Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Kỷ niệm với chú Lê Quang Đạo



LẦN CUỐI GẶP CHÚ LÊ QUANG ĐẠO VÀ NHỮNG KỶ NIỆM
VỀ CHA MÀ CHÚNG TÔI ĐƯỢC BIẾT 
Trần Kiến Quốc ghi theo lời kể của chú Lê Quang Đạo
Lần cuối gặp chú tại nhà khách T78, TpHCM.
Thấm thoắt thế là đã 3 năm, kể từ ngày chú ra đi! Là lứa đàn em so với cha chúng tôi (*), nhưng chú có quan hệ thân tình và gần gũi với gia đình, chú được anh em chúng tôi rất quý trọng. Tháng 3-1998, khi biết tin chú vào nghỉ tại TPHCM, chúng tôi đã lại thăm và đề nghị chú kể lại những chuyện về cha mà chú biết. Tuy tuổi đã cao, nhưng chú vẫn nhớ những kỉ niệm cách đây đến cả nửa thế kỉ.

“…Chú gặp cha các cháu lần đầu tiên trong hội nghị cán bộ Xứ uỷ  Bắc kì vào đầu 1943 ở chùa An Đà, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Đông do bác Hoàng Quốc Việt - thường vụ Trung ương kiêm bí thư Xứ uỷ - chủ trì. Đây cũng là lần đầu tiên chú gặp bác Văn Tiến Dũng, khi vừa mới vượt ngục ra. Ông trong vai nhà sư, đầu cạo trọc, mồm luôn tụng kinh, dựa vào nhà chùa là cơ sở cách mạng. Năm đó chú mới 21, còn cha cháu đã 35 và lấy tên là Núi – ông già Núi. Đã hơn 55 năm, nhưng chú vẫn nhớ như in hình ảnh cha cháu ngày ấy: một con người lao động, giản dị, trung thực và sống rất tình cảm. 

