Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

TỪ TRƯỜNG QUÂN CHÍNH VIỆT NAM ĐẾN LỚP “RÈN CÁN CHỈNH QUÂN” (Thiếu tướng Trần Văn Giang[1])



Nhập trường Quân Chính
Tôi biết anh Trần Tử Bình từ tháng 10 năm 1945. Đang làm Tổng phát hành sách báo của Đảng và Việt Minh ở Hải Phòng và vùng duyên hải, tôi được giới thiệu về học Trường Quân Chính Việt Nam khóa 5, tại Việt Nam Học xá Hà Nội.

            Ở hai phòng làm việc cạnh nhau đã có khá đông anh em đứng đợi, một bên đông hơn, một bên vắng. Tôi đứng vào bên vắng. Nghe xì xào bàn tán:
- Ông ở buồng bên kia dễ tính hơn, hỏi nhanh hơn. Ông ở buồng bên này có vẻ “hắc”, khó tính nên hỏi kỹ lắm. Mà tất cả mọi người đều phải qua trót lọt một trong hai “cửa ải” này mới được nhận vào học Trường Quân Chính của Quân Giải phóng Việt Nam, chứ tưởng bở à!
            Một hai người lưỡng lự rồi chuồn sang cửa bên kia. Tôi tặc lưỡi cứ đứng ỳ cửa bên này “thử xem con tạo xoay vần đến đâu”!
Rồi cũng đến lượt tôi. Vừa mở cửa, bước vào phòng, tôi đã thấy một ông ngồi sau bàn, đang hý hoáy viết vội thêm mấy chữ vào quyển sổ. Người đàn ông gầy gò, nét mặt hơi xương xẩu, ngẩng đầu lên nhìn thấy tôi đang nghiêm trang đứng chào, liền cười hiền hậu:
- Ai chà! Chào quân sự nhỉ!... Vào đây… ngồi xuống đây, đồng chí!
Cảm thấy yên tâm, tôi nhanh nhẹn ngồi xuống ghế đối diện với ông, chỉ cách có chiếc bàn. Nét mặt ông vừa có phần nghiêm nghị khô khan, lại vừa có phần xởi lởi dễ chịu. Ông bắt đầu ngay:
- Anh em đồng chí mình cả thôi mà! Buổi đầu ta làm quen với nhau nhé! Tôi là Trần Tử Bình, cán bộ nhà trường. Đồng chí tên gì? Được ai giác ngộ? Đã qua công tác gì? Ở đâu?… Nom dáng vẻ thư sinh chắc được học văn hóa tương đối?
- Thưa đồng chí, giấy giới thiệu của Thành bộ Việt Minh Hải Phòng đã gửi tới nhà trường. Tôi còn một bản mang theo đây…
Ông chăm chú đọc tờ giấy. Tôi tranh thủ trả lời thêm:
- Tôi được anh Phạm Văn Bỉnh hoạt động trong Tổng hội Sinh viên Việt Nam tuyên truyền giác ngộ. Rồi anh giới thiệu tôi với anh Phạm Văn Đông, tức Đông “thọt”, tù Sơn La vượt ngục về. Rồi anh Đông “thọt” lại giới thiệu với anh Minh, tức Hách, thấy bảo là thầy giáo ở Hưng Yên lên…
Ông ôn tồn cắt ngang:
- Sao lại “thấy bảo là thầy giáo ở Hưng Yên lên”?
Tôi thật thà giải thích:
- Anh Đông “thọt” dặn tôi: nếu lỡ có người lạ bắt gặp hai anh ở nhà chú thì chú cứ bảo tôi là Văn - anh họ chú, còn anh kia là giáo Minh ở Hưng Yên lên chơi… Xin lỗi đồng chí, do nguyên tắc bí mật, tôi cũng không tò mò hỏi thêm.
Giương cặp mắt nhìn xoáy vào tôi, ông gật đầu:
- Đúng, đúng đấy! Thế sau đó đồng chí làm gì?
