Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

CỤ BÀ LÊ THỊ LỊCH: NGƯỜI BA LẦN ĐƯỢC ĐẢNG GIAO LÀM CÔNG TÁC ĐỘI (Kiều Mai Sơn)


 Tôi xin được nói ngay rằng, công tác đội ngày trước không phải đơn giản như ngày nay chúng ta nghĩ là “chẳng có gì”. Đó là âm thầm lặn li, gối đất nằm sương, thay hình đổi dạng, để gây dựng cơ sở, nhóm lên ngọn lửa tranh đấu. Và người làm công tác đội có thể hy sinh bất kỳ lúc nào nếu rơi vào tay kẻ thù. 
Bà Lê Thị Lịch
Vì vậy nên trong một tập mỏng đề “Tự truyện” bà viết cho con cháu có câu: “Cho đến nay (1998) tuổi đã già, sống hơn mức “nhân sinh thất thập cổ lai hy” tròn một giáp, điều khiến tôi tâm đắc nhất trong cuộc đời cách mạng của mình là ba lần được Đảng tin cậy giao làm công tác đội...”.

Bà là Lê Thị Lịch, cán bộ lão thành cách mạng, 94 tuổi đời, 71 năm tuổi Đảng, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Tôi được ghi chép những mẩu chuyện về cuộc đời hơn 70 năm hoạt động cách mạng của bà vào một chiều thu muộn trong ngôi nhà thân thuộc bà đã ở suốt hơn nửa thế kỷ: số 5 phố Lê Phụng Hiểu – quận Hoàn Kiếm – Hà Nội.


GÁC TÌNH RIÊNG ĐI LÀM CÁCH MẠNG
Tên khai sinh của bà là Phan Thị Tấu, quê ở làng Thụy Sơn, xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Đây là vùng “rốn nước” của tỉnh, nơi người nông dân đời đời kiếp kiếp “sống ngâm da, chết ngâm xương”.
 Bà sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Ông nội là cụ Cử Thận, từng đỗ cử nhân Hán học nhưng không ra làm quan. Hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, cụ tham gia phong trào chống Pháp, bị thực dân săn đuổi rồi mất tích. Gia đình chỉ nhớ ngày cụ đi là ngày mùng 3 tháng 5 âm lịch để cúng giỗ.
Cụ thân sinh ra bà là một thầy đồ, cũng từng bị bắt vì có hoạt đông chống Pháp. Sau này, nghe rục rịch trong làng có hội kín, vốn sẵn lòng yêu nước từ truyền thống gia đình, bà liền tham gia với lời khai tâm của người chú họ, một đảng viên đi trước: “Trai gái đều tham gia hội kín được hết. Miễn là có lòng yêu nước”.
Hội kín ngày ấy hoạt động nhiều mặt. Bà vào hội đọc báo. Gia đình Nho học nhưng như nhiều cô gái thời xưa, 16 tuổi bà không hề biết mặt chữ. Vào hội rồi bà mới xin các anh lớn có học viết giùm 24 chữ cái vào bìa cứng rồi cắt thành từng vuông nhỏ. Ngày ngày đi chăn trâu, với quyển Truyện Kiều và những chữ cái giắt ở cạp quần, bà đã lấy ra chắp chữ theo từng câu Kiều. Bà biết chữ từ kiểu học đặc biệt ấy.
Vốn nổi tiếng xinh đẹp ở vùng chiêm trũng nên ngay từ thuở mới lớn đã có rất nhiều chàng trai trong làng ướm hỏi. Một học trò của cụ thân sinh đã được bà lựa chọn. Nhưng từ khi đã theo con đường cách mạng, biết là phải chấp nhận hy sinh, đấu tranh cho đến ngày thắng lợi nên chuyện chồng con bà đành gác lại. Bà gặp chàng trai kia, khuyên nhủ: “Thôi anh hãy đi lấy vợ, em đi hoạt động chẳng hẹn ngày về. Anh đừng chờ em mà lỡ dở việc nhà”.
Từ đó, bà dấn thân vào hoạt động cách mạng quên cả tuổi thanh xuân dần trôi qua. Năm 1949, ở trên ATK Việt Bắc, Bác Hồ và Tổng bí thư Trường Chinh đã đứng ra mai mối bà với ông Lê Dung, khi ấy là Thứ trưởng Bộ Giao thông Công chính.
Hôm giới thiệu tôi đến gặp bà, ông Nguyễn Xuân Ngọc – nguyên Vụ trưởng Vụ Phân vùng Kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) một người bạn thân thiết của gia đình – đã kể lại một câu chuyện hóm hỉnh: “Chị Lịch năm xưa nổi tiếng đẹp người đẹp nết, anh em ở Việt Bắc vẫn thường tán tụng cho nhau nghe, cụ Lê Dung phải chống gậy theo đuổi mãi”.
Ông Lê Dung sinh ra trong gia đình trí thức, cùng quê hương Quảng Bình với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã tốt nghiệp kỹ sư cầu đường của Pháp, nên những lúc rảnh rỗi thường dạy thêm kiến thức cho vợ.
Nhờ những ngày học “bổ túc” với sự chỉ bảo tận tình của ông mà bà có được trình độ học vấn (tương đương) hết cấp 3. Ông bà có một gia đình hạnh phúc với 5 người con, trong đó Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Karatedo Việt Nam Lê Công là con trai trưởng của ông bà.