Chuyện “cặp kính lão” là kỷ niệm chú nhớ mãi! Ngày còn đi học, mắt chú rất kém, ngồi trong lớp trông xa không được, mượn kính cận của bạn bè đeo thử thấy không hợp. Trong lịch sử có những vấn đề chưa được ghi lại một cách chính thức, trong đó có chuyện đi cướp của nhà giàu gây quỹ cho Đảng. Cha cháu là một trong những người làm việc đó. Khi biết địa chỉ nhà giầu, chiều tối, ông tổ chức cho anh em mang theo lưỡng tiết côn, gậy bất ngờ ập vào cướp thóc, tiền. Khi gặp phải sự kháng cự thì đánh, mà đánh không được là rút chạy. Lần đó, không hiểu kiếm đâu được một cặp kính trắng, cha cháu cho bác Việt dùng thử nhưng không hợp. Bác Việt đưa lại cho chú, đeo vào đọc sách thấy rất rõ. Sau này mới biết đó là kính lão. Đeo mãi cho tới khi bị mật thám Pháp truy bắt ở Hà Nội năm 1944, chú chạy mà không kịp mang theo kính, phải bỏ lại nhà cơ sở. Hay đọc sách và viết lách, không có kính dùng, thật là tiếc!
Khoảng giữa năm 1943, cuộc họp Xứ uỷ (có bác Việt, bác Phan Trọng Tuệ và cha cháu) bị nội gián chỉ điểm. Mật thám Pháp vây bắt, nhưng cha cháu và bác Việt trốn được, riêng bác Tuệ bị bắt. Sau đó, bác Tuệ bị đưa đi tù ở Sơn La, Côn Đảo. Gần chục năm sau, tới Đại hội Đảng lần thứ 2 ở Việt Bắc, cha cháu và bác Tuệ mới lại gặp nhau. Bác Tuệ có kể lại: ông trách cha cháu lần đó bị bao vây mà không báo động. Cha cháu cười: ”Tôi đã giật võng báo ông, rồi phải đưa ông Việt chạy ngay”, thì bác Tuệ mới tiếp: ”Tưởng mình nằm mơ, tôi lại trèo lên võng ngủ tiếp. Ai ngờ…”
Trong năm 1943, Xứ uỷ tổ chức lớp bồi dưỡng quân sự, chính trị tại vùng núi Nho Quan (Ninh Bình). Đang đảm nhiệm bí thư Thành uỷ Hà Nội, chú được điều về dự lớp học. Học viên lớp đó có cả chú Vũ Thơ, cô Trần Minh Châu, cô Hà Thị Quế, mẹ cháu… và chương trình học trong 7 ngày. Bác Hoàng Quốc Việt, giảng về nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lê nin, chính sách của Đảng về Mặt trận Việt Minh; còn cha cháu giảng quân sự. Khi tập điều lệnh đội ngũ, ống quần phải buộc túm lại bằng dây chuối, hô đứng nghiêm thì toàn gọi là “Lập chính”, còn khi đi đều “mốt – hai – mốt” thì phải vác gậy gỗ lên vai. (Làm gì có súng thật, toàn dùng gậy gỗ giả súng để tập). Vì đang tuổi thanh niên, khi tập bắn, cứ giơ “súng” lên là chú không nhịn được cười(!) Chú đã bị bác Việt và cha cháu phê bình. Như vậy, ngay từ thời kì hoạt động bí mật, Đảng ta đã có chủ trương đấu tranh vũ trang giành chính quyền. Lớp huấn luyện này cũng là một trong những lớp học đầu tiên được Xứ uỷ tổ chức, bọn chú đã có những khái niệm quân sự sơ khởi, mà sau này đã áp dụng vào thực tế của cuộc đấu tranh cách mạng. 
Ngày 24-12-1943, cha cháu bị mật thám Pháp bắt ở bến phà Tân Đệ (Thái Bình); bị kết án 20 năm tù và đưa đi giam ở nhà tù Nam Định, Ninh Bình và đến tháng 4-1944, bị đưa về Hoả Lò (Hà Nội). Cho tới tháng 3-1945, lợi dụng Nhật hất cẳng Pháp khỏi Đông Dương, đêm 11-3, cha cháu cùng Ban lãnh đạo tù chính trị Hoả Lò tổ chức vượt ngục thành công cho bác Trần Đăng Ninh. Đêm hôm sau, 12-3-1945, cha cháu cùng 80 tù chính trị theo đường cống ngầm vượt ngục Hoả Lò về với cách mạng.
Sau khi ra tù, khoảng tháng 6-1945, cha cháu và chú suýt chết hụt ở Hà Nội! Lần đó, trên đường đi họp Xứ uỷ, khi qua Hà Nội thì trời đổ tối, cha cháu và chú vào một quán cơm cho người lao động và khách vãng lai trước cửa ga Hàng Cỏ. Đêm đó, cha cháu nói: ”Thôi, mai ta chịu khó đi sớm khi trời còn tối đất, đến sáng mới đi, nhỡ máy bay Mỹ ném bom thì cả hai lại chết oan”. Thời kì này, máy bay Mỹ - dưới sắc cờ “đồng minh” – thường ném bom vào các thành phố có quân Nhật đóng. Sớm hôm sau, khi còn chưa rõ mặt người, hai anh em đã khăn gói lên đường. Đi bộ đến Văn Điển (ngày ấy toàn đi bộ, cùng lắm là đi xe đạp mượn), trời sáng bạch mặt thì thấy máy bay Mỹ ném bom Hà Nội. Buổi chiều nghe tin, ga Hà Nội và quán cơm hai anh em nghỉ trọ đêm qua bị trúng bom. Thật may mắn! Với ý thức kỷ luật và với kinh nghiệm hoạt động bí mật của cha cháu, hai anh em đã thoát chết và tiếp tục hoạt động cách mạng cho đến tận bây giờ. Từ sau lần đó, chú không gặp cha cháu cho tới sau Tổng khởi nghĩa …”
Tâm sự với chú Lê Quang Đạo tại Nhà khách T78 hôm đó, chúng tôi như được gặp lại cha mình. Ông mất đi khi chúng tôi còn nhỏ, chưa đủ để hiểu biết về cuộc đời ông. Chúng tôi cũng không thể nào quên ngày cha chúng tôi, rồi mẹ chúng tôi đi xa, chú luôn có mặt để động viên, chia xẻ nỗi buồn và những mất mát. Cứ mỗi lần có khó khăn trong cuộc sống, chúng tôi lại tìm đến chú. Chú như một chỗ dựa tinh thần cho anh em chúng tôi!
Sau lần gặp ấy, hơn một năm sau, ngày 24-7-1999, chú đã ra đi. Những ngày nghe tin chú ốm phải vào Viện Quân y 108 ở Hà Nội, chúng tôi luôn điện ra thăm hỏi và mong chú sớm trở về. Nhưng không ngờ tối 19-3-1998 lại là lần cuối cùng chúng tôi được nói chuyện với chú. Chú ra đi trong sự tiếc thương của gia đình, đồng chí, đồng đội và nhân dân. Chú mất đi, nhưng con người chú, tình cảm của chú sống mãi trong kí ức chúng tôi. Chúng tôi luôn biết ơn chú!
TpHCM, 2002
(*) Đồng chí Trần Tử Bình – nguyên bí thư chi bộ “Phú Riềng Đỏ (1930), Thường vụ Xứ uỷ Bắc kì tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa 19-8-1945 ở Hà Nội và Bắc bộ, Thiếu tướng Quân đội NDVN (1948), uỷ viên TW Đảng khoá 3 (1960), Đại sứ VN tại Trung Quốc (1959-1967).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.