- Thoạt đầu tôi được anh Phạm Văn Bỉnh giao nhiệm vụ nuôi đồng chí Đông sốt rét ngã nước và bị đánh đập ở Sơn La về. Rồi chuyển thư sâu kèn (thư bí mật cuộn lại bé tí như sâu kèn), chuyển và dấu tài liệu mật, cất dấu súng lục, đón các anh ở ga Đầu Cầu, đèo xe đạp và đưa các anh ra ôtô Bến Nứa… Rồi canh gác cho các anh họp…
Ông gật đầu lia lịa rồi cắt ngang:
- Tốt! Tốt lắm! Trong những ngày khó khăn nguy hiểm ấy mà đồng chí làm được như thế là dũng cảm và quí vô cùng.
- Sau đó tôi được giới thiệu hoạt động Việt Minh ở vùng Ninh Giang - Vĩnh Bảo…
Ông đưa tay xoa cằm, có vẻ suy nghĩ gì đó, rồi lại hỏi tiếp :
- Tôi biết vùng Ninh Giang - Vĩnh Bảo, toàn nông dân… Thế khẩu hiệu đấu tranh của nông dân sau vụ lúa thu hoạch là thế nào?
- Thưa đồng chí là “Chống sưu cao thuế nặng, chống thu mua thóc cho Nhật - Pháp”.
- Thế khẩu hiệu đấu tranh của nông dân hồi tháng 3 ngày 8 là gì?
- Thưa, là vận động đấu tranh “phá kho thóc chia cho nông dân chống đói”.
Nhìn vào nét mặt hiền khô và đôi mắt trong trẻo của người đảng viên cộng sản, chắc cũng đã trải qua tù đày, tra tấn, đói khát, khổ ải này làm tôi nhớ ngay đến anh Đông “thọt”. Một tình cảm quý mến thân thương dâng lên trong tôi. Nhìn thẳng vào đôi mắt ông, tôi nói tiếp, thong thả từng lời:
- Thưa đồng chí! Hiểu biết thì như thế nhưng thực tế tôi đã không làm được như thế.
Mắt chợt sáng lên, ông ngẩng đầu, nhìn thẳng vào tôi như chờ đợi. Rất thẳng thắn tôi nói tiếp:
- Thưa đồng chí, vì anh cả tôi làm lý trưởng, phải đứng ra thu sưu, thu thuế[2] của bà con dân làng. Tôi chỉ nói được với anh là những việc không thể đừng được thì cũng phải làm; nhưng anh nên nới tay với việc thu thuế. Còn nộp sưu, người nghèo quá thì lập biên bản ghi rõ không còn gì để nộp nên cho họ miễn…  Còn vùng tôi không có kho thóc nào của nhà nước. Tôi chỉ vận động một số nhà giầu quyên gạo nấu cháo phát cho người nghèo thôi ạ.
Rất chăm chú nghe, mắt ông càng sáng lên, nụ cười rạng rỡ trên môi. Ông đứng dậy vỗ vai rồi bắt tay tôi thật chặt:
-  Tốt, tốt lắm! Đồng chí đã làm rất đúng! Học sinh tú tài bước vào đường cách mạng làm được như thế là tốt lắm. Nhưng đồng chí này! Cái quý nhất ở đồng chí là thật thà. Người cách mạng chúng ta cần nhất ở sự trung thực.
Lúc ấy tôi chưa biết người trước mặt mình là Chính trị uỷ viên nhà trường.
            Khi nhà trường đào tạo khóa 5 thì đồng chí Nguyễn An (tức Trương Văn Lịnh) làm Hiệu trưởng. Anh Trần Tử  Bình làm Chính ủy, bí thư chi bộ. Có ba đại đội và 9,10 trung đội. Học viên thì rất đông, nhưng Hiệu bộ, cán bộ, giảng viên, huấn luyện viên chẳng có mấy người. Anh Trần Tử Bình phải chạy ngược xuôi mời các đồng chí bên cơ quan Trung ương Đảng vào lên lớp; tận dụng số sĩ  quan trong hàng ngũ quân đội Pháp, đã giác ngộ, là đảng viên hay đoàn viên Cứu quốc làm huấn luyện viên, đội mẫu. Anh Bình rất sâu sát các trung đội và sớm biết tên, nhớ mặt một số  anh em chúng tôi.