HAI LẦN CẮM CỜ ĐẢNG Ở CHÙA HƯƠNG
Chùa Hương năm nào cũng ba tháng hội, nghìn nghịt người đi chùa lễ Phật.
Mùa xuân năm 1941, đồng chí Trần Tử Bình - Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ, giao nhiệm vụ cho bà và các đồng chí khác tổ chức tuyên truyền tinh thần yêu nước đến với đồng bào đi hội chùa Hương. Nhận xong nhiệm vụ, bà đi khảo sát nhiều lần để tìm địa điểm cắm cờ đỏ búa liềm và nơi rải truyền đơn. Còn ông Lê Thành, ông Trần Quyết (sau này là Thứ trưởng Bộ Công an) thường lấy ngọn măng chấm vào vôi trắng viết chữ lên nền vải đỏ những lời ủng hộ Việt Minh và chống giặc.
Hàng ngàn người đi chiêm bái Thiền môn, lần đầu tiên họ nhìn thấy cờ đỏ búa liềm tung bay trên các ngọn cây từ đền Trình dọc suối Yến vào các chùa trong núi. Khẩu hiệu bay trên đầu người đi hội. Truyền đơn Việt Minh được đọc công khai giữa dòng người hành hương. Thiện nam tín nữ đi hội chùa Hương cứ bàn tán mãi chuyện cờ búa liềm to như cái nong treo trong hang Cầu Tự mà lính lệ không dám trèo lên, mất nửa ngày đợi lính Mỹ Đức về bắn đứt dây cờ.
Việc treo cờ, rải truyền đơn ở hội chùa Hương thắng lợi, gây tiếng vang lớn trong vùng. Bà Tấu lại cùng các đồng chí treo cờ ở hội Phủ Giầy tháng 3 năm 1942. Do có kẻ khai báo nên bọn địch đã bất ngờ ập về làng vây bắt, bà cùng 12 đồng chí bị chúng khóa tay đẩy lên xe đưa về nhà giam Nam Định.
Thằng mật thám Tây đen dùng dây điện tra tấn bà chết ngất. Tỉnh dậy, bà thấy bụng đau dữ dội, miệng nôn mửa ra thứ nước trắng đục như nước đậu lành. Người tù thường phạm lấy nước cho bà uống, rồi hướng dẫn bà duỗi chân duỗi tay nằm ép bụng xuống đất để phóng điện ra khỏi cơ thể. Những ngày hôm sau bà liên tiêp bị chúng tra tấn đánh đập.
Suốt mấy tháng tra khảo, bà một mực kêu oan, bị bắt nhầm. Không lấy được cung, bọn mật thám ở Nam Định giải bà về nhà giam Phủ Lý. Ở Phủ Lý, chúng giam bà vào xà lim hẹp và tối om om như chiếc quan tài. Bà nghĩ “chắc mình chết ở đây. Dẫu mình có chết cũng không phản bội Đảng. Chỉ thương mẹ vì mình. Không biết giờ này mẹ ở đâu?”.
Chính quyền thực dân ở Hà Nam mở phiên tòa, chúng xử bà 5 năm tù giam. Cô gái 24 tuổi chẳng nghĩ gì đến 5 năm tù đày, tuổi xuân của đời con gái trôi qua trong lao đày khổ ải, mà lại gật gù: “Mình chống nó thế mà nó chỉ làm án có 5 năm, rẻ chán!”. Cùng bị xử có ông Lê Hồ lý luận rất giỏi, ông giúp các tù nhân làm đơn chống án.
Có đơn chống án của tù nhân buộc chúng phải giải về Hà Nội để Tòa Đại hình xét xử. Tuy không có chứng cứ nhưng chúng vẫn tuyên phạt bà 20 năm quản thúc tại quê nhà, ra khỏi làng phải xin phép và phải được sự đồng ý của lý trưởng, mỗi tuần lên trình quan huyện một lần. Có lẽ chúng nghĩ: “Con bé này rồi lấy chồng là hết làm loạn”. Chúng không ngờ rằng là đã trả về cho phong trào một chiến sĩ Cộng sản kiên cường.
Ra tù được 7 ngày, đồng chí Trần Tử Bình, tiếp tục giao cho bà nhiệm vụ hoạt động trên địa bàn cũ, và lập lại tổ chức tuyên truyền cách mạng. Trong dịp lễ hội chùa Hương mùa xuân năm 1943 cùng với đồng chí Bình Phương, bà treo cờ Đảng lần thứ hai.

