọ 77 tuổi. Nghe tin, Hữu Nghị và Việt Trung đang ở HN xuống thắp hương cho chú.
Gia đình 99 có 1 con người như thế!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.