Một lần anh Bình nhắc: “Trước đây mình vận động  quần chúng đứng lên làm Cách mạng đánh đuổi bọn cướp nước, giành độc lập cho dân tộc. Nay đất nước đã độc lập, Đảng và Nhà nước khẩn trương đào tạo các đồng chí thành cán bộ quân sư, mau chóng ra xây dựng quân đội lớn mạnh để bảo vệ Tổ Quốc. Thời gian đào tạo rất ngắn. Nhà trường chỉ có thể trao cho các đồng chí những kiến thức cơ bản cần thiết. Còn các đồng chí  cần phải tham gia đào tạo chính mình. Quân Pháp đã quay lại gây hấn ở Sài Gòn và miền Nam. Các đồng chí phải khẩn trương, thật khẩn trương lên mới được!”.
            Lời khuyên bảo chí tình, chí lý ấy của anh đã tác động sâu sắc đến suy nghĩ và hành động của chúng tôi lúc bấy giờ.

            Lớp “Rèn cán chỉnh quân”
Tháng 5 năm 1949, Bộ mở lớp “Rèn cán khoá 1” (gọi tắt của lớp “Rèn luyện cán bộ” lúc ấy). Hơn 100 cán bộ trung, tiểu đoàn, một số cán bộ quân khu, một số cán bộ tương đương ở các cơ quan Bộ được cử về học. Yêu cầu mỗi học viên chỉ được mang theo một súng trường và một ba-lô (anh em lúc bấy giờ  gọi đùa là trường “quan to, súng dài” ). Có vài đồng chí từ Nam bộ, cực Nam Trung bộ, Bình Trị Thiên và hai đồng chí từ Thượng Lào về dự. Học viên được biên chế thành từng tiểu đội, có tiểu đội trưởng và phó. Ba, bốn tiểu đội thành một trung đội, có đủ trung đội trưởng, trung đội phó và chính trị viên; tất cả nằm trong một đại đội có đại đội trưởng, đại dội phó và chính trị viên.
            Lễ khai giảng ngắn gọn, trang nghiêm, rất vui vẻ và ấn tượng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mấy cán bộ trong Bộ Quốc phòng đến dự. Anh Võ Nguyên Giáp tạo cho lễ khai  mạc trang nghiêm cái không khí thân vui. Anh nói rất ngắn gọn nhưng rõ ràng về mục đích, ý nghĩa quan trọng của cuộc “Vận động rèn luyện cán bộ, chấn chỉnh quân đội” trước đòi hỏi của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc ngày càng gay go quyết liệt. Bộ yêu cầu nhà trường tích cực rèn luyện cán bộ, đồng thời Bộ cũng yêu cầu các đồng chí cán bộ tích cực tham gia rèn luyện mình… (Nghe đến đây, chúng tôi vỗ tay hưởng ứng nhiệt tình). Đại tướng lại vui vẻ tiếp lời:
            - Thể hiện quyết tâm rèn luyện cán bộ của Bộ, tôi - Võ Nguyên Giáp - sẽ trực tiếp làm Hiệu trưởng kiêm Chính uỷ. (Vỗ tay dài). Thiếu tướng Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái làm Hiệu phó. (Vỗ tay dài). Thiếu tướng Trần Tử Bình, Phó bí thư Quân uỷ Trung ương, Phó Tổng thanh tra quân đội, làm Phó Chính uỷ. (Lại vỗ tay dài ).
Đến đây anh Võ Nguyên Giáp  vui vẻ hỏi to :
- Rõ chưa ?
            Tất cả chúng tôi hoan hô vỗ tay  rào rào kèm theo tiếng hô to: “Rõ ạ!”. Anh lại tươi cười hỏi tiếp :
- Được chưa?