BA LẦN LÀM CÔNG TÁC ĐỘI
Sau đó, có lẽ thấy bà đã bị địch theo dõi, nếu ở địa phương cũng khó hoạt đông và ở trên lại đang thiếu cán bộ nên Trung ương quyết định điều bà đi hoạt động chuyên nghiệp, lên Phúc Yên nhận công tác.
Tỉnh Phúc Yên khi đó được Trung ương Đảng chuẩn bị chọn làm vùng đất an toàn khu (ATK) Trung ương bao gồm tỉnh Phúc Yên và các huyện phía nam tỉnh Vĩnh Yên. Anh Hương (đồng chí Hoàng Quốc Việt) – Thường vụ Trung ương Đảng – khi về trực tiếp giao nhiệm vụ và đưa bà đi đã nói: “Cô cứ suy nghĩ cho thật chín đi. Đi làm cách mạng chuyên nghiệp là gian khổ lắm. Xa gia đình, có thể bị bắt, bị đòn, bị giết”. Bà trả lời không chút đắn đo: “Xin anh cứ yên tâm, tôi không sợ gì cả. Vạn nhất tổ chức Đảng chỉ còn mình tôi, tôi cũng chiến đấu...”.
Rời quê hương lên Phúc Yên hoạt động, chuyến đi ấy do bà Hạnh đón ở chùa Ngăm rồi đi tàu Bắc xuống ở ga Cổ Loa. Đến cơ sở làng Cổ Loa thuộc huyện Đông Anh vào khoảng tháng 6 năm 1943, bà được gặp ông Nguyễn Trọng Tỉnh[1], Trưởng ban công tác đội của Trung ương. Phiên chế bà vào công tác đội xong, ông Nguyễn Trọng Tỉnh dặn dò:
“Cô sẽ làm công tác ở khu ta. Vùng này thuộc an toàn khu của Trung ương.Việc chính ở đây là phải xây dựng cơ sở bí mật. Vấn đề đấu tranh thì không được làm rầm rộ, phải thật khéo léo để tránh tập trựng chú ý của địch đối với các địa điểm cơ quan của Đảng”.
Căn dặn xong, ông giới thiệu bà đến một địa điểm ở gần Phù Lỗ gặp đồng chí phụ trách Ban cán sự Phúc Yên. Nhận nhau xong, tất cả cùng về cơ sở Thanh Thủy (Đa Phúc) rồi chuyển sang làng Lâm Hộ một cơ sở liên lạc giữa tỉnh với Trung ương lúc đó ở phía nam huyện Yên Lãng (nay là huyện Mê Linh).
Lúc trao đổi công tác, các đồng trong Ban cán sự cho biết bà được phái đến tham gia Ban cán sự thay đồng chí Lê Thu Trà[2] mới chuyển đi nhận công tác nơi khác. Ban cán sự tỉnh có nhiệm vụ phụ trách vòng ngoài của an toàn khu và phải xây dựng sẵn cơ sở để khi cần thì Trung ương sử dụng.
Phúc Yên vốn là cơ sở Đảng của đồng chí Xuân Thủy từ những năm 1930 tại gia đình ông Đàm Hữu Yến. Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh được lập ở làng Lâm Hộ với người đảng viên đầu tiên là đồng chí Hoàng Xuân Quán. Sau này, các đồng chí Đào Duy Kỳ, Hoàng Văn Thụ, Lê Liêm, Lê Thu Trà Hoàng Quốc Việt, Đinh Đức Thiện... lần lượt về hoạt động. Đồng chí Trường Chinh về Phúc Yên hoạt động đã chọn cơ sở làng Tráng Việt làm nhà in Trần Phú, để ra báo Cờ giải phóng, viết bản chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của ta”...
Thời ấy, đồng chí Trường Chinh thường hóa trang làm thầy giáo làng vì da dẻ trắng trẻo, điệu bộ nho nhã khó đóng nông dân, còn bà đóng vai em gái đi theo. Khi lập Ban cán sự tỉnh Phúc Yên (tương đương Tỉnh ủy), Tổng bí thư Trường Chinh đã giao cho bà Lê Thị Lịch làm Bí thư Ban cán sự phụ trách Phúc Yên và các huyện phía nam tỉnh Vĩnh Yên.
Phong trào ở Phúc Yên đang phát triển mạnh cũng là lúc Trung ương quyết định phải nhanh chóng mở rộng địa bàn ở các huyện xung quanh an toàn khu Hiệp Hòa như Yên Phong, Phú Bình và Đa Phúc. Khoảng cuối tháng 5 năm 1945, bà được Trung ương gọi về Bắc Giang, sau đó được phái sang Đa Phúc với nhiệm vụ đánh thông đường giao liên trên tuyến Quốc lộ 3 nhằm nối liền giữa an toàn khu Đông Anh với Phú Bình và Hiệp Hòa. Đó là hành lang ATK II: Đa Phúc (Phúc Yên), Hiệp Hòa (Bắc Giang), Đại Từ (Thái Nguyên) và Yên Phong (Bắc Ninh) do đồng chí Lê Thanh Nghị - Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ - trực tiếp chỉ đạo. Bà tiếp tục đi nhen nhóm phong trào như nhen lửa.
Cuối năm 1946 sau ngày “Toàn quốc kháng chiến, nhận nhiệm vụ làm Trưởng ban công tác Đội Trung ương, bà lên xây dựng chiến khu Việt Bắc để Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ lên đóng, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp... Đội công tác của bà vừa phụ trách nơi ở và làm việc, đồng thời phụ trách cả giao thông liên lạc, tiếp tế hậu cần cho Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan Trung ương Đảng,
Bà đã chuẩn bị địa điểm cho Quốc hội, Chính phủ đóng ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (chủ yếu là ở các xã phía Bắc huyện Sơn Dương), Trung ương Đảng và các đoàn thể đóng ở huyện Đại Từ, huyện Định Hóa thuộc tỉnh Thái Nguyên, trong đó Bộ Quốc phòng đóng ở Định Hóa.
(Chính vì vậy, sau này khi biết tin các cơ quan có trách nhiệm thành lập khu di tích lịch sử ATK chỉ nhắc đến tỉnh Thái Nguyên, là người đã tổ chức ATK, bà đã làm đơn đề nghị phải có cả tỉnh Tuyên Quang. Đề nghị của bà đã được cơ quan chức năng thực hiện).
Nhiêm vụ đặc biệt nữa của bà là lo chỗ ở cho Bác với hai yêu cầu: An toàn và tuyệt đối bí mật. Hôm giao nhiệm vụ cho bà, đồng chí Trường Chinh dặn đi dặn lại: “Ngoài tôi, anh Cả (đồng chí Nguyễn Lương Bằng) và anh Trần Đăng Ninh, chỉ mình chị biết các địa điểm mà thôi”. Lúc ấy bà hiểu rằng, không phải Trung ương rút một mạch lên Việt Bắc mà rút từ từ, vừa rút vừa chỉ đạo kháng chiến, không phút nào xa dân.
Thế là với chiếc xe đạp đồng hành, bà đi đến nơi nào mượn nhà, lo hậu cần, nhân dân đều sẵn sàng và bảo mật. Yêu cầu của tổ chức là mượn toàn bộ khu nhà, không ở lẫn với ai, bà con đều vui vẻ. Bà vẫn nhớ từ ngôi nhà đầu tiên bên chân đồi ở làng Gượm thôn Lai Cầu, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Tây; ngôi chùa Một Mái ở núi Thầy, rồi Lâm Thao – Cao Thắng (Đoan Hùng – Phú Thọ), ngôi nhà ở làng Sảo – Sơn Dương (Tuyên Quang), những ngôi nhà sàn ở Bắc Kạn – Thái Nguyên... Ở đâu Bác Hồ cũng hài lòng: “Cô bố trí địa điểm tốt lắm”.

NHỮNG LẦN GẶP BÁC
Khi tôi hỏi kỷ niệm lần đầu tiên được gặp Bác Hồ, bà vẫn bồi hồi. Đầu tháng 8 năm 1945, bà được cử đi dự Hội nghị Tân Trào. Công tác đội phái nữ đồng chí Thuận (tức Thái Bảo) sang thay bà phụ trách huyện Đa Phúc.
Lên tới Tân Trào, các đại biểu vừa gặp nhau thì có tin phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh. Ngay đêm 13-8-1945 Trung ương ra lệnh Tổng khởi nghĩa và quyết định cử một số cán bộ về địa phương trước để kịp thời chỉ đạo. Vậy là cơ hội lần đầu tiên gặp Bác ở Tân Trào của bà bị lỡ.
Ngày 23-8-1945, trên đường từ Tân Trào về Hà Nội, Hồ Chủ tịch, đồng chí Trần Đăng Ninh và các đơn vị giải phóng quân đi qua Đa Phúc, Đông Anh, qua bến đò sang bên kia làng Xù (thôn Phú Xá). Đồng chí Đào Khánh (tức Hoàng Tùng, phụ trách phía nam sông Hồng), đón Bác về làng Gạ, thôn Phú Gia (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ).
Sau đó các đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp đến đón Bác về ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang của ông Trịnh Văn Bô tư sản yêu nước và bà Hoàng Thị Minh Hồ.
Nữ đồng chí Thái Bảo thay mặt Huyện ủy Đa Phúc ra đón Bác. Hồ Chủ tịch dừng lại nói chuyện với đồng chí, đồng bào. Hôm ấy, bà Lê Thị Lịch lại bận công tác khác nên khi trở về, nghe tin Bác đến, bà tiếc ngẩn ngơ.
Bác Hồ trao cho ông Lê Dung lá cờ thi đua tặng 
công nhân ngành Đuờng sắt năm 1954.