Không ai bảo ai, chúng tôi đứng bật dậy, lại vỗ tay tiếp, kèm theo những tiếng kêu to, hưởng ứng tự đáy lòng:
- Được ạ! Được ạ! Được quá ạ!
             Chúng tôi phấn khởi thực sự vì cuộc “Rèn cán, chỉnh quân” lúc này cực kỳ là cần thiết! Đại tướng Võ Nguyên Giáp vô cùng kính yêu trực tiếp làm Hiệu trưởng kiêm Chính  uỷ! Còn có ước muốn nào hơn! Anh Hoàng Văn Thái cánh tay đắc lực của Bộ trưởng làm Hiệu phó: Nhất rồi! Cụ Trần Tử Bình (dạo này chúng tôi bắt đầu chuyển sang cách gọi  bằng “cụ” vì trên mép anh để bộ ria đen xì, và anh nhiều tuổi nhất trong các vị tướng) với tấm lòng trìu mến, qua mấy năm làm công tác Tổng thanh tra anh Bình đã tỏ ra cần-kiệm-liêm-chính, chí công vô tư, thực lòng yêu thương cán bộ, chiến sĩ; nghiêm nghị  thẳng thắn chỉ ra cho cán bộ, kể cả cấp quân khu, cấp trung, tiểu đoàn những khuyết điểm tồn tại; đi đôi với thái độ chân tình  góp ý cách khắc phục về lẽ  sống làm người.
            Đợi cho tiếng hoan hô vỗ tay, tiếng xì xào trao đổi lắng dịu, anh Võ Nguyên Giáp lại vui vẻ nói tiếp:
            - Nhưng cũng  phải thẳng thắn công khai  với nhau điều này: Ai cũng biết tôi lúc này rất nhiều việc, bên Thường vụ Trung ương, bên Ban bí thư, bên Chính phủ và hàng ngày cần xem xét tình hình các mặt trận nên nhiều khi cũng phải vắng mặt. (Anh em vỗ tay thông cảm, đồng tình). Anh Thái  Tổng Tham mưu trưởng cũng chỉ có thể đi đi về về. (Anh em lại vỗ tay thông cảm). Và để bù lại thì anh Trần Tử Bình, hồi  này ngơi tay bên Tổng thanh tra, sẽ dồn sức vào lớp học này. Anh Bình sẽ cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc hàng ngày với các đồng chí… Được chưa?
Anh em chúng tôi lại vỗ tay rào rào. Có tiếng kêu to:
            - Được ạ! Được ạ! Hoan hô Phó Chính uỷ Trần Tử Bình!
Tiếng hoan hô vỗ tay kéo dài hơn bình thường, một phần vì anh em hoan hô động viên anh Bình, cũng có phần do anh em yêu mến và chẳng  mấy khi được sống  chung với “cụ” Phó Tổng thanh tra có tiếng là nghiêm trang, mẫu mực. Hòa với niềm vui của anh em, anh Bình phấn khởi  đứng dậy, giơ hai tay lên vỗ mạnh như một sự hưởng ứng chung vui, lại cũng như một sự hứa hẹn sẽ làm tròn nhiệm vụ cùng ăn ở, sinh hoạt, cùng làm việc với chúng tôi
Trưa hôm ấy ăn cơm về, mấy ông mãnh ở trung đội tôi lại tiếp tục trao đổi về cụ Bình. Họ kháo nhau thế này:
            - Lớp “Rèn cán” mà cụ Bình lao vào thường trực, sát sườn với chúng ta thế này là “Hắc xì dầu” lắm đấy! Thằng nào láng cháng hay tự do vô kỷ luật là cứ liệu hồn! Chết với cụ ấy!
            - Tại cụ làm công tác Tổng thanh tra nên thằng nào có tật, thằng ấy giật mình! Chứ… tao biết tính cụ… hiền khô à!
            - Tao nghe người ta kể ngày xưa Trần Tử Bình “học trường phree”, nghĩa là đã học trường thầy dòng của đạo Gia tô; được giác ngộ, Trần Tử Bình đi theo Cách mạng và thành đảng viên Cộng sản. Đảng mình cũng ghê thật! Kéo được cả thầy tu đi làm cách mạng rồi đào tạo thành cấp tướng trong quân đội. Đấy dấu vết còn để lại là nét mặt và con người khắc khổ, mẫu mực…
            - Ông anh tớ kể từ hàng chục năm trước, cụ đã lãnh đạo hơn năm nghìn công nhân đồn điền cao su Phú Riềng nổi dậy, chống áp bức, bóc lột. Rồi ngồi tù Côn Đảo, Hoả Lò. Ghê thật! Nom cụ thế mà kiên cường  đáo để!
Ngay chiều hôm ấy  trong giờ thể thao, tôi đang đi bộ dọc ngang sân tập thì có tiếng gọi:
- Văn Giang! Văn Giang đấy phải không?
            Tôi quay  sang phía tiếng gọi đã thấy “cụ” Bình xăm xăm bước lại. Cụ vui vẻ  bắt tay tôi và xởi lởi hỏi :
- Tôi biết anh có tên trong danh sách khoá này, sáng nay có ý nhìn mà không thấy. Có khoẻ không? Vụ “Hát-xăng vanh-đơ”[3] các anh giải quyết hậu quả tích cực lắm phải không?
            Tôi mừng vì đã lâu không gặp mà anh vẫn nhớ tên và nhận ra tôi. Nhưng tôi lại cảm thấy không vui nghe anh nhắc đến  câu chuyện đau thương H122 ấy.
- Thưa anh, trung đoàn  M 21 giải quyết rất tích cực. Về cơ bản đã tạm ổn nhưng hậu quả về tinh thần, tình cảm trong anh em phải có thời gian dài dài mới nguôi ngoai được, anh ạ. Ở bên Tổng thanh tra chắc anh cũng được báo cáo chuyện này?
- Chuyện H122 sau này vỡ lở to ra, anh Trần Đăng Ninh[4] phải trực tiếp chỉ đạo bên công an nhảy vào cuộc. Tôi có nghe anh Trần Đăng Ninh nhắc đến và anh Phạm Ngọc Mậu[5] trong báo cáo cũng nhắc đến Văn Giang góp công tích cực trong vụ này.
Tôi nhìn thẳng vào mắt anh Bình, hỏi:
- Chuyện H122 là sai lầm từ Quân khu đến hai trung đoàn B6 và M21, gây tổn thất đáng kể về cán bộ, chiến sỹ và nhân dân. Là Phó bí thư Trung đoàn uỷ M21, tôi cũng có phần trách nhiệm. Sao anh lại nói “góp công sức tích cực” làm gì cho tôi thêm xấu hổ?
Anh Bình cầm tay, kéo tôi đi theo và giải thích:
- Văn Giang này, có hai chuyện khác nhau trong việc này: Một là thực dân Pháp cáo già, gian ngoan xảo quyệt, nó đánh lừa ta. Còn ta thì quá ngây thơ, ấu trĩ nên đã bị tổn thương. Qua chuyện này chúng ta cũng được bài học phải vững vàng, tỉnh táo và rất bình tĩnh xem xét mọi việc. Bài học phải trả giá quá đau đớn nhưng cũng là bài học quý giá giúp chúng ta già dặn, trưởng thành, khôn ngoan hơn chứ! Hai là chuyện nào đi chuyện ấy. Đầu mối là mấy cậu bộ đội quân báo TD vừa dại dột, hoang tưởng lại vô trách nhiệm. Anh Trần Đăng Ninh đã chỉ rõ. Hai đơn vị B6 và M21 thì bị động chấp hành “quá hăng hái nhiệt tình đánh địch” đến thành mù quáng, tự gây tổn thất cho mình. Điều này thì anh Ninh cũng đã kết luận rồi. Anh Phạm Ngọc Mậu báo cáo trong quá trình diễn biến chính anh Mậu cũng không được tỉnh táo lắm. Văn Giang có đề xuất mấy lần “nghiên cứu lại” các đối tượng và các bản cung có nhiều mâu thuẫn nhưng anh Mậu không nghe. Cho đến hôm anh Trần Đăng Ninh về, Văn Giang lại đề xuất ý kiến lần nữa và có xin vào trại giam để gặp riêng một số đối tượng. Sau đó báo cáo lại chuyện cán bộ đánh “phạm nhân” đồng thời mớm cung gò theo ý kiến mình. Số anh em bị bắt sợ đòn đau đã báo cáo bậy thế nào cho anh Ninh nghe. Anh Mậu lại còn nói: khi vấn đề đã được kết luận là anh em mình bị oan sai, Văn Giang còn xin anh Mậu nhận bảy, tám cán bộ từ trại giam về Ban chính trị M21, nơi Văn Giang công tác. Chuyện này rõ ràng là thái độ dũng cảm và đầy trách nhiệm của Văn Giang đối với số đồng chí mình bị oan ức. Đáng khen lắm chứ!