Rồi ngày Độc lập 2-9, trên Quảng trường Ba Đình, bà chỉ nghe giọng nói của Bác chứ chưa hề gặp mặt.
“Tôi nhớ mãi lần đầu gặp Bác ở nhà ông Thư Bạ - làng Gượm. Có tiếng ôtô, anh Toàn (tức Tổng bí thư Trường Chinh) nói: “Bác về đấy”. Tôi mừng run cả chân, còn anh Toàn dắt tay tôi đi như chạy. Cụ đội cái mũ đen, đi giầy ba ta. Cụ nắm tay tôi hỏi: “Cô có khỏe không?”. Sao ông Cụ hốc hác quá thế kia? Tự dưng tôi muốn khóc...
Bí danh của bà lúc ấy là Liên đã có vẻ khá lộ. Bác liền bảo: “Ở đây có hai chị em, chị tên là Lê Thị Thanh rồi, em tên là Lịch, Thanh – Lịch mà”. Bà mang tên là Lê Thị Lịch từ đó. Nói rồi Bác thưởng cho bà tấm khăn dù mà chiến sĩ đã thêu biếu Bác. Bác nói: “Bác thưởng cho cô Lịch vì làm việc tốt”. Năm 1949, khi chuyển sang công tác khác, bà đem tặng lại đồng chí Tuấn là người thay bà làm Trưởng ban công tác đội Trung ương.
“Những ngày ấy được ở bên Cụ, tôi thấy Cụ hình như không nghỉ lúc nào. Có đêm tôi nằm nhà ngang, ngủ một giấc dài, mở mắt, nhòm qua khe liếp lên nhà trên vẫn thấy Cụ ngồi bên đèn Hoa Kỳ cọc cạch máy chữ...”.
Về sau này, trong những lần bà sinh con ở chiến khu, Bác Hồ biết tin liền gửi cho bà chai mật ong rừng và hai mét lụa.
Sau khi đã về Hà Nội, do quá bận, một nách năm con mọn và bận công tác làm Trưởng ban Kiểm tra Công đoàn ngành Giao thông Vận tải nên nhiều lần có ý định xin vào gặp Bác, bà cứ chần chừ.
Ngày Bác mất, bà khóc ròng... Đó là điều bà cứ tiếc nuối mãi cho đến ngày nay./.
Hà Nội 16-10-2010


[1] Sau này là chồng bà Hà Thị Quế.
[2] Vợ Xứ uỷ Bắc kỳ Lê Liêm.

4 nhận xét:

  1. Bà Lịch là đồng hương Bình Lục, coi cha như ông anh. Bà mất năm 2011. Cha rất quý cả ông Lê Dung.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cháu cám ơn chú rất nhiều bài viết này về bà ngoại cháu :D

      Xóa
  2. Kiều Mai Sơn là bạn trẻ, học Sư phạm sử và mê tư liệu. Cháu là bạn viết của chú Quốc.

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn câu chuyện mà kiều Mai Sơn đãviết về mẹ chúng tôi,có một chút nhầm lẫn lê công là con trai thứ của mẹ tôi.Chúng tôi luôn tự hào về bố mẹ mình và biết ơn sự dạy dỗ của cac cụ để chúng tôi luôn giữ đươc phẩm chất .LK.của gia đình và dòng họ.Lê Hạnh

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.