Tôi ngạc nhiên không ngờ anh nắm rất chắc và đánh giá rất đúng về vấn đề Quân khu và hai trung đoàn trong vụ H122 này. Đó là những nhận xét ngắn gọn và rõ ràng mà bấy lâu tôi vẫn chờ đợi từ Quân khu. Những nhận xét của anh về tôi cũng làm tôi thấy vui .
Câu chuyện đến đây thì có đồng chí ở Hiệu bộ ra tìm. Anh vội vã bắt tay tôi rồi hấp tấp bước đi. Tôi ở lại trong tâm trạng thân thương và thoải mái.

Kỷ niệm không quên
Sáng hôm ấy trời mưa lất phất. Ở trung đội tôi liền nổ ra tranh luận: tập hay không tập thể dục?
- Tập chứ! Mưa nhỏ thôi! “Rèn cán” mà!
- Không tập! Mưa nhỏ thì sau 15 phút cũng ướt hết đầu và may ô! Cảm ốm, chả bõ!
- Không tập! “Rèn cán” cái gì chuyện này? Trời mưa muôn năm!
Trung đội trưởng thét to:
- Vệ sinh cá nhân xong chỉnh đốn nội vụ! Cụ Bình sắp kiểm tra bây giờ.
Có tiếng phản ứng nhỏ:
- Làm gì mà “hắc bọ xít” thế! Chăn màn nội vụ của tớ “ke” lắm rồi! Cụ Bình có xuống cũng chỉ có khen tớ thôi!
Nói rồi cậu này lăn đùng ra phần giường rộng hơn 1 mét trên tấm liếp dài suốt từ đầu này đến đầu kia nhà. Nằm ngửa trên giường, cậu ta làm động tác giơ chân giơ tay, miệng hô lớn :
- Một – hai – ba - bốn! Một - hai - ba - bốn! Một - hai  - ba - bốn - năm - sáu - bảy - tám! Một - hai…
Cán bộ trung, cao cấp chúng tôi thủa ấy đều đã tham gia Quân giải phóng trước hoặc sau Tổng khởi nghĩa, đều trải qua mấy năm chiến đấu nhưng tất cả còn rất trẻ. Sống ở đơn vị luôn luôn phải nghiêm túc gương mẫu trước cấp dưới và chiến sỹ. Nay được sống với cương vị học viên “trơn”, giữa bạn bè đồng lứa lâu ngày mới gặp lại, phần nào được tháo cũi sổ lồng thì cũng dễ “thò ra” cái chất tiểu tư sản học sinh nghịch ngợm, tinh quái… Thế là lác đác có anh em hưởng ứng, người thì năm ngửa trên giường, người thì đứng dưới đất làm mấy động tác thể dục hoặc đi đều dọc ngang căn nhà. Có cậu lại ôm cái cột nhà, đứng dẫm chân tại chỗ, mắt lim dim, miệng khoái chí hô: “Một - hai - ba - bốn…!”. Tiếng hô ngày một to, ngày một đều nhịp thống nhất:
- Một - hai  - ba - bốn - năm - sáu - bảy - tám!
Anh em tỏ ra thích thú và hăng hái với cái trò này. Có cậu chạy ra gần cửa, bắc loa tay quanh miệng, hướng về phía nhà Hiệu bộ gào to:
- Động tác thật mạnh! Dứt khoát vào! Một - hai  - ba - bốn - năm - sáu - bảy - tám!
Anh em lại khúc khích với ý đồ trêu Hiệu bộ, trêu cụ Bình.
Chỉ có thế thôi. Ay thế mà sáng hôm ấy, một số đồng chí hai trung đội bên đã có ý kiến hỏi: Sáng nay B1 tập thể dục thống nhất trong nhà hay sao mà om xòm thế?
Trưa hôm ấy, vừa ăn cơm về, đang đi qua sân, có tiếng gọi:
- Mời anh Văn Giang lên Hiệu bộ gặp anh Bình!
Tôi bước lên cái thềm đất, thấy anh Bình đang uống nước cùng hai, ba đồng chí trợ lý. Anh vẫy tôi lại, nói:
- Văn Giang đây rồi! Cứ hỏi anh này là rõ ràng thực hư!
Rồi anh hỏi thẳng tôi:
- Sáng nay trung đội anh có tập thể dục không?
Tôi ngơ ngác và đoán ra ngọn nguồn câu chuyện:
- Thưa anh! Sáng nay mưa, cả ba trung đội đều không tập thể dục ạ.
- Mưa không tập ngoài sân thì rõ rồi nhưng có tập trong nhà không?
- Thưa anh một số anh em tập cá nhân, chứ trung đội không tổ chức ạ!
Anh Bình hỏi hơi có phần gay gắt:
- Không phải tập trung thống nhất sao hò hét to thế?
- Vâng, thưa anh! Anh em tự tập và khoái chí nên một số anh em tự hô đấy ạ.
Cụ Bình lại xoa cằm, gật gật cái đầu:
- Ra thế đấy!... Lại còn thế nữa đấy!
Quay sang mấy trợ lý, cụ cười:
- Hiểu rồi. Anh em tập cá nhân. Thế là tốt! Nhưng mấy ông mãnh hô  to “ý giả” để trên này biết mình có tập. Hoặc có ông mãnh nào chẳng tập cũng hô to lên để trêu Hiệu bộ chứ gì? - Cụ lại gật gật cái đầu - Thế mà có đồng chí xui dại tôi biểu dương trung đội 1.
Quay nhìn mọi người, cụ lại cười tủm tỉm :
- Này, tôi chưa hồ đồ đến mức mắc mưu mấy ông mãnh trẻ đâu nhé!
Anh nhìn tôi với ánh mắt thân quen khi thấy tôi nhấp nhổm định về:
- Ngồi đây tí đã! Văn Giang đã có vợ chưa?
Tôi vui vẻ trả lời cụ:
- Có rồi anh ạ! Vừa cưới vợ được ba ngày thì vác súng lên trường ngay.
- Sao cưới vợ gấp gáp thế ?
Tôi nhìn anh, cười thân mật:
- Thì “quân lệnh như sơn” mà anh! Chính ủy Phạm Ngọc Mậu, hôm ấy chủ hôn tuyên bố cho tôi nghỉ 15 ngày. Nhưng dự đám cưới chúng tôi trở về đơn vị thì anh mới nhận được quyết định của Quân khu gọi tôi đi học lớp này. Anh liền cho người đạp xe mang cả quyết định, ba-lô, súng trường, báo tôi phải lên Soi Mít (địa điểm của trường) ngay. Anh Mậu còn dặn miệng: “Văn Giang cứ yên tâm đi học ngay cho kịp, lớp học tan sẽ cho nghỉ phép tiếp. Trung đoàn không “quỵt” 12 ngày phép còn lại đâu!”.
Mấy người nghe đều cười. Anh Bình cũng cười. Anh nhìn tôi với cặp mắt vừa vui vẻ vừa tinh nghịch hiếm có:
- Ra thế đấy, tôi hiểu rồi! Cứ yên tâm “rèn cán” đi! Tan học sẽ đi nghỉ phép tiếp 12 ngày cho đủ.
Mọi người cùng cười. Tôi cũng bật cười, đứng dậy xin phép trở về trung đội. Vừa đi vừa cười thầm: không ngờ “cụ Bình” hóm hỉnh đáo để!
Lớp học sau hơn hai tháng thì bế mạc. Thiếu tướng Văn Tiến Dũng - Cục trưởng Chính trị cục - cũng lên dự bế mạc và đưa quyết định trên điều tôi về Chính trị cục. Cụ Bình gọi tôi lên gặp anh Văn Tiến Dũng. Cụ vỗ vai tôi:
- Anh Văn Giang có quyết định chuyển công tác về Chính trị cục. Anh Giang về Chính trị cục là đúng, là tốt thôi. - Rồi quay sang anh Văn Tiến Dũng, cụ cười - Anh Dũng này, anh Giang vừa cưới vợ. Chính ủy Phạm Ngọc Mậu đã tuyên bố cho nghỉ  phép 15 ngày, mới nghỉ chưa được ba ngày đã có lệnh đi học. Tôi đề nghị anh cho Văn Giang nghỉ phép tiếp 12 ngày, như anh Mậu đã hứa. Nghỉ hết 12 ngày, anh Giang sẽ có mặt ở Chính trị cục.
Anh Văn Tiến Dũng nhìn tôi bằng ánh mắt thông cảm rồi nói:
- Nhất định rồi, sẽ cho anh Giang nghỉ phép tiếp. Nhưng lúc này công việc đang gấp quá, rất cần anh Văn Giang có mặt ngay. Xin phép anh Bình cho Văn Giang về Cục ngay chiều nay. Xin phép anh Bình! Văn Giang thông cảm nhé!
Cụ Bình nhìn tôi với đôi mắt cảm thông làm lòng tôi nao nao: tôi biết cụ băn khoăn về chuyện của tôi. Tôi bịn rịn đến chào, bắt tay và cám ơn cụ.
Vừa liên hoan trưa xong, ai cũng biết cụ bận rất nhiều việc phải làm nhưng tôi lại thấy cụ lò mò xuống trung đội tìm tôi. Rất xúc động vì tấm lòng, sự quan tâm và thái độ ân cần của cụ. Tôi vui vẻ cười và hứa với cụ:
- Rất cám ơn anh đã rất quan tâm! Nhưng chưa được nghỉ phép tiếp về với vợ mới cưới, chẳng có vấn đề gì lớn đâu, anh ạ! Các anh ngày xưa hy sinh mọi thứ đi làm cách mạng, tù đày, hiểm nguy biết bao nhiêu chứ! Anh cứ yên tâm. Tôi sẽ về Chính trị cục ngay chiều nay và sáng mai sẽ tập trung tâm trí vào công việc mới. Rất cám ơn anh!
Anh bắt tay tôi thật chặt. Suốt đời tôi nhớ mãi cái bắt tay này và đôi mắt chan chứa tình người, tình đồng chí, đồng đội của anh.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thiếu tướng Trần Tử Bình
Tp. Hồ Chí Minh – 2006
   T.V.G
                                                                                    



[1] Cựu học viên Trường Quân Chính Việt Nam 1945.

[2] Thuế là thuế ruộng đất, còn sưu là thuế thân của nam giới từ 18 tuổi trở lên phải nộp.
[3] H122 là tên gián điệp “ảo” do Pháp cố tình “lộ” cho ta biết là đã cài được H122 vào nội bộ quân đội ta. Bị mắc lừa địch, ta đã nghi oan và bắt giam một số cán bộ của đơn vị M21 và B6.
[4] Trần Đăng Ninh là Uỷ viên Trung ương Đảng, rất có uy tín. Mỗi khi có việc quan trọng, anh Ninh lại được phân công vào nghiên cứu, chỉ đạo giải quyết.
[5] Phạm Ngọc Mậu, nguyên Khu phó Quân khu 2, phái viên chính trị Quân khu 1, sau về làm Chính ủy trung đoàn M21